Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét điều chỉnh các bộ môn tích hợp ở cấp THCS (vì chương trình giáo dục phổ thông đang được xây dựng với quan điểm tích hợp cao ở cấp học dưới, phân hóa dần các cấp học trên, theo đó, (1) đối với cấp THCS môn Khoa học tự nhiên được tích hợp từ 3 phân môn Vật lý, Sinh học và Hóa học. (2) Môn Lịch sử và Địa lý được tích hợp từ 2 môn Lịch sử và môn Địa lý. Qua quá trình triển khai, việc dạy tích hợp rất bất cập, đặc biệt là trong kiểm tra, đánh giá xếp loại học sinh, bất cập trong bố trí giáo viên).
Ngày 22/3/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Văn bản số 1293/BGDĐT-VP về việc trả lời kiến nghị cử tri gửi đến sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, cụ thể như sau:
Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã xác định rõ về nội dung đổi mới, trong đó: “Ở cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp; thực hiện tỉnh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lý số môn học”. Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 26/12/2018, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT về Chương trình giáo dục phổ thông (sau đây gọi là Chương trình GDPT 2018) cụ thể hóa các mục tiêu và nội dung của Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội.
Chương trình GDPT 2018 cấp trung học cơ sở có môn Khoa học tự nhiên được tích hợp từ các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học; môn Lịch sử và Địa lý được tích hợp từ các môn Lịch sử, Địa lý nhằm tạo thuận lợi cho việc khai thác các nội dung dạy học cụ thể một cách toàn diện từ nhiều khía cạnh. Chương trình môn Khoa học tự nhiên bao gồm các chủ đề: Chất và sự biến đổi của chất, Vật sống, Năng lượng và sự biến đổi, Trái Đất và bầu trời. Các chủ đề được sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính, có kết hợp ở mức độ nhất định với cấu trúc đồng tâm, đồng thời có một số chủ đề liên môn, tích hợp nhằm hình thành các nguyên lí, quy luật chung của thế giới tự nhiên. Chương trình môn Lịch sử và Địa lý bao gồm phân môn Lịch sử và phân môn Địa lý, mỗi phân môn được thiết kế theo mạch nội dung riêng, trong đó nhiều nội dung dạy học liên quan được bố trí gần nhau để hỗ trợ nhau; nội dung Lịch sử tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung Địa lý và nội dung Địa lý tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung Lịch sử.
Xác định đây là những môn học mới, Bộ GDĐT đã hướng dẫn các nhà trường, tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh đã được Bộ GDĐT hướng dẫn, tập huấn từ nhiều năm qua và điều này tiếp tục được áp dụng khi dạy học theo chương trình mới. Từ chương trình hiện hành, việc khai thác các nội dung bài học tử nhiều khía cạnh theo hướng tích hợp (kiến thức Địa lý trong các bài Lịch sử và ngược lại, kiến thức Hóa học, Sinh học trong các bài Vật lý và ngược lại) đã được triển khai từ nhiều năm qua. Ngoài ra, Bộ GDĐT đã hướng dẫn tại Công văn số 5636/BGDĐT-GDTrH ngày 10/10/2023 và tập huấn tới tất cả các giáo viên dạy 2 môn học này trên toàn quốc. Trong đó, việc phân công giáo viên dạy học môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử Địa lý bảo đảm sự phù hợp về năng lực chuyên môn được đào tạo của giáo viên với nội dung dạy học được phân công như môn Khoa học tự nhiên giáo viên sẽ được phân công theo các mạch nội dung Chất và sự biến đổi của chất, Năng lượng và sự biến đổi, Vật sống, Trái Đất và bầu trời; không bắt buộc một giáo viên khi chưa được chuẩn bị sẵn sàng về năng lực chuyên môn phải dạy cả chương trình môn học; việc phân công giáo viên đã được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn đảm nhận dạy học từ 02 mạch nội dung hoặc toàn bộ chương trình môn học phải thực hiện từng bước, bảo đảm yêu cầu về năng lực chuyên môn của giáo viên để bảo đảm chất lượng dạy học); việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện trong quá trình dạy học; giáo viên dạy học nội dung nào thực hiện việc kiểm tra, đánh giá đối với nội dung đó./.