Ngày 22 tháng 4 năm 2024, UBND tỉnh có Báo cáo số 82/BC-UBND Báo cáo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVIII; theo đó các nội dung kiến nghị của cử tri thành phố Thanh Hóa, được trả lời như sau:
Kiến nghị 1: Cử tri thành phố Thanh Hóa đề nghị tỉnh nghiên cứu ban hành Nghị quyết về chính sách khuyến khích, ưu đãi trong xã hội hóa đầu tư xây dựng và quản lý nghĩa trang Nhân dân nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách; nâng mức bồi thường, hỗ trợ đối với việc di chuyển mồ mả khi thực hiện GPMB các dự án đầu tư nhằm hỗ trợ tối đa về kinh tế cho người phải di chuyển mồ mả.
Trả lời: Ngày 20/4/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 16/2023/QĐ-UBND quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá; trong đó có nội dung nâng mức bồi thường, hỗ trợ đối với việc di chuyển mồ mả. Đối với nội dung đề nghị tỉnh nghiên cứu ban hành Nghị quyết về chính sách khuyến khích, ưu đãi trong xã hội hóa đầu tư xây dựng và quản lý nghĩa trang Nhân dân nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, UBND tỉnh tiếp thu ý kiến của cử tri, giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành, có ý kiến tham mưu đề xuất, báo cáo UBND tỉnh xem xét, trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định.
Kiến nghị 2: Cử tri thành phố Thanh Hóa đề nghị tăng nguồn kinh phí đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy di tích lịch sử văn hóa hợp lý tương xứng.
Trả lời: Trong giai đoạn 2022-2025, căn cứ vào nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn và mức độ xuống cấp của các di tích trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, hằng năm HĐND tỉnh phân bổ từ 50-70 tỷ đồng từ nguồn tăng cường cơ sở vật chất ngành văn hóa để hỗ trợ kinh phí thực hiện bảo quản, tu bổ, tôn tạo và chống xuống cấp di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh theo danh mục được phê duyệt tại Kế hoạch số 201/KH-UBND ngày 18/8/2022 của UBND tỉnh. Do đó, đề nghị UBND Thành phố Thanh Hóa căn cứ vào danh mục các di tích được phê duyệt hỗ trợ, nguồn lực địa phương và các nguyên tắc tiêu chí đầu tư triển khai thực hiện các dự án theo quy định.
Kiến nghị 3: Cử tri thành phố Thanh Hóa đề nghị tỉnh sớm có chỉ đạo về việc xử lý các tài sản công để triển khai thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật các MBQH khu dân cư, tái định cư phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố Thanh Hóa; tổ chức thực hiện Kết luận số 799-KL/TU ngày 04/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phương án sử dụng Khu Trung tâm hội nghị Hàm Rồng, tránh lãng phí và hư hỏng tài sản do không sử dụng trong thời gian dài.
Trả lời: Tại Thông báo số 84/TB-UBND ngày 29/5/2023 về kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại Phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 5 năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, khẩn trương rà soát, hoàn chỉnh phương án di dời các cơ quan, công sở trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, đảm bảo theo Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040. Hiện nay, Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các đồ án quy hoạch phân khu đang được UBND thành phố Thanh Hóa tổ chức lập, trình duyệt theo quy định. Vì vậy, sau khi các đồ án quy hoạch phân khu được phê duyệt, các vị trí đang dự kiến bố trí trụ sở các đơn vị để di chuyển các cơ quan ra khỏi khu vực Hồ Thành, thành phố Thanh Hóa, UBND tỉnh sẽ giao Sở Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao để tham mưu, xử lý tài sản công theo đúng quy định hiện hành.
Kiến nghị 4: Cử tri thành phố Thanh Hóa đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành có liên quan nghiên cứu rà soát các quy hoạch, kịp thời điều chỉnh các quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi.
Trả lời: Hiện nay, UBND thành phố Thanh Hóa đang tổ chức, rà soát lập các quy hoạch phân khu theo định hướng của quy hoạch chung được duyệt, trình UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở rà soát, đánh giá các quy hoạch chi tiết trên địa bàn theo quy định.
Đề nghị UBND thành phố Thanh Hóa tiếp thu ý kiến của cử tri về việc có các quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi để điều chỉnh cho phù hợp; đồng thời khẩn trương tập trung, tổ chức trình thẩm định, phê duyệt Quy hoạch phân khu làm cơ sở rà soát, đánh giá các quy hoạch chi tiết trên địa bàn theo quy định.
Kiến nghị 5: Cử tri thành phố Thanh Hóa đề nghị UBND tỉnh rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với dự án chậm tiến độ.
Trả lời: Theo nhiệm vụ UBND tỉnh giao, hiện nay Sở Tài nguyên và Môi trường đang tổ chức rà soát các dự án chậm tiến độ sử dụng đất, báo cáo UBND tỉnh phương án xử lý đảm bảo theo quy định; đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3113/QĐ-UBND ngày 05/9/2023 về việc thành lập Tổ công tác rà soát các dự án chậm tiến độ sử dụng đất vi phạm pháp luật đất đai của các tổ chức kinh tế trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, với nhiệm vụ “Tổ chức rà soát tiến độ thực hiện dự án của các tổ chức kinh tế đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên địa bàn tỉnh; tham mưu cho UBND tỉnh xử lý các dự án chậm tiến độ sử dụng đất vi phạm quy định của pháp luật đất đai (điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013)”. Vì vậy, sau khi có kết quả rà soát các dự án chậm tiến độ sử dụng đất; trên cơ sở đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường và của Tổ công tác, UBND tỉnh sẽ xem xét chỉ đạo xử lý thu hồi đối với các dự án chậm tiến độ đủ điều kiện thu hồi đất theo quy định của pháp luật đất đai.
Kiến nghị 6: Cử tri thành phố Thanh Hóa đề nghị UBND tỉnh có quy định cụ thể chi tiết hành lang an toàn đường bộ theo cấp đường quy hoạch, các tuyến đường như thế nào thì được cấp phép và không được cấp phép có thời hạn, đồng thời quy định quy mô, thời hạn tồn tại công trình để làm cơ sở cấp phép xây dựng có thời hạn cho hộ, gia đình, cá nhân.
Trả lời: Hiện nay, Chính phủ đã có quy định cụ thể về các nội dung nêu trên, cụ thể: (1) Theo khoản 2 Điều 1 Nghị định 100/2013/NĐ-CP ngày 03/9/2013 của Chính phủ, giới hạn hành lang an toàn đường bộ theo quy hoạch đường bộ được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chia theo cấp đường; (2) khoản 33 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 ngày 17/6/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; (3) Điều 17 Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được ban hành kèm theo Quyết định số 06/2021/QĐ-UBND ngày 20/4/2021 của UBND tỉnh.
Tuy nhiên, cho đến nay Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, các Bộ, ngành liên quan vẫn chưa có quy định cụ thể để xử lý hết những vấn đề tồn tại, bất cập như phản ánh của cử tri (khi nâng cấp kỹ thuật các tuyến đường cao hơn, phạm vi hành lang an toàn đường bộ sẽ được mở rộng dẫn đến các hộ dân nằm trong hành lang theo quy hoạch sẽ không được cơi nới, mở rộng[1]). Trên cơ sở các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại Công văn số 418/BDN ngày 02/11/2021 của Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc Hội; Bộ Giao thông vận tải đã có Công văn số 13578/BGTVT-KCHT ngày 21/12/2021; trong đó, trả lời sẽ tiếp thu ý kiến của cử tri về nội dung này và sẽ nghiên cứu trong quá trình xây dựng Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Giao thông đường bộ sửa đổi trong thời gian tới.
Kiến nghị 7: Cử tri thành phố Thanh Hóa đề nghị sửa đổi một số điều, khoản: Tại Khoản 1, Điều 7 quy định ban hành kèm theo Quyết định số 4463/2014/QĐ-UBND ngày 12/12/2014 được đính chính tại Quyết định số 2072/2015/QĐ-UBND ngày 08/6/2015, sửa đổi thành: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở hoặc đất vườn, ao mà đất đó được hình thành trước thời điểm được công nhận là đô thị (thị trấn, phường) thì áp dụng hạn mức giao đất ở địa bàn nông thôn theo quy định tại Điều 4 và áp dụng hạn mức công nhận đất ở địa bàn nông thôn theo quy định tại Điều 5 Quy định này, cụ thể: Thửa đất được hình thành trước kia là xã đồng bằng thuộc huyện, nay là phường thuộc thị xã, thành phố thì áp dụng hạn mức giao đất ở và hạn mức công nhận đất ở địa bàn xã đồng bằng thuộc huyện; Thửa đất được hình thành trước kia là xã thuộc thị xã, thành phố, nay là phường thuộc thị xã, thành phố thì áp dụng hạn mức giao đất ở và hạn mức công nhận đất ở địa bàn xã thuộc thị xã, thành phố; Thửa đất được hình thành trước kia là thị trấn thuộc huyện đồng bằng, nay là phường thuộc thị xã, thành phố, thì áp dụng hạn mức giao đất ở thị trấn thuộc huyện đồng bằng”.
Trả lời: Luật Đất đai năm 2013 giao cho UBND cấp tỉnh quy định: (1) hạn mức công nhận đất ở cho mỗi hộ gia đình, cá nhân (điểm a khoản 4 Điều 103); (2) hạn mức giao đất ở cho mỗi hộ gia đình, cá nhân làm nhà ở tại nông thôn (khoản 2 Điều 143); (3) hạn mức giao đất ở cho mỗi hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở tại đô thị (khoản 4 Điều 144).
Căn cứ quy định trên, UBND tỉnh đã có Quyết định số 4463/2014/QĐ-UBND ngày 12/12/2014 về việc ban hành quy định về hạn mức giao đất ở; diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở; hạn mức công nhận đất ở và hạn mức giao đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước thuộc nhóm đất chưa sử dụng cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (đính chính tại Quyết định số 2072/2015/QĐ-UBND ngày 08/6/2015); theo đó, có quy định hạn mức công nhận đất ở (tại Điều 5), hạn mức giao đất ở tại nông thôn (tại Điều 4), hạn mức giao đất ở tại đô thị (tại Điều 3) tương ứng với từng vùng trong tỉnh thì hạn mức công nhận đất ở khác với hạn mức giao đất ở. Việc quy định hạn mức diện tích đất để xác định lại diện tích đất ở đối với thửa đất có vườn ao mà đất đó được hình thành trước thời điểm công nhận là đô thị (thị trấn, phường) như hiện nay chỉ áp dụng hạn mức công nhận đất ở là phù hợp với các quy định của pháp luật và trong việc áp dụng thực hiện tại địa phương hơn là xây dựng quy định áp dụng 02 hạn mức (hạn mức giao đất ở và áp dụng hạn mức công nhận đất ở) như đề xuất của cử tri thành phố Thanh Hoá.
Kiến nghị 8: Cử tri thành phố Thanh Hóa đề nghị sửa đổi, một số điều, khoản: Tại Khoản 2, Điều 1 Quyết định số 4655/2017/QĐ-UBND ngày 04/12/2017, sửa đổi thành: “2. Đối với trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 Luật đất đai năm 2013 và Điều 18 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ nhưng có tên trong sổ mục kê hoặc sổ đăng ký ruộng đất theo Chỉ thị 299/TTg ngày 10/11/1980 của Thủ tướng Chính phủ, hoặc có trên Bản đồ lập theo Chỉ thị 299/TTg ngày 10/11/1980 nhưng đo bao, hoặc những nơi (xã, phường, thị trấn) chưa có Mục kê và Bản đồ lập theo Chỉ thị 299/TTg ngày 10/11/1980, hoặc có các tài liệu chứng cứ khác chứng minh nguồn gốc sử dụng đất ổn định từ trước ngày 15/10/1993 thì diện tích đất ở được xác định như sau:
b) Trường hợp đã sử dụng đất ổn định từ trước ngày 18/12/1980 thì diện tích đất ở được công nhận không phải nộp tiền sử dụng đất bằng diện tích thực tế của thửa đất đối với trường hợp diện tích thửa đất nhỏ hơn 05 lần hạn mức giao đất ở, bằng 05 lần hạn mức giao đất ở đối với trường hợp diện tích thửa đất lớn hơn 05 lần hạn mức giao đất ở quy định tại khoản 1, Điều 3, khoản 1, Điều 4 của quy định này. Phần diện tích đất còn lại sau khi đã xác định diện tích đất ở hiện đang là vườn, ao mà người sử dụng đất đề nghị được công nhận là đất ở hoặc đất phi nông nghiệp khác thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo mục đích đó và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật”.
Trả lời: Tại điểm b khoản 2 Điều 1 Quyết định số 4655/2017/QĐ-UBND ngày 04/12/2017 quy định: “Trường hợp đã sử dụng đất ổn định từ trước ngày 18/12/1980 thì diện tích đất ở được xác định theo thực tế đang sử dụng, nhưng không quá 05 lần hạn mức giao đất ở quy định…” là phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 103 Luật Đất đai[2].
Nội dung cử tri thành phố đề nghị sửa đổi (phần diện tích đất còn lại sau khi đã xác định diện tích đất ở hiện đang là vườn, ao mà người sử dụng đất đề nghị được công nhận là đất ở hoặc đất phi nông nghiệp khác thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo mục đích đó và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật) là không phù hợp với quy định tại khoản 6 Điều 103 Luật Đất đai[3]. Việc cho phép chuyển mục đích sang sử dụng vào mục đích đất ở phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất (Điều 6 Luật Đất đai), phù hợp với kế hoạch sử dụng đất (khoản 1 Điều 52 Luật Đất đai).
Kiến nghị 9: Cử tri thành phố Thanh Hóa đề nghị UBND tỉnh có hướng dẫn trong việc áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định kèm theo Quyết định số 16/2023/QĐ-UBND ngày 20/4/2023: Tại Khoản 2, Điều 24, quy định “2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có nhà ở khi Nhà nước thu hồi đất, không còn chỗ ở khác, trong thời gian chờ tạo lập lại chỗ ở mới, thì được hỗ trợ tiền thuê nhà ở…” đề nghị UBND tỉnh sửa đổi nội dung trên thành “2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có nhà ở khi Nhà nước thu hồi đất, không còn chỗ ở khác trên địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi, trong thời gian chờ tạo lập lại chỗ ở mới, thì được hỗ trợ tiền thuê nhà ở…”
Trả lời: Theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 6 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thì áp dụng và xác định “Trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có nhà ở khi Nhà nước thu hồi đất, không còn chỗ ở khác, trong thời gian chờ tạo lập chỗ ở mới, thì được hỗ trợ tiền thuê nhà ở…”.
Việc xác định không còn chỗ ở khác tại khoản 2 Điều 24 Quyết định số 16/2023/QĐ-UBND ngày 20/4/2023 của UBND tỉnh là trong phạm vi xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi.
Kiến nghị 10: Cử tri thành phố Thanh Hóa nêu: Tại khoản 1 Điều 28, Quyết định số 16/2023/QĐ-UBND ngày 20/4/2023 quy định: “1. Lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm (sau đây gọi là kế hoạch thu hồi đất). Căn cứ kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện, kế hoạch giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hàng năm được phê duyệt: a) Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa có trách nhiệm lập kế hoạch thu hồi đất đối với các dự án do Trung tâm thực hiện, UBND cấp huyện có trách nhiệm lập kế hoạch thu hồi đất đối với các dự án thuộc thẩm quyền thu hồi đất của UBND tỉnh trên địa bàn, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt”. Căn cứ quy định tại Điều 69 Luật Đất đai năm 2013, đối với dự án thuộc thẩm quyền thu hồi đất của UBND tỉnh thì UBND tỉnh ban hành thông báo thu hồi đất và căn cứ quy định tại Điều 17 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ thì trong thông báo thu hồi đất có bao gồm nội dung Kế hoạch điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, đề nghị UBND tỉnh sửa đổi nội dung trên theo hướng: “Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa có trách nhiệm lập kế hoạch thu hồi đất điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm đối với các dự án thuộc thẩm quyền thu hồi đất của UBND tỉnh gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt. Đối với dự án do Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư mà thẩm quyền thu hồi đất là UBND cấp huyện thì Trung tâm lập kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm gửi phòng Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình UBND cấp huyện phê duyệt”.
Trả lời: Theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật đất đai năm 2013 và Quyết định số 4527/QĐ-UBND ngày 17/12/2014, thì UBND cấp tỉnh có thẩm quyền thu hồi đất đối với dự án mà toàn bộ diện tích đất thực hiện dự án là đất do tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài đối tượng nêu tại khoản 1 Điều 66 thì thuộc thẩm quyền thu hồi đất của UBND cấp huyện. Theo quy định của điểm a mục 1.1 khoản 1 Điều 28 Quyết định số 16/2023/QĐ-UBND (nêu trên), thì Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa có trách nhiệm lập kế hoạch thu hồi đất đối với dự án do Trung tâm thực hiện, UBND huyện có trách nhiệm lập kế hoạch thu hồi đất đối với các dự án do UBND huyện thực hiện, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt đối với các dự án thuộc thẩm quyền thu hồi đất của UBND tỉnh. Các trường hợp ngoài điểm a (tức là không thuộc thẩm quyền thu hồi đất của UBND cấp tỉnh mà thuộc thẩm quyền thu hồi đất của UBND cấp huyện) thì Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm định, trình UBND cấp huyện phê duyệt.
Về điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 16/2023/QĐ-UBND ngày 20/4/2023 của UBND tỉnh: Là văn bản quy phạm pháp luật; việc điều chỉnh, bổ sung phải tuân thủ trình tự các bước theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Ngày 05/4/2024, UBND tỉnh có Quyết định số 1342/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai số 31/2024/QH15 trên địa bàn tỉnh và giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND cấp huyện tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh được quy định trong Luật Đất đai số 31/2024/QH15. Các kiến nghị của UBND thành phố Thanh Hoá (như trên) và của các đơn vị khác, UBND tỉnh sẽ giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp thu tối đa khi xây dựng Quy định mới thay thế cho Quyết định số 16/2023/QĐ-UBND ngày 20/4/2023.
Kiến nghị 11: Cử tri thành phố Thanh Hóa: Tại điểm a, b khoản 1 Điều 6 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ có nêu “phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định của UBND cấp tỉnh”. Đề nghị UBND tỉnh có hướng dẫn, quy định cụ thể, tránh dẫn đến cách hiểu và vận dụng khác nhau trong công tác bồi thường bằng đất ở.
Trả lời: Ngày 12/7/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 6245/STNMT-CSĐĐ về việc xác định trường hợp phần diện tích đất ở còn lại đủ điều kiện để ở sau khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án Khu đô thị mới thuộc dự án số 4, Khu đô thị mới trung tâm thành phố Thanh Hóa (văn bản đã gửi UBND thành phố Thanh Hóa).
Đề nghị UBND thành phố Thanh Hóa nghiên cứu Công văn số 6245/STNMT-CSĐĐ ngày 12/7/2023 của Sở Tài nguyên và Môi trường để áp dụng thực hiện; đồng thời, thông tin, trả lời kiến nghị của cử tri theo quy định.
Kiến nghị 12: Cử tri thành phố Thanh Hóa đề nghị có văn bản hướng dẫn chung cho toàn tỉnh thực hiện việc hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp (Thực hiện theo Nghị quyết 05/2022/NQ-HĐND ngày 11/12/2022 của HĐND tỉnh) do các cơ sở mầm non độc lập tư thục không có con dấu, tài khoản nên theo nguyên tắc tài chính, Kho bạc nhà nước không chi trả hỗ trợ.
Trả lời: Ngày 16/01/2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 239/QĐ-UBND về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện, tỉnh Thanh Hóa; ngày 24/02/2023, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 194/QĐ-SGDĐT quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực Giáo dục và đào tạo thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện, tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, quy định cụ thể thủ tục hỗ trợ kinh phí đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp (Mã số TTHC: 1.011458). Đề nghị UBND thành phố nghiên cứu, trả lời cho cử tri theo quy định.
Việc Kho bạc nhà nước không chi trả chế độ theo phản ánh của cử tri thành phố Thanh Hóa là không có cơ sở; do trong trường hợp cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục không có con dấu, tài khoản thì trên cơ sở văn bản đề nghị cấp kinh phí của cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục có xác nhận của chính quyền địa phương (UBND xã, phường) gửi về UBND cấp huyện (qua Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện hoặc Văn phòng HĐND - UBND huyện đối với những huyện Phòng Giáo dục và Đào tạo không có tài khoản dự toán); Kho bạc nhà nước thực hiện thanh toán cho đơn vị theo quy định. Theo báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố, đến ngày 31/12/2023 các cơ sở đã nhận đủ kinh phí theo quy định.
Kiến nghị 13: Cử tri thành phố Thanh Hóa đề nghị các cấp có thẩm quyền cho phép thành lập các tổ dân phố mới tại các khu chung cư, khu đô thị mới có đủ điều kiện để thực hiện điều hành, quản lý được thuận tiện, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.
Trả lời: Hiện nay, chủ trương của Tỉnh đang khuyến khích việc sáp nhập thôn, tổ dân phố để thành lập thôn mới, tổ dân phố mới nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã và nâng cao hiệu quả đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của thôn, tổ dân phố; “Không thực hiện chia tách các thôn, tổ dân phố đang hoạt động ổn định; thực hiện sáp nhập các thôn, tổ dân phố phù hợp với điều kiện, đặc điểm từng địa phương”; “Trường hợp do quy hoạch giải phóng mặt bằng, quy hoạch giãn dân, do di dân ở miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa hoặc nơi có địa hình bị chia cắt phức tạp, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn thì điều kiện thành lập thôn, tổ dân phố mới có thể thấp hơn quy định. Trong trường hợp cộng đồng dân cư mới hình thành không đủ điều kiện thành lập thôn mới, tổ dân phố mới thì ghép vào thôn, tổ dân phố liền kề”[4]. Do đó, đề nghị UBND thành phố Thanh Hóa căn cứ tình hình thực tế tại những khu dân cư mới để đề nghị, trình cấp có thẩm quyền cho thành lập tổ dân phố mới hoặc ghép vào những thôn, tổ dân phố liền kề nhằm tạo sự ổn định, phù hợp với tình hình hiện nay.
Kiến nghị 14: Cử tri thành phố Thanh Hóa đề nghị nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp học của 02 trường THPT Nguyễn Trãi và Tô Hiến Thành
Trả lời: Việc cử tri đề xuất nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp học của 02 trường THPT Nguyễn Trãi và Tô Hiến Thành là phù hợp và cần thiết, đáp ứng yêu cầu dạy và học của địa phương. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị quyết số 176/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh về việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi; tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách địa phương giai đoạn 2022-2025 tỉnh Thanh Hóa thì việc nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp học này thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp huyện, cấp xã[5]. Mặt khác, Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 do tỉnh quản lý, Kế hoạch đầu tư công năm 2024 đã được HĐND tỉnh thông qua và UBND tỉnh đã phân bổ chi tiết cho các chương trình, dự án nên không còn nguồn vốn để bố trí cho các dự án trên. Do đó, đề nghị UBND thành phố rà soát, lựa chọn những công trình thực sự cấp bách để chủ động cân đối ngân sách địa phương hoặc huy động nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư. Căn cứ kết quả thu ngân sách hằng năm và khả năng cân đôi với các nhiệm vụ chi, UBND tỉnh sẽ xem xét, hỗ trợ vốn đầu tư khi có điều kiện về nguồn vốn. Trong khi các trường học nêu trên chưa được đầu tư xây dựng, đề nghị các địa phương tăng cường công tác duy tu, sửa chữa các phòng học của trường từ nguồn vốn sự nghiệp giáo dục đã được giao để đảm bảo cho việc dạy và học của các trường.
[1] Khoản 3 Điều 29 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT của Bộ GTVT.
[2]“…Trường hợp trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật này chưa xác định rõ diện tích đất ở thì diện tích đất ở được công nhận không phải nộp tiền sử dụng đất được xác định bằng không quá 05 lần hạn mức giao đất ở quy định…”.
[3] “6. Phần diện tích đất vườn, ao còn lại sau khi đã xác định diện tích đất ở theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 của Điều này thì được xác định sử dụng vào mục đích hiện trạng đang sử dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 10 của Luật này”
[4] Quy định tại khoản 3,4 Điều 1 Thông tư số 14/2018/TT-BNV ngày 03/12/2018 của Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố.
[5] Ngày 05/02/2024, HĐND huyện Vĩnh Lộc đã ban hành Nghị quyết số 243/NQ-HĐND về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà lớp học 2 tầng 14 phòng học Trường Tiểu học Vĩnh Yên, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá, với tổng mức đầu tư 12,5 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án 2024 - 2025. Trường trung học cơ sở Vĩnh Yên đã được HĐND huyện Vĩnh Lộc phê duyệt trong kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 (lần 9) tại Nghị quyết 200/NQ-HĐND ngày 22/12/2023.