Cử tri đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có các giải pháp về hồ sơ, thủ tục hành chính của các đối tượng chính sách, người có công đăng ký quá lâu, qua hệ thống nên gặp khó khăn cho giải quyết chế độ cho các đối tượng hưởng chính sách xã hội. Việc giải quyết chế độ cho người có công qua hồ sơ lưu thường không chính xác, so với thực tế, cần mở rộng thêm phần mềm theo dõi các đổi tượng này. Chế độ chính sách xã hội, khuyết tật trong độ tuổi lao động phải xem xét thực tế, chính sách giảm nghèo cần kịp thời, nhanh hơn trong thời gian tới. Các vùng nghèo, khó khăn để được hỗ trợ kinh phí cần có hướng dẫn cụ thể cho địa phương, cơ sở để thực hiện.

Ngày 21/3/2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Văn bản số 1161/LĐTBXH-VP về việc trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Thanh Hóa, cụ thể như sau:

1. Về kiến nghị có phần mềm theo dõi hồ sơ người có công với cách mạng

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xin tiếp thu, nghiên cứu và xây dựng cơ sở dữ liệu, phần mềm phù hợp, góp phần hỗ trợ các địa phương trong việc giải quyết chế độ người có công với cách mạng trên môi trường điện tử.

2. Về kiến nghị chế độ, chính sách đối với người khuyết tật trong độ tuổi lao động

Theo quy định của Luật Người khuyết tật, Nhà nước bảo đảm để người khuyết tật được tư vấn học nghề miễn phí, lựa chọn và học nghề theo khả năng, năng lực bình đẳng như những người khác; tạo điều kiện để người khuyết tật phục hồi chức năng lao động, được tư vấn việc làm miễn phí, có việc làm và làm việc phù hợp với sức khỏe và đặc điểm của người khuyết tật; người khuyết tật tự tạo việc làm hoặc hộ gia đình tạo việc làm cho người khuyết tật được vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất kinh doanh, được hướng dẫn về sản xuất, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm theo quy định của Chính phủ.

Theo quy định của Luật Việc làm, người lao động là người khuyết tật, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm với mức lãi suất thấp hơn.

Luật Giáo dục nghề nghiệp cũng quy định Nhà nước hỗ trợ người khuyết tật nhằm tạo cơ hội cho họ được học tập để tìm việc làm, tự tạo việc làm, lập thân, lập nghiệp, thực hiện bình đẳng giới trong giáo dục nghề nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các chương trình có chính sách dạy nghề, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, cụ thể:

- Quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 05/8/2020 phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030, trong đó có chính sách trợ giúp giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, phần đấu đến năm 2030 có 300.000 người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, 100% người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định.

- Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, trong đó quy định người khuyết tật không có sinh kế ổn định được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm; hỗ trợ sinh kế và phát triển sản xuất.

- Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trong đó ưu tiên hỗ trợ các hộ thuộc đối tượng chính sách xã hội bao gồm người khuyết tật trên địa bản các xã khó khăn nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sản xuất và sinh hoạt của người dân.

3. Về kiến nghị hướng dẫn cụ thể địa bàn vùng nghèo, vùng khó khăn trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

Nhóm địa bàn “vùng nghèo, vùng khó khăn" trong thực hiện Tiểu dự án 1 Dự án 4 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được quy định như sau:

Tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định phạm vi thực hiện của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là cả nước, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Do vậy, để triển khai Tiểu dự án 1 Dự án 4, đề nghị các địa phương thực hiện tại các địa bàn theo đúng các nội dung hỗ trợ của Tiểu dự án: (i) Về cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo; (ii) Xây dựng các chuẩn về giáo dục nghề nghiệp (gồm: tiêu chuẩn kỹ năng nghề; định mức kinh tế - kỹ thuật; quy định kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau tốt nghiệp; danh mục thiết bị đào tạo tối thiểu; tiêu chuẩn cơ sở vật chất trong thực hành, thực nghiệm và thí nghiệm; giá tối đa dịch vụ giáo dục nghề nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước); phát triển hệ thống đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia và hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp; phát triển chương trình, học liệu; phát triển nhà giáo và cán bộ quản lý phù hợp với đối tượng, trình độ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo; (iii) Khảo sát, thống kê, dự báo nhu cầu học nghề; truyền thông, hướng nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp và tạo việc làm trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo; (iv) Phát triển mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo; (v) Đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp.

Nội dung này, Bộ Tài chính đã hướng dẫn tại Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Công văn số 4114/LĐTBXH-VPQGGN ngày 29/9/2023 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (văn bản kèm theo)./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục

 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    370 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.332.702
    Trong năm: 986.128
    Trong tháng: 92.077
    Trong tuần: 25.147
    Trong ngày: 798
    Online: 36