Ngày 24 tháng 9 năm 2024, UBND tỉnh có Báo cáo số 224/BC-UBND Báo cáo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh khóa XVIII; theo đó các nội dung kiến nghị của cử tri huyện Yên Định, được trả lời như sau:
Kiến nghị 1: Cử tri huyện Yên Định phản ánh: Hiện nay, các cấp học phổ thông trên địa bàn huyện nói riêng, tỉnh Thanh Hóa và cả nước nói chung phụ huynh phải đóng tiền để duy trì sự kết nối giữa phụ huynh với nhà trường. Các khoản thu này được gọi là “Sổ liên lạc điện tử”. Được các trường học thu với các mức giá khác nhau, từ 70.000đ- 90.000đ/ năm học. Tuy nhiên thực tế hiện nay, ứng dụng thông tin giữa nhà trường và phụ huynh thông qua “Sổ liên lạc điện tử” không còn phù hợp. Cử tri đề nghị tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục & Đào tạo và Sở Thông tin, truyền thông có giải pháp để giải quyết vấn đề nêu trên, tránh gây lãng phí, thất thoát các khoản đóng góp của Nhân dân.
Trả lời:
Phí duy trì “Sổ liên lạc điện tử” được quy định tại Nghị quyết số 286/2022/NQ-HĐND ngày 13/7/2022 của HĐND tỉnh về quy định mức thu tối đa các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là 50.000 đồng/học sinh/năm học. Các cơ sở giáo dục tổ chức thu phải đảm bảo các điều kiện: dự toán chi tiết các khoản thu, chi; công khai với cha mẹ học sinh để thống nhất mục đích thu, chi; chỉ thu khi người nộp tự nguyện; sau khi thực hiện khoản thu phải quyết toán, đảm bảo dân chủ, tự nguyện, công khai theo quy định. Do thời gian vừa qua trùng kỳ nghỉ hè, nên trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện (trong đó có huyện Yên Định) và các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh và trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri theo thẩm quyền.
Kiến nghị 2: Cử tri huyện Yên Định phản ánh: UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt mua sắm đồ dùng dạy học cho các khối lớp 3, 4, và lớp 7,8, theo chương trình sách giáo khoa mới. Tuy nhiên hiện nay các nhà trường vẫn chưa nhận được đồ dùng dạy học. Đề nghị tỉnh quan tâm tháo gỡ, sớm cung cấp đồ dùng dạy học để tránh tình trạng dạy chay, học chay.
Trả lời:
UBND tỉnh đã giao Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu mua sắm trang thiết bị cho các lớp 3, 4, 7, 8, 10 và 11. Tuy nhiên, do Luật Đấu thầu được sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2024, nên việc mua sắm chậm tiến độ so Kế hoạch đề ra. Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành thực hiện việc tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho các gói thiết bị của các khối lớp 3, 7, 10 và phê duyệt kế hoạch mua sắm và danh mục thiết bị đối với lớp 4, 8, 11 theo quy định.
Kiến nghị 3: Cử tri huyện Yên Định kiến nghị UBND tỉnh đầu tư và nâng cấp cây Cầu Hạ Mã thuộc tuyến đường tỉnh lộ 516C và nâng cấp tuyến đường 518C (đoạn qua đập tràn Cao Khánh) để đảm bảo cho người và phương tiện khi tham gia giao thông
Trả lời:
- Về kiến nghị đầu tư nâng cấp cầu Hạ Mã: Vị trí cử tri đề nghị đầu tư công trình là cống Hạ Mã tại Km7+150/ĐT.516D; hiện trạng là cống hộp đôi, tường mố bằng đá hộc xây, mặt cống bị hư hỏng, chưa đáp ứng nhu cầu khai thác, do đó việc cử tri kiến nghị đầu tư, nâng cấp là phù hợp. Hiện nay, UBND tỉnh đã có Quyết định số 3304/QĐ-UBND ngày 05/8/2024 phê duyệt điều chỉnh dự toán kinh phí sửa chữa thường xuyên và bổ sung danh mục công trình sửa chữa đột xuất, sửa chữa định kỳ thuộc kế hoạch bảo trì đường bộ năm 2024; trong đó, bổ sung công trình sửa chữa cống Hà Mã tại Km7+150/ĐT.516D với tổng mức đầu tư khoảng 1,2 tỷ đồng vào kế hoạch bảo trì đường bộ để triển khai thực hiện (dự kiến hoàn thành công trình trong năm 2024). Sau khi công trình hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân.
- Về kiến nghị nâng cấp tuyến ĐT.518C (đoạn qua tràn Cao Khánh): Vị trí cử tri đề nghị đầu tư thuộc lý trình khoảng Km10+900 - Km11+170 trên ĐT.518 do Sở Giao thông vận tải quản lý, bảo trì; hiện trạng tuyến có chiều rộng nền đường Bn=6,5m, chiều rộng mặt đường Bm=5,5m, mặt đường láng nhựa, do yếu tố lịch sử để lại chiều rộng mặt đường nhỏ hẹp, cùng với tốc độ gia tăng phương tiện vận tải ngày càng nhanh và điều kiện thời tiết khắc nghiệt đã làm ảnh hưởng đến chất lượng khai thác của tuyến đường. Để đảm bảo khả năng khai thác và an toàn giao thông, hằng năm, Sở Giao thông vận tải đã tăng cường công tác bảo trì, kịp thời sửa chữa các hư hỏng trên tuyến; tuy nhiên, do nguồn vốn giao thực hiện công tác bảo trì còn hạn chế nên chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư nâng cấp, sửa chữa tuyến đường. Hiện nay, Sở Giao thông vận tải đang rà soát các hư hỏng phát sinh trên tuyến để báo cáo UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí thực hiện sửa chữa trong kế hoạch năm 2025 và các năm tiếp theo, đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân.
Kiến nghị 4: Cử tri huyện Yên Định kiến nghị UBND tỉnh đầu tư, nâng cấp tuyến đề sông Cầu Chày từ thôn Bái Ân 1 đến thôn Tường Vân (xã Định Thành) để đảm bảo trong mùa mưa bão.
Đoạn đê sông Cầu Chày từ thôn Bái Ân 1 đến thôn Tường Vân, xã Định Thành theo phản ánh của cử tri thực tế là đoạn đê tả sông Cầu Chày từ K34 - K35, xã Định Thành, huyện Yên Định. Hiện trạng mặt đê bị hư hỏng nặng, mặt đê bê tông bị nứt vỡ, ảnh hưởng đến giao thông qua lại của nhân dân và công tác phòng chống thiên tai tại địa phương. Để đảm bảo an toàn cho tuyến đê, trước mắt đề nghị UBND huyện Yên Định chỉ đạo UBND xã Định Thành và đơn vị liên quan của huyện kiểm tra, rà soát hiện trạng hư hỏng mặt đê, lắp đặt các biển cảnh báo nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông tại khu vực trên, nghiêm cấm các phương tiện tham gia giao thông có tải trọng vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê, chủ động nguồn kinh phí của huyện để khắc phục, sửa chữa các hư hỏng nhỏ; đồng thời, có phương án phòng chống thiên tai và chuẩn bị các điều kiện về vật tư, nhân lực, phương tiện... đảm bảo an toàn công trình đê điều trong mùa mưa lũ. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND huyện Yên Định báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ nguồn kinh phí để khắc phục, sửa chữa các hư hỏng mặt đê nêu trên; góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân trên địa bàn.