Sáng 23/10/2024, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.
Tại phiên thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có ý kiến phát biểu của đại biểu Lê Thanh Hoàn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đại biểu Lê Thanh Hoàn.
ĐBQH Lê Thanh Hoàn phát biểu tại phiên thảo luận
Kính thưa Chủ tọa phiên họp,
Kính thưa Quốc hội,
Về cơ bản, tôi tán thành nhiều nội dung dự thảo luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo, tôi có ý kiến về 3 nội dung sau:
Thứ nhất, về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng. Theo quy định tại Điều 31 Hiến pháp năm 2013 thì người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án. Do đó, nêu giao thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng cho cơ quan điều tra Viện kiểm sát là chưa thực sự phù hợp với nguyên tắc của Hiến pháp. Đặc biệt, trường hợp người chưa thành niên đã bị buộc tội, vì theo khoản 2 Điều 31 Hiến pháp thì người bị buộc tội phải được tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định công bằng, công khai.
Theo dự thảo luật, người chưa thành niên là bị can, bị cáo thuộc một trong các trường hợp nêu tại Điều 38 nếu không thuộc trường hợp miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự thì có thể áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng. Xin nhấn mạnh, nếu không thuộc trường hợp miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự mới được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng. Điều này hoàn toàn khác so với chính sách hình sự của Bộ luật Hình sự hiện hành. Bộ luật Hình sự năm 2015 tại Điều 29, Điều 91, Điều 92 áp dụng với người dưới 18 tuổi phạm tội có quy định nếu họ có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả thì cơ quan Viện kiểm sát hoặc tòa án quyết định miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp khiển trách, hòa giải cộng đồng hoặc biện pháp áp dụng giáo dục tại xã, phường, thị trấn với điều kiện người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ đồng ý với việc áp dụng một trong những biện pháp này.
Chính sách này Bộ luật Hình sự năm 2015 phù hợp với điều 31 Hiến pháp khi cho phép cơ quan điều tra Viện kiểm sát áp dụng miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp chính sách hòa giải tại cộng đồng hoặc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên. Còn nếu không thuộc trường hợp với trách nhiệm hình sự, mọi trường hợp về nguyên tắc phải đưa ra xét xử đều được quy định trong Bộ luật Hình sự và theo quyết định của tòa án. Trên thế giới, các quốc gia quy định về các cơ quan có thẩm quyền quyết định các biện pháp chuyển hướng tùy theo hệ thống pháp luật của quốc gia. Một số nước cho phép cả cảnh sát, cơ quan công tố và tòa án; một số nước chỉ giao thẩm quyền cho công tố hoặc tòa án; một số nước thì chỉ giao cho tòa án. Chúng ta cần phải xét đến bối cảnh là ở trong hiến pháp ở các nước đó có quy định như thế nào. Như vậy, để có thể thực hiện quy tắc Bắc Kinh năm 1985 với nội dung là bất cứ khi nào thích hợp phải xem xét việc xử lý người chưa thành niên phạm tội mà không cần phải đưa ra xét xử chính thức thì cần phải kế thừa chính sách hình sự hiện hành, bổ sung Điều 29 của Bộ luật Hình sự về căn cứ miễn trách nhiệm hình sự để làm tiền đề cho làm biện pháp xử lý chuyển hướng, bởi điều ước quốc tế không thể có hiệu lực cao hơn Hiến pháp, theo quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016. Trường hợp không quy định về miễn trách nhiệm hình sự để có thể xử lý chuyển hướng thì chỉ giao thẩm quyền chuyển hướng trong một cơ quan duy nhất đó là tòa án. Trường hợp không thỏa thuận được việc bồi thường thiệt hại thì phải do Tòa án quyết định.
Thứ hai, về điều kiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng. Để áp dụng xử lý chuyển hướng tại Điều 40 dự thảo luật có quy định điều kiện người chưa thành niên phải thừa nhận mình đã thực hiện hành vi phạm tội và đồng ý bằng văn bản về việc xử lý chuyển hướng. Mặc dù người chưa thành niên có thể phụ thuộc vào lời khuyên của cha mẹ hay người giám hộ hoặc đại diện hợp pháp nhưng quyết định cuối cùng nhận tội hoặc không nhận tội vẫn phải phụ thuộc vào chính người chưa thành niên. Đây là quan ngại của nhiều học giả, bởi lẽ người chưa thành niên chưa được coi là đủ có quyền tự chủ để quyết định, kể cả như việc hút thuốc lá, uống rượu bia hay không có quyền quyết định bỏ phiếu cho ai trong một cuộc bầu cử. Vì đơn giản pháp luật không cho phép họ làm như vậy, trong khi họ lại bị áp lực phải quyết định thừa nhận hành vi phạm tội mà chưa thực sự đủ nhận thức để biết thế nào là hành vi phạm tội. Điều này phù hợp với cách tiếp cận là người chưa thành niên, là người chưa có đầy đủ về năng lực hành vi dân sự. Do đó, cần bổ sung quy trình, thủ tục để đảm bảo rằng các quyết định thừa nhận hành vi phạm tội được người chưa thành niên đưa ra một cách tự nguyện, rõ ràng, không bị ép buộc. Ví dụ như được trợ giúp pháp lý, được gặp luật sư, người bào chữa trước khi người chưa thành niên nhận tội. Ngoài ra, việc áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng cũng cần phải có sự đồng ý của người chưa thành niên phạm tội là chưa hợp lý, đề nghị cân nhắc để bỏ quy định này cũng như cần làm rõ biện pháp thay đổi xử lý chuyển hướng theo Điều 85 có cần đồng ý của người chưa thành niên hay không, vì nếu áp dụng Điều 40 các cơ quan sẽ không thực hiện được.
Thứ ba, về việc thay đổi biện pháp xử lý chuyển hướng theo Điều 82. Theo đó, người được áp dụng một trong các biện pháp xử lý ngoài cộng đồng có thể thay đổi sang biện pháp xử lý ngoài cộng đồng khác hoặc áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng nếu xét thấy cần thiết. Tuy nhiên, tại Điều 36 không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng nếu tại thời điểm xem xét người phạm tội đã đủ 18 tuổi. Do đó, đề nghị rà soát và xem xét lại nội dung này, nếu không chúng ta sẽ không xử lý được trong trường hợp người chưa thành niên từ đủ 18 tuổi trở lên. Trường hợp này cần bổ sung quy định nếu người chưa thành niên vi phạm nghĩa vụ của biện pháp xử lý chuyển hướng khi đã từ đủ 18 tuổi trở lên thì cần phục hồi vụ án và áp dụng thủ tục tố tụng chính thức theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Đây cũng là quy định tại Điều 20 luật mẫu về tư pháp vị thành niên năm 2013 của Liên Hợp quốc. Đó là trường hợp trẻ em vi phạm điều kiện kèm theo biện pháp xử lý chuyển hướng cơ quan có thẩm quyền có thể quyết định tiếp tục thủ tục tố tụng tư pháp chính thức đối với trẻ em. Khi tuyên án cần đến phần biện pháp chuyển hướng mà trẻ em đã thực hiện. Việc thừa nhận trách nhiệm về hành vi phạm tội của bị cáo bị cáo buộc nhằm mục đích áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng sẽ không được sử dụng để chống lại trẻ em tại tòa án.
Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.