Sáng 18/6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội Thảo luận ở hội trường về: dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung phiên họp.
Tại phiên thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có ý kiến phát biểu của đại biểu Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đại biểu Mai Văn Hải.
Kính thưa Chủ tọa phiên họp,
Kính thưa Quốc hội,
Trước hết, tôi cơ bản thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Công đoàn, đã có đầy đủ về cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn thực hiện luật năm 2012. Qua hơn 10 năm thực hiện luật đã góp phần làm cho vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn ngày càng được nâng lên, chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động ngày càng có hiệu quả. Song, cũng còn một số vướng mắc, bất cập từ thực tiễn cần phải sửa để đáp ứng yêu cầu hoạt động của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới và hội nhập quốc tế. Để góp phần hoàn thiện dự án luật, tôi xin có một số ý kiến như sau:
Vấn đề thứ nhất, tại Điều 5 về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động của tổ chức Công đoàn. Điều này có 2 phương án, nếu như phương án 2 có lẽ là chúng ta không phải bàn nhiều. Ở đây, phương án 1 có mở rộng đoàn viên Công đoàn, đó là người lao động không có quan hệ lao động trên lãnh thổ Việt Nam có quyền thành lập, gia nhập vào hoạt động trong tổ chức Công đoàn. Ý thứ hai, người lao động là người nước ngoài làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động trên lãnh thổ Việt Nam có quyền gia nhập và hoạt động trong tổ chức Công đoàn Việt Nam. Có thể nói, đây là một vấn đề mới liên quan đến người lao động không có quan hệ lao động trên lãnh thổ Việt Nam và người lao động nước ngoài, mở rộng đối tượng người lao động tham gia tổ chức Công đoàn vừa để mở rộng, thu hút đoàn viên Công đoàn, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Công đoàn, vừa để bảo vệ quyền lợi của người lao động được tốt hơn. Nhưng phương án này tôi đề nghị cần phải rất thận trọng, cân nhắc và làm rõ một số vấn đề trước khi xem xét quyết định. Trước hết, đề nghị cần phải đánh giá tác động cụ thể khi mở rộng đối tượng tham gia công đoàn là người nước ngoài.
Ý thứ hai, cần đánh giá rất là cụ thể nhu cầu tham gia công đoàn của đối tượng là người không có hợp đồng lao động. Trên thực tế, phần lớn người lao động làm việc không có quan hệ lao động ở các địa phương và ít có thời gian để tham gia các tổ chức đoàn thể, cũng như là các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp ở địa phương. Cần phải làm rõ nhu cầu tham gia của tổ chức công đoàn đối với lao động là người nước ngoài trong các doanh nghiệp FDI cũng như các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước, người lao động nước ngoài phần lớn là các nhà quản lý doanh nghiệp, là chuyên gia lao động chất lượng cao. Thực tế tại một số địa phương một số chủ doanh nghiệp chưa thực sự tạo điều kiện cho công đoàn hoạt động về thời gian, thậm chí còn nợ quỹ công đoàn cũng như các điều kiện khác cho hoạt động của công đoàn. Đề nghị cần nghiên cứu quy định cụ thể các điều kiện, tiêu chuẩn để người lao động làm việc không có quan hệ lao động, người lao động nước ngoài tham gia tổ chức công đoàn, đặc biệt phải làm rõ tính khả thi của quy định khi gặp phải một số rào cản như chủ doanh nghiệp không tạo điều kiện, gây khó khăn, những bất đồng khác biệt về văn hóa, nhất là bất đồng về ngôn ngữ.
Vấn đề thứ hai, Điều 8 về hệ thống tổ chức công đoàn. Tôi cơ bản thống nhất hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam như dự thảo, nhưng cũng đề nghị bổ sung ở điểm c khoản 1, công đoàn trên cơ sở thành lập ở khu công nghệ cao. Bởi vì Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới có nêu phải nâng cao chất lượng của công đoàn cơ sở và cấp trên cơ sở, trong đó xác định công đoàn khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao. Tôi đề nghị bổ sung công đoàn cơ sở gồm cả công đoàn cơ sở ở khu công nghệ cao.
Vấn đề thứ ba, ở Điều 17 về phản biện xã hội của công đoàn. Đây là nội dung mới, quy định văn bản cần phản biện, nội dung phản biện nhưng chưa quy định rõ, cụ thể cơ chế phản biện như thế nào, chưa quy định mối quan hệ và trách nhiệm của cơ quan xin ý kiến có liên quan đến quyền và lợi ích của công đoàn và người lao động có yêu cầu hoặc đề nghị với công đoàn chủ trì phản biện như thế nào. Nếu không có quy định cụ thể thì tổ chức công đoàn sẽ không chủ động thực hiện được, tình trạng có văn bản thì yêu cầu phản biện nhưng có văn bản sẽ không yêu cầu và công đoàn cũng không thể thực hiện được. Tôi đề nghị cần có quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước xin ý kiến phản biện trong việc tiếp thu, giải trình ý kiến phản biện của tổ chức công đoàn khi được phản biện.
Vấn đề thứ tư, Điều 29 về tài chính công đoàn, tôi cơ bản thống nhất kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nhưng cũng đề nghị cần có chế tài đủ mạnh để thực hiện nghiêm túc việc đóng quỹ công đoàn, tránh tình trạng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nợ quỹ công đoàn. Tôi đề nghị trường hợp doanh nghiệp khi gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí công đoàn thì được xem xét miễn, giảm hoặc tạm dừng đóng. Theo tôi quy định không có khả năng đóng kinh phí mới xem xét miễn hoặc giảm, tạm dừng là không kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp mà nên xem xét quy định cho các doanh nghiệp khi gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm đơn hàng, sa thải lao động, nên quy định mức độ khó khăn để xem xét miễn hay giảm, tạm dừng để có điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Tôi xin hết ý kiến. Xin cám ơn Quốc hội.