Tuần làm việc thứ hai tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (diễn ra từ ngày 27/5 đến 31/5 ) đã hoàn thành toàn bộ nội dung Chương trình đề ra. Trong không khí dân chủ, trách nhiệm, Quốc hội dành phần lớn thời gian tập trung cho ý kiến đối với nhiều nội dung quan trọng liên quan đến công tác lập pháp. Đặc biệt, trong tuần qua, Quốc hội cũng tiến hành thảo luận sôi nổi, chất lượng về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.

Quốc hội họp toàn thể tại Hội trường

Ngay trong ngày làm việc đầu tiên của tuần làm việc thứ 2, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đây là dự án luật có tác động sâu rộng đến toàn xã hội. Phiên họp được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Tại phiên thảo luận đã có 55 lượt ý kiến đại biểu phát biểu, 02 ý kiến đại biểu tranh luận. Các ý kiến đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung: Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện; Chính sách của Nhà nước đối với bảo hiểm xã hội; Các hành vi bị nghiêm cấm; Quyền, trách nhiệm của người sử dụng lao động; quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội; Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và biện pháp xử lý; Chế độ ốm đau; chế độ thai sản; trợ cấp hưu trí xã hội; bảo hiểm hưu trí bổ sung;  Điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần;…

Các vị ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Các dự án luật khác cũng được Quốc hội thảo luận trong tuần, gồm: Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi): Tại phiên thảo luận đã có 39 lượt ý kiến đại biểu phát biểu, trong đó có 09 lượt ý kiến đại biểu tranh luận. Các vị đại ĐBQH đã tập trung thảo luận về các nội dung như: đổi mới Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử; Việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án; Tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa,…

Luật Thủ đô (sửa đổi): Tại phiên thảo luận đã có 24 lượt ý kiến đại biểu phát biểu, 01 ý kiến đại biểu tranh luận. Các ý kiến cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và tập trung thảo luận về các nội dung: phạm vi điều chỉnh và bố cục của dự thảo Luật; vị trí, vai trò của Thủ đô; áp dụng Luật Thủ đô; trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; mô hình tổ chức chính quyền tại thành phố Hà Nội; cơ cấu tổ chức của HĐND thành phố Hà Nội, HĐND quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố; thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao;...

Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp: Tại phiên thảo luận đã có 16 đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ĐBQH tập trung thảo luận, cho ý kiến về các nội dung: áp dụng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; chính sách của Nhà nước về phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; hoạt động quản lý nguồn lực tài chính cho công nghiệp quốc phòng, an ninh; Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh; phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh lưỡng dụng; tổ hợp công nghiệp quốc phòng; chế độ, chính sách trong công nghiệp quốc phòng, an ninh;…

Các vị ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Trong tuần làm việc thứ 2, Quốc hội cũng thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Tại phiên thảo luận đã có 15 đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó đa số ý kiến đại biểu thể hiện sự đồng thuận cao với nội dung Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Nghị quyết kèm theo. Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung về nội dung, tiến độ thời gian trình một số dự án luật, dự thảo nghị quyết cụ thể. Các đại biểu cũng góp ý kiến về các vấn đề cụ thể, tập trung phân tích, đánh giá về những kết quả đạt được, một số tồn tại, hạn chế, nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất nhiều biện pháp bảo đảm tiến độ chuẩn bị trình các dự án luật, nghị quyết theo đúng chương trình đã được Quốc hội quyết định; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, cá thể hóa trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật,…

Ngoài ra, cũng trong tuần qua liên quan tới công tác lập pháp, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về các dự thảo nghị quyết:

- Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An;

- Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Lại Thế Nguyên phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 18 gồm các Đoàn ĐBQH tỉnh: Thanh Hóa, Hà Nam, Trà Vinh

Cũng trong tuần làm việc thứ 2, Quốc hội đã thảo luận phiên toàn thể về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN những tháng đầu năm 2024; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023. Thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu. Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên VTV1, Truyền hình Quốc hội Việt Nam và VOV1 thu hút sự quan tâm đông đảo của Nhân dân và cử tri cả nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022

Thu ngân sách vượt dự toán, bảo đảm chi cho phát triển: Công tác quản lý thu NSNN được thực hiện quyết liệt dẫn đến kết quả thu NSNN không những bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân (chưa được tính trong dự toán) mà còn vượt so với dự toán, qua đó bảo đảm nguồn lực, tăng chi đầu tư phát triển; thực hiện các nhiệm vụ cấp bách phát sinh. Đồng thời, tiếp tục tích lũy dành nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương.

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách 21.346 tỷ đồng: Qua kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2022 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và tổng hợp một số kết quả kiểm toán chính của các cuộc kiểm toán tổ chức trong năm 2023, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tăng thu giảm chi NSNN 21.346,33 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác 28.595,09 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế, ban hành mới một số nội dung không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn của 198 văn bản.

Tán thành trình Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2022 theo đề xuất của Chính phủ và Kiểm toán nhà nước: Ủy ban Tài chính Ngân sách (cơ quan chủ trì thẩm tra) trình Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2022 theo đề xuất của Chính phủ và Kiểm toán nhà nước. Chính phủ, Kiểm toán nhà nước chịu trách nhiệm về nội dung, thông tin, số liệu quyết toán NSNN năm 2022 bảo đảm tính chính xác, đầy đủ, đúng quy định của pháp luật.

Căn cứ quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, đặc điểm tình hình năm 2025 và đề xuất của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến nội dung Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025. Trong đó, đối với giám sát chuyên đề, sau khi cân nhắc nhiều mặt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định giám sát tối cao 01 chuyên đề tại Kỳ họp thứ 10 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát 01 chuyên đề tại Phiên họp tháng 8/2025.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 2 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 1 chuyên đề để giám sát tối cao. Cụ thể: Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành. Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tại tuần làm việc thứ 2, các vị ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa thực hiện nghiêm túc nội quy kỳ họp, tham gia đầy đủ các phiên họp, tích cực nghiên cứu tài liệu và tham gia phát biểu tại các phiên thảo luận; trong đó, đã có đã có 06 lượt ý kiến thảo luận trực tiếp tại hội trường, 05 lượt ý kiến tại các phiên thảo luận tại Tổ. 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục

 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    387 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.607.626
    Trong năm: 1.066.330
    Trong tháng: 130.880
    Trong tuần: 32.258
    Trong ngày: 3.036
    Online: 130