Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 24/05/2024, tại Nhà Quốc hội, dưới dự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung.

Tại phiên thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có ý kiến phát biểu của đại biểu Cầm Thị Mẫn, Đại biểu Quốc hội chuyên trách. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đại biểu Cầm Thị Mẫn.

Kính thưa Chủ tọa phiên họp,

Kính thưa Quốc hội,

Trước hết, tôi cơ bản tán thành với nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Đồng thời, nhất trí rằng dự thảo luật đã bám sát các chính sách lớn được Quốc hội thông qua, khắc phục được những bất cập, hạn chế của Luật Lưu trữ hiện hành và kịp thời thể chế hóa các chủ trương của Đảng về đổi mới sáng tạo chuyển đổi số.

Nhằm làm rõ hơn một số vấn đề tại dự thảo luật, tôi xin tham gia một số ý kiến cụ thể như sau.

Thứ nhất, về giải thích từ ngữ tại Điều 2. Khoản 2 và khoản 3 Điều 2 quy định: "2. Tài liệu là thông tin gắn liền với vật mang tin, có nội dung và hình thức thể hiện không thay đổi khi chuyển đổi vật mang tin. Tài liệu gồm tài liệu giấy, tài liệu trên vật mang tin khác và tài liệu điện tử; 3. Tài liệu giấy, tài liệu trên vật mang tên khác là tài liệu tạo lập trên giấy, trên vật mang tin khác". Tôi cho rằng cách giải thích từ ngữ như trên còn gây khó hiểu, khó xác định, bởi lẽ ở đây xuất hiện 2 thuật ngữ vật mang tin và vật mang tin khác. Tuy nhiên, dự thảo luật không có giải thích vật mang tin là vật gì để từ đó làm phương pháp loại trừ và xác định vật mang tin khác. Ngoài ra, nghiên cứu nội dung giải thích từ ngữ tại khoản 2, khoản 3 cho thấy sự bất cập. Nếu giải thích từ ngữ như khoản 2 thì có thể hiểu có 3 dạng tài liệu, một là tài liệu giấy, hai là tài liệu điện tử và ba là tài liệu trên vật mang tin khác. Tuy nhiên, khoản 3 chỉ nêu tài liệu giấy và tài liệu trên vật mang tin khác. Như vậy, tài liệu điện tử có phải là một dạng tài liệu trên vật mang tính khác hay không? Do vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung khái niệm "vật mang tin", đồng thời thể hiện lại cách giải thích từ ngữ ở khoản 3 Điều 2 này cho rõ nghĩa hơn để từ đó định hình được vật mang tin khác là những loại vật mang tin nào.

Thứ hai, về các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8. Khoản 1 Điều 8 quy định cấm các hành vi mua bán, chuyển giao, cung cấp, hủy trái phép, chiếm đoạt, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng, làm mất tài liệu lưu trữ do cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước quản lý. Khoản 3 Điều 8, cấm hủy trái phép tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt. Về quy định này, đại biểu Tâm Hùng phát biểu trước tôi cũng đã đề cập. Theo tôi, quy định về hành vi bị nghiêm cấm này còn có sự chồng lấn nhau. Cấm hủy hoại trái phép tài liệu lưu trữ do cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước quản lý, tại khoản 1 đã bao hàm cả khoản 3 là cấm hủy hoại trái phép tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt vì tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt cũng là một loại tài liệu lưu trữ do cơ quan có thẩm quyền của nhà nước quản lý. Do đó, tôi đề nghị ghép khoản 3 vào khoản 1 và sửa lại thành:

"Một, mua bán, chuyển giao, cung cấp, hủy trái phép, chiếm đoạt, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng, làm mất tài liệu lưu trữ, tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt, do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quản lý".

Thứ ba, quy định về chứng chỉ hành nghề lưu trữ. Đối với quy định này, tôi đề xuất chỉnh sửa 2 vấn đề.

1. Điểm a khoản 1 Điều 55 quy định Bộ Nội vụ có thẩm quyền trong cấp, cấp lại, thu hồi chứng chỉ hành nghề lưu trữ, cụ thể là:

a. Bộ Nội vụ hướng dẫn thanh tra, kiểm tra việc quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ trong phạm vi toàn quốc; cấp, cấp lại, thu hồi chứng chỉ hành nghề lưu trữ, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động dịch vụ lưu trữ và việc cấp sử dụng và quản lý chứng chỉ hành nghề lưu trữ.

Trong khi đó, khoản 1 Điều 56 cũng quy định: "Chứng chỉ hành nghề lưu trữ do Bộ Nội vụ cấp cho cá nhân có đủ trình độ chuyên môn và các điều kiện theo quy định của pháp luật để thực hiện kinh doanh dịch vụ lưu trữ". Tôi đề nghị nghiên cứu điều chỉnh theo hướng quy định về thẩm quyền này tập trung vào 1 điều, đó là Điều 55 hoặc Điều 56.

Hai, tôi tán thành dự thảo luật đã nâng quy định cấp chứng chỉ hành nghề lưu trữ lên Bộ Nội vụ cấp thay vì Giám đốc Sở Nội vụ theo quy định tại Nghị định số 01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lưu trữ. Dự thảo luật cũng đã sửa đổi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Luật Đầu tư là rất phù hợp. Tuy nhiên, tại quy định về quyền chuyển tiếp khoản 5 Điều 65 của dự thảo luật quy định thì:

"5. Chứng chỉ hành nghề lưu trữ được cấp theo quy định của Luật Lưu trữ số 01/2011/QH13 được tiếp tục sử dụng đến khi hết thời hạn ghi trên chứng chỉ".

Trong khi đó, dự thảo luật quy định Luật Lưu trữ (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Như vậy, sẽ có trường hợp được cấp chứng chỉ hành nghề lưu trữ vào tháng 1/2025, chủ thể cấp là do Giám đốc Sở Nội vụ có giá trị 5 năm và sử dụng trên toàn quốc là tháng 1/2030 mới hết hạn sử dụng. Trong khi đó, trường hợp được cấp tháng 7/2025 do Bộ Nội vụ cấp phải đạt yêu cầu kiểm tra nghiệp vụ do Bộ Nội vụ tổ chức tại điểm d khoản 3 Điều 56. Như vậy, chỉ cách nhau thời gian ngắn nhưng quy trình thủ tục, chủ thể cấp tỉnh khác nhau mà giá trị sử dụng lại như nhau trong khoảng thời gian 4,5 năm, tôi cho là không đảm bảo công bằng giữa các cá nhân cùng hành nghề. Do đó, tôi đề nghị cần quy định điều khoản chuyển tiếp bảo đảm phù hợp hơn, rút ngắn khoảng cách khác biệt nêu trên. Trên đây là một số ý kiến tham gia của tôi đối với dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Tôi xin hết. Xin trân trọng cảm ơn.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    387 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.608.965
    Trong năm: 1.067.669
    Trong tháng: 130.880
    Trong tuần: 32.258
    Trong ngày: 4.375
    Online: 17