Với 450/477 tổng số đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành, đạt tỷ lệ 91,28%, Quốc hội đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trong phiên họp sáng nay, 18.1.

Quốc hội thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Luật mới gồm 15 chương và 210 điều, đã bám sát yêu cầu cơ cấu lại, nâng cao năng lực, hiệu quả của hệ thống tổ chức tín dụng theo đúng chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội.

Về tỷ lệ sở hữu cổ phần (Điều 63), Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày cho biết, có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần của các tổ chức tín dụng sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến các cổ đông hiện hữu và kể cả các nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư tiềm năng, nhất là khi các cổ đông này đã và dự kiến sở hữu cổ phần một cách minh bạch; việc điều chỉnh giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần không có nhiều ý nghĩa để hạn chế sở hữu chéo, quy định này chỉ kiểm soát được về mặt hồ sơ, việc khống chế tỷ lệ không quan trọng bằng việc giám sát thực thi quy định.

Có ý kiến đề nghị, nên giữ tỷ lệ sở hữu cổ phần đối với một cổ đông là tổ chức và cổ đông và người có liên quan như quy định hiện hành; có quy định chặt chẽ hơn về điều kiện và thủ tục cấp tín dụng cho ngân hàng liên quan với cổ đông sở hữu cổ phần. Không áp dụng hồi tố đối với các trường hợp đã sở hữu trước ngày Luật này có hiệu lực.

Có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung theo hướng mở, theo đó tỷ lệ sở hữu cổ phần có thể được điều chỉnh nếu được chấp thuận từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời, có cơ chế để nâng cao tính minh bạch trong quản trị tổ chức tín dung, bao gồm phát huy vai trò của cơ quan quản lý nhà nước.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần là một trong các biện pháp hạn chế tình trạng sở hữu chéo, thao túng, chi phối tổ chức tín dụng thông qua giúp tăng số lượng các cổ đông, tăng tính đại chúng cũng như đa dạng hóa cơ cấu cổ đông của các tổ chức tín dụng phù hợp với định hướng Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 để hạn chế việc chi phối, thâu tóm, bảo đảm tính đại chúng của tổ chức tín dụng. Việc quy định tỷ lệ cụ thể tại dự thảo Luật là kế thừa Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, bảo đảm rõ ràng, minh bạch và có cơ sở để tổ chức tín dụng điều chỉnh dần tỷ lệ này.

Đồng thời, để tránh sự xáo trộn, tại dự thảo Luật cũng đã quy định chuyển tiếp tại khoản 11 Điều 210, trong đó, kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, cổ đông, cổ đông và người có liên quan vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại Điều 63 của Luật này được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của Luật này, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Tại dự thảo Luật cũng đã bổ sung quy định về cung cấp, công bố công khai thông tin tại Điều 49, theo đó, cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng phải thực hiện cung cấp thông tin, tổ chức tín dụng phải công bố công khai thông tin của các cổ đông này để bảo đảm minh bạch.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có giải pháp tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát các tỷ lệ này tại các tổ chức tín dụng, bảo đảm hạn chế cao nhất tình trạng sở hữu chéo, thao túng, chi phối tổ chức tín dụng.

Cùng với quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần và các quy định khác về tổ chức, quản trị, điều hành tổ chức tín dụng, quy định về giới hạn cấp tín dụng (Điều 136) của Luật mới là một trong những biện pháp cần thiết nhằm hạn chế tình trạng tập trung cấp tín dụng đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan, cho vay “sân sau”, giúp phân tán rủi ro cho tổ chức tín dụng trong hoạt động và tăng khả năng tiếp cận tín dụng của các khách hàng khác.

Đồng thời, nhằm bảo đảm minh bạch, rõ ràng, tránh tác động đột ngột đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Luật mới đã quy định rõ lộ trình giảm dần trong 5 năm từ khi Luật có hiệu lực đến năm 2029. Việc quy định giới hạn cụ thể trong dự thảo Luật là kế thừa từ Luật hiện hành, nhằm tạo cơ sở cho các tổ chức tín dụng có những bước điều chỉnh dần phù hợp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có giải pháp tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát để bảo đảm các quy định của Luật phát huy hiệu lực, hiệu quả trong cuộc sống.

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2024. Riêng khoản 3 Điều 200 và khoản 15 Điều 210 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2025.

 
 

Báo Đại biểu Nhân dân


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    370 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.334.868
    Trong năm: 986.349
    Trong tháng: 92.559
    Trong tuần: 24.003
    Trong ngày: 223
    Online: 31