Bám sát chức năng, nhiệm vụ được Quốc hội giao và nhiệm vụ chính trị của tỉnh, với khát khao đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích quốc gia, dân tộc, năm 2023, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều đóng góp trong công tác lập pháp với nhiều ý kiến thẳng thắn, chuyên sâu, chất lượng; đề xuất giải pháp khả thi, đóng góp quan trọng vào các quyết sách của Quốc hội. Bên cạnh đó, các ĐBQH tỉnh luôn sâu sát thực tiễn, gắn bó mật thiết với Nhân dân để nghị trường luôn mang đậm hơi thở cuộc sống.

    Sôi nổi, thẳng thắn ở nghị trường

Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV vừa kết thúc tốt đẹp sau 22 ngày rưỡi làm việc với khối lượng công việc lớn, cường độ làm việc cao. Với tinh thần tích cực, chủ động, sôi nổi, thẳng thắn, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã góp phần cùng Quốc hội ghi lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng cử tri và Nhân dân cả nước. Đó cũng là tinh thần mà Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa luôn duy trì trong hoạt động tại nghị trường trong nhiều nhiệm kỳ nói chung, năm 2023 nói riêng.

Kỳ họp thứ Sáu là kỳ họp cuối cùng của năm 2023 - năm giữa nhiệm kỳ với khối lượng công việc rất lớn, trong đó tập trung nhiều vào nhiệm vụ lập pháp. Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét thông qua 7 dự án luật, 9 nghị quyết và cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật. Trong đó, nhiều dự án luật quan trọng, có nhiều quy định mới, đối tượng chịu ảnh hưởng rộng, một số nội dung còn có ý kiến khác nhau giữa cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo. Do đó, trước khi diễn ra kỳ họp, các ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã có sự chuẩn bị, nghiên cứu kỹ lưỡng để đóng góp được nhiều ý kiến “chất lượng” nhằm hoàn thiện các dự án luật.

Đổi mới, sáng tạo vì lợi ích quốc gia, dân tộc
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải

Cụ thể, để hạn chế tình trạng thông đồng, dìm giá trong đấu giá tài sản, tăng tính công khai, minh bạch trong hoạt động đấu giá, khi thảo luận tại tổ về dự án Luật Đấu giá tài sản, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải cho rằng, trong dự thảo luật có quy định là “Đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp giao đất và cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư quyền khai thác khoáng sản thì nộp hai bộ hồ sơ cho tổ chức hành nghề đấu giá sau đó tổ chức hành nghề đấu giá nộp lại cho người có tài sản đấu giá”, quy định này là chưa rõ. Đại biểu Mai Văn Hải phân tích, trường hợp nộp lại hồ sơ để cho người có tài sản đấu giá kiểm tra điều kiện có bảo đảm hay không, đối với cá nhân thì rất khó. Do đó, đối với đấu giá quyền sử dụng đất thuộc cơ quan quản lý nhà nước là UBND các cấp nên nộp hồ sơ về cơ quan tổ chức đấu giá (tức là UBND các cấp).

Đổi mới, sáng tạo vì lợi ích quốc gia, dân tộc -0

 

Trên cơ sở đó, UBND các cấp có trách nhiệm xem xét điều kiện và trực tiếp thông báo cho người tham gia đấu giá đủ điều kiện hay không đủ điều kiện, chứ không cần phải thông qua tổ chức đấu giá nữa. Bởi thực tế, thông qua tổ chức đấu giá trong thời gian vừa qua có nhiều trường hợp gây khó khăn cho người tham gia đấu giá, vì trụ sở hay nơi mà cơ quan tổ chức đấu giá đôi khi không phải ở nơi tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, có hiện tượng một số tổ chức đấu giá gây khó khăn cho người tham gia đấu giá, làm trì hoãn, làm chậm việc nộp hồ sơ đấu giá. Mục đích của các tổ chức đấu giá là lợi dụng quy định này để khống chế số lượng người tham gia đấu giá, gây nhiều vấn đề tiêu cực trong hoạt động đấu giá.

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Quốc hội chuyên trách Cầm Thị Mẫn cho rằng, cần quy định rõ cơ chế, chính sách về tài chính cho hoạt động phục hồi các dòng sông. Đặc biệt, xem xét quy định cụ thể về cơ chế, chính sách để thu hút nguồn vốn của tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động này. Về Dự án Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi), đại biểu Võ Mạnh Sơn đề nghị xem xét nâng mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu nhằm khuyến khích người lao động gắn bó lâu dài với hệ thống BHXH, giảm thiểu tình trạng người lao động hưởng BHXH một lần. Đối với Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, ĐBQH Cao Mạnh Linh cho rằng, việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư các dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đi qua địa phương là rất cần thiết. Đây là cơ chế để giúp các địa phương phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương có tuyến đường đi qua. Đặc biệt, đây cũng là chìa khóa tháo gỡ điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công ở các địa phương hiện nay. 

Theo thống kê của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa, tại Kỳ họp thứ Năm và Kỳ họp thứ Sáu, các ĐBQH tỉnh Thanh Hóa luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, căn cứ vào thực tiễn, kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác đã luôn chủ động nghiên cứu, tham gia ý kiến một cách toàn diện, đầy đủ và trách nhiệm đối với các nội dung thuộc chương trình, kế hoạch lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước với: 65 ý kiến phát biểu ở các phiên thảo luận tại tổ; 30 lượt ý kiến phát biểu thảo luận tại hội trường; có 5 ý kiến chất vấn và 4 ý kiến tranh luận...

 

Các ý kiến phát biểu tại các phiên thảo luận được các đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa chuẩn bị kỹ lưỡng, thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, hạn chế và đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể đối với các ngành, lĩnh vực. Tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, bên cạnh bày tỏ thống nhất cao với 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Lại Thế Nguyên đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt xây dựng kế hoạch tổng rà soát văn bản luật, văn bản dưới luật trong cả nước, ở tất cả các ngành, lĩnh vực để phát hiện những mâu thuẫn, chồng chéo của các văn bản này nhằm thông suốt trong triển khai công việc; thông suốt trong sản xuất, kinh doanh, thi hành pháp luật; thông suốt trong chỉ đạo, điều hành. Đồng thời, là cơ sở pháp lý để bảo vệ người thi hành pháp luật, người chỉ đạo điều hành. Cùng với đó, tháo gỡ khó khăn trong quản lý giá vật liệu xây dựng để bảo đảm công khai, minh bạch, sát giá thị trường; chống lại lợi ích nhóm của một số cá nhân, doanh nghiệp có mỏ làm thao túng giá. Cùng với đó, tháo gỡ những khó khăn quy định về phòng cháy, chữa cháy để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh...

Đổi mới, sáng tạo vì lợi ích quốc gia, dân tộc -0
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Lại Thế Nguyên chủ trì thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV

Có thể khẳng định, các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa luôn xuất phát từ thực tiễn sinh động, hàm chứa lý luận khoa học và logic, trên tinh thần kiến tạo phát triển, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc. Nhiều nội dung thảo luận về các dự án luật của các đại biểu có tính chuyên sâu được Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao và được ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu.

Tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu luôn thẳng thắn đề cập đến những vấn đề “nóng” trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, như: Chính sách thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; Thực trạng việc làm cho người lao động và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động trong giai đoạn hiện nay; Cơ chế, chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ;…

Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa tại Kỳ họp thứ Năm, Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV và các kỳ họp bất thường đã có những đóng góp tích cực vào thành công chung tại các kỳ họp của Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội tỉnh luôn phát huy cao độ tinh thần, trách nhiệm, quyết tâm đổi mới, sáng tạo trong hoạt động. Đặc biệt, mỗi đại biểu đều ý thức rõ trọng trách “người đại diện của Nhân dân”, luôn nỗ lực để thực sự là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, giữa Quốc hội và cử tri, xứng đáng với niềm tin của cử tri trong tỉnh và cả nước.

Đổi mới, sáng tạo vì lợi ích quốc gia, dân tộc -0

 

        Chuẩn bị kỹ lưỡng “từ sớm, từ xa”

Theo Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải, để có được những ý kiến đóng góp chất lượng, hiệu quả tại các kỳ họp, Đoàn luôn bám sát quan điểm chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: “Chuẩn bị “từ sớm, từ xa”, lấy chất lượng kỳ họp làm chính.

Căn cứ chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Đoàn đã xây dựng chương trình, kế hoạch để bảo đảm thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 của Quốc hội. Theo đó, đoàn đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các sở, ban, ngành và các cơ quan hữu quan trên địa bàn tỉnh đối với 20 dự án luật thuộc chương trình được Quốc hội thảo luận, thông qua tại Kỳ họp thứ Năm và Kỳ họp thứ Sáu. Trên cơ sở các ý kiến tham gia đóng góp, Đoàn đã tổng hợp kịp thời báo cáo về UBTVQH, cơ quan soạn thảo để tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện các dự án luật.

Đổi mới, sáng tạo vì lợi ích quốc gia, dân tộc -0
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa TXCT theo chuyên đề đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi)

Ngoài việc chủ động nghiên cứu các dự án luật và thực hiện cơ chế tư vấn của các tổ chức, chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực, đặc biệt đối với các dự án luật chuyên ngành, Đoàn còn tổ chức nhiều hình thức phong phú khác như: lựa chọn những vấn đề lớn của các dự án luật còn nhiều ý kiến khác nhau hoặc các dự án luật mang tính chất chuyên ngành để xin ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị có liên quan; Tổ chức khảo sát thực tế, kết hợp lấy ý kiến cử tri góp ý vào các dự án luật thông qua các hội nghị TXCT để làm rõ thêm các vấn đề có liên quan. Qua đó, đã thu thập được các ý kiến góp ý, phản biện chuyên sâu, chất lượng chuyên môn cao, góp phần đưa hoạt động của Đoàn, các đại biểu ngày càng hiệu quả, đáp ứng được mong mỏi của cử tri. Bên cạnh đó, các đại biểu trong Đoàn đã tham gia nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm do UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, Ban Công tác đại biểu tổ chức…; Các đại biểu chuyên trách ở Trung ương tích cực, trách nhiệm cao trong việc tham gia cùng Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban thẩm tra các dự án luật trước khi trình Quốc hội tại các kỳ họp.

        Sâu sát thực tiễn, gắn bó mật thiết với cử tri

Trong quá trình hoạt động, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa luôn coi giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; Giám sát phải “đúng” và “trúng” những vấn đề bất cập trong thực tiễn trên tinh thần xây dựng vì mục tiêu kiến tạo phát triển. Theo đó, trong năm 2023, bên cạnh tổ chức 3 chuyên đề giám sát theo kế hoạch của Đoàn giám sát của Quốc hội, UBTVQH, Đoàn đã tổ chức chuyên đề giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH từ 1.1.2020 - 30.6.2023 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”. Chuyên đề giám sát trên bắt nguồn từ thực tế bất cập của việc thực hiện các chính sách về BHXH đang diễn ra ở tất cả các địa phương nói chung và Thanh Hóa nói riêng. Trong đó, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH của nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người lao động.

Đổi mới, sáng tạo vì lợi ích quốc gia, dân tộc -0
 Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH từ 1.1.2020 - 30.6.2023 trên địa bàn tỉnh”

 

Bên cạnh đó, Đoàn cũng tiến hành khảo sát 2 chuyên đề: “Lấy ý kiến về một số nội dung đối với dự thảo dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)”; “Tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I, năm 2021 - 2025”.

Ngoài các hoạt động giám sát, khảo sát theo các chương trình, kế hoạch kể trên, Đoàn đã cử đại diện tham gia các cuộc giám sát, khảo sát của UBTVQH, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban. Trong đó, hoạt động giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án Hồ chứa nước Bản Mồng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và khảo sát việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại Thanh Hóa được cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm. Bởi, Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng đã chậm tiến độ quá lâu, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân và quá trình phát triển kinh tế, được cử tri kiến nghị nhiều lần.

Trong quá trình giám sát, Đoàn chú trọng kết hợp giữa xem xét báo cáo với khảo sát, kiểm tra thực tế, bảo đảm đúng trọng tâm, thực chất và đi sâu vào những vấn đề đang được dư luận, cử tri quan tâm. Nhờ đó qua giám sát, đã kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế, những khó khăn, vướng mắc, từ đó chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm và đưa ra các giải pháp kiến nghị xác đáng; yêu cầu và đôn đốc các cơ quan có trách nhiệm xem xét, giải quyết tháo gỡ các vướng mắc, bất cập hoặc thực thi nghiêm túc các chính sách, pháp luật. Nhiều kiến nghị đề xuất của Đoàn đã được Quốc hội, Chính phủ tiếp thu giải quyết, góp phần tích cực phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng ở địa phương.

Đổi mới, sáng tạo vì lợi ích quốc gia, dân tộc -0
Một số hình ảnh TXCT của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa

 

Với phương châm “gắn bó mật thiết với Nhân dân”, các đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa thường xuyên đi cơ sở, tìm hiểu, nắm bắt tình hình thực tế để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cử tri, đặc biệt là những vấn đề dân sinh, bức xúc. Trong năm 2023, Đoàn đã tổ chức 27 cuộc tiếp xúc trực tiếp tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh với trên 6.100 cử tri tham gia. Bên cạnh việc TXCT trước, sau mỗi kỳ họp, đoàn còn tổ chức 9 cuộc TXCT theo chuyên đề với các nội dung về Luật Đất đai, Luật Tổ chức Toà án Nhân dân, chuyên đề về các vấn đề liên quan tới quyền lợi của người lao động với sự tham gia của nhiều đối tượng khác nhau như người lao động, người sử dụng lao động; Các doanh nghiệp, hợp tác xã; Cán bộ, công chức quản lý khối các sở ngành, khối chính quyền, khối các cơ quan tư pháp... Ngoài ra, hoạt động gặp gỡ, TXCT tại nơi cư trú, nơi làm việc của các đại biểu trong đoàn cũng được thực hiện thường xuyên.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải khẳng định: công tác TXCT được Đoàn duy trì, có nhiều đổi mới với việc tổ chức tiếp xúc sâu, sát đến cơ sở, đa dạng hình thức, đối tượng, địa bàn, lĩnh vực tiếp xúc. Các cuộc tiếp xúc đều được thông báo rông rãi, công khai và tạo điều kiện thuận lợi để mọi cử tri có thể dự các cuộc tiếp xúc với đại biểu, bảo đảm để đại biểu lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp cử tri, với rất nhiều ý kiến tâm huyết đầy trách nhiệm, không ít cử tri còn hiến kế cho Đảng, Nhà nước đối với những vấn đề trọng đại của quốc gia, những vấn đề mà Nhân dân đặc biệt quan tâm.

Với vai trò cầu nối giữa cử tri với Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm, đôn đốc việc theo dõi trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến trước và sau các kỳ họp. Tính đến tháng 11.2023, đã có 17 cơ quan chức năng trả lời bằng văn bản về 53/62 nhóm ý kiến, kiến nghị mà cử tri tỉnh Thanh Hóa gửi đến trước, sau kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, đạt 85,5%, còn 9 ý kiến kiến nghị chưa trả lời chiếm 14,5%. Trước Kỳ họp thứ Sáu đã được 2 cơ quan chức năng trả lời bằng văn bản là 2/44 nhóm ý kiến, kiến nghị, đạt 0,46%; còn lại 42 nhóm ý kiến, kiến nghị chưa có văn bản trả lời. Các văn bản trả lời kiến nghị cử tri của các bộ, ngành Trung ương đều được sao y gửi trả lời và được các tổ đại biểu Quốc hội báo cáo trước cử tri khi TXCT trước các kỳ họp Quốc hội.

Bên cạnh đó, hoạt động tiếp công dân của Đoàn cũng ngày càng đi vào chiều sâu với phương châm nâng cao trách nhiệm đại biểu với công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Hàng năm, Đoàn xây dựng lịch tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân của tỉnh Thanh Hoá với tất cả các đại biểu Quốc hội. Do vậy, những ngày tiếp dân của Đoàn, cử tri thường đến với số lượng đông và nhiều kiến nghị đã được đại biểu, Đoàn đại biểu Quốc hội xem xét, chuyển nhanh cho các cơ quan chức năng giải quyết theo đúng quy định. Nhiều vụ việc kéo dài đã được đoàn quan tâm đối thoại với người khiếu nại, tố cáo, tổ chức làm việc với cơ quan liên quan, xem xét thực tế... đã chấm dứt được việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, qua đó tạo niềm tin trong Nhân dân, khẳng định vai trò, vị thế của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trước cử tri và Nhân dân.

“Bám sát chức năng, nhiệm vụ được Quốc hội giao và nhiệm vụ chính trị của tỉnh, kế thừa những kinh nghiệm của nhiều nhiệm kỳ trước, với tâm thế khát khao đổi mới, sáng tạo, nhiệt huyết, hành động vì lợi ích quốc gia, dân tộc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá và các đại biểu trong đoàn đã đoàn kết nhất trí, nêu cao tinh thần trách nhiệm, sâu sát với thực tiễn, gắn bó mật thiết với cử tri để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, mang tiếng nói của cử tri và Nhân dân đến với nghị trường Quốc hội. Tại các kỳ họp, các đại biểu luôn chủ động đóng góp ý kiến chuyên sâu, chất lượng vào hoạt động xây dựng pháp luật; Đề xuất giải pháp và tham gia quyết định nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước; Góp phần để cấp uỷ, chính quyền các cấp nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót trong quá trình hoạt động, thực sự xứng đáng là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri và Nhân dân”.

 

Đổi mới, sáng tạo vì lợi ích quốc gia, dân tộc -0
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Lại Thế Nguyên

Báo đại biểu nhân dân


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    370 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.333.030
    Trong năm: 986.456
    Trong tháng: 92.077
    Trong tuần: 25.147
    Trong ngày: 1.126
    Online: 48