Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, chiều ngày 21/05/2024, tại Nhà Quốc hội, dưới dự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Tại phiên thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có ý kiến phát biểu của đại biểu Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đại biểu Mai Văn Hải.

Kính thưa Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên họp,

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Trước hết, tôi cũng thống nhất rất cao với Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Có thể nói, đến thời điểm này, tôi thấy chất lượng của dự án luật rất tốt trình kỳ họp thứ 7 xem xét, thông qua. Để tiếp tục hoàn thiện dự án luật này, tôi xin phép có thêm một vài ý kiến như sau:

Vấn đề thứ nhất, tại khoản 2 Điều 10 có quy định về tiêu chuẩn đấu giá viên. Lần này thì tôi thấy được bổ sung tương đối cụ thể và rõ ràng. Nhưng theo tôi vẫn quy định điều kiện, tiêu chuẩn để được tham gia lớp học đào tạo đấu giá viên, trong đây quy định có 7 nhóm ngành. Theo tôi nên quy định một cách khái quát thuộc nhóm ngành luật hay là kinh tế kỹ thuật, trong đây tôi thấy quy định 7 chuyên ngành thì vẫn chưa đủ. Tôi thấy rằng trong 2 lĩnh vực rất quan trọng, đó là lĩnh vực đất đai, lĩnh vực khoáng sản, đây là 2 lĩnh vực thường xuyên tổ chức đấu giá và rất đông đảo người tham gia đấu giá. Tôi nghĩ rằng trong 2 lĩnh vực này, nếu một đấu giá viên được đào tạo ở chuyên ngành quản lý đất đai hay là chuyên ngành mỏ, địa chất, tôi nghĩ hoàn toàn rất tốt, có khả năng tham gia các lớp đào tạo đấu giá viên được. Tôi đề xuất là có 2 cách, một là quy định khái quát và thứ hai là nếu liệt kê thì nên thêm 2 chuyên ngành nữa, đó là những người được học trong chuyên ngành quản lý đất đai và chuyên ngành mỏ, địa chất.

Vấn đề thứ hai, về tập sự hành nghề đấu giá, quy định tại khoản 4 Điều 13. Trong đây có quy định người tập sự được tham gia hành nghề đấu giá tập sự. Theo tôi vấn đề này cũng cần phải nên xem xét, bởi vì quy định là được tham dự kiểm tra tập sự nhưng không rõ cơ quan nào tổ chức việc kiểm tra tập sự. Theo tôi vấn đề này không cần thiết, chúng ta chỉ cần quy định họ buộc phải tập sự, sau thời gian tập sự được người hướng dẫn tập sự xác nhận và tổ chức hành nghề đấu giá xác nhận đạt yêu cầu là đã đảm bảo hành nghề đấu giá sau khi được học.

Vấn đề thứ ba, về đăng ký tham gia đấu giá, tại khoản 2 Điều 38. Tại điểm 2, điểm 2b, điểm 2c có quy định tổ chức hành nghề đấu giá tài sản bán hồ sơ mời tham gia đấu giá, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá tại trụ sở, tổ chức hành nghề. Theo tôi quy định này chúng ta cũng cần phải cân nhắc thêm, chúng ta quy định làm sao để tạo điều kiện tốt nhất cho những người có nhu cầu tham gia đấu giá tiếp cận được, tránh tình trạng tổ chức đấu giá có khi lại làm trì hoãn tham gia đấu giá. Theo tôi để tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia đấu giá đặc biệt đối với lĩnh vực đất đai thì chúng ta nên quy định là bán hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã hay Ủy ban nhân dân cấp huyện có tài sản đấu giá, như thế sẽ rất thuận lợi cho người tham gia đấu giá và tránh tình trạng tổ chức đấu giá trì hoãn việc người tham gia đấu giá đến mua hồ sơ để tham gia đấu giá, trên thực tế đã có biểu hiện này. Ở đây có quy định về đăng ký trực tuyến tôi rất đồng tình, theo tôi chúng ta cần quy định chặt chẽ hơn kênh đăng ký tham gia đấu giá trực tuyến, đây là một nội dung rất quan trọng để người tham gia đấu giá có thể đăng ký tham gia bằng hình thức trực tuyến.

Vấn đề cuối cùng, về quyền và nghĩa vụ của tổ chức hành nghề đấu giá. Tại Điều 24 có quy định "Tổ chức hành nghề đấu giá thỏa thuận với người có tài sản đấu giá về áp dụng toàn bộ hoặc các điều, khoản, điểm cụ thể về trình tự, thủ tục đấu giá". Tôi nghĩ đây là một vấn đề chúng ta quy định đối với cá nhân có tài sản đấu giá, nhưng tôi nghĩ trình tự, thủ tục đối với người có tài sản là cá nhân có tài sản mà tự nguyện đấu giá thì không có trình tự, thủ tục quy định cụ thể mà áp dụng vào đối với trình tự, thủ tục đối với những tài sản do nhà nước quy định phải đấu giá. Tôi thấy như thế này sẽ rất khó cho người người có tài sản đấu giá là cá nhân. Tôi đề xuất nên có quy định riêng trình tự, thủ tục áp dụng cho những cá nhân có tài sản đấu giá mà tự nguyện tham gia đấu giá.

Tôi xin hết ý kiến.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    387 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.607.533
    Trong năm: 1.066.237
    Trong tháng: 130.880
    Trong tuần: 32.258
    Trong ngày: 2.943
    Online: 107