Sáng 21/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Luật Đường bộ. Tại phiên thảo luận có ý kiến phát biểu của đại biểu Cầm Thị Mẫn, Đại biểu Quốc hội chuyên trách. Cổng Thông tin của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đại biểu Cầm Thị Mẫn.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn, Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Thanh Hóa

Kính thưa Chủ tọa phiên họp !

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội !        

Trước hết, tôi  thống nhất cao với Báo cáo giải trình, tiếp thu của UBTVQH về dự án Luật Đường bộ. Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, tôi có một số ý kiến cụ thể sau đây:

Thứ nhất: Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 7)

Khoản 3 Điều 7 của dự thảo Luật quy định về hành vi bị nghiêm cấm là “Lấn, chiếm, sử dụng, xây dựng trái phép trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ.”.

Tuy nhiên, quy định này cần phải loại trừ đối với các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 32 của dự thảo Luật này, bao gồm các trường hợp thi công trên đường bộ đang khai thác không phải cấp giấy phép. Tôi đề nghị rà soát lại để bảo đảm tính thống nhất giữa các quy định trong dự thảo Luật hoặc thể hiện lại khoản 3 Điều 7 theo hướng: “Lấn, chiếm, sử dụng, xây dựng trái phép trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 32 của Luật này.”.

Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 7 chỉ quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ gồm có lấn, chiếm, sử dụng, xây dựng trái phép. Trong khi đó, khoản 2 Điều 21 của dự thảo Luật quy định “Tổ chức, cá nhân khi xây dựng, cải tạo, mở rộng, bảo trì công trình và tiến hành hoạt động khác trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ phải được phép theo quy định tại khoản 2 Điều 32 của Luật này.”.

Như vậy, đối với các hành vi cải tạo, mở rộng công trình và các hoạt động khác nếu không được phép trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ có bị coi là vi phạm điều cấm hay không? Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, làm rõ để quy định các hành vi bị nghiêm cấm bảo đảm đầy đủ, bao quát.

Ngoài ra, theo quy định khoản 4 Điều 5 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, một trong những nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là cần bảo đảm tính khả thi, dễ tiếp cận, dễ thực hiện. Tuy nhiên, tôi nhận thấy một số nội dung tại khoản 1, khoản 4 và khoản 6 Điều này còn quy định sử dụng cụm từ là “trái quy định của pháp luật” thì chưa rõ ràng, còn chung chung. Tôi cho rằng, “quy định của pháp luật” là rất rộng, việc chỉ gói gọn các hành vi cấm tại khoản 1, khoản 4 và khoản 6 để xác định thế nào là “trái quy định của pháp luật” để được coi là hành vi bị nghiêm cấm sẽ gây khó khăn cho người dân, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận, áp dụng các quy định của Luật. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để quy định cụ thể, rõ ràng các nội dung nêu trên. 

Thứ hai: Về Vận tải hành khách, hàng hóa bằng xe bốn bánh có gắn động cơ (Điều 66)

Điều 66 quy định về các đối tượng được sử dụng xe bốn bánh có gắn động cơ để kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa và giao Chính phủ quy định điều kiện, trình tự, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa bằng xe bốn bánh có gắn động cơ.

Tôi cho rằng, cần cân nhắc việc giao Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa bằng xe bốn bánh có gắn động cơ bởi trong bối cảnh Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó các vấn đề liên quan đến cấp phép của cơ quan nhà nước ngày càng được minh bạch hóa và quy định khá đầy đủ ở văn bản luật. Do đó, đề nghị quy định rõ trong dự thảo Luật về thẩm quyền, điều kiện, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa bằng xe bốn bánh có gắn động cơ.

Thứ ba: Về Sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ (Điều 16)

Khoản 5 Điều 16 của dự thảo Luật quy định “Sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ chồng lấn với hành lang bảo vệ đê điều, phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, hành lang bảo vệ đường sắt phải tuân thủ quy định của Luật Đê điều, Luật Thủy lợi, Luật Đường sắt, Luật Đất đai và Luật này.”.

Tuy nhiên, Luật Đất đai, Luật Đê điều chưa có quy định điều chỉnh trong trường hợp đất hành lang an toàn đường bộ chồng lấn với hành lang bảo vệ đê điều. Đề nghị rà soát để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Thứ tư: Về Kỹ thuật văn bản

- Đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại quy định về dẫn chiếu điều luật để bảo đảm thuận tiện trong việc áp dụng quy định của Luật (Ví dụ: khoản 3 Điều 86 của dự thảo Luật dẫn chiếu đến điểm đ khoản 5 Điều 15. Tuy nhiên, khoản 5 Điều 15 không có điểm đ).

- Nhiều nội dung trong dự thảo Luật chỉ quy định chung “theo quy định”, (Ví dụ: điểm đ khoản 1 Điều 6, điểm b, điểm d khoản 1 Điều 31, điểm d khoản 1 Điều 57, điểm c khoản 2 Điều 61, khoản 3 Điều 61, …), mà không rõ là quy định gì. Đề nghị rà soát lại các quy định trong dự thảo Luật về nội dung này, bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng và tránh cách hiểu khác nhau trong quá trình áp dụng pháp luật.

Tôi xin hết ý kiến, Xin trân trọng cảm ơn!


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    542 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 4.175.002
    Trong năm: 1.346.593
    Trong tháng: 145.604
    Trong tuần: 29.682
    Trong ngày: 1.199
    Online: 68