Sáng 27/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.

Tại phiên thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có ý kiến phát biểu của đại biểu Võ Mạnh Sơn, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đại biểu Võ Mạnh Sơn.

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Tôi thống nhất với Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và bổ sung của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Để tiếp tục hoàn chỉnh, tôi xin được tham gia một số ý kiến cụ thể sau đây.

Thứ nhất, về giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn 15 năm. Nếu phương án này được thông qua sẽ có một nhóm người lao động tham gia bảo hiểm xã hội muộn, tức là khoảng 45 đến 47 tuổi mới tham gia hoặc những người tham gia không liên tục nhưng khi tới tuổi nghỉ hưu vẫn chưa tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội cũng được hưởng lương hưu hằng tháng. Việc giảm năm đóng bảo hiểm, mức hưởng ở nhóm này sẽ thấp, vì theo nguyên tắc của bảo hiểm xã hội là đóng hưởng, tức là đóng nhiều, hưởng nhiều và ngược lại, tuy vậy định kỳ mức lương hưu sẽ được Nhà nước điều chỉnh, đồng thời trong thời gian hưởng lương sẽ được Quỹ bảo hiểm xã hội mua bảo hiểm y tế. Do vậy, tôi cho rằng cho dù mức lương hưu có thể khiêm tốn hơn những người có thời gian đóng dài, nhưng với mức lương hàng tháng ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh và trong thời gian hưởng lương sẽ được Quỹ Bảo hiểm xã hội đóng Bảo hiểm y tế, sẽ góp phần đảm bảo tốt hơn cuộc sống khi về già cho người lao động.

Vấn đề thứ hai, về bảo hiểm xã hội một lần, dự thảo luật đề xuất 2 phương án rút bảo hiểm xã hội một lần. Cụ thể, phương án 1 là giữ nguyên như hiện hành là 12 tháng không thuộc diện bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm thì được rút một lần. Phương án 2 là thay đổi theo hướng dẫn cho phép người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần nhưng không quá 50% tổng thời gian đóng bảo hiểm, Quỹ hưu trí và Quỹ tử tuất, phần còn lại sẽ được bảo lưu, ghi nhận trên sổ bảo hiểm xã hội để người lao động có thể tiếp tục tham gia và hưởng chế độ khi đã đủ tuổi nghỉ hưu. Phương án 2 là phương án rất nhân văn với mục tiêu đảm bảo cho người tham gia có thể có cơ hội tiếp tục tham gia và hưởng chế độ đến tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, hiện nay người lao động còn đang rất băn khoăn, lo lắng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người tham gia bảo hiểm xã hội. Để đảm bảo luật đi vào cuộc sống, tránh tình trạng có nhiều ý kiến khác nhau. Tôi cho rằng nên thực hiện theo phương án 1, nhiệm vụ của các cấp, các ngành có liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích của chính sách bảo hiểm xã hội, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, không nên dùng các quy định của pháp luật để bắt buộc khi người lao động còn băn khoăn.

Vấn đề thứ ba, quy định về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã đưa ra các ý kiến, nội dung quy định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người lao động quyết định theo 2 phương án.

Phương án 1, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng bao gồm tiền lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.

Phương án 2, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng bao gồm lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động. Hiện nay, tình trạng người sử dụng lao động biến hóa các khoản tiền thành các tên khác nhau nhằm trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tương đối phổ biến, rất nhiều người sử dụng lao động mới chỉ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động bằng hoặc nhiều hơn một chút so với mức lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định. Để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động, tránh tình trạng người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, tôi thống nhất với phương án 1 của dự thảo.

Vấn đề thứ tư, về trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và biện pháp xử lý. Tôi đề nghị cần có các mức nộp số tiền khác nhau về hành vi chậm đóng bảo hiểm, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc mà không thể giống nhau như dự thảo đang quy định là đều là 0,03% trên/ngày. Đồng thời, cần xác định và làm rõ việc nộp số tiền này có đồng nghĩa với việc nộp phạt hành vi vi phạm hay không? Nếu vi phạm thì có đồng nghĩa với việc đây là một biện pháp xử lý vi phạm hành chính hay không để tránh trùng lặp với các biện pháp xử lý hành chính theo quy định tại khoản 2 trong cùng điều luật. Chúng ta cần phân hóa các mức xử lý vi phạm hành chính khác nhau giữa chậm đóng, trốn đóng, do tính chất, mức độ vi phạm giữa chậm và trốn đóng là khác nhau. Nếu cần phải quy định cụ thể, để đảm bảo tính khả thi thì vấn đề này nên quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội hay quy định trong pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với việc áp dụng các biện pháp tạm hoãn xuất cảnh theo pháp luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Tuy nhiên, tại Điều 36 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam không quy định việc tạm hoãn xuất cảnh đối với các trường hợp nêu trên. Vì vậy, đề nghị xem xét vấn đề này để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính hiệu lực của các biện pháp, chế tài đã quy định. Đối với các biện pháp không xem xét, trao tặng các danh hiệu thi đua, khen thưởng cũng cần xem xét và có đánh giá cụ thể.

Xin hết ý kiến.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    406 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.803.874
    Trong năm: 1.164.213
    Trong tháng: 137.359
    Trong tuần: 30.012
    Trong ngày: 1.718
    Online: 104