Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 24/06/2024, tại Nhà Quốc hội, dưới dự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung.

Tại phiên thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có ý kiến phát biểu của đại biểu Cầm Thị Mẫn, Đại biểu Quốc hội chuyên trách. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đại biểu Cầm Thị Mẫn.

Kính thưa Chủ tọa phiên họp,

Kính thưa Quốc hội,

Trước hết, tôi đồng tình cao đối với việc Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng tại kỳ họp này với những lý do được nêu tại Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách. Để tiếp tục hoàn thiện dự án luật, tôi xin có thêm một số góp ý cụ thể như sau:

Thứ nhất, về người nộp thuế tại Điều 4. Điều 4 dự thảo luật có 4 khoản quy định về các chủ thể nộp thuế giá trị gia tăng khác nhau. Nghiên cứu các khoản cụ thể tại điều luật cho thấy tên gọi của Điều 4 là "người nộp thuế" chưa thống nhất, chưa phản ánh đúng nội hàm của điều luật, cụ thể theo tên gọi của điều luật thì thấy chủ thể nộp thuế là người, nhưng tại các khoản trong điều luật thì người nộp thuế còn bao gồm cả tổ chức, hộ cá nhân sản xuất, kinh doanh, trong đó điều luật lại không có giải thích hoặc quy định về người nộp thuế như cách viết của luật hiện hành gây nên sự không thống nhất giữa nội hàm và tên gọi của điều luật. Do vậy, tôi cho rằng, thuật ngữ "người nộp thuế" cần được sửa đổi cho phù hợp. Theo đó, tôi đề nghị thay đổi tên gọi của Điều 4 từ "người nộp thuế" bằng "chủ thể nộp thuế" để bảo đảm bao quát được các trường hợp là cá nhân, tổ chức, vừa phản ánh được toàn diện, thống nhất giữa nội hàm với tên gọi của điều luật.

Tại Điều 4 dự thảo luật bổ sung đối tượng hộ sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Dân sự và một số luật có sử dụng thuật ngữ tương tự như Luật Lâm nghiệp, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Luật Quản lý thuế và gần đây nhất là Luật Đất đai đều sử dụng cụm từ "hộ gia đình", đồng thời khi tra cứu khái niệm "hộ sản xuất, hộ kinh doanh" tôi thấy tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 2 Luật Quản lý thuế đề cập đến thuật ngữ "hộ gia đình, hộ kinh doanh" nhưng không có thuật ngữ "hộ sản xuất".

Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 40 năm 2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có quy định "hộ kinh doanh là cơ sở sản xuất kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ", như vậy chỉ cần nêu hộ kinh doanh là đã bao hàm cả sản xuất. Từ những vấn đề nêu trên, tôi đề nghị sử dụng thống nhất thuật ngữ "hộ gia đình, hộ kinh doanh" để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Thứ hai, về đối tượng không chịu thuế. Điều 5 dự thảo luật quy định 26 nhóm đối tượng không chịu thuế, đồng thời quy định chi tiết, đầy đủ, chặt chẽ đối với hầu hết các nhóm đối tượng được miễn thuế giá trị gia tăng, là quy định mà nhiều đại biểu phát biểu trước tôi cũng đã đề cập. Do vậy, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để chuẩn hóa, thống nhất giữa Luật Thuế giá trị gia tăng với các luật liên quan. Theo đó, nên rà soát, sắp xếp các lĩnh vực, ngành nghề miễn thuế giá trị gia tăng một cách hợp lý, có thứ tự ưu tiên, dễ áp dụng trong thực tiễn. Về quy định này, tôi xin tập trung vào khoản 10, quy định về dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, bao gồm cả chăm sóc y tế, dinh dưỡng và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cho người cao tuổi, người khuyết tật không phải chịu thuế giá trị gia tăng, cá nhân tôi hoàn toàn thống nhất về đối tượng.

Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật cho thấy quy định mang tính liệt kê nhưng chưa khoa học, chưa hợp lý và còn có sự trùng lặp, trong đó cụm từ "dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật" được lặp lại 2 lần trong cùng một khoản là không cần thiết; nội dung về đối tượng có quy định chung là dịch vụ cho cả người và vật nuôi trong cùng một khoản là không hợp lý. Từ những phân tích nêu trên, tôi đề nghị rà soát để viết lại cho ngắn gọn, khái quát, không trùng lặp các ý cần viết trong cùng 1 khoản của điều luật, đồng thời tách khoản 10 thành 2 khoản khác nhau để quy định cho từng loại đối tượng dịch vụ dành cho người và dịch vụ cho vật nuôi riêng biệt.

Thứ ba, về bảo đảm thống nhất, đồng bộ của dự thảo luật. Qua nghiên cứu tờ trình và thuyết minh chi tiết kèm theo tờ trình, tôi thấy cơ quan trình đã rà soát khá chi tiết các quy định của luật để thể hiện thống nhất tại dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng, trong đó có Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Tuy nhiên, nội dung được rà soát lại chưa đối chiếu với dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sửa đổi đang được Quốc hội xem xét tại kỳ họp này. Ngoài ra, khi nghiên cứu dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp thì có đề cập đến miễn thuế giá trị gia tăng đối với tổ chức nước ngoài thực hiện các chương trình, dự án chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh nhưng dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng không có quy định đây là đối tượng không chịu thuế, vì vậy đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung, đồng thời rà soát với các dự thảo luật khác đang trình Quốc hội xem xét thông qua để bảo đảm bao quát toàn diện và thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục

 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    408 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.804.033
    Trong năm: 1.164.213
    Trong tháng: 137.359
    Trong tuần: 30.012
    Trong ngày: 1.877
    Online: 138