Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 20/11/2024, tại Nhà Quốc hội, dưới dự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung phiên họp.
Tại phiên thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có ý kiến phát biểu của đại biểu Trần Văn Thức, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đại biểu Trần Văn Thức.
ĐBQH Trần Văn Thức phát biểu tại phiên thảo luận
Kính thưa Quốc hội,
Với hơn 30 năm gắn liền với nghề dạy học và hiện đang tham gia quản lý trên một địa phương có truyền thống hiếu học, chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi và xúc động được tham gia phiên họp ngày hôm nay của Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực cao nhất bàn về Luật Nhà giáo. Trước hết, chúng tôi xin bày tỏ sự tri ân đối với đội ngũ các thầy cô giáo và đặc biệt trân trọng cảm ơn Đảng, Nhà nước và xã hội luôn chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.
Kính thưa Quốc hội,
Nghiên cứu hồ sơ dự án Luật Nhà giáo, tôi đánh giá rất cao sự nỗ lực, cố gắng của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã rất nghiêm túc, trách nhiệm, đã dành nhiều thời gian để tổ chức các hội nghị, hội thảo, cầu thị để lắng nghe và tiếp thu, chỉnh lý nhiều lần để hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo. Để tiếp tục hoàn thiện Luật Nhà giáo, chúng tôi xin đóng góp thêm một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, về sự cần thiết phải ban hành Luật Nhà giáo. Dự thảo luật đã thể chế hóa được quan điểm, chủ trương của Đảng về vị trí, vai trò của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp phát triển đất nước nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về Nhà giáo. Theo đó, các quan điểm, chủ trương xuyên suốt của Đảng qua các kỳ Đại hội đều nhất quán trong việc xác định lực lượng Nhà giáo là yếu tố quan trọng, cốt lõi có vai trò quyết định đến chất lượng giáo dục và đào tạo, đồng thời khẳng định rõ là cần tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo, tháo gỡ những điểm nghẽn và đặt ra yêu cầu cần sớm xây dựng luật về nhà giáo.
Về thực trạng hệ thống pháp luật hiện nay. Theo tờ trình của Chính phủ cho biết các nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đang chịu sự điều chỉnh của 6 luật, gồm Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Bộ luật Lao động; Luật Giáo dục; Luật Giáo dục nghề nghiệp; Luật Giáo dục đại học. Tuy nhiên, những nội dung về quản lý nhà giáo giữa các luật chưa thực sự đầy đủ và đồng bộ. Mặt khác, một số bất cập phát sinh trong công tác quản lý nhà nước về nhà giáo hiện nay và việc kiến tạo các chính sách phát triển đội ngũ đột phá cho sự phát triển, nâng tầm quản lý nhà giáo về mặt lý luận cũng như thực tiễn không thể quy định chung trong các luật hiện hành nói trên. Như vậy cả về quan điểm, chủ trương của Đảng, sự quan tâm của xã hội đều xác định vị trí, vai trò quan trọng hàng đầu của nhà giáo. Nhưng, thực tế hệ thống pháp luật sau một thời gian dài cho đến hiện nay chúng ta vẫn chưa có luật riêng về nhà giáo để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, tạo hành lang pháp lý, tạo môi trường làm việc, các chính sách đối với nhà giáo như tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh, bảo vệ và phát triển, v.v.. Từ các căn cứ nêu trên, việc ban hành Luật Nhà giáo vì thế hết sức cần thiết khi vừa đáp ứng được yêu cầu thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển đội ngũ nhà giáo, vừa phù hợp với điều kiện thực tế về xây dựng hệ thống pháp luật của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Do đó, chúng tôi thống nhất cao với sự cần thiết phải ban hành Luật Nhà giáo như Tờ trình cũng như nội dung của dự thảo luật đã nêu.
Thứ hai, về một số nội dung cụ thể của dự thảo luật. So với quy định hiện hành tại các luật có liên quan, dự thảo Luật Nhà giáo có nhiều quy định mới, trong đó chúng tôi đặc biệt quan tâm tới 2 nội dung:
Một là, về thẩm quyền tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Từ thực tiễn kinh nghiệm quản lý trong ngành giáo dục, tôi nhận thấy thực trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, đặc biệt là đối với giáo viên tiểu học, THCS thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 ngày càng trầm trọng, trong đó một trong những nguyên nhân cơ bản là do các cơ quan quản lý giáo dục thiếu vai trò chủ trì nên không thể chủ động trong việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên. Cụ thể, việc tuyển dụng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập hiện nay được thực hiện theo quy định chung về tuyển dụng viên chức. Tuy nhiên, quy định chung về tuyển dụng viên chức chưa thực sự phù hợp với hoạt động nghề nghiệp đặc thù của nhà giáo. Ví dụ, việc làm bài thi về kiến thức chung chưa gắn liền với yêu cầu hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, điều kiện đăng ký dự thi tuyển còn chưa tính đến yếu tố đặc thù của nhà giáo, v.v..
Việc phân cấp công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập vì ở hầu hết các địa phương, cơ quan chuyên môn là Phòng giáo dục đào tạo không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên nên không thể chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không chủ động điều tiết được giáo viên thừa, thiếu giữa các đơn vị hành chính trên địa bàn. Hệ quả của vấn đề này được thể hiện rõ trong việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức giám sát cho thấy địa phương không thể tuyển được giáo viên không thể tổ chức dạy học một số môn học, v.v.. Do vậy, tôi hết sức đồng tình và thống nhất cao với việc dự thảo luật giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý, trình cấp có thẩm quyền quyết định; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan thẩm quyền giao; các cơ quan quản lý giáo dục hoặc cơ sở giáo dục chủ trì trong tuyển dụng nhà giáo. Đây là quy định rất quan trọng, có thể tháo gỡ ngay những vấn đề khó khăn, nhất là ngày càng trầm trọng về vấn đề thừa, thiếu giáo viên từ nhiều năm nay ở nhiều địa phương.
Hai là, về chính sách tiền lương và các chế độ phụ cấp, chế độ ưu đãi. Theo báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về nhà giáo kèm theo hồ sơ dự án luật cũng như ý kiến của cử tri, đánh giá của xã hội cho thấy mức lương, mức phụ cấp ưu đãi của nhà giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non và phổ thông hiện đang thấp hơn so với mức lương của cán bộ, công chức các ngành khác, nhất là khối đoàn thể trên cùng địa bàn. Lương và phụ cấp ưu đãi nghề của nhà giáo chưa tương xứng với hoạt động nghề nghiệp, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu về an sinh xã hội, chưa đủ để đảm bảo mức sống, nhất là những giáo viên trẻ mới vào nghề và sống ở khu vực đồng bằng, thành phố, áp lực về thu nhập là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm. Địa phương thiếu nguồn tín dụng để bổ sung giáo viên còn thiếu và chuẩn bị đội ngũ triển khai chương trình phổ thông 2018 sách giáo khoa mới.
Thực tế còn cho thấy, khẳng định về lương với nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong Nghị quyết số 29 chỉ dừng lại và chưa đi vào thực tế cuộc sống. Chúng tôi thấy dự án luật lần này đã đảm bảo điều đó.
Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.