Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 20/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Nhà giáo. Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong phạm vi chức trách, nhiệm vụ của mình tích cực nghiên cứu, quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Giáo dục, đào tạo có vai trò đặc biệt quan trọng đối với những kỳ tích phát triển của dân tộc”.

Tổng thuật sáng 20/11: Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo

Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Nhà giáo.

Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, hôm nay ngày 20/11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam, Quốc hội dành trọn phiên họp buổi sáng để thảo luận về dự án Luật Nhà giáo. Phiên họp được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam để cử tri và Nhân dân theo dõi.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, đây là sự trân trọng của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi đến các thế hệ Nhà giáo và Ngành Giáo dục – những người đã và sẽ đóng góp to lớn cho sự nghiệp trồng người vẻ vang và cao quý. Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ lòng tri ân sâu sắc và gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các nhà giáo lão thành, các vị đại biểu Quốc hội đã và đang làm việc trong ngành giáo dục cùng gần 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên mọi miền của Tổ quốc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, ngày 18/11 vừa qua, trong bài phát biểu tâm huyết tại cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định “Giáo dục - đào tạo có vai trò đặc biệt quan trọng đối với những kỳ tích phát triển của dân tộc”, đồng thời chỉ rõ 3 vấn đề cốt tử để thực hiện thành công đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, góp phần đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên vươn mình, sánh vai với các cường quốc năm châu, đó là: (1) Tập trung thực hiện cho bằng được sự nghiệp đổi mới giáo dục – đào tạo, hoàn thành mục tiêu tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới. (2) Từ bài học lịch sử về chính sách “bình dân học vụ” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động để phát động và thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số” ngày nay; tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu trường, thiếu lớp; bảo đảm tối thiểu 20% chi ngân sách nhà nước cho giáo dục. (3) Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, nâng cao chất lượng.

 Tổng Bí thư Tô Lâm cũng gửi gắm niềm tin mạnh mẽ “Với một đất nước, một dân tộc có truyền thống hiếu học, quý trọng hiền tài; đội ngũ thầy giáo, cô giáo tâm huyết, yêu nghề, sẵn sàng hy sinh, gắn bó với nghề cùng sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, toàn ngành Giáo dục sẽ khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, thực hiện thành công công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, điều này đòi hỏi không chỉ quyết tâm rất lớn của các thầy cô giáo, của ngành Giáo dục mà cần sự chung sức đồng lòng của toàn xã hội, của mỗi gia đình, của các bậc phụ huynh và của mỗi chúng ta về tinh thần học tập suốt đời và tôn vinh sự học.

​​“Nên thợ, nên thầy nhờ có học

​​No cơm, ấm áo bởi hay làm

​​Học, để biết yêu quê hương, đất nước

​​Học, để biết thương con người khổ đau

​​Học, để giữ cho bình yên Tổ quốc

​​Học, để đắp xây non sông Việt Nam”

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong phạm vi chức trách, nhiệm vụ của mình tích cực nghiên cứu, quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư với tinh thần “tôn sư trọng đạo”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, dự án Luật Nhà giáo lần đầu được xây dựng là dự án luật điều chỉnh về đối tượng liên quan đến nhiều luật chuyên ngành. Phạm vi điều chỉnh của dự án luật khá rộng, liên quan đến số đông viên chức là nhà giáo tại các cơ sở giáo dục công lập chiếm tới 2/3 tổng biên chế sự nghiệp của cả nước và đội ngũ ngày càng đông đảo các nhà giáo tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri.

Trong mối quan tâm chung, nhằm thể chế hóa, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã rất tâm huyết, trách nhiệm trong nghiên cứu xây dựng và thẩm tra dự án luật. Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nhiều lần cho ý kiến về dự án luật. Tại phiên thảo luận Tổ cũng đã có 90 lượt ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội.

Các đại biểu Quốc hội dự phiên thảo luận.

Tại phiên thảo luận sáng nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị các vị đại biểu Quốc hội quan tâm 8 vấn đề được nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, đó là:

(1) Chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo.

(2) Quyền và nghĩa vụ của nhà giáo.

(3) Chuẩn nghề nghiệp nhà giáo.

(4) Tuyển dụng, điều động, biệt phái, thuyên chuyển nhà giáo.

(5) Chính sách tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo.

(6) Chính sách hỗ trợ, thu hút nhà giáo.

(7) Chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo.

(8) Quản lý nhà nước về nhà giáo.

Trong quá trình thảo luận, đoàn Chủ tịch sẽ mời Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu ý kiến làm rõ thêm các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm./.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    542 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 4.171.245
    Trong năm: 1.345.959
    Trong tháng: 147.617
    Trong tuần: 29.434
    Trong ngày: 1.817
    Online: 97