Chiều 07/11/2024, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.
Tại phiên thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có ý kiến phát biểu của đại biểu Cầm Thị Mẫn, Đại biểu Quốc hội chuyên trách, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đại biểu Cầm Thị Mẫn.
ĐBQH Cầm Thị Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận
Kính thưa Chủ tọa phiên họp,
Kính thưa Quốc hội,
Trước hết, tôi tán thành với việc sửa đổi toàn diện Luật Điện lực hiện hành với những cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn như đã nêu trong tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Để góp phần hoàn thiện dự thảo luật, tôi xin tham gia một số nội dung cụ thể như sau:
Một, về áp dụng pháp luật tại Điều 3. Theo Điều 3 của dự thảo luật, trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Điện lực và luật khác về cùng một vấn đề cụ thể liên quan thì áp dụng Luật Điện lực. Tôi đề nghị cân nhắc không quy định nguyên tắc áp dụng pháp luật luật này vì quy định này không phù hợp với nguyên tắc áp dụng pháp luật đã được quy định tại khoản 3 Điều 156 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đó là trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.
Hơn nữa, việc quy định nguyên tắc áp dụng luật như vậy sẽ dẫn đến phá vỡ tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, gây ra sự chồng chéo, thậm chí xung đột pháp luật. Nếu trong một quan hệ xã hội cụ thể, có hai luật hoặc nhiều hơn đều quy định ưu tiên áp dụng luật đó thì không thể xác định được cần áp dụng theo luật nào. Do vậy, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh cách hiểu và vận dụng khác nhau làm phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện, tôi đề nghị rà soát kỹ các quy định của dự thảo luật này với các luật có liên quan, xử lý ngay tại dự thảo luật các quy định khác nhau để tránh tiếp tục nảy sinh các xung đột trong quản lý nhà nước và trong áp dụng pháp luật. Trường hợp đặc thù cần có quy định riêng thì quy định rõ ngay tại điều khoản đó và nói rõ không áp dụng quy định của luật cụ thể có liên quan mà ưu tiên áp dụng quy định của luật này.
Hai, về thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực tại Điều 56. Tại Điều 56 của dự thảo luật quy định về thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực, trong đó thời hạn tối đa của giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phát điện là 20 năm, lĩnh vực truyền tải điện 20 năm, lĩnh vực phân phối điện là 10 năm, lĩnh vực bán buôn điện, bán lẻ điện là 10 năm. Đây là quy định hoàn toàn mới so với Luật Điện lực hiện hành. Tuy nhiên, tờ trình và báo cáo đánh giá tác động này không lý giải tại sao là 20 năm hay 10 năm mà không phải các thời điểm khác. Do đó, tôi đề nghị làm rõ căn cứ đánh giá tác động cụ thể để xác định mốc thời gian phù hợp của giấy phép trong từng lĩnh vực. Bên cạnh đó, tại khoản 5 điều này quy định căn cứ điều kiện thực tế về hạng mục công trình điện, phương án bán buôn, bán lẻ điện cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có quyền cấp giấy phép hoạt động điện lực có thời hạn ngắn hơn thời hạn quy định tại khoản 1 điều này.
Trước hết, tôi đề nghị xem xét sự cần thiết quy định về thời hạn tối thiểu của giấy phép hoạt động điện lực nhằm bảo đảm tính minh bạch trong việc cấp giấy phép hoạt động điện lực, tránh tạo ra cơ chế xin - cho vì thời hạn tối thiểu này lại liên quan tới thời hạn tối đa nhưng dự thảo luật hiện không xác định ngắn hơn thời hạn quy định tại khoản 1 cụ thể là bao nhiêu năm. Do vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần có giải trình cụ thể.
Ba, về thẩm quyền thu hồi giấy phép hoạt động điện lực tại Điều 58. Khoản 2 Điều 58 của dự thảo luật quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực lĩnh vực phát điện, phân phối điện, bán lẻ điện trong phạm vi địa phương theo quy định của Chính phủ. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp ủy quyền cho cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động điện lực cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực, phát điện, phân phối điện, bán lẻ điện thuộc chức năng, phạm vi quản lý của cơ quan này”.
Đối chiếu với Điều 13, Điều 14 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì việc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ giao cho cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực thông qua cơ chế ủy quyền. Việc phân cấp chỉ thực hiện giữa cơ quan nhà nước cấp trên và cơ quan nhà nước cấp dưới. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo chỉnh lý lại quy định trên cho phù hợp.
Tôi xin hết. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.