Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 25/10/2024, tại Nhà Quốc hội, dưới dự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung phiên họp.

Tại phiên thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có ý kiến phát biểu của đại biểu Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đại biểu Mai Văn Hải.

ĐBQH Mai Văn Hải phát biểu tại Hội trường

 

Kính thưa Chủ tọa phiên họp,

Kính thưa Quốc hội,

Trước hết, tôi cơ bản thống nhất với tờ trình của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, tôi xin phép được có thêm một số ý kiến như sau:

Một là, tại Điều 12 về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế. Dự thảo luật đã được bổ sung khá nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, các nhóm đối tượng khác nhau. Tôi cho rằng đây là việc rất cần thiết để hướng tới việc thực hiện mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân. Song, đề nghị trong nhóm ngân sách nhà nước đóng cho thân nhân các đối tượng là lực lượng vũ trang ở điểm a, điểm b khoản 3 cần phải cụ thể thân nhân là những đối tượng nào được hưởng, nên quy định cụ thể là cha, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi và người nuôi dưỡng hợp pháp. Nhóm ngân sách nhà nước hỗ trợ tôi đề nghị cần quan tâm hơn đến đối tượng là học sinh, sinh viên, đối tượng là hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình hoặc là người dân tộc thiểu số để các đối tượng này đều có thể tham gia bảo hiểm y tế, vì đây là những đối tượng còn gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, đề nghị cân nhắc, xem xét, bổ sung đối tượng ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế cho chi hội trưởng ở các đoàn thể, ở thôn, bản, tiểu khu. Đây là ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của rất nhiều cử tri sau mỗi kỳ chúng tôi tiếp xúc cử tri.

Hai là, tại Điều 26 đăng ký và khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu. Tôi cơ bản thống nhất với sửa đổi, bổ sung như dự thảo về đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu đối với cấp khám, chữa bệnh ban đầu và cơ bản. Tuy nhiên, việc bổ sung quy định đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu đối với cơ sở khám, chữa bệnh cấp chuyên sâu cần phải xem xét, cân nhắc kỹ vấn đề này. Bởi vì, trên thực tế, các cơ sở khám, chữa bệnh cấp chuyên sâu đa phần phải điều trị các bệnh nhân nặng, bệnh hiểm nghèo, bệnh viện thường quá tải, áp lực lớn cho đội ngũ y, bác sĩ, điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu. Nếu quy định phải thực hiện thêm nhiệm vụ khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân theo chế độ bảo hiểm y tế thì tiếp tục tạo gánh nặng cho cơ sở y tế chuyên sâu và nhiệm vụ này hoàn toàn có thể làm tốt ở cấp ban đầu và cấp cơ bản. Tôi đề nghị xem xét không nên quy định khám, chữa bệnh ban đầu ở cấp chuyên sâu mà chỉ đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu ở cấp khám, chữa bệnh ban đầu, cấp khám, chữa bệnh cơ bản là phù hợp. Ở cấp chuyên sâu, nên xem xét quy định khám chữa bệnh ban đầu cho một số nhóm đối tượng thuộc diện ưu tiên chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cán bộ và những người trực tiếp làm việc ở các cơ sở khám chữa bệnh chuyên sâu.

Thứ ba, Điều 27 chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Ti khoản 3 quy định “gười có thẻ bảo hiểm y tế tự đi khám chữa bệnh không đúng nơi đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tong thời gian điều trị nội trú, nếu phát hiện bệnh khác, ngoài phạm vi chuyên môn của cơ sở khám, chữa bệnh hoặc tình trạng diễn biến vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở khám, chữa bệnh”. Đề nghị cần cân nhắc thêm vấn đề này để người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế tự đi khám chữa bệnh sẽ không phải chuyển tuyến. Đây là nguyện vọng của rất nhiều cử tri nhưng cũng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề này, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh nhưng cũng phải đảm bảo chặt chẽ, thuận lợi trong công tác quản lý cũng như khám chữa bệnh của các cơ sở y tế. Bởi vì, không phải chuyển tuyến để cho người bệnh tự đi sẽ dẫn đến một số bất cập như sự tạo sự nôn nóng, không an tâm điều trị ở cơ sở khám chữa bệnh ban đầu và cơ bản dẫn đến nhiều bệnh nhân sẽ chuyển lên tuyến trên để được điều trị, dẫn tới sẽ quá tải ở bệnh viện tuyến trên, nhất là tuyến chuyên sâu sẽ ảnh hưởng lớn tới việc khám, chữa bệnh của cơ sở khám chữa bệnh chuyên sâu. Hơn nữa, người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế tự đi nhưng không phải người người bệnh nào cũng biết được để đi đến đúng cơ sở khám chữa bệnh phù hợp. Đề nghị vẫn quy định có thủ tục chuyển viện nhưng phải tạo điều kiện thuận lợi và nhanh nhất cho người bệnh khi phải chuyển tuyến.

Thứ tư, Điều 31 về thanh toán khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế. Khoản 4 có quy định thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế điều trị được điều chuyển giữa các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Quy định như vậy để tạo điều kiện cho người bệnh trong trường hợp cơ sở điều trị không có thuốc, nhưng điều này cũng cần phải cân nhắc thêm. Cần quy định cụ thể hơn để tạo thuận lợi cho việc chuyển thanh toán thuốc, thiết bị y tế phục vụ kịp thời việc điều trị cho bệnh nhân. Nếu việc điều chuyển thuốc, thiết bị y tế để phục vụ cho người bệnh không kịp thời sẽ gây khó khăn cho người bệnh. Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người bệnh nhân, đề nghị xem xét quy định thêm trường hợp thanh toán cho người bệnh nếu phải mua thuốc, thiết bị y tế ở ngoài thị trường theo đơn thuốc của bác sĩ thuộc danh mục thuốc, thiết bị y tế, định mức được thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế, như thế sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người bệnh được điều trị.

Xin hết ý kiến xin cảm ơn Quốc hội.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục

 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    542 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 4.171.706
    Trong năm: 1.345.959
    Trong tháng: 147.617
    Trong tuần: 29.434
    Trong ngày: 2.277
    Online: 133