Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 28/10/2024, tại Nhà Quốc hội, dưới dự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.
Tại phiên thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có ý kiến phát biểu của đại biểu Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đại biểu Mai Văn Hải.
ĐBQH Mai Văn Hải phát biểu tại phiên thảo luận
Kính thưa Chủ tọa phiên họp,
Kính thưa Quốc hội,
Kính thưa toàn thể cử tri và nhân dân,
Trước hết, tôi cơ bản thống nhất với báo cáo của Đoàn giám sát đã báo cáo trước Quốc hội, phải nói đây là một chuyên đề rất quan trọng, nội dung diện rộng, thời điểm giám sát khá dài. Đoàn giám sát đã thực hiện tốt nhiệm vụ được Quốc hội giao, báo cáo kết quả của Đoàn giám sát rất công phu, khoa học, thể hiện rõ nét kết quả thực hiện các mục tiêu của chuyên đề đề ra. Sau đây, tôi xin được tham gia ý kiến xung quanh vấn đề phát triển nhà ở xã hội.
Nhà ở của người dân nói chung, nhà ở xã hội nói riêng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chăm lo. Ngày 3/4/2023 Chính phủ đã phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Ngày 24/5/2024 Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 34 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới và nhiều văn bản khác có liên quan để thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về nhà ở xã hội.
Trong thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm, chỉ đạo thực hiện việc xây dựng nhà ở xã hội, một số vướng mắc từng bước được tháo gỡ, kể cả về pháp luật cũng như việc tổ chức thực hiện trong việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất, một số địa phương đã bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội độc lập, một số địa phương bố trí nhà ở xã hội là quỹ đất 20% trong dự án nhà ở thương mại. Các địa phương đã rất nỗ lực chỉ đạo xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nhưng đến nay theo báo cáo của Chính phủ, sau 8 năm từ năm 2015 đến năm 2023 mới có 373/800 dự án đã hoàn thành với quy mô đã xây dựng được 193.920 căn hộ. Nếu so với mục tiêu đến năm 2025 mới chỉ đạt 45,3%, so với mục tiêu đến năm 2030 mới chỉ đạt 18,2%. Như vậy, cho chúng ta thấy mục tiêu của dự án đến năm 2025 và đến năm 2030 rất khó có khả năng hoàn thành nếu chúng ta không có giải pháp đột phá.
Trong báo cáo đã nêu rất cụ thể về những tồn tại, nguyên nhân, có nhiều kiến nghị sâu sắc. Cá nhân tôi cho rằng nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trong báo cáo kết quả giám sát thì nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu do công tác lãnh đạo, do công tác ban hành chính sách, pháp luật về nhà ở xã hội tuy là tương đối đầy đủ nhưng thiếu tính ổn định, có nhiều văn bản chồng chéo, mâu thuẫn, chưa đồng bộ, thống nhất; một số cơ chế, chính sách chưa khuyến khích thu hút được nhà đầu tư nhà ở xã hội; còn nhiều người có thu nhập thấp, công nhân lao động chưa tiếp cận được với các chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, giúp cho người có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp có điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn với nhà ở xã hội nhưng vẫn còn tồn tại, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án trong việc bán, cho thuê, cho thuê mua đối với nhà ở xã hội, đến nay vẫn còn nhiều địa phương chưa hoàn thành kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, việc bố trí quỹ đất ở đô thị, khu công nghiệp còn khó khăn, một số quy định chưa phù hợp với thực tế, chậm được sửa đổi, bổ sung như về thủ tục đầu tư đất đai, xây dựng quy hoạch.
Từ những vấn đề nêu trên, tôi xin kiến nghị một số vấn đề sau:
Một, đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn trong thực hiện các chính sách, pháp luật về nhà ở xã hội trong lĩnh vực đầu tư đất đai, quy hoạch; sửa đổi các chính sách để thu hút các nhà đầu tư giúp cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động có nhu cầu nhà ở xã hội tượng được tiếp cận tốt hơn với chính sách.
Hai, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện, ưu tiên để bố trí quỹ đất cho nhu cầu nhà ở xã hội, trong đó chú trọng đối với bố trí các dự án nhà ở độc lập, nhất là ở các đô thị lớn, các khu công nghiệp, đồng thời cần phải thực hiện bố trí ngân sách trung ương, ngân sách địa phương thỏa đáng để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; hoàn thiện các cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia phát triển nhà ở xã hội cho công nhân ở các khu công nghiệp để giải quyết nhu cầu nhà ở của công nhân, lao động; chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để các nhà đầu tư, người có thu nhập thấp, công nhân lao động được tiếp cận với vốn vay để đầu tư cũng như mua nhà ở xã hội.
Ba, đề nghị Chính phủ cần có chính sách cụ thể hóa theo tinh thần Chỉ thị 34 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới; chỉ đạo thực hiện việc giao cho các địa phương phải xác định chỉ tiêu phấn đấu cụ thể để thực hiện cho được theo đúng tinh thần Chỉ thị 34 của Ban Bí thư; cụ thể hóa chính sách để tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý, hợp lệ; thực hiện tốt các cơ chế tài chính, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, Nhà nước và người dân thụ hưởng chính sách; khắc phục tình trạng một số dự án lợi nhuận thấp, thời gian kéo dài, không khuyến khích được nhà đầu tư; cụ thể hóa chính sách đặc thù cho người lao động có thu nhập thấp, công nhân trong các khu công nghiệp; cần đa dạng hóa các sản phẩm nhà ở xã hội và các hình thức thuê, cho thuê, thuê mua, mua với giá cả hợp lý để người có thu nhập thấp có thể tiếp cận được.
Bốn, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các thủ tục hành chính trong đầu tư dự án nhà ở xã hội, trong tiếp cận vốn vay, tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể để rút ngắn thời gian triển khai thực hiện các dự án đầu tư nhà ở xã hội. Đồng thời, cần phải cải cách thủ tục hành chính trong việc xem xét duyệt đối tượng đủ điều kiện tham gia mua nhà ở xã hội để vừa thuận tiện, vừa đúng đối tượng được thụ hưởng chính sách.
Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.