Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 25/10/2024, tại Nhà Quốc hội, dưới dự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; Tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Tại phiên thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có ý kiến phát biểu của đại biểu Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đại biểu Mai Văn Hải.

ĐBQH Mai Văn Hải phát biểu tại Hội trường

 

Kính thưa Chủ tọa phiên họp,

Kính thưa Quốc hội,

Kính thưa toàn thể cử tri và nhân dân,

Trước hết, tôi cơ bản thống nhất cao với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Qua báo cáo cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo điều hành rất sát sao, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo cùng với sự nỗ lực của người dân và doanh nghiệp, nền kinh tế của nước ta được phục hồi và phát triển nhanh, có nhiều điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, 14/15 chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch đề ra, điển hình như tốc độ tăng trưởng kinh tế cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, đầu tư xây dựng kết cấu của từng tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ, tạo bước đột phá rõ nét trong đầu tư xây dựng đường cao tốc, dự án đường điện 500 KV mạch 3 đã thi công thần tốc chỉ trong 6 tháng đã hoàn thành. Điều này chưa từng có trong tiền lệ và cũng cho chúng ta thấy được bài học quý trong lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia. Bên cạnh đó, Báo cáo của Chính phủ cũng đã nêu khá rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân những nhiệm vụ chủ yếu của năm 2025. Tôi xin phép được đề cập tới 2 vấn đề như sau.

Một là, về nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Dù gặp phải thiên tai, bão lụt, thời tiết có nhiều bất lợi nhưng sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản vẫn có mức tăng trưởng khá, an ninh lương thực được đảm bảo, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới. Chương trình mỗi xã một sản phẩm tiếp tục được các địa phương triển khai thực hiện ngày càng tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa, nhưng bên cạnh đó sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế chưa cao, một bộ phận người nông dân không tha thiết với đồng ruộng, xây dựng nông thôn mới vẫn còn một số tồn tại như kết quả xã đạt chuẩn nông thôn mới ở một số vùng vẫn còn chênh lệch lớn, vùng lõm vẫn là các tỉnh khu vực miền núi và Tây Nguyên. Sự vào cuộc của một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt, phong trào xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương có dấu hiệu chững lại, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân ở khu vực nông thôn chưa được cải thiện nhiều. việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới chưa được quan tâm đúng mức, kết quả triển khai thực hiện các chương trình chuyên đề hỗ trợ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới có địa phương chưa được quan tâm đúng mức, tiến độ triển khai còn chậm. Từ những vấn đề nêu trên, tôi xin đề xuất một số vấn đề sau:

Đề nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phải tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; khắc phục tình trạng sản xuất manh mún; sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai năm 2024, nhất là các văn bản thuộc thẩm quyền của các địa phương để đẩy nhanh quá trình tích tụ, tập trung đất đai, mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; tiếp tục thực hiện tốt phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; huy động tối đa các nguồn lực, nhất là các nguồn lực trong nhân dân, kết hợp lồng ghép các nguồn lực từ chương trình dự án từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả, tạo sinh kế và tăng thu nhập cho người nông dân; nghiên cứu, xem xét, bổ sung nguồn vốn, hỗ trợ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia cho các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là các xã ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa còn rất nhiều khó khăn; chỉ đạo thực hiện tốt chương trình chuyên đề về hỗ trợ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó xác định chương trình mỗi xã một sản phẩm là một trong những chương trình chuyên đề trọng tâm để chuẩn hóa, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm hàng hóa trong sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gắn với quá trình sản xuất ở nông thôn; có chính sách đặc thù cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất, đổi mới công nghệ, xây dựng sản phẩm OCOP để có sự liên kết trong sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hóa OCOP có giá trị gia tăng cao.

Hai, việc thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù. Qua nghiên cứu báo cáo của Chính phủ đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù của 4 địa phương: thành phố Hải Phòng, thành phố Cần Thơ, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế cho chúng ta thấy sự quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện các cơ chế. Việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù tạo ra sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các chính sách liên quan lĩnh vực tài chính, đầu tư, liên quan đến phân cấp, ủy quyền trong quản lý đất đai, quản lý quy hoạch đã và đang phát huy hiệu quả khá tốt, góp phần khơi thông các nguồn lực, lợi thế của mỗi địa phương, bước đầu góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số cơ chế, chính sách đặc thù triển khai tổ chức thực hiện chưa đạt kết quả như mong muốn, chưa tạo ra động lực đột phá cho các tỉnh, các cơ chế chưa thật toàn diện, chưa đủ mạnh để khơi thông các nguồn lực. Việc bổ sung các cơ chế, chính sách để hoàn thiện hơn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã cho phép Nghệ An thực hiện bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù. Với những vấn đề nêu trên, tôi đề nghị Quốc hội cho phép Thanh Hóa và các tỉnh, thành phố sau khi Chính phủ sơ kết, đánh giá 3 năm được xây dựng bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, tạo điều kiện cho các địa phương huy động tối đa các nguồn lực, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế cho đầu tư phát triển, sớm hoàn thành các mục tiêu mà nghị quyết Bộ Chính trị đã giao.

Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục

 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    554 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 4.431.715
    Trong năm: 1.429.711
    Trong tháng: 121.171
    Trong tuần: 28.503
    Trong ngày: 1.277
    Online: 90