Thực hiện Nghị quyết số 30/2011/NQ-HĐND ngày 17 tháng 12 năm 2011 về Chương trình giám sát của HĐND tỉnh năm 2012 và Chương trình hoạt động 6 tháng cuối năm 2012 của Ban Dân tộc HĐND tỉnh.
Sáng ngày 21 tháng 8 năm 2012, Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức giám sát tại Trường Trung cấp Nông Lâm Thanh Hóa, đồng chí Cao Thị Xuân, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc, cùng tham dự có đồng chí Trần Đức Thanh, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh và đại diện lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.
Tại buổi làm việc, qua nghe báo cáo của lãnh đạo Nhà trường về kết quả đào tạo và thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với học sinh được cử đi học theo chính sách Nghị quyết 30a của Chính phủ. Qua 3 năm thực hiện (2010 – 2012) tổng số chỉ tiêu được giao theo Quyết định của UBND tỉnh là 820 chỉ tiêu, đào tạo hệ Trung cấp Nông Lâm về làm khuyến nông viên thôn bản các huyện nghèo, số học sinh thực tế nhập học tại trường là 737 học sinh, 7 huyện thuộc 30a đều có học sinh tham gia học tập.
Về chuyên môn đào tạo Nhà trường đã tổ chức Hội thảo mời các cơ quan, ban ngành có liên quan như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa; các huyện 30a tham gia xây dựng chương trình đào tạo, có 3 ngành đào tạo chính, đó là: Ngành Trồng trọt - Bảo vệ thực vật; ngành Chăn nuôi – Thú y; ngành Lâm nghiệp, thời gian giảng dậy vừa bố trí trên lớp vừa cho đi thực tế học tập các mô hình tại các địa phương, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng hoạt động về khuyến nông viên cơ sở. Ý thức trách nhiệm học tập của học viên, nhìn chung đều có ý thức học tập và rèn luyện tốt, chấp hành đầy đủ các quy định của nhà trường, không có học sinh vi phạm kỷ luật. Tổng kinh phí phân bổ cho trường trong 3 năm là 18.590.737.000đ, kết quả đến nay đã chi trả được 15.986.339.200đ/648 học sinh, kinh phí còn lại sẽ tiếp tục chi trả vào đầu năm học mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được theo như đánh giá, việc tổ chức thực hiện cũng còn một số tồn tại, hạn chế đó là: Số học sinh bỏ học còn nhiều (89 học sinh), việc cử học sinh đi học chưa có tiêu chí rõ ràng, vì thế học sinh tốt nghiệp các hệ Trung học cơ sở và Bổ túc văn hóa được cử đi học trình độ thấp, một số học sinh tiếp thu bài kém do khả năng giao tiếp hạn chế và chưa chịu khó học tập, lên lớp nghe giảng; Nguồn kinh phí phân bổ cho trường chậm thường vào cuối tháng 5 học sinh mới được nhận, nên rất khó khăn trong sinh hoạt cho học viên...
Thay mặt đoàn giám sát Bà Cao Thị Xuân, Trưởng đoàn đánh giá cao những nỗ lực cố gắng của Trường trong việc quản lý, giáo dục và giảng dậy học sinh thuộc đối tượng ưu tiên cử đi học, thực hiện tốt các chế độ, chính sách và Quyết định của UBND tỉnh giao cho. Đồng thời đề nghị Nhà trường quan tâm hơn đến chất lượng giảng dạy, truyền thụ kiến thức khoa học, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, lĩnh vực đặc thù đối với vùng miền núi để học sinh ra trường trở về phục vụ địa phương làm việc, phát huy được chuyên môn, lĩnh vực của mình./.
Cầm Bá Chái