Ngày 13. 9. 2012, tại thành phố Thanh Hóa, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm kỳ họp thứ 4 và dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 5 của HĐND tỉnh khóa XVI.
Tham dự hội nghị có các đồng chí Thường trực
HĐND tỉnh; đồng chí Đinh Tiên Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh;
đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiêm trưởng ban của HĐND tỉnh; Phó
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh, đại diện TAND tỉnh, Viện trưởng
VKSND tỉnh, Phó trưởng ban của HĐND tỉnh, các tổ trưởng tổ đại biểu HĐND tỉnh;
đại diện Thường trực HĐND các huyện, thị xã, thành phố; đại diện lãnh đạo Văn
phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND, Văn phòng UBND tỉnh.
Đồng chí Mai
Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu
khai mạc và bế mạc hội nghị.
Đồng
chí Lê Thị Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh thay mặt
Thường trực HĐND báo cáo rút kinh nghiệm kỳ họp thứ 4; đánh giá, phân tích khá
đầy đủ và rõ về những ưu điểm cũng như hạn chế, tồn tại, nguyên nhân của hạn chế
tồn tại trong chuẩn bị nội dung chương trình kỳ họp, hoạt động tiếp xúc cử
tri, hoạt động giám sát, thẩm tra các báo cáo, đề án, dự thảo nghị
quyết, chuẩn bị tài liệu kỳ họp,
chuẩn bị nội dung chất vấn...
Nét nổi
bật của kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa XVI là: lần đầu tiên, kỳ họp được triệu tập
ngay từ đầu tháng 7, đúng với quy định của Quy chế hoạt động của HĐND tỉnh.
Chương trình kỳ họp được xây dựng hợp lý, sát thực. Chủ tọa điều khiển các
phiên họp theo đúng nhiệm vụ, quyền hạn, bảo đảm linh hoạt trong mọi tình huống,
thực hiện đầy đủ nội dung chương trình đã đề ra; bảo đảm trang trọng, phát huy
dân chủ, tập trung trí tuệ và trách nhiệm cao. Đại biểu thảo luận tập trung
vào những vấn đề trọng tâm, có kỹ năng, ít trùng lặp, phân tích làm rõ thêm tình
hình 6 tháng đầu năm, đóng góp nhiều ý kiến bổ sung vào các giải pháp 6 tháng
cuối năm và các dự thảo nghị quyết.
Đặc
biệt, kỳ họp này HĐND tỉnh đã dành thời gian để tổ chức phiên thảo luận chuyên
sâu về các báo cáo kết quả giám sát do Thường trực HĐND, các ban của HĐND tỉnh
trình, và
cũng là lần đầu tiên HĐND tỉnh ra nghị quyết về kết quả giám
sát (việc thực
hiện cải cách thủ tục hành chính) với những yêu cầu cụ thể; đây là
việc làm đúng theo quy định của pháp luật, phù hợp với yêu cầu của tình hình thực
tế; tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng thực hiện; Thường trực, các ban
và đại biểu HĐND đôn đốc thực hiện.
HĐND tỉnh
đã dành thời gian thỏa đáng để tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối
với 5 vị giám đốc sở, thủ trưởng ngành về những vấn đề cử tri và nhân dân trong
tỉnh quan tâm. Người chất vấn và người trả lời chất vấn đều thể hiện tinh thần trách nhiệm,
cùng hướng tới làm rõ tình hình, nguyên nhân và biện pháp khắc phục những hạn
chế, tồn tại.
Công tác tham mưu, phục vụ từ khâu chuẩn bị đến tiến hành kỳ họp tiếp tục
được quan tâm chỉ đạo, thực hiện tốt. Công tác truyền thông về kỳ họp được bảo đảm; tiếp tục duy trì việc
truyền hình, truyền thanh trực tiếp tất cả các phiên họp của HĐND tỉnh để nhân
dân theo dõi, giám sát; mở đường dây điện thoại để nhân dân liên lạc, nêu ý kiến
với HĐND tại phiên chất vấn...thể hiện rõ tính dân chủ, công khai, minh bạch
trong hoạt động của HĐND tỉnh.
Báo cáo
cũng chỉ rõ một số hạn chế, tồn tại của kỳ họp như: việc thảo luận các báo cáo
tuy đạt được những tiến bộ mới, song vẫnchưa có nhiều ý kiến phản biện sâu sắc, nhất là phân tích nguyên nhân những
yếu kém tồn tại. Trong hoạt động chất vấn, một số văn bản trả lời tuy được chuẩn
bị công phu, chu đáo nhưng do quá trau chuốt, kín kẽ nên có phần hình thức, đối
phó; một số nội dung giải trình chưa rõ nguyên nhân, trách nhiệm, biện
pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại. Phiên chất vấn còn nặng về nghe
báo cáo đã có sự chuẩn bị trước, việc hỏi đáp, trao đổi trực tiếp tại kỳ họp
còn ít. Không khí phiên chất vấn chưa sôi nổi, chưa thực sự đáp ứng được nguyện vọng của cử
tri. Và mặc dù Luật đã có quy định nhưng HĐND tỉnh chưa áp dụng việc ban hành
nghị quyết về chất vấn và trách nhiệm của người trả lời chất vấn, tạo cơ sở
pháp lý ràng buộc việc theo dõi, đôn đốc, thực hiện. Nguyên nhân chủ yếu của
tình hình trên là do tâm lý về chất vấn và trả lời chất vấn còn khá nặng nề; đại
biểu HĐND chưa thể hiện hết vai trò và khả năng, phần lớn còn nể nang, ngại va
chạm, sợ mất lòng...
Sau
khi
nghe các đại biểu thảo luận, đồng chí Mai Văn Ninh, Ủy viên Trung ương
Đảng, Bí
thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận hội nghị; yêu cầu mỗi đại biểu
HĐND tỉnh
phải nhận thức rõ vị trí, vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của HĐND, của
đại biểu
HĐND, cố gắng làm hết trách nhiệm, thẩm quyền của mình theo đúng quy
định của
pháp luật. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh yêu cầu
phải đổi
mới toàn diện mọi mặt hoạt động của HĐND, nhất là trong phối hợp chuẩn
bị nội
dung chương trình kỳ họp, tiếp xúc cử tri, giám sát, thẩm tra, tổ chức
kỳ họp. Trước hết cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:
1. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động
tiếp xúc cử tri: Trước hết cần đổi mới, kết hợp hài hòa, đa dạng các hình thức tiếp
xúc như: tiếp xúc với "đại" cử tri, tiếp xúc cử tri ở nơi cư trú, nơi
làm việc, ở thôn, bản, phố; tiếp xúc tại những nơi cử tri yêu cầu; tiếp xúc
theo chuyên đề gắn với nội dung từng kỳ họp; kết hợp tiếp xúc cử tri với sự
tham gia của đại biểu dân cử nhiều cấp.
Nghiên cứu, thí điểm việc mở rộng địa bàn TXCT ra ngoài địa bàn của tổ đại biểu,
đại biểu ứng cử ở đơn vị bầu cử này có thể tham gia TXCT với tổ đại biểu khác trong
phạm vi toàn tỉnh.
Nội dung thông tin chuyển tải đến
cử tri phải có tính đa dạng, bổ ích, thiết thực với cử tri. Đại biểu HĐND cần
phải trau dồi kiến thức, kỹ năng để trao đổi, giải thích, đối thoại cởi mở với
cử tri; làm cho diễn đàn tiếp xúc cử tri trở nên có sức "hấp dẫn",
thu hút được sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân.
Về tổng hợp/tập hợp ý kiến, kiến
nghị của cử tri, Ban thường trực UBMTTQ phối hợp với Thường trực HĐND tổng hợp
những vấn đề có tính bức xúc để thông báo và xem xét quyết định tại kỳ họp; những
vấn đề còn lại Thường trực HĐND phối hợp với UBND giao các cơ quan chức năng giải
quyết, đồng thời phải tích cực, thường xuyên theo dõi, đôn đốc để mọi ý kiến,
kiến nghị của cử tri đều được quan tâm xem xét giải quyết.
2. Giám sát và chất vấn là 2 vấn đề trọng
tâm trong hoạt động của HĐND từ nay đến hết nhiệm kỳ. HĐND, các ban, các tổ đại biểu HĐND cần lựa
chọn những nội dung bức xúc trong nhân dân để giám sát, báo cáo kết quả tại kỳ
họp. Các tổ đại biểu và mỗi đại biểu HĐND cần phải tích cực hơn nữa trong việc
đăng ký tham gia phát biểu ý kiến, chất vấn tại kỳ họp; khắc phục tâm lý nặng nề,
né tránh, ngại va chạm; nội dung chất vấn cần phải rõ, động cơ đúng, công tâm,
khách quan.
3. Xây dựng chương trình công tác: Thường trực HĐND tỉnh chủ động phối hợp với
UBND và các cơ quan hữu quan xây dựng chương trình, kế hoạch công tác của HĐND
trong năm sau, chi tiết đến từng quý, từng tháng, thực hiện và chỉ đạo thực hiện
đúng chương trình, kế hoạch. Các ban của HĐND chủ động phối hợp với cơ quan soạn
thảo để thẩm tra đề án, dự thảo nghị quyết đạt kết quả tốt; cần thể hiện rõ
quan điểm, nêu rõ vấn đề và kiến nghị sát đúng làm cơ sở để đại biểu nghiên cứu,
thảo luận và quyết định tại kỳ họp.
4. Tiếp tục nâng cao hơn
nữa chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, phục vụ và công tác thông tin truyền
thông. Văn phòng chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện
tốt công tác tham mưu, phục vụ hoạt động của Thường trực, các Ban và đại biểu
HĐND. Các cơ quan thông tin tiếp tục thực hiện tốt công tác thông tin tuyên
truyền về hoạt động của HĐND trước, trong và sau kỳ họp để cử tri trong tỉnh
theo dõi, giám sát; tuyên truyền về các chủ trương, chính sách HĐND tỉnh thông
qua để nhân dân biết, thực hiện. Tiếp tục thực hiện việc mở đường dây điện thoại
để cử tri liên lạc, phản ánh ý kiến với nhân dân tại các kỳ họp.
Tại hội nghị này các đại biểu cũng đã thảo luận và thống nhất dự kiến
nội dung chương trình kỳ họp thứ 5 của HĐND tỉnh khóa XVI./.
Lưỡng Mỹ Quốc
Thông báo kết luận của Chủ tịch HĐND tỉnh về Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Khóa XVI