Thực hiện Nghị quyết số 67/NQ-HĐND ngày 12/4/2013 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về việc tổ chức hoạt động giám sát và chất vấn giữa hai kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVI, ngày 24/4/2013 Ban Văn hóa – Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh làm việc với Ban Dân tộc tỉnh. Cùng tham dự có đồng chí Trần Đức Thanh – Uỷ viên Thường trực HĐND tỉnh và đại diện lãnh đạo Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh. Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn – Phó Trưởng ban Văn hóa – Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh chủ trì buổi làm việc.
Theo báo cáo
của Ban Dân tộc tỉnh, sau khi có Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006
của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học,
cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; UBND tỉnh đã tổ chức
triển khai quán triệt đến tất cả các ngành, các địa phương trong tỉnh. Xuất
phát từ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, UBND các huyện xây dựng
quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, trong đó có đề xuất nhu cầu đào tạo cử
tuyển. Ban Dân tộc tỉnh là ủy viên Hội đồng tuyển sinh theo chế độ cử tuyển.
Quy trình xét tuyển học sinh cử tuyển được thực hiện theo Nghị định số 134/2006/NĐ-CP
ngày 14/11/2006 của Chính phủ. Kết quả thực hiện: từ năm 2010 đến nay đã có 368
sinh viên cử tuyển tốt nghiệp, trong đó có 127 sinh viên đã được bố trí việc
làm (chiếm 34,5%), số sinh viên tốt nghiệp chưa được bố trí việc làm là 241
(61,5%). Các ngành học của sinh viên cử tuyển Thanh Hóa tương đối đa dạng nhưng
chủ yếu tập trung nhiều vào chuyên ngành nông, lâm nghiệp, sư phạm, y dược. Tổng
kinh phí của tỉnh đầu tư cho việc thực hiện chế độ cử tuyển năm 2011 và 2012 là
14.439 triệu đồng.
Qua giám sát
cho thấy, Nghị định 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ được ban hành
là cơ sở pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương thực hiện chế độ cử
tuyển đối với học sinh các dân tộc vùng đặc biệt khó khăn. Đảng bộ, chính quyền
và nhân dân Thanh Hóa rất quan tâm và tổ chức thực hiện có hiệu quả, góp phần
đào tạo cán bộ cho các dân tộc, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của
khu vực trung du, miền núi. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định 134/2006/NĐ-CP
ngày 14/11/2006 của Chính phủ, vẫn còn những tồn tại, hạn chế gây lãng phí và
bức xúc trong dư luận như quy trình tuyển chọn chưa chặt chẽ, việc đề xuất chỉ
tiêu của các huyện chưa bám sát nhu cầu thực tế; việc theo dõi, nắm tình hình
sinh viên cử tuyển học tại các cơ sở đào tạo và tốt nghiệp ra trường chưa được
quan tâm. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa bố trí được việc làm còn
cao, số sinh viên đã được bố trí việc làm chưa đáp ứng được yêu cầu công việc
được giao.
Thay mặt đoàn
công tác, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn – Phó Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh đề nghị
Ban Dân Tộc tỉnh trong thời gian tới tham mưu cho UBND tỉnh hướng dẫn các cơ
quan, đơn vị liên quan trong việc đề xuất chỉ tiêu và xét tuyển học sinh cử
tuyển cần bám sát chặt chẽ nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của các huyện miền
núi, nâng cao chất lượng đầu vào. Đề xuất phương án giải quyết việc làm đối với
số sinh viên diện cử tuyển đã tốt nghiệp hiện nay chưa có việc làm nhằm đảm bảo
chính sách đối với con em các dân tộc miền núi trên địa bàn tỉnh.
Lê Như Hoa