Theo thống kê của Tổ chức lao động quốc tế
(ILO), cứ 15 giây có một người lao động tử vong vì một tai nạn lao động hoặc bệnh
nghề nghiệp, cứ 15 giây có 160 công nhân bị tai nạn lao động. Mỗi ngày trôi qua
lại có khoảng 6.300 người chết do tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp và khoảng
hơn 2,3 triệu ca tử vong mỗi năm vì lý do đó. Tầm quan trọng của vấn đề an toàn
và sức khỏe trong lao động đã khiến ILO đặc biệt quan tâm đến định nghĩa “việc làm bền vững là việc làm an toàn”.
Quyền được bảo đảm an toàn và sức khỏe trong
lao động từ lâu đã được xác định thuộc nội hàm của quyền con người, và trực tiếp
gắn với phạm trù an ninh con người (human security) với hàm nghĩa đa dạng về an
ninh kinh tế (việc làm và thu nhập), an ninh sức khỏe, an ninh môi trường, an
ninh cá nhân, an ninh cộng đồng… Bởi vậy, bảo đảm an toàn và sức khỏe lao động
không chỉ ngày càng trở thành vấn đề quan trọng trong nghị sự toàn cầu, mà còn
là mối quan tâm của từng quốc gia, gắn với phát triển bền vững. Tuy nhiên, hiệu
quả của sự vận hành các quy tắc pháp lý về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ)
đưa lại những kết quả khác nhau ở mỗi quốc gia, trong các thành phần kinh tế
cũng như các nhóm xã hội khác nhau. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến thực
tiễn pháp luật quốc tế và kinh nghiệm nước ngoài về ATVSLĐ và nêu một số khuyến
nghị đối với hoạt động điều chỉnh pháp luật về vấn đề này của Việt Nam.
I. KINH NGHIỆM QUỐC TẾ
1. Tổ chức lao động quốc tế (ILO)
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) được thành lập vào năm 1919 nhằm liên kết
các Chính phủ, giới sử dụng lao động và các Công đoàn để thống nhất hành động
vì công bằng xã hội và điều kiện sống tốt hơn cho mọi nơi trên thế giới.
Ngày 10/5/1944, tại Hội nghị toàn thể của Tổ chức Lao động quốc tế, kỳ họp
thứ 26 ở Philadenphia, Mỹ, đã thông qua Bản Tuyên ngôn về tôn chỉ, mục đích của
Tổ chức Lao động quốc tế, khẳng định lại những nguyên tắc cơ bản, làm nền tảng
cho hoạt động của mình, trong đó có các đoạn nhấn mạnh:
“Có các chủ trương về tiền
lương và thu nhập, về thời giờ làm việc và các điều kiện lao động khácđể ai cũng được hưởng phần công bằng
trong kết quả của tiến bộ…Mở rộng việc áp dụng biện pháp an sinh xã hộinhằm bảo đảm mức thu nhập cơ bản cho mọi
người cần có sự bảo vệ này, và sự chăm sóc y tế đầy đủ; Bảo vệ thích đáng cuộc
sống và sức khoẻ của người lao động trong mọi loại công việc”.
Trong lời nói đầu của Điều lệ Tổ chức Lao động quốc tế cũng có đoạn nói rõ
yêu cầu cấp thiết đối với việc “…điều tiết
thời giờ làm việc, bao gồm cả việc qui định thời giờ làm việc tối đa trong 1
ngày và trong 1 tuần…; bảo vệ công nhân đối với những bệnh tật thông thường, bệnh
nghề nghiệp và tai nạn lao động…”
Qua đó chúng ta thấy, Tổ chức Lao động quốc tế đã rất coi trọng đến các biện
pháp an sinh xã hội, bảo đảm an toàn, bảo vệ cuộc sống và sức khoẻ cho người
lao động trên thế giới. Vấn đề ATVSLĐ đã trờ thành một trong những chủ đề cơ bản
đưa ra thảo luận trong các Hội nghị lao động quốc tế hàng năm và đã được Tổ chức
Lao động quốc tế ban hành các chủ đề đó dưới dạng các công ước và khuyến nghị.
Công ước là các điều ước quốc tế mà các nước thành viên cần phê chuẩn và sau
khi phê chuẩn, có nghĩa vụ thi hành, còn khuyến nghị là nguyên tắc chỉ đạo cho
pháp luật quốc gia và chính sách quốc gia, bổ sung cho các công ước về cùng một
chủ đề.
Trong
hơn 90 năm kể từ ngày thành lập và gần 70 năm kể từ ngày trở thành tổ chức
chuyên môn đầu tiên của Liên hợp Quốc (1946), Tổ chức Lao động quốc tế luôn
quan tâm đến công tác ATVSLĐ, coi đây là một trong những hoạt động chủ yếu của
mình. ILO đã ban hành hơn 40 Công ước và Khuyến nghị đề cập trực tiếp hoặc có
liên quan đến ATVSLĐ. Hơn ½ số văn bản này đã được thi hành cho thấy khả năng của
ILO trong việc giải quyết trực tiếp hoặc
gián tiếp các vấn đề kể trên. Các văn bản tiêu biểu được ban hành bởi ILO có thể
chia thành 3 nhóm sau: (1) các Công ước quy định chung về ATVSLĐ (Công ước số
155 về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp năm 1981 và nghị định thư của nó năm
2002, Công ước số 61 về dịch vụ sức khỏe năm 1958) (2) các Công ước quy định về
ATVSLĐ trong các ngành nghề đặc thù (Công ước số 120 về vệ sinh lao động trong
thương mại và văn phòng năm 1964; Công ước số 152 về an toàn và vệ sinh lao động
trong các công việc bốc xếp ở cảng năm 1979, Công ước số 167 về an toàn và vệ
sinh lao động trong ngành xây dựng năm 1988, Công ước số 176 về an toàn và sức
khỏe trong các hầm lò năm 1995, Công ước số 184 về an toàn và sức khỏe trong
nông nghiệp năm 2001…); và (3) các Công ước nhằm đưa ra các biện pháp chống lại
các nguy cơ đặc biệt (Công ước số 115 về bảo vệ phóng xạ năm 1960, Công ước số
139 về bệnh ung thư do nghề nghiệp năm 1974, Công ước số 148 về môi trường làm
việc năm 1977, Công ước số 162 về Amiăng năm 1986, Công ước số 170 về hóa chất
năm 1990…).
2. Liên minh Châu âu
Cộng đồng chung
Châu Âu đã đưa ra rất nhiều biện pháp dựa trên quy định của điều luật 153 Hiệp
ước Châu Âu (điều 137 cũ). Theo đó, hàng loạt các chỉ thị Châu Âu được thông
qua đều có tính bắt buộc và được nội luật hóa bởi các quốc gia thành viên của
Liên minh Châu Âu. Các văn bản có hiệu lực pháp lý đã được tổ chức này thông
qua bao gồm: Chỉ thị khung và các chỉ thị khác của Châu Âu đề cập đến các khía
cạnh đặc thù của ATVSLĐ. Các văn bản này, một mặt, đưa ra các điều kiện tối thiểu
và các nguyên tắc nền tảng (ví dụ như nguyên tắc phòng ngừa và khắc phục rủi
ro), quy định trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động; mặt
khác, khuyến khích các tổ chức hoạt động trong khu vực Châu Âu áp dụng các chỉ
thị trên.
3. Trung Quốc
Sau khi ban hành Bộ luật lao động điều chỉnh
các quan hệ về hợp đồng
lao động, cơ chế hợp tác ba bên, hệ thống lao động chuẩn mực, cơ chế giải quyết
tranh chấp và hệ thống giám sát trong lao động, Trung Quốc
ban hành một số văn bản về ATVSLĐ, đó là Luật phòng ngừa và kiểm soát bệnh nghề nghiệp
2001, Luật về sản xuất an toàn. Ngoài ra, để củng cố hiệu lực của các quy định
liên quan đến ATVSLĐ thì một số điều khoản của Bộ luật hình sự nước này cũng có
quy định trách nhiệm và hình phạt đối với những người gây ra hiểm họa đối với bệnh
nghề nghiệp của người lao động.
Luật phòng ngừa
và kiểm soát bệnh nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa, kiểm
soát và đảm bảo an toàn lao động. Bên cạnh việc đưa ra khái niệm các bệnh nghề
nghiệp, đề cao vai trò của phòng ngừa, luật này còn quy định quyền và lợi ích của
người lao động, gắn trách nhiệm của người sử dụng lao động với việc bảo vệ sức
khỏe của người lao động, đồng thời đề ra cách xử lý đối với người mắc bệnh. Luật
này xác định các quyền được bảo vệ sức khỏe tại nơi làm việc của người lao động,
các nghĩa vụ và nhiệm vụ của người sử dụng lao động trong việc bảo vệ người lao
động, trách nhiệm của chính phủ ở các cấp độ khác nhau, của đại diện công đoàn
đối với việc bảo vệ sức khỏe của người lao động. Luật này còn đưa ra các nguyên
tắc cơ bản cho việc phòng ngừa và kiểm soát bệnh nghề nghiệp, các biện pháp
phòng tránh, giám sát và quản lý nơi làm việc, chuẩn đoán các bệnh nghề nghiệp,
điều tra các cơ quan y tế và trách nhiệm pháp lý trong trường hợp vi phạm pháp
luật.
Khái niệm bệnh
nghề nghiệp trong Luật bao gồm các bệnh của người lao động do các hoạt động
trong công nghiệp, các chất nhiễm phóng xạ, hoặc các chất gây độc khác ở nơi
làm việc. Để phân loại các loại bệnh nghề nghiệp, Bộ y tế phối hợp với Bộ lao động
và an sinh xã hội đã xác định, chỉnh lý và ban hành tập “Phân loại và danh sách các bệnh nghề nghiệp”. Người lao động bị nhiễm
các bệnh nằm trong danh sách trên được hưởng bồi thường lao động.
Về công tác phòng
ngừa bệnh nghề nghiệp, Chính phủ ở các cấp độ khác nhau phải xác định rõ ràng kế
hoạch phòng ngừa và kiểm soát đối với các bệnh nghề nghiệp và đưa chúng vào kế
hoạch phát triển kinh tế xã hội cũng như đưa vào thực tiễn.
Về việc gắn
trách nhiệm của người sử dụng lao động với việc bảo vệ sức khỏe của người lao động,
Luật này yêu cầu người sử dụng lao động thiết lập hệ thống đảm bảo sức khỏe và
an toàn lao động. Người sử dụng lao động phải thành lập bộ phận chăm sóc sức khỏe
lao động làm việc toàn thời gian hoặc bán thời gian để quản lý và phục vụ công
tác chăm sóc sức khỏe tại nơi làm việc; người lao động bị mắc bệnh tại nơi làm
việc phải được kiểm tra thường xuyên, bao gồm kiểm tra trước khi nhận công tác,
kiểm tra định kỳ khi đang công tác và kiểm tra trước khi rời khỏi vị trí công
tác. Người sử dụng lao động phải trả chi phí cho các kiểm tra sức khỏe trên và
báo cáo chính xác quá trình từ khi người lao động nhận việc làm bởi vì khi người
lao động phát hiện có bệnh, thanh tra y tế sẽ vào cuộc để điều tra ở đâu và từ
khi nào người này phát bệnh.
Người sử dụng
lao động có trách nhiệm đào tạo người lao động. Họ tổ chức các khóa huấn luyện
trước và trong khi làm việc cho người lao động về chống lại các nguy cơ gây hại
cho sức khoẻ và phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn lao động. Khi
thương lượng và ký kết hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải thông báo
cho người lao động về các nguy cơ mắc bệnh có thể xảy ra tại nơi làm việc, hệ
quả của chúng và các biện pháp có thể sử dụng để tránh các tác hại trên. Người
sử dụng lao động phải đưa thông tin này vào hợp đồng và không được giấu diếm,
che đậy dưới bất kể hình thức nào.
Tất cả các chi
phí cho việc phòng ngừa và kiểm soát nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp, kiểm tra nơi
làm việc, kiểm tra sức khỏe người lao động và đào tạo bảo vệ sức khỏe lao động
đều được tính trong chi phí thường xuyên (chi phí sản xuất).
Về cách xử lý đối
với những người mắc bệnh nghề nghiệp, chẩn đoán bệnh nghề nghiệp phải được tiến
hành bởi cơ sở y tế có thẩm quyền và do cơ quan y tế có thẩm quyền ở cơ sở hoặc
cấp cao hơn xác nhận. Người lao động có thể xin được khám chuẩn đoán bệnh nghề
nghiệp dù làm việc ở bất kỳ doanh nghiệp nào. Những người sử dụng lao động này
phải cung cấp báo cáo về tình hình sức khỏe của người dự tuyển và nơi làm việc
để làm báo cáo y tế. Các bên liên quan khác, người lao động hay người sử dụng
lao động mà không đồng ý với kết luận của chuẩn đoán có thể xin y kiến của cơ
quan y tế địa phương hoặc vùng.
Người bị mắc bệnh
phải tuân theo chỉ dẫn điều trị và tuân thủ các quy định của nhà nước. Người sử
dụng lao động không được thuyên chuyển người lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp
sang vị trí làm việc khác. Người lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp phải được bồi
thường theo quy định của nhà nước về an sinh xã hội dành cho các tổn thất lao động.
Ngoài khoản tiền được bổi thường thì người lao động bị mắc bệnh còn được hưởng
trợ cấp theo quy định của luật dân sự và có thể kiện người sử dụng lao động nếu
không nhận được.
4. Thái Lan
Luật ATVSLĐ Thái Lan được thông qua năm 2011 với các quy định ràng buộc
trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với an toàn và vệ sinh tại nơi làm
việc và được áp dụng cho hầu hết người sử dụng lao động không kể ở thành thị,
nông thôn hay cơ quann nhà nước, không một người sử dụng lao động nào được loại
trừ khỏi các quy định trong luật. Một số nội dung chính của văn bản này phải kể
đến là:
- Đưa ra các khái niệm có liên quan như: an toàn, vệ sinh nơi làm việc và
môi trường làm việc, người sử dụng lao động, người lao động, người quản lý,
thanh tra viên, nhân viên phụ trách an toàn nơi làm việc, nơi làm việc.
- Quy định trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động;
- Quy định thủ tục đăng ký đối với chuyên gia về ATVSLĐ; Quy định người sử
dụng lao động phải cử một nhân viên phụ trách an toàn lao động;
- Quy định cụ thể các nhiệm vụ chung của người sử dụng lao động liên quan đến
ATVSLĐ;
- Quy định các nhiệm vụ của người sử dụng lao động và nhân viên giám sát;
- Quy định các nhiệm vụ của nhân viên phụ trách an toàn lao động, người
giám sát và người quản lý.
- Quy định về trách nhiệm của người thầu chính và người thầu phụ.
- Quy định về Hội đồng thường trực: một hội đồng thường trực gọi tên là hội
đồng về ATVSLĐ và môi trường lao động được thành lập để hỗ trợ cho Bộ trưởng về
chính sách, soạn thảo các quy định liên quan đến ATVSLĐ.
- Một số nhiệm vụ khác của người sử dụng lao động như: đánh giá mức độ an
toàn, xem xét mức độ ảnh hưởng của môi trường làm việc đối với người lao động,
xây dựng kế hoạch hành động cho an toàn vệ sinh nơi làm việc và môi trường lao
động, tăng cường kiểm soát người lao động và môi trường làm việc…
- Các nhiệm vụ khi xảy ra tai nạn nghiêm trọng.
- Nghĩa vụ chi trả tiền lương: khi công việc bị ngưng trệ thì người sử dụng
lao động vẫn phải chi trả tiền lương và các khoản khác trừ trường hợp người lao
động gây nên tình trạng ngưng trệ này.
5.
Hàn Quốc
Hàn quốc có 1.235 bộ luật, có một số điều liên quan đến an toàn tại nơi làm
việc. Luật an toàn – vệ sinh lao động của Hàn Quốc được thông qua năm 1980, có
hiệu lực từ năm 1981, luật này cũng đã được sửa đổi, bổ sung 27 lần trong những
năm qua.
Luật an
toàn – vệ sinh lao động gồm 9 chương, gồm: quy định chung về an toàn – vệ sinh
lao động; quy định về hệ thống quản lý AT-VSLĐ; các quy định quản lý AT-VSLĐ;
quy định về các biện pháp phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, có hại; quản lý sức
khỏe người lao động và quy định về xử phạt.
Theo quy định của Luật An toàn – vệ sinh lao động của Hàn Quốc, Bộ Lao động Hàn
quốc có trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực AT-VSLĐ, gồm có các cơ quan quản
lý và cơ quan thanh tra lao động. Ngoài ra, các cơ quan hỗ trợ kỹ thuật nằm
trong KOSHA và các hiệp hội ngành nghề.
Mục đích của Luật là duy trì và thúc đẩy
an toàn và sức khoẻ của người lao động thông qua việc phòng ngừa tai nạn lao động
và bệnh nghề nghiệp bằng cách xây dựng các tiêu chuẩn về an toàn và sức khoẻ
lao động và làm rõ trách nhiệm cá nhân, tạo ra môi trường làm việc thoải mái.
Luật được áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp
hoặc nơi làm việc (gọi là “doanh nghiệp”): với Điều kiện là Luật có thể không
áp dụng toàn bộ hoặc một phần cho các doanh nghiệp theo quy định trong Sắc lệnh
của Tổng thống có tính đến mức độ của các yếu tố có hại và mối nguy hiểm, loại
hình và quy mô doanh nghiệp, vị trí của doanh nghiệp…
6. Nhật Bản
Luật An toàn và sức khỏe của Nhật Bản gồm 12 chương, với 123 điều và 22 phụ
lục, thông qua lần đầu năm 1972. Luật AT-SK, gồm: quy định chung; kế hoạch
phòng ngừa tai nạn công nghiệp; quy định về các tổ chức quản lý ATVSLĐ; quy định
về các biện pháp phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, có hại đến sức khỏe người lao
động; quy định liên quan đến máy, chất độc hại; quy định về biện pháp tuyển dụng,
bố trí lao động; quy định về duy trì và cải thiện sức khỏe lao động; quy định về
biện pháp tạo ra điều kiện lao động tiện nghi; quy định về các giấy phép; quy định
về các kế hoạch cải thiện an toàn - sức khỏe; thanh tra, xử phạt .
II.
MỘT SỐ KHUYẾN
NGHỊ ĐỐI VỚI VIỆT NAM
Trên cơ sở những thông tin tham khảo về pháp luật luật vệ sinh, an toàn lao
động của một số quốc gia và tổ chức trên, có thể thấy rằng, ở hầu hết các nước
tiên tiến, việc đảm bảo vệ sinh, an toàn lao động được đặt lên hàng đầu với mục
đích là để đảm bảo tính mạng, an toàn cho người lao động, nâng cao sức khỏe cho
người lao động, giảm thiểu chi phí xã hội cho những rủi ro không cần thiết.
Trách nhiệm về đảm bảo vệ sinh an toàn lao động được pháp luật các nước trao
cho cả ba bên. Qua nghiên cứu các quy định về ATVSLĐ của một số quốc gia và tổ
chức quốc tế, chúng tôi nhận thấy cần hoàn thiện pháp luật của Việt Nam về an
toàn và vệ sinh lao động theo hướng như sau:
- Các quốc gia có kinh nghiệm phát triển công nghiệp của thế kỷ trước cho
thấy, nhưng ngay từ đầu công nhiệp hóa, hiện đại hóa, cần thiết phải có Luật ATVSLĐ
và có một hệ thống quản lý thống nhất ATVSLĐ, do một Bộ, thường là Bộ Lao động
chủ trì. Tại các quốc gia này, các tổ chức nghiên cứu, đào tạo, huấn luyện và
triển khai hoạt động an toàn – vệ sinh lao động được cấp kinh phí hoạt động có
nguồn chủ yếu từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động (đóng góp từ người sử dụng lao động).
Chính phủ chỉ cấp kinh phí cho các hoạt động quản lý như thanh tra, kiểm tra,
giám sát của cơ quan quản lý nhà nước. Đây là một kinh nghiệm mà Việt Nam có thể
áp dụng để giảm đầu tư từ ngân sách nhà nước, tăng tính xã hội hóa các hoạt động
an toàn – vệ sinh lao động.
- Mô hình quản lý, triển khai hoạt động huấn luyện ATVSLĐ của các tổ chức ATVSLĐ
(như KOSHA, Hàn Quốc, JISHA, Nhật Bản, các nghiệp đoàn ở Đức...) nói chung là một
mô hình rất hiệu quả và thống nhất, nhưng vẫn được xã hội hóa rất cao, giúp cho
các doanh nghiệp, đối tượng huấn luyện tiếp cận các dịch vụ huấn luyện một cách
dễ dàng. Đồng thời, hệ thống
chương trình, tài liệu được quản lý thống nhất trên cơ sở nghiên cứu, đóng góp
của các tổ chức khoa học, giáo dục và các chuyên gia huấn luyện hàng đầu; lực
lượng giảng viên chuyên nghiệp. Kinh phí phòng ngừa tai nạn lao động được đầu
tư qua hoạt động giáo dục, huấn luyện an toàn, sức khỏe trích từ Quỹ bảo hiểm
tai nạn lao động là một kinh nghiệm mà nhiều quốc gia đã triển khai. Đây là mô
hình mà Việt Nam chúng ta có
thể áp dụng ngay một phần, nếu có chính sách đầu tư từ Quỹ tai nạn lao động, bệnh
nghề nghiệp thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
- Kiểm tra chất lượng,
kiểm định an toàn các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn – vệ sinh
lao động và phương tiện bảo vệ cá nhân là hoạt động bắt buộc để đánh giá chất
lượng và độ an toàn của phương tiện, thiết bị trước khi đưa ra thị trường và
trong quá trình sử dụng. Hoạt động kiểm tra, kiểm định, chứng nhận là dịch vụ kỹ
thuật do một tổ chức có uy tín cung cấp sẽ đảm bảo giúp cơ quan quản lý nhà nước
về an toàn lao động quản lý hoạt động kiểm tra, chứng nhận và quản lý đội ngũ kỹ
thuật viên kiểm tra, kiểm định, nội dung, các yêu cầu an toàn của từng máy, thiết
bị.
- Cách tiếp cận để phòng ngừa tai nạn:
Tiếp cận dựa vào rủi ro để tăng cường cấp độ ATVSLĐ trên tổng thể; tăng cường
cách tiếp cận thông thường trong những lĩnh vực nguy cơ cao; các mục tiêu và biện pháp cụ thể được mô tả rõ
ràng trong các lĩnh vực ưu tiên; cải thiện liên tục cấp độ ATVSLĐ thông qua việc
giới thiệu cách tiếp cận hệ thống quản lý ở cấp quốc gia.
TS. Bùi Sỹ Lợi
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề
xã hội