Thực hiện Kế hoạch số 327/KH-HĐND ngày 17/8/2015 của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh về việc giám sát tình hình ứng vốn của các công trình XDCB đầu tư từ nguồn vốn NSNN, vốn vay, TPCP, đồng thời để phục vụ công tác thẩm tra trình kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XVI; ngày 04/11/2015 Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh làm việc với Sở Giao thông vận tải, đồng chí Phùng Bá Văn - Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh làm trưởng đoàn. Tham gia có Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, đại diện Sở tài chính, Kho bạc nhà nước tỉnh và Ban quản lý dự án giao thông I.
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải, hiện
nay Sở đang được giao làm chủ đầu tư 16 dự án. Trong đó có 04 dự án đầu tư từ
nguồn ngân sách tỉnh (02 dự án đang thi công, 02 dự án đã hoàn thành); 06 dự
án đầu tư từ nguồn Trung ương hỗ trợ có
mục tiêu, vay kho bạc nhàn rỗi (05 dự án đang thi công, 01 dự án đã hoàn thành); 06
dự án đầu tư từ vốn TPCP (06 dự án đang thi công, 01 dự án đã hoàn thành).
Tổng dư ứng của các dự án đến 31/8/2015 là
706 tỷ đồng (dư ứng từ năm 2012 trở về trước là 128 tỷ đồng, chiếm 18,1%), cụ
thể từ các nguồn: Vốn cân đối ngân sách tỉnh là 175 tỷ đồng, chiếm 24,8%; vốn
Trung ương hỗ trợ có mục tiêu, vay kho bạc là 327,8 tỷ đồng, chiếm 46,4% (dư
ứng từ năm 2012 trở về trước là 12,2 tỷ đồng, chiếm 3,7%); vốn TPCP là 202,9 tỷ
đồng, chiếm 28,8% (dư ứng từ năm 2012 trở về trước là 115,8 tỷ đồng, chiếm
57,1%).
Đến thời điểm 03/11/2015, chủ đầu tư đã
thu hồi tạm ứng được 36,7 tỷ đồng, số dư tạm ứng còn 669,3 tỷ đồng (dư tạm ứng
từ 2012 trở về trước là 119,2 tỷ đồng), cụ thể: vốn cân đối ngân sách tỉnh còn
174 tỷ đồng, thu hồi 01 tỷ đồng; vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu, vay kho bạc
còn 311 tỷ đồng, thu hồi 16,8 tỷ đồng (dư tạm ứng từ 2012 trở về trước còn 8,8
tỷ đồng); vốn TPCP còn 184,4 tỷ đồng, thu hồi 18,5 tỷ đồng (dư tạm ứng từ 2012
trở về trước còn 110,4 tỷ đồng). Số dư tạm ứng lớn tập trung ở các dự án: đường
vành đai phía Tây thành phố Thanh Hóa (174 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh), đường
giao thông từ QL47 đến đường Hồ Chí Minh (259,8 tỷ đồng, vốn TW hỗ trợ có mục
tiêu, vay kho bạc), đường giao thông bản Na Tao, xã Pù Nhi đi bản Chai, xã
Mường Chanh (111,9 tỷ đồng, vốn TPCP) ...
Từ số liệu trên cho thấy, số dư tạm ứng từ
nguồn vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu, vay kho bạc là lớn nhất chiếm 46,5%;
vốn TPCP chiếm 27,5%; vốn cân đối ngân sách tỉnh chiếm 26%. Số dư từ năm 2012
trở về trước từ vốn TPCP lại chiếm tỷ lệ lớn nhất là 92,6%, vốn Trung ương hỗ
trợ có mục tiêu, vay kho bạc chiếm 7,4%.
Số dư tạm ứng còn nhiều, đặc biệt đối với
số dư tạm ứng còn tồn đọng từ trước năm 2012, theo báo cáo của Sở Giao thông vận
tải do các nguyên nhân: công tác GPMB chậm kéo theo không có mặt bằng thi công,
không có khối lượng nghiệm thu thanh toán để thu hồi vốn tạm ứng, do nhà thầu
chậm làm hồ sơ thanh toán để thu hồi vốn tạm ứng ....
Về cơ chế, chính sách khuyến khích phát
triển giao thông nông thôn tỉnh Thanh Hóa, theo báo cáo của Sở Giao thông vận
tải do giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2011-2015 sắp kết thúc; để
chuẩn bị cho giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh đã giao cho Sở Giao thông vận tải xây dựng đề án về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển
giao thông nông thôn đến năm 2020. Căn cứ trên kết quả đánh giá tình hình thực
hiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông nông thôn tỉnh Thanh
Hóa giai đoạn 2013-2015, khả năng cân đối ngân sách cũng như những khó khăn,
thuận lợi, Sở đã xây dựng cơ chế, chính sách mới cho giai đoạn 2016-2020 có
điều chỉnh về phạm vi áp dụng, đối tượng hỗ trợ và mức hỗ trợ, quy định rõ hơn,
đơn giải hơn về một số thủ tục đầu tư ...
Sau khi nghe ý kiến của các thành viên Ban, các ngành về; kết luận
buổi làm việc, đồng chí Phùng Bá Văn - Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND
tỉnh ghi nhận sự cố gắng của Ngành Giao thông vận tải trong việc triển khai
thực hiện các dự án về giao thông trên địa bàn tỉnh, đấu mối phối hợp với các
Bộ, ngành Trung ương để huy động các nguồn vốn cho đầu tư của tỉnh, phát triển
hạ tầng giao thông thời gian qua của tỉnh đã góp phần không nhỏ thúc đẩy sự
phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, đồng chí đã khẳng định
cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông nông thôn tỉnh Thanh Hóa
giai đoạn 2013-2015 đã phát huy tác dụng tích cực trong việc hỗ trợ kinh phí từ
ngân sách tỉnh, tạo tiền đề để huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống giao
thông nông thôn trên địa bàn các huyện góp phần vào xây dựng nông thôn mới theo
đúng chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước.
Để thu hồi kinh phí dư tạm ứng từ các dự án, đồng chí Phùng Bá Văn
đã đề nghị Sở Giao thông vận tải tích cực hơn và có những giải pháp quyết liệt
hơn chỉ đạo các Ban quản lý dự án, nhà thầu nâng cao trách nhiệm, lập hồ sơ
nghiệm thu phần khối lượng hoàn thành để thu hồi vốn ứng, phối hợp tốt với
chính quyền địa phương để thực hiện công tác bồi thường GPMB. Đối với cơ chế,
chính sách khuyến khích phát triển giao thông nông thôn tỉnh Thanh Hóa giai
đoạn 2016-2020, đồng chí đề nghị Sở nêu rõ các căn cứ xây dựng mức hỗ trợ, khảo
sát thực tế từ các vùng để đề xuất mức hỗ trợ hợp lý phù hợp với khả năng ngân
sách và tình hình thực tế của địa phương; các quy định về công tác quản lý,
đồng chí đề nghị Sở tiếp thu, nghiên cứu ý kiến các thành viên Ban Kinh tế và
Ngân sách và các ngành.
Những đề xuất, kiến nghị của Sở, Ban Kinh tế và Ngân sách tiếp thu
và báo cáo HĐND tại kỳ họp thứ 15, HĐND khóa XVI.
Nguyễn Thị Huệ