Thực hiện Chương trình công tác 6 tháng đầu năm 2017, ngày 17 tháng 4 năm 2017, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh tiến hành làm việc với Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Chàng để nghe báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát về tình hình quản lý và sử dụng đất đai.
Đồng chí Trần Quang Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh chủ trì buổi làm việc. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban Pháp chế HĐND huyện huyện Như Xuân.
Thực hiện các kiến nghị của
Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh về tình hình quản lý và sử
dụng đất đai đối với các Ban quản lý rừng phòng hộ, Công ty trách nhiệm hữu hạn
được chuyển đổi từ các nông, lâm trường quốc doanh tại Kỳ họp thứ 8 Hội
đồng nhân dân tỉnh khóa XVI. Từ năm 2013 đến nay, Ban quản lý rừng phòng hộ
sông chàng đã tiến
hành rà soát, thực hiện giao khoán 370 ha đất sản xuất nông - lâm nghiệp (150
ha đất nông nghiệp và 220 ha đất rừng) cho 53 hộ là cán bộ, công nhân viên, các
hộ gia đình và cá nhân sinh sống trên địa bàn theo Nghị định số 135/NĐ- CP ngày
08/11/2005 của Chính Phủ; đơn vị tự quản lý không giao khoán là 7.880,3 ha. Xây
dựng phương án thu phí quản lý, dịch vụ trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp
và đất rừng sản xuất đã giao khoán với mức là 1,2 triệu đồng/ 1ha/ năm, tăng
0,4 triệu đồng/1ha so với năm 2013. Thực hiện việc rà soát quy hoạch sử dụng
đất, thiết lập bản đồ chi tiết tỷ lệ 1/500 cho các khu đất sản xuất nông
nghiệp, đất trồng rừng sản xuất. Tổ chức
cắm 33 mốc ranh giới với các xã và các chủ rừng. Tình trạng chồng chéo,
tranh chấp và lấn chiếm đất đai cơ bản không còn xảy ra.
Kết luận buổi làm việc, Đồng
chí Trần Quang Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra,
Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh thẳng thắn chỉ rõ những thiếu sót,
khuyết điểm trong quá trình thực hiện. Đồng chí đề nghị trong thời gian tới Ban
quản lý rừng phòng hộ Sông Chàng cần từng
bước gắn chế biến với sản xuất, tạo bước đi bền vững; khuyến khích mô hình
trang trại, doanh nghiệp lâm, nông nghiệp. Xử lý kiên quyết đối với những trường
hợp lấn chiếm, hộ nhận khoán vi phạm. Thực hiện việc giao khoán có hiệu quả. Điều tra, quy hoạch để phát triển rừng gỗ lớn, nhất là
rừng gỗ lim phù hợp với điều kiện tự nhiên.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị định số 168/2016/ NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm
2016 của Chính phủ. Quan tâm bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý của
các Ban quản lý rừng phòng hộ ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ. Thường xuyên
thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về khoán rừng, vườn rừng và mặt nước.
Nguyễn Hương Thảo