Thực hiện chương trình công tác 6 tháng đầu năm 2017, ngày 18/4 và ngày 20/4/2017 Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã làm việc với UBND các huyện Triệu Sơn, Tĩnh Gia về việc quy định danh mục địa bàn (thôn, bản) và khoảng cách học sinh không thể đến trường và trở về trong ngày để thực hiện Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ; Kế hoạch sáp nhập Trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề của huyện; Kết quả thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ năm 2015 đến nay. Đồng chí Nguyễn Văn Phát, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc. Cùng tham dự với Ban có đại diện lãnh đạo Văn phòng HĐND tỉnh, Thường trực HĐND các huyện Triệu Sơn và Tĩnh Gia.
* Tại huyện Triệu Sơn, theo báo cáo của UBND huyện, đối chiếu với quy định tại Nghị định
116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ về quy định danh mục địa bàn (thôn,
bản) và khoảng cách học sinh không thể đến trường và trở về trong ngày, hiện
nay trên địa bàn huyện có 2 xã đặc biệt khó khăn (xã 135) và 2 xã có thôn đặc
biệt khó khăn. Tuy nhiên trong năm học 2016 - 2017 trên địa bàn các xã không có
học sinh nào ở lại trường và trọ lại nhà dân nên không được hường chính sách
theo quy định.
Về hoạch sắp xếp các
trường THPT trên địa bàn đến năm 2020, huyện Triệu Sơn đề nghị sáp nhập Trường
THPT Triệu Sơn 6 với trường THPT Triệu Sơn 1. Khi sáp nhập chuyển học sinh của
Trường THPT Triệu Sơn 6 về các trường THPT trên địa bàn (học sinh thuộc khu vực
tuyển sinh của các trường THPT khác) đảm bảo học sinh thuận lợi nhất trong việc
tiếp tục học tập ở bậc THPT, đồng thời đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo bố trí
đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đảm bảo tỷ lệ theo quy định.
Về kết quả đào tạo
nghề cho lao động nông thôn, trong 2 năm (2015 - 2016), trên địa bàn huyện có 4.976 lao động được đào tạo nghề. Trong đó, số lao động do
công ty may và giày da liên kết đào tạo là: 4.243 người, số lao động được
đào tạo theo quyết định 1956/QĐ-TTg của Chính phủ là: 733
lao động (24 lớp) với tổng kinh phí
thực hiện: 1.559 triệu
đồng, tỷ lệ lao động có việc
làm sau đào tạo đạt87,2%.
Tuy nhiên công tác
đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu
cầu thực tế của địa
phương. Một số nghề chưa phát huy hiệu quả sau đào tạo, người lao
động sau khi học nghề chưa duy trì được nghề lâu dài. Cơ sở vật chất,
thiết bị đào tạo nghề chưa đáp ứng được yêu cầu; đội ngũ giáo viên chưa đảm bảo cơ cấu,
chủng loại, thiếu giáo viên dạy nghề tích hợp (dạy lý thuyết và dạy thực hành)
thiếu kinh nghiệm thực tế sản xuất. Chưa tạo được sự gắn kết chặt chẽ giũa cơ sở đào tạo
nghề và doanh nghiệp trong việc phối hợp đào tạo, xây dựng chương trình, giáo
trình dạy nghề và sử dụng lao động sau đào tạo.
* Ngày
20/4/2017 làm việc với UBND huyện Tĩnh Gia, theo báo cáo của UBND huyện, thực hiện Nghị định số
116/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ, năm học 2016 - 2017 trên địa
bàn huyện có 181 học sinh thuộc đối tượng được hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở và
cấp gạo. Việc rà soát, thẩm định hồ sơ, công tác chi trả chế độ cho học sinh
được thực hiện nghiêm túc, công khai và kịp thời.
Đối
với việc sắp xếp mạng lưới trường lớp học, huyện Tĩnh Gia đề xuất chuyển Trường
THPT Tĩnh Gia 5 đến xã Tùng Lâm, ghép với trường THCS Tùng Lâm thành trường
THCS&THPT với quy mô từ 26 đến 28 lớp học. Trước thực trạng thiếu giáo viên
của cấp học Mầm non, Tiểu học và THCS, huyện đề xuất được tuyển dụng số giáo
viên còn thiếu so với biên chế tỉnh giao.
Huyện
Tĩnh Gia thống nhất với kế hoạch và phương án sáp nhập, đổi tên, bổ sung chức
năng cho Trung
tâm Giáo dục thường xuyên thành Trung tâm giáo dục
nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên. Huyện kiến nghị với UBND tỉnh sớm di dời
trường Cao đẳng nghề Nghi Sơn, hiện đang chung khuôn viên với Trung tâm Giáo dục thường
xuyên, đến vị trí đã được quy hoạch để bàn giao cơ sở vật chất
cho Trung
tâm Giáo dục thường xuyên.
Về
kết quả thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từ năm 2015
đến nay, huyện Tĩnh Gia đã tổ chức đào tạo nghề cho 481 người. Việc dạy nghề
cho lao động nông thôn đã góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, tăng năng
suất và thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, việc đào tạo nghề vẫn còn một
số bất cập, như: việc tiếp thu kiến thức, kỹ năng của người lao động còn hạn
chế; việc cung cấp nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm chưa chủ động do huyện chưa
có doanh nghiệp tiểu thủ công nghiệp...
Tại
buổi làm việc, các thành viên Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh đề nghị huyện Tĩnh Gia làm rõ thêm một số vấn đề như: rà soát lại số
lượng thôn và số lượng học sinh được hưởng chế độ theo Nghị định 116/2016 của
Chính phủ; đánh giá những thuận lợi và khó khăn trong việc sáp nhập các cấp
học; hiệu quả hoạt động của Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Trường
Cao đẳng nghề Nghi Sơn; xem xét khả năng xã hội hoá hệ thống giáo dục mầm non
để giảm áp lực cho cấp học này; xác định ngành nghề ưu tiên đào tạo cho phù hợp
với thực tế địa phương như lái tàu biển, chế biến hải sản…
Kết
luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Phát, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban
Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh ghi
nhận và đánh giá cao công tác chuẩn bị các nội dung theo yêu cầu của Đoàn giám sát, đồng
thời đề nghị UBND huyện Tĩnh Gia tiếp tục chỉ đạo các
phòng, ban liên quan rà soát các đối tượng được hưởng chính sách theo Nghị định
116/2016 của Chính phủ, đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định
của pháp luật.
Đối với Trường
Cao đẳng nghề Nghi Sơn, đồng chí Trưởng ban Văn hóa – Xã hội đề nghị Hiệu trưởng nhà
trường rà soát lại đội ngũ cán bộ, giảng viên và cơ
sở vật chất, tranh thủ các nguồn lực xây dựng trường để đáp ứng được yêu cầu về
đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại
địa phương.
Đối với kiến nghị, đề xuất của các huyện, Ban Văn hóa - Xã
hội HĐND tỉnh sẽ nghiên cứu tiếp thu, tổng hợp và báo cáo Hội đồng nhân dân
tỉnh tại kỳ họp gần nhất.
Lê Như Hoa