Tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh thông báo tại Kỳ họp Thứ tư, HĐND tỉnh khóa XVII, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, đơn vị có liên quan tập trung giải quyết những vấn đề cử tri đã kiến nghị, kết quả thực hiện như sau:
I. Về lĩnh vực xây dựng, giao thông, thủy lợi
1.1. Về đầu tư xây dựng công sở xã Ngọc Sơn, huyện Ngọc Lặc: Chủ tịch UBND tỉnh đã có Quyết định số 1957/QĐ-UBND ngày 28/5/2018 giao kế hoạch vốn năm 2018 cho Dự án với số vốn là 1,3 tỷ đồng; dự kiến khởi công xây dựng đầu tháng 7 năm 2018.
1.2. Về việc giải quyết khu tái định cư cho 49 hộ cấp đất trái thẩm quyền tại phường Trung Sơn, thành phố Sầm Sơn: Chủ tịch UBND tỉnh đã có Thông báo kết luận thống nhất phương án quy hoạch chia lô khu đất mặt đường Nguyễn Du, phường Trung Sơn; Báo Nhân dân đã thống nhất phương án quy hoạch và điều chỉnh giảm diện tích đất thực hiện dự án Trung tâm bồi dưỡng và nâng cao nghiệp vụ báo chí; UBND thành phố Sầm Sơn đã nộp hồ sơ và Tờ trình đề nghị phê duyệt quy hoạch khu đất 49 hộ dân đã mua.
1.3. Về việc đề nghị đầu tư xây dựng thêm trạm Kiểm lâm tại xã Trung Lý, huyện Mường Lát: Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án trạm Kiểm lâm tại xã Trung Lý, huyện Mường Lát; nguồn vốn sự nghiệp kinh tế bao gồm cả nguồn thu phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chống buôn lậu lâm sản.
1.4. Về việc hoàn trả các tuyến đường 4b, 4c do thi công vụ phục vụ Dự án FLC, thành phố Sầm Sơn: các tuyến đường Nguyễn Trãi, đường Lê Thánh Tông, đường Nguyễn Du đã được đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng; tuyến đường Nguyễn Hồng Lễ, đường Thanh Niên cũ, đường Ngô Quyền đang triển khai thi công, dự kiến hoàn thành trong tháng 9/2018.
1.5. Về việc hoàn trả lại tuyến đường từ Quốc lộ 45 qua núi Ních (do làm đường phục vụ thi công đường vành đai phía Tây): hiện nay, tuyến đường đang được Bộ Giao thông Vận tải xem xét, bổ sung vào dự án BOT đường tránh phía Tây TP. Thanh Hóa đoạn Km0 - Km6+00; sau khi được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận nhà đầu tư sẽ đầu tư hoàn trả tuyến đường.
1.6. Về việc sửa chữa, nâng cấp, nạo vét hệ thống cống rãnh thoát nước 02 bên tuyến Quốc lộ 45, đoạn thị trấn Rừng Thông; sửa chữa QL45 đoạn từ xã Thiệu Khánh đi xã Đông Lĩnh và đoạn từ ngã 3 Nhồi đến ngã 3 Voi (xã Đông Vinh): theo kế hoạch bảo trì đường bộ năm 2018, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã cho phép đầu tư các công trình nêu trên; dự kiến hoàn thành trong Quý III năm 2018.
1.7. Sửa chữa, nâng cấp, hoàn trả lại các tuyến đường do các đơn vị vận chuyển vật liệu thi công tuyến đường Nghi Sơn - Cảng hàng không Thọ Xuân: Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản thống nhất chủ trương hoàn trả các tuyến đường phục vụ thi công dự án tuyến đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn; hiện nay, đã triển khai thi công, dự kiến hoàn thành trước ngày 30/7/2018.
1.8. Về đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước dọc Quốc lộ 1A đoạn qua các xã Hải Lĩnh, Hải An, huyện Tĩnh Gia để chống ngập và đảm bảo an toàn giao thông: năm 2018, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã bố trí khoảng 13 tỷ đồng để đầu tư hệ thống thoát nước đoạn từ km294+275 - km340+950 trên Quốc lộ 1A; hệ thống thoát nước các đoạn còn lại, trong đó có đoạn qua xã Hải Lĩnh, Hải An, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ cân đối nguồn vốn để đầu tư trong năm 2019 (khoảng 05 tỷ đồng).
1.9. Về giải quyết, khắc phục tình trạng ngập lụt đối với 150 hộ dân thôn Liên Vinh, xã Tĩnh Hải, huyện Tĩnh Gia do thi công dự án đường Bắc Nam 3: Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh đã bố trí khoảng 500 triệu đồng để Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN sửa chữa, khắc phục tạm thời tình trạng ngập lụt trên; dự kiến khởi công trong đầu tháng 7 năm 2018.
1.10. Về việc kiểm tra, nạo vét hệ thống rãnh thoát nước thải dọc tuyến Quốc lộ 1A, qua thị xã Bỉm Sơn: Cục Quản lý đường bộ II đã chỉ đạo đơn vị quản lý vệ sinh, nạo vét, khơi thông các cửa thu nước, cống, rãnh đảm bảo thoát nước tốt. Tuy nhiên để giải quyết triệt để tình trạng rãnh bị bồi lấp cục bộ gây tắc; UBND thị xã Bỉm Sơn có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân có ý thức bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông khu vực tuyến đi qua, đảm bảo tuổi thọ, độ ổn định của công trình.
1.11. Về việc nâng cấp tỉnh lộ 516B (đoạn từ cầu Phên xã Yên Giang đi thị trấn Thống Nhất), tỉnh lộ 518 (đoạn từ ngã ba Yên Bái đi xã Yên Lâm, huyện Yên Định); đầu tư nâng cấp tuyến đường tỉnh 530 (đoạn qua huyện Lang Chánh); sửa chữa, nâng cấp tỉnh lộ 519, 519B đoạn qua huyện Thường Xuân: Đối với tuyến đường tỉnh 516B, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải sửa chữa khắc phục với kinh phí 1,5 tỷ đồng; đối với đoạn Km22+200-Km40+700, UBND tỉnh đã bố trí kinh phí đầu tư nâng cấp sửa chữa cải tạo với TMĐT 157 tỷ đồng; các đoạn tuyến còn lại, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải bố trí kinh phí duy tu, sửa chữa và sẽ xem xét, bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp cải tạo khi cân đối được nguồn vốn.
1.12. Về lắp bổ sung các tấm lưới chống chói trên dải phân cách dọc Quốc lộ 1A (đoạn qua huyện Tĩnh Gia) để đảm bảo an toàn giao thông (hiện nay một số đoạn trên Quốc lộ 1A chưa được lắp hoặc đã bị tháo dỡ): Hiện nay, do chưa đền bù hư hỏng tài sản của người dân trong quá trình thực hiện nâng cấp, mở rộng dự án Quốc lộ 1A nên còn 1.030m dải phân cách chưa lắp đặt được; Ban Quản lý dự án 1 - Bộ Giao thông Vận tải đã nhiều lần làm việc với các địa phương, nhưng người dân vẫn ngăn cản nên chưa thực hiện được. Cục Quản lý đường bộ II đã chỉ đạo đơn vị quản lý tuyến đường lắp đặt bổ sung lưới chống chói tại các vị trí bị mất và sửa chữa các vị trí bị hư hỏng.
1.13. Về việc chỉ đạo Ban quản lý Khu công nghiệp Hoàng Long sớm đầu tư thảm nhựa toàn bộ hệ thống đường còn lại trong khu công nghiệp: Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp yêu cầu Tổng Công ty xây dựng Thanh Hóa - CTCP cam kết tiến độ và hoàn thành việc đầu tư thảm nhựa toàn bộ hệ thống đường còn lại.
1.14. Về việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa mặt đê tả sông Mã và hoàn trả các tuyến đường phục vụ thi công công trình nâng cấp đê tả sông Mã tại xã Hoằng Hợp, huyện Hoằng Hóa: công trình tu bổ, nâng cấp đê tả sông Mã từ K28, xã Hoằng Khánh đến K44+350 (chân cầu Hàm Rồng) do UBND huyện Hoằng Hóa làm chủ đầu tư, đã thi công hoàn thành 95%. Đối với 04 tuyến đường phục vụ thi công, Chủ tịch UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương bổ sung vào dự án nêu trên (trong đó có 2 tuyến đường qua địa bàn xã Hoằng Hợp).
1.15. Về việc hỗ trợ kinh phí sửa chữa cống tiêu Hà Thơm, xã Hoằng Đạo, huyện Hoằng Hóa: Chủ tịch UBND tỉnh đã có Quyết định số 740/QĐ-UBND ngày 28/02/2018, phê duyệt phân bổ kinh phí khắc phục, sửa chữa từ nguồn Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa; giao UBND huyện Hoằng Hóa làm chủ đầu tư.
1.16. Về việc đầu tư nâng cấp đê sông Hép (đê tả sông Cầu Chày đoạn qua xã Yên Tâm, huyện Yên Định): Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt dự án xử lý khẩn cấp sạt lở tại Quyết định số 636/QĐ-UBND Ngày 13/02/2018; hiện nay, UBND huyện Yên Định đang tổ chức triển khai thi công.
1.17. Về đầu tư nâng cấp, sửa chữa đê tả sông Chu đoạn từ K0-K4+500 (dài 4,5km), xã Thọ Minh, huyện Thọ Xuân: Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo Tổng cục phòng, chống thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa dự án vào Kế hoạch duy tu bão dưỡng đê điều năm 2019 và các năm tiếp theo. Riêng đoạn từ K2+559-K3+130 xã Thọ Minh, huyện Thọ Xuân, Chủ tịch UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương thực hiện xử lý khẩn cấp, cấp bách với tổng mức đầu tư là 13 tỷ đồng; dự kiến hoàn thành đưa công trình vào sử dụng trong mùa mưa lũ năm 2018.
1.18. Về đầu tư nâng cấp mặt đê sông Cầu Chày đoạn qua huyện Thọ Xuân: Chủ tịch UBND tỉnh đã có Quyết định phê duyệt dự án đầu tư tu bổ, nâng cấp đê tả, hữu sông Cầu Chày, huyện Thọ Xuân (trong đó có nội dung nâng cấp, gia cố mặt đê); giao UBND huyện Thọ Xuân làm chủ đầu tư.
1.19. Về hạ tầng đê kè tả sông Yên, nắn dòng chảy để tránh sạt lở đê khu vực đoạn qua xã Quảng Trung, huyện Quảng Xương: là đê sát sông đã được đầu tư và xây dựng 6 kè mỏ hàn; còn lại đoạn bãi sông phía thượng lưu, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao UBND huyện Quảng Xương xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho các hộ nuôi trồng thủy sản khu vực đang bị sạt lở.
1.20. Về đầu tư nâng cấp đê sông Thị Long đoạn qua xã Các Sơn và tuyến đê sông Yên đoạn từ xã Thanh Thủy đến xã Thanh Sơn, huyện Tĩnh Gia: Chủ tịch UBND tỉnh đã phân bổ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh năm 2018 để xử lý khẩn cấp đoạn đê xung yếu hữu sông Thị Long đoạn qua xã Thanh Thủy dài 350m (giao UBND huyện Tĩnh Gia làm chủ đầu tư), dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng, phục vụ công tác phòng chống bão, lũ năm 2018.
1.21. Về việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp cống tiêu Chí Phúc tại vị trí K1+680 đê tả sông Lèn (thuộc xã Hà Sơn): công trình đã được đưa vào Tiểu dự án đầu tư tu bổ, nâng cấp đê điều năm 2018 tỉnh Thanh Hóa thuộc dự án cấp bách, xung yếu đê điều, phòng chống thiên tai giai đoạn 2016 - 2020 để đầu tư, hiện đang báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét, phê duyệt.
1.22. về việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp các trạm bơm thuộc các xã: Hà Dương, Hà Sơn, huyện Hà Trung: trạm bơm Tứ Quý và Chí Cường, xã Hà Sơn, trạm bơm Đông Thôn, xã Hà Dương đã được dự kiến ưu tiên đầu tư theo Quy hoạch thủy lợi chi tiết vùng Bắc sông Mã, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 243/QĐ-UBND ngày 19/01/2018.
1.23. Về việc hỗ trợ lập dự án tiêu thoát lũ cho các huyện Hà Trung, Nga Sơn và thị xã Bỉm Sơn: đây là dự án có quy mô lớn, tổng mức đầu tư dự kiến trên 400 tỷ đồng, việc cân đối nguồn ngân sách tỉnh để đầu tư là rất khó khăn. Vì vậy, ngày 18/12/2017, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án bằng nguồn vốn ODA.
1.24. Về việc xây dựng trạm bơm Hoằng Khánh, huyện Hoằng Hóa: Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản đề xuất chủ trương đầu tư báo cáo Bộ, ngành Trung ương kêu gọi đầu tư bằng nguồn ODA (đề xuất nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Ấn Độ).
1.25. Về việc di dời trạm bơm tưới ở xã Hoàng Vinh về địa điểm cống xả lũ xã Hoằng Đạo, huyện Hoằng Hóa: Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công văn số 15601/UBND-NN ngày 20/12/2017 đồng ý chủ trương cho UBND huyện Hoằng Hóa di dời Trạm bơm Hoằng Vinh 1 và giao UBND huyện Hoằng thực hiện.
1.26. Về việc có biện pháp khắc phục ngập úng thuộc hệ thống sông Nhà Lê (thôn Hoằng Kim, xã Xuân Sơn): 02 hệ thống trên thuộc danh mục ưu tiên đầu tư trong giai đoạn đến năm 2020 theo Quy hoạch chi tiết vùng nam sông Chu, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Chủ tịch UBND tỉnh đã giao cho Công ty TNHH MTV Sông Chu đưa công trình vào kế hoạch đầu tư hàng năm để sửa chữa những hư hỏng nhỏ, đảm bảo tiêu thoát trong mùa mưa lũ; giao UBND huyện Thọ Xuân nghiên cứu, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, phê duyệt phù hợp với phân kỳ đầu tư theo Quy hoạch.
1.27. Về việc đề nghị chi trả số tiền hỗ trợ thiệt hại do ách tắc dòng chảy gây ngập úng dài ngày tại làng Đông Cao, xã Trung Chính: nhà thầu (Liên doanh Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng - Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi) đã phá dỡ hạng mục đê quây (là hạng mục công trình gây ách tắc dòng chảy) và hoàn thành chi trả kinh phí bồi thường thiệt hại do ngập úng gây ra cho các hộ dân bị ảnh hưởng theo đơn giá thóc được quy định tại Quyết định số 1664/QĐ-UBND ngày 22/5/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh.
1.28. Về việc đề nghị tu bổ hồ đập Rộc Chó, thị trấn Vân Du đã xuống cấp: Chủ tịch UBND tỉnh đã có Quyết định số 89/QĐ-UBND ngày 08/01/2018, phê duyệt phân bổ kinh phí khắc phục, sửa chữa các công trình bị thiệt hại do mưa, lũ quét gây ra từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh (trong đó, có Hồ Rộc Chó, thị trấn Vân Du), giao UBND huyện Thạch Thành làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành trong tháng 8/2018.
1.29. Về việc sớm triển khai dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng ngập hồ sông Mực: do nguồn vốn ngân sách Trung ương chỉ hỗ trợ cho các hộ đã di chuyển nhà ở, chưa bố trí kinh phí để triển khai thực hiện dự án và ngân sách tỉnh mới chỉ bố trí được 460 triệu đồng để thực hiện hỗ trợ cho 23/355 hộ dân. Chủ tịch UBND tỉnh sẽ báo cáo Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét, tiếp tục bố trí kinh phí để triển khai thực hiện dự án.
1.30. Về việc xác định rõ mốc cao độ hồ Sông Mực để nhân dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: theo quy định của Luật Thủy lợi (có hiệu lực từ ngày 01/7/2017), mốc cao độ Hồ Sông Mực được xác định từ cao trình đỉnh đập (+39.40)m trở xuống phía lòng hồ là phạm vi khu vực lòng hồ; phạm vi lòng hồ không được cấp quyền sử dụng đất cho các mục đích khác.
1.31. Về việc hỗ trợ kinh phí di dân đối với 43 hộ thuộc xã Tân Bình, 27 hộ thuộc xã Bình Lương bị ngập nước do hồ Sông Mực tích nước ở cốt 35 và 37: Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4714/QĐ-UBND ngày 08/12/2017 và Quyết định số 1560/QĐ-UBND ngày 02/5/2018 thực hiện hỗ trợ 460 triệu đồng cho 23 hộ (20 triệu đồng/hộ); còn lại 47 hộ chưa được hỗ trợ. Chủ tịch UBND tỉnh sẽ xem xét, hỗ trợ cho các hộ dân còn lại theo quyết định.
1.32. Về việc đề nghị Đầu tư xây dựng đập Lèn: dự án Hệ thống thủy lợi đập Lèn đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt nghiên cứu khả thi, nguồn vốn vay từ Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc và vốn đối ứng; dự kiến sẽ trao thầu các gói thầu xây lắp vào quý I/2019.
1.33. Về việc đề nghị khắc phục mái chân đập của thủy điện Cửa Đạt bị xói lở nghiêm trọng: theo báo cáo của Công ty cổ phần Vinaconex P&C (đơn vị quản lý), hiện nay Công ty đang triển khai khắc phục xói lở mái chân đập và sẽ hoàn thành trong năm 2018, để đảm bảo an toàn cho công trình.
1.34. Về việc đầu tư xây dựng kè chống sạt lở suối Đại Lạn đoạn qua thôn Rầm Tám, xã Điều Trung và thôn Điền Lý, xã Điền Lư, huyện Bá Thước: Chủ tịch UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương và phân bổ kinh phí đầu tư xây dựng kè chống sạt lở suối Đại Lạn đoạn qua thôn Rầm Tám huyện Điền Trung và thôn Điền Lý, xã Điền Lư tại Quyết định số 740/QĐ-UBND ngày 28/2/2018; UBND huyện Bá Thước (chủ đầu tư) đang hoàn thiện thủ tục để triển khai thi công.
1.35. Về việc điều chỉnh dự án, mở rộng mặt đường D1 và D6 thuộc dự án vùng trang trại Đông Phong Ngọc: Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công văn số 15513/UBND-NN ngày 18/12/2017 chưa xem xét việc điều chỉnh dự án; đồng thời, giao UBND huyện Hà Trung rà soát diện tích thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản Đông - Phong - Ngọc và đề xuất phương án điều chỉnh, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định.
1.36. Về việc hỗ trợ cải tạo đất, kênh mương để nhân dân khôi phục sản xuất diện tích đất đã hoang hóa do Dự án khu công nghiệp của Tập đoàn FLC có kế hoạch lấy đất của dân, nhưng để hơn 4 năm mới trả lại: Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Công ty CP Tập đoàn FLC chuyển số tiền 17.266.149.955 đồng còn lại cho Hội đồng Bồi thường GPMB huyện Hoằng Hóa để chi trả cho các đối tượng thụ hưởng theo đúng thời gian tại Biên bản cam giữa Công ty CP Tập đoàn FLC, UBND huyện Hoằng Hóa và UBND các xã Hoằng Đồng, Hoằng Thịnh; đồng ý hỗ trợ giá trị thu nhập từ sản xuất 01 vụ lúa cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng phải ngừng sản xuất theo thông báo thu hồi đất của UBND huyện Hoằng Hóa.
1.37. Về việc bố trí kinh phí di chuyển toàn bộ dân thôn Biện, xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành và các hộ dân vùng đầu nguồn đến nơi ở mới để tránh lũ; hỗ trợ di dời nhà ở của các hộ dân đang sinh sống tại các khu vực bị sạt lở, có nguy cơ bị sạt lở tại các xã trên địa bàn huyện, đặc biệt là 120 hộ dân tại xã Lũng Cao và xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước; hỗ trợ kịp thời cho nhân dân vùng bị thiệt hại về thiên tai, lũ lụt do đợt mưa lũ: Chủ tịch UBND tỉnh đã có Tờ trình số 05/TTr-UBND ngày 10/01/2018 báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí để di dân khẩn cấp phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh, tổng kinh phí là 284.679 triệu đồng (trong đó có xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành, xã Lũng Cao và Cổ Lũng huyện Bá Thước); sau khi có ý kiến thống nhất của Thủ tướng Chính phủ UBND tỉnh sẽ quyết định việc triển khai thực hiện.
1.38. Về việc hoàn trả các tuyến đường phục vụ thi công kênh Bắc thuộc dự án Phát triển hệ thống tưới Bắc sông Chu - Nam sông Mã: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đồng ý cho sử dụng vốn còn dư của dự án Phát triển hệ thống tưới Bắc sông Chu - Nam sông Mã để sửa chữa các tuyến đường giao thông kết hợp quản lý vận hành (trong đó, huyện Thọ Xuân được đầu tư sửa chữa, hoàn trả 11 tuyến); dự kiến sẽ hoàn thành công tác thi công hoàn trả trước ngày 31/12/2018.
1.39. Về việc khắc phục hậu quả làm hỏng đường do việc thi công kênh tưới theo chương trình WB7: Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có văn bản báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho phép sử dụng vốn còn dư của dự án WB7 để ưu tiên đầu tư hoàn trả tuyến đường quản lý vận hành dọc kênh chính Nam đoạn từ Thị trấn Vạn Hà đến xã Thiệu Ngọc, huyện Thiệu Hóa với kinh phí dự kiến là 20 tỷ đồng. Sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chấp thuận chủ trương, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ quyết định việc triển khai thực hiện đầu tư tuyến đường trên.
1.40. Về việc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án di chuyển 150 hộ dân vùng ngoại đê khu vực thôn Tiền Phong, phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa: trên cơ sở Quyết định số 2527/QĐ-UBND ngày 12/7/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 612/QĐ-UBND ngày 19/1/2018 phê duyệt dự án đầu tư công trình: Hạ tầng khu TĐC phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hoá, với mục đích di chuyển các hộ dân vùng ngoại đê sông Mã đến nơi ở mới, tổng kinh phí là 295.030 triệu, nguồn vốn thực hiện được xác định là khai thác quỹ đất và huy động hợp pháp của thành phố.
1.41. Về việc đề nghị hỗ trợ lập quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản phía Nam huyện Quảng Xương: Chủ tịch UBND tỉnh đã giao UBND huyện Quảng Xương nghiên cứu các quy định hiện hành của pháp luật và tình hình thực tế của địa phương, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ thực hiện.
1.42. Về đền bù thiệt hại cho 35 hộ dân xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia bị ảnh hưởng do thi công dự án âu neo đậu tàu thuyền từ năm 2012 đến nay: Chủ tịch UBND tỉnh đã giao UBND huyện Tĩnh Gia khẩn trương hoàn thiện hồ sơ và phê duyệt dự toán bồi thường cho các hộ dân; gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí chi trả cho nhân dân theo quy định.
1.43. Về việc đề nghị bổ sung chương trình sinh kế cho người dân khu vực tái định cư và người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện Thành Sơn, Hồi Xuân, huyện Quan Hóa: Chủ tịch UBND tỉnh đã giao các ngành chức năng liên quan nghiên cứu, rà soát, tham mưu việc chỉ đạo Chủ đầu tư dự án thủy điện Hồi Xuân và Thành Sơn sớm xây dựng và thực hiện phương án sinh kế cho người dân.
1.44. Về việc đề nghị nghiên cứu mở rộng cầu cảng cá Lạch Hới: Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về chủ trương đầu tư dự án “Nâng cấp, mở rộng cảng cá Lạch Hới” từ nguồn vốn ngân sách trung ương theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 12/11/2015.
1.45. Về việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa đê tả sông Cầu Chày đoạn qua xã Định Thành, Yên Giang, huyện Yên Định; sửa chữa cống tiêu Đằng Trung 1, huyện Hoằng Hóa; đầu tư cứng hóa mặt đê Tam Điệp (đoạn qua thị xã Bỉm Sơn); triển khai kè lát mái đê hữu sông Mã (đoạn đoạn bãi sông phía hạ lưu kè A Lãng, qua xã Quý Lộc, huyện Yên Định); đầu tư sửa chữa kịp thời tuyến đê sông Thống Nhất (đoạn qua phường Quảng Châu) và cống Đồng Bầu thuộc phường Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn; tiếp tục thực hiện dự án Tiêu thoát lũ sông Nhơm; đầu tư sửa chữa, nâng cấp các trạm bơm thuộc các xã: Hà Thanh, Hà Vân, Hà Vinh, huyện Hà Trung; đầu tư xây dựng 10 cống tiêu qua đê sông Hoàng, sông Yên (đoạn qua huyện Quảng Xương); tu bổ Hồ Bất Mê, xã Thành Công, huyện Thạch Thành đã xuống cấp; xây dựng hồ chứa nước bản Vịn, xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân; đầu tư đập Bai Ná Cà 2, xã Thanh Quân, huyện Như Xuân; xây dựng đập thủy lợi Hón Phách, đập và kênh mương Bai Khà, thôn Tân Thành, xã Tân Phúc; 02 đập tràn tuyến đường từ xã Tân Phúc đi xã Lâm Phú: Việc đầu tư xây dựng các công trình nêu trên là rất cần thiết; tuy nhiên, hiện nay nguồn vốn đầu tư công của tỉnh còn hạn hẹp nên chưa thể cân đối bố trí đầu tư được.
2. Lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục
2.1. Về việc tiếp tục triển khai giai đoạn 2 dự án phục hồi, tôn tạo di tích Lăng Miếu Triệu Tường: Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công văn, giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư giai đoạn 2 dự án phục hồi, tôn tạo di tích Lăng Miêu Triệu Tường đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thỏa thuận chủ trương đầu tư tại Công văn số 1992/BVHTTDL-DSVH ngày 18/6/2014; dự kiến năm 2020 sẽ hoàn thành dự án.
2.2. Về việc có kế hoạch, hỗ trợ kinh phí tu bổ, chống xuống cấp di tích lịch sử cách mạng đình làng Đô Mỹ (xã Hà Tân, huyện Hà Trung); đầu tư nâng cấp di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đình Làng Bài, huyện Tĩnh Gia: tiếp thu kiến nghị của cử tri, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp dự án nêu trên vào danh mục dự án hỗ trợ kinh phí tu bổ, chống xuống cấp giai đoạn 2018 - 2020; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định.
2.3. Về việc cử tri huyện Bá Thước đề nghị thi chuyển ngạch giáo viên đã tốt nghiệp Đại học: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 892/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 06/3/2018 về việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ tham mưu tổ chức thi hoặc xét thăng hạng giáo viên; dự kiến tổ chức vào quý IV năm 2018 theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3. Về cơ chế, chính sách
3.1. Về việc tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Chính phủ về việc phê duyệt bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020: Chương trình này Trung ương vẫn bố trí vốn để triển khai thực hiện; trong giai đoạn 2016-2018 được bố trí 17.000 triệu đồng và đã được phân bổ cho các hộ dân vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
3.2. Về quan tâm giải quyết hồ sơ đề nghị phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà Mẹ Việt Nam anh hung” tại huyện Quảng Xương: thực hiện Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH13, tại huyện Quảng Xương có 208 mẹ được tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; trong đó phong tặng 24 mẹ, truy tặng 184 mẹ; hiện tại, còn 22 hồ sơ đã được Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh đã thẩm định đủ điều kiện, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước xem xét, đề nghị Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu vi dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Đến nay, không còn hồ sơ tại UBND huyện Quảng Xương và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.
3.3. Về giải quyết chế độ chính sách cho lực lượng dân công hỏa tuyến theo Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg ngày 14/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ: UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các địa phương thực hiện chi trả chế độ cho các đối tượng theo đúng quy định hiện hành của pháp luật. Theo kết quả tổng hợp, trên địa bàn huyện Tĩnh Gia có 10.925 đối tượng đề nghị hưởng chế độ; sau khi xét duyệt, có 3.150 đối tượng đủ điều kiện hỗ trợ theo chính sách nêu trên. Hiện nay, đã có quyết định chi trả chế độ cho 1.356 đối tượng; Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 24 của tỉnh đã chỉ đạo, đôn đốc và giao các đơn vị hoàn thành chi trả chế độ chính sách cho các đối tượng trong Quý III năm 2018.
3.4. Về việc đề nghị bố trí thêm kinh phí thưởng về đích Nông thôn mới: theo cơ chế, chính sách khuyến khích xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 - 2020, mỗi huyện đạt chuẩn nông thôn mới được hỗ trợ (thưởng) 20 tỷ đồng, mỗi xã là 1 tỷ đồng, mỗi thôn/bản là 100 triệu đồng. Do ngân sách tỉnh còn khó khăn, trong khi số xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh nhiều nhất cả nước (573 xã) nên thực hiện mức hỗ trợ như trên là phù hợp.
3.5. Về việc đề nghị hỗ trợ lương thực cho các hộ gia đình bị sập nhà, gia đình có ruộng bị vùi lấp hoàn toàn tại huyện Thường Xuân; có chính sách chuyển đổi nghề cho các hộ dân bị trôi, vùi lấp hoàn toàn đất sản xuất không thể phục hóa được; hỗ trợ kinh phí phục hóa 40 ha đất nông nghiệp bị vùi lấp: Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp vận động các tổ chức, đoàn thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ huyện Thường Xuân: 325.325 kg gạo, hơn 29.065 nhu yếu phẩm (hơn 8.007 thùng mỳ tôm, 9.829 lít nước sạch, 572 kg lương khô, 1.956 bộ quần áo, 4.764 túi quà...) và hơn 11 tỷ đồng tiền mặt của các tổ chức, cá nhân được trao tặng cho các gia đình, cá nhân bị thiệt hại; chỉ đạo UBND huyện Thường Xuân rà soát mở các lớp đào tạo nghề để hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các đối tượng, chủ yếu hướng tới các nghề không canh tác trực tiếp trên đất; cấp cho các xã phục hóa đất 611 triệu đồng, đã cải tạo được 153,92 ha đất nông nghiệp; giao UBND huyện Thường Xuân xem xét lồng ghép phân bổ kinh phí để hỗ trợ phục hóa, cải tạo đất với mức hỗ trợ theo quy định là 10 triệu đồng/ha phục hóa cải tạo đất. Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục kêu gọi, vận động các tổ chức, đoàn thể, cá nhân hảo tâm quyên góp, hỗ trợ các đối tượng trên bảo đảm ổn định sản xuất và đời sống nhân dân.
3.6. Về việc chi trả kinh phí cho cộng đồng dân cư của 37 thôn thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông: từ năm 2013 đến năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện hỗ trợ cho các thôn của huyện Bá Thước thuộc vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông với tổng kinh phí là 1.920 triệu đồng theo quy định tại Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01/06/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020; Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông và Phát triển Nông thôn phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ cho các thôn vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.
3.7. Về việc đề nghị tăng nguồn hỗ trợ mua bò cái sinh sản đối với hộ nghèo tại huyện Quan Hóa: Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Quan Hóa lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhanh và bền vững với các chương trình khác để hỗ trợ cho người dân trong phát triển sản xuất; giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các sở, ngành có liên quan hoàn thiện định mức theo Thông tư số 15/TT-BTC ngày 15/02/2017 của Bộ Tài chính về quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 (dự kiến hỗ trợ mua trâu, bò cái sinh sản 10 triệu đồng/hộ nghèo) để trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định.
3.8. Về việc quan tâm giải quyết các vướng mắc thủ tục cấp giấy chứng nhận sử dụng đất nông nghiệp tại huyện Quan Sơn: Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, giải quyết các vướng mắc thủ tục cấp Giấy chứng nhận sử dụng đất nông nghiệp tại huyện Quan Sơn,. Đến nay, trên địa bàn huyện Quan Sơn đã cấp được 5.768 giấy, đạt tỷ lệ là 90,31%, còn lại chưa cấp là 619 giấy; không có vướng mắc trong thủ tục cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất nông nghiệp.
3.9. Về việc đề nghị sớm ban hành quy chế quản lý lòng hồ: ngày 26/3/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủy lợi tại Quyết định số 344/QĐ-TTg; trong đó, giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì xây dựng Nghị định về quản lý an toàn đập, hồ chứa. Sau khi có Nghị định hướng dẫn, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ giao các ngành liên quan xây dựng, ban hành quy chế quản lý lòng hồ theo quy định.
3.10. Về việc rà soát đề án trồng rừng của huyện Mường Lát để trồng các loại cây phù hợp: theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giai đoạn 2011 - 2017, huyện Mường Lát đã trồng được 17.487,2 ha rừng (loài cây trồng chủ yếu là xoan ta, lát hoa); tuy nhiên, một số diện tích xoan ta trồng thuần loài sinh trưởng và phát triển chậm. Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo các đơn vị chuyên môn rà soát, đánh giá khả năng thích nghi của cây xoan ta và lựa chọn, xác định thêm các loài cây trồng mới cho huyện Mường Lát; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.
3.11. Về việc hỗ trợ kinh phí khai hoang ruộng bậc thang cho nhân dân 3 xã Mường Lý, Trung Lý, Nhi Sơn: tiếp thu kiến nghị của cử tri, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao UBND huyện Mường Lát chỉ đạo các xã: Mường Lý, Trung Lý, Nhi Sơn xây dựng kế hoạch, phương án khai hoang ruộng bậc thang; phối hợp với các ngành có liên quan để thực hiện theo đúng quy định của Chính phủ tại Nghị định số 35/NĐ-CP ngày 13/4/2015 về chính sách hỗ trợ kinh phí thực hiện việc khai hoang, cải tạo đất trồng lúa.
3.12. Về việc hoàn trả số tiền các hộ gia đình công nhân của Nông trường Phúc Do, huyện Cẩm Thủy đã nộp tiền vào ngân sách nhà nước để được cấp GCNQSD đất: UBND tỉnh đã có Công văn giao UBND huyện Cẩm Thủy tổng hợp danh sách các đối tượng thuộc trường hợp không phải nộp tiền sử dụng đất và thực hiện việc hoàn trả tiền sử dụng đất đã nộp vào ngân sách nhà nước cho các hộ; hiện nay, UBND huyện Cẩm Thủy đã thành lập Ban chỉ đạo để tổ chức rà soát các đối tượng thuộc trường hợp không phải nộp tiền sử dụng đất để thực hiện việc hoàn trả cho các hộ đã nộp.
4. Về lĩnh vực tài nguyên, môi trường và các lĩnh vực khác
4.1. Việc cắm lại mốc giới khai thác mỏ cát số 59, xã Thiệu Dương: Công ty TNHH Tâm Đức đã thực hiện thả phao các mốc giới đầy đủ, đúng theo quy định tại mỏ cát số 59 xã Thiệu Dương; Chủ tịch UBND tỉnh đã đồng ý cho đơn vị được khai thác trở lại tại mỏ cát trên.
4.2. Về việc kiểm tra, quản lý cấp phép và thực trạng hút cát trên sông Yên, khu vực gần sát chân cầu Ghép: tại khu vực nêu trên chỉ có Dự án nạo vét luồng chạy tàu tuyến sông Yên, đoạn từ cầu Ghép đến phao số 0 được UBND tỉnh đồng ý cho Công ty CP Quản lý Đường thủy nội địa và Xây dựng giao thông Thanh Hóa thực hiện; tuy nhiên, đến nay thời gian thực hiện dự án đã hết và Chủ tịch UBND tỉnh chưa xem xét gia hạn thời gian nạo vét.
4.3. Về việc hỗ trợ kinh phí xây dựng Nhà máy nước sạch tại xã Quý Lộc: ngày 03/3/2017, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy nước Quý Lộc tại xã Quý Lộc, huyện Yên Định, do Công ty Cổ phần Sakito - Vũ là Chủ đầu tư; hiện nay, dự án đang triển khai thi công, dự kiến sẽ hoàn thành đi vào hoạt động vào cuối quý III/2018.
4.4. Về việc giám sát chất lượng nước sạch của nhà máy nước Bỉm Sơn: Chủ tich UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành kiểm tra chất lượng nước sạch của Nhà máy nước Bỉm Sơn, kết quả cho thấy: các chỉ tiêu phân tích chất lượng nguồn nước đầu vào (tại thời điểm kiểm tra) đều nằm trong giới hạn cho phép tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước dưới đất; các chỉ tiêu phân tích chất lượng nước thành phẩm cấp cho các hộ dùng nước (tại thời điểm kiểm tra) đều nằm trong giới hạn cho phép tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống.
4.5. Về việc xử lý ô nhiễm môi trường do đốt rác của Bệnh viện Thanh Hà (phường Đông Hương): hiện nay, Bệnh viện đã dừng hoạt động của lò đốt và hợp đồng với Bệnh viện Nhi Thanh Hóa để thu gom, xử lý toàn bộ rác thải y tế phát sinh theo quy định.
4.6. Về việc xử lý ô nhiễm khói bụi tại Nhà máy gạch Thiệu Giao: Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu Doanh nghiệp tư nhân Hùng Mạnh (chủ đầu tư Nhà máy gạch Thiệu Giao): tăng cường phun nước vào những ngày nắng, nóng khô hanh để giảm thiểu bụi tại các khu vực sân chứa nguyên liệu và sân chứa sản phẩm trong khuôn viên nhà máy; bổ sung dung dịch nước vôi để xử lý khí thải lò nung; yêu cầu xe vận chuyển nguyên vật liệu ra vào nhà máy phải được che phủ kín bạt; phối hợp với UBND xã Đông Lĩnh thực hiện giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên tuyến đường Thống Nhất đi qua 04 thôn của xã Đông Lĩnh.
4.7. Về việc kiểm tra việc bảo vệ môi trường tại cơ sở sản xuất giấy khu Piềng Chang, xã Trung Xuân, huyện Quan Sơn: công trình xử lý nước thải chưa được đầu tư hoàn chỉnh (hệ thống chỉ có các bể thu gom, không có khả năng xử lý triệt để nước thải sản xuất giấy và bột giấy), nước thải sau xử lý chưa đạt quy chuẩn cho phép. Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu không được tổ chức sản xuất giấy vàng mã, kể từ ngày 17/3/2018; hoàn chỉnh hồ sơ về đất đai, môi trường còn thiếu theo quy định; đầu tư đầy đủ các công trình xử lý chất thải và có văn bản báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định mới được đi vào hoạt động.
4.8. Về việc đề nghị thu hồi đất các dự án chậm tiến độ:
Đối với Dự án Biệt thự Hùng Sơn tại xã Quảng Hùng, Quảng Đại, thành phố Sầm Sơn của Công ty cổ phần Văn Phú - Invest: Dự án triển khai chậm tiến độ theo quy định; tuy nhiên, việc chậm tiến độ nguyên nhân chính do gặp khó khăn trong giải phòng mặt bằng (không hoàn toàn do Nhà đầu tư). Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu UBND thành phố Sầm Sơn chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư trước ngày 31/12/2018.
Đối với Dự án trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở tại phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa của Công ty cổ phần Bitexco: Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 696/QĐ-UBND ngày 26/02/2018 thu hồi đất của Công ty giao Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa quản lý.
Đối với Dự án xây dựng khách sạn 5 sao, văn phòng làm việc, văn phòng dịch vụ cho thuê và dịch vụ thương mại tại phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa của Công ty cổ phần Xi măng Công Thanh: trên cơ sở đề nghị của Công ty cổ phần Xi măng Công Thanh, đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công văn số 6512/UBND-THKH, ngày 07/6/2018, thống nhất với đề nghị của Sở kế hoạch và Đầu tư: yêu cầu Công ty ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án trước ngày 31/7/2018; đồng thời, phải có văn bản cam kết về tiến độ thực hiện dự án và bố trí vốn thực hiện dự án đảm bảo quy định, gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh; trường hợp Công ty không thực hiện ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án và không cam kết về tiến độ, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, báo cáo UBND tỉnh chấm dứt hoạt động, thu hồi đất của dự án và Công ty sẽ không được bồi thường, hỗ trợ bất kỳ khoản kinh phí đã đầu tư, chi phí liên quan đến dự án.
Đối vơi Dự án Melinh Plaza tại phường Đông Hải, thành phố Thanh Hóa của Công ty cổ phần Đầu tư tổ hợp thương mại Melinh Plaza Thanh Hóa: Dự án triển khai không đảm bảo tiến độ theo quy định; nguyên nhân, do vị trí dự án trước đây là bãi rác của Thành phố chưa thực hiện di dời, chưa bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư được nên chưa đủ cơ sở thu hồi dự án. Đến nay, khó khăn nêu trên đã được giải quyết và ngày 28/3/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức bàn giao đất cho Công ty; hiện nay, Công ty đã nộp xong tiền sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường đang xem xét cấp GCNQSD đất cho Công ty.
4.9. Về thu hồi 10,8 ha đất sản xuất muối đã bỏ hoang từ năm 2013 của Xí nghiệp muối Bãi Ngọc và 0,4 ha đất sản xuất muối đã hết hạn thuê đất của Xí nghiệp mối I - ốt, thuộc Công ty Cổ phần muối Thanh Hóa tại xã Hải Châu: UBND tỉnh đã ban hành Quyết định thu hồi diện tích đất nêu trên tại xã Hải Châu, giao cho UBND xã Hải Châu quản lý.
4.10. Về thu hồi diện tích đất sản xuất muối còn lại của xã Hải Bình và hỗ trợ diêm dân do không thể sản xuất được thời gian qua; hỗ trợ thiệt hại do ô nhiễm môi trường tại các dự án từ năm 2014 - 2017 trên diện tích đất sản xuất muối của 83 hộ dân thôn Nam Hải, xã Hải Thượng: để hỗ trợ diêm dân, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng với số tiền là 2,17 tỷ đồng (đã chi trả tháng 01 năm 2018).
4.11. Về thu hồi dự án của Công ty Bảo vệ Lam Sơn 2 tại địa điểm giáp với đường Đông Tây 2, khu vực thôn Liên Vinh, xã Tĩnh Hải: Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp ban hành Quyết định chấm dứt hoạt động dự án và thu hồi 8.412,3 m2 đất của Công ty theo quy định hiện hành của pháp luật.
4.12. Về giám sát việc sử dụng đất của các doanh nghiệp trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn: Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra việc sử dụng đất của các dự án đầu tư trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn, kết quả: kiểm tra 17 doanh nghiệp, quyết định thu hồi đất của 01 đơn vị (Công ty cổ phần Tập đoàn Sóng Thần); cho tạm dừng, thu hồi đất của 01 đơn vị để tổ chức thi hành án (Doanh nghiệp Hoàng Bình); 01 đơn vị (Công ty TNHH sản xuất vật liệu xây dựng cơ khí Thanh Xuân), Chủ tịch UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương thu hồi dự án, giao Sở tài nguyên và Môi trường thực hiện các thủ tục; cho phép 05 đơn vị được gia hạn thời gian tiếp tục thực hiện dự án (Công ty Hồng Phượng, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Bỉm Sơn, Công ty cổ phần Xây dựng Kiều Lê, Công ty cổ phần sản xuất và Thương mại Lam Sơn, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phục Hưng CONSTREXIM); yêu cầu 03 đơn vị thu xếp nguồn vốn đầu tư, hoàn thành dự án (Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Doanh, Công ty TNHH Tổng hợp thương mại Phú Minh, Công ty TNHH 005 Reo Huê); yêu cầu 01 đơn vị (Hợp tác xã Tam Sơn) giải trình nguyên nhân chậm trễ trong việc thực hiện đầu tư dự án, có cam kết cụ thể về tiến độ đầu tư dự án, gửi UBND tỉnh trước ngày 15/7/2018 để được xem xét cho gia hạn theo quy định, nếu quá ngày 15/7/2018 đơn vị không có văn bản báo cáo UBND tỉnh để được xem xét cho gia hạn, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, trình UBND tỉnh thu hồi đất theo quy định của pháp luật hiện hành.
4.13. Về việc đề nghị tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp: Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định chỉ đạo các ngành chức năng cần tập trung thực hiện tốt các hoạt động: thông tin tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến sâu, rộng các quy định; tăng cường công tác khuyến nông, phổ biến, hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất; nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp; tăng cường kiểm tra đột xuất, sớm phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm, kết quả: 06 tháng đầu năm 2018, tổ chức 25 đoàn thanh tra và 05 cuộc kiểm tra đối với 399 tổ chức, cá nhân; phát hiện 42 tổ chức, cá nhân có sai phạm; xử phạt vi phạm hành chính 258.722.000 đồng.
4.14. Về việc tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý tình trạng buôn bán hàng giả trên thị trường, trong đó có sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp: Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện các hoạt động giám sát, kiểm tra, xử lý tình trạng buôn bán hàng giả trên thị trường, trong đó có sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp. Kết quả, năm 2017: Thanh tra, kiểm tra 1.356 cơ sở, phát hiện vi phạm 239 cơ sở, phạt tiền 95 cơ sở với tổng số tiền phạt 497,55 triệu đồng; rà soát, thống kê, đánh giá phân loại và kiểm tra định kỳ đối với 24 cơ sở cấp tỉnh quản lý (trong đó: 19 cơ sở xếp loại A; 5 cơ sở xếp loại B), 897 cơ sở cấp huyện quản lý (trong đó có 290 cơ sở xếp loại A, chiếm; 561 cơ sở xếp loại B; 46 cơ sở xếp loại C).
4.15. Về việc đầu tư nâng cấp hệ thống Đài Truyền thanh cơ sở của huyện: Hiện nay, trên địa bàn huyện Bá Thước còn lại 9/23 đài truyền thanh chưa được đầu tư, nâng cấp; tiếp thu kiến nghị của cử tri, trong giai đoạn 2018-2020, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ xem xét, cân đối nguồn vốn đầu tư, nâng cấp hệ thống đài truyền thanh tại các xã đăng ký về đích nông thôn mới; các xã còn lại đề nghị bố trí nguồn vốn kinh phí sự nghiệp phát thanh truyền hình hàng năm của huyện để đầu tư, nâng cấp.
4.16. Đối với các kiến nghị: tăng cường xử lý vi phạm đối với các hoạt động khai thác cát trái phép trên các tuyến sông; đầu tư nâng cấp, sửa chữa đê sông Hoạt (đoạn từ xã Nga Thắng đi xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn); nâng cấp hệ thống kênh tưới Lưu - Phong - Châu, huyện Hoằng Hóa; sớm thực hiện dự án tiêu úng Đông Sơn - sông Nhà Lê (đoạn qua huyện Đông Sơn); đầu tư xây dựng các khu xử lý rác thải theo cụm; tăng cường quản lý, kiểm soát nguồn nước thải, nhất là nước thải, chất thải của các nhà máy, các khu công nghiệp (các huyện dọc các tuyến sông Chu, sông Mã…); thu hồi Dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn tại xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc của Công ty cổ phần Xi măng Thanh Sơn, Dự án Nhà máy xử lý rác thải tại thị xã Bỉm Sơn của Công ty cổ phần AE Toàn Tích Thiện; đầu tư điện lưới quốc gia cho các thôn, bản chưa có điện lưới tại huyện Mường Lát, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân; hỗ trợ kinh phí xây dựng Trạm y tế đã xuống cấp; xử lý xe quá khổ, quá tải lưu thông trên các tuyến đường liên huyện, liên xã, nhất là tại các địa bàn được tỉnh cấp phép khai thác mỏ đất, đá, vật liệu xây dựng; cắm biển báo tải trọng trên các tuyến đường; hoàn trả kinh phí thiệt hại do lún, nứt nhà dân trong quá trình thi công dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A; xây dựng kênh thoát nước tuyến đường Nghi Sơn - Sao Vàng; nâng cấp tuyến đường 515 Ba Chè -Thiệu Toán; nạo vét cửa ra vào khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá Lạch Hới; hỗ trợ ngư dân nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản; xử lý kịp thời việc khai thác, đánh bắt hải sản bằng chất nổ, bằng điện trên biển; tu sửa, nâng cấp các tuyến đường giao thông xuống cấp, hư hỏng; đầu tư cầu treo qua sông Lò sang bản Cạn; nâng cấp đoạn đường từ Quốc lộ 217 vào trung tâm xã Trung Xuân huyện Quan Sơn; làm cầu cứng Bến Lậm, huyện Lang Chánh; đầu tư cầu treo qua Sông Chàng (tại thôn Kẻ Đắng xã Thanh Phong); xây cầu sông Quyền (tại thôn Làng Quyền xã Xuân Qùy, huyện Như Xuân); đầu tư hệ thống thoát nước ở thành phố Sầm Sơn; đề nghị sớm đầu tư mở tuyến đường mới từ Quốc lộ 1A đến Quốc lộ 10 (từ xã Hoằng Kim đến xã Hoằng Sơn); mở tuyến đường mới Hoằng Quỳ - Hoằng Xuyên từ Quốc lộ 1A (đường tránh) nối với Quốc lộ 10 (địa phận xã Hoằng Xuyên); hỗ trợ ngân sách, sớm cho huyện lập dự án đầu tư xây dựng tuyến đường gom phía tây đường sắt; hỗ trợ kinh phí xây dựng tuyến đường gom Hà Bình - Hà Lai; nâng cấp tuyến đường từ Quốc lộ 45 đi huyện Thọ Xuân; hỗ trợ đầu tư các hạng mục, trang thiết bị để công nhận lại các trường mầm non, tiểu học, trường phổ thông dân tộc bán trú THCS, trường THCS ở các xã khó khăn, đầu tư sữa chữa, xây mới các trường học đã xuống cấp của các huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Thạch Thành, Ngọc Lặc, Thường Xuân; đầu tư xây dựng thêm phòng học cho các trường mầm non huyện Tĩnh Gia (hiện nay đang còn thiếu khoảng 229 phòng học); trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Đền thờ Quận công Lê Đình Châu tại xã Ngọc Lĩnh, huyện Tĩnh Gia: UBND tỉnh đã trả lời cử tri trong các Kỳ họp trước của HĐND tỉnh khóa XVII.
Trên đây là kết quả thực hiện ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp Thứ tư Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa XVII, Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh./.