Tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp Thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVII, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, đơn vị có liên quan tập trung giải quyết những vấn đề cử tri đã kiến nghị, kết quả thực hiện như sau:

1. Về cơ chế chính sách

1.1. Về việc cử tri huyện Ngọc Lặc đề nghị có chính sách hỗ trợ hoa màu cho nhân dân bị ngập úng khi hồ Cửa Đạt xả nước tại xã Phùng Minh: ngày 20/10/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3994/QĐ-UBND về việc ban hành quy định chi tiết mức hỗ trợ theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tại, dịch bệnh; trên cơ sở đó, năm 2018, UBND huyện Ngọc Lặc đã tổ chức thống kê, hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại 184.725.000 đồng; năm 2019, hỗ trợ 1.924.541.000 đồng; như vậy, kiến nghị của cử tri đã được UBND huyện Ngọc Lặc giải quyết đảm bảo theo các quy định. Đồng thời, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Ngọc Lặc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cơ chế, chính sách nêu trên và hàng năm, tổ chức kiểm tra, thống kê thiệt hại, thực hiện các thủ tục, hồ sơ trình duyệt và hỗ trợ theo quy định, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho nhân dân.

1.2. Về việc cử tri huyện Mường Lát đề nghị cấp gạo và tiền hỗ trợ năm 2017 - 2018 cho các hộ dân trồng rừng cây xoan: ngày 09/5/2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1600/QĐ-UBND về việc giao kế hoạch vốn chi tiết cho các hạng mục lâm sinh thuộc Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2020; trong đó, có số vốn còn thiếu của các hộ trồng rừng năm 2017 - 2018 huyện Mường Lát. Đồng thời, để tiếp tục hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số, UBND huyện Mường Lát đang hoàn thiện Đề án hỗ trợ gạo từ nguồn Dự trữ Quốc gia cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ kinh nghèo trên địa bàn huyện Mường Lát tự nguyện trồng, chăm sóc rừng trồng và bảo vệ, phát triển rừng tự nhiên trong thời gian chưa đảm bảo được lương thực, giai đoạn 2020 - 2026 báo cáo UBND tỉnh trình Thủ tướng phê duyệt; sau khi Đề án giai đoạn 2020 - 2026 được phê duyệt, đề nghị UBND huyện Mường Lát ưu tiên giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ trồng rừng năm 2017, 2018 để các hộ được tiếp tục hỗ trợ gạo theo quy định.

1.3. Về việc cử tri huyện Thạch Thành đề nghị không cắt 200 triệu đồng hỗ trợ cho thôn sau sáp nhập thôn không thuộc chế độ 135 của xã Thành Vinh, huyện Thạch Thành: xã Thành Vinh, huyện Thạch Thành là xã khu vực II, có 04 thôn, bản đặc biệt khó khăn, thuộc diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020; trong năm 2019, thực hiện chủ trương rà soát thì có 02 thôn (Hội Phú và Mỹ Lợi) chưa hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 nên tiếp tục được giao vốn thực hiện, tại Quyết định số 5476/QĐ-UBND ngày 25/12/2019 của UBND tỉnh; còn lại 02 thôn (Cự Nhàn và Tân Thành) được xác định thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn đã được Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo Uỷ ban Dân tộc; sau khi có hướng dẫn của Uỷ ban Dân tộc, UBND tỉnh sẽ thông báo đến cử tri.

2. Về lĩnh vực quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, đô thị

2.1. Về việc cử tri các huyện Tĩnh Gia, Triệu Sơn đề nghị hỗ trợ kinh phí xây dựng trụ sở làm việc và trang thiết bị cho huyện theo Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 30/12/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: triển khai Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 103/KH-UBND ngày 12/6/2017; theo đó, trên địa bàn huyện Tĩnh Gia có 05 xã và huyện Triệu Sơn có 14 xã nằm trong danh mục đầu tư xây dựng mới công sở. Đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao kế hoạch vốn để triển khai thực hiện và hoàn thành 04/05 xã tại huyện Tĩnh Gia và 09/14 xã tại huyện Triệu Sơn; 06 xã còn lại, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3964/QĐ-UBND ngày 12/10/2018, tuy nhiên do khó khăn về nguồn vốn nên chưa được bố trí kế hoạch vốn trong giai đoạn 2016 - 2020 để triển khai thực hiện. Sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo mức vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh sẽ giao các ngành chức năng tổng hợp các dự án nêu trên, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định.

2.2. Về việc cử tri huyện Quan Hóa đề nghị hỗ trợ vốn để hoàn thiện khu tái định cư xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa: Dự án đầu tư xây dựng công trình Khu tái định cư bản Co Me, bản Chiềng, bản Pạo và bản Bó xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa được phê duyệt với TMĐT là 25.890 triệu đồng; đến nay, đã được giao kế hoạch vốn 24.490 triệu đồng; còn lại 1.400 triệu đồng, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định giao kế hoạch vốn chi tiết Chương trình MTQG xây dựng NTM năm 2020.

2.3. Về việc cử tri huyện Hà Trung đề nghị hỗ trợ nguồn kinh phí thu được từ việc bán đấu giá nhà máy nước sạch thị trấn Hà Trung để đầu tư xây dựng công trình phúc lợi công cộng tại huyện Hà Trung: ngày 12/3/2020, UBND tỉnh đã có Công văn số 2918/UBND-THKH đồng ý chủ trương cho phép UBND cấp huyện được để lại số tiền thu được từ nguồn thu tiền chuyển nhượng quản lý, sử dụng và vận hành hệ thống cấp nước sạch tập trung nông thôn trên địa bàn để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, theo quy định tại Quyết định số 4761/2016/QĐ-UBND ngày 09/12/2016 của UBND tỉnh về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi; tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách địa phương, giai đoạn 2017-2020 của tỉnh Thanh Hóa.

2.4. Về  việc cử tri huyện Tĩnh Gia đề nghị bố trí kinh phí trong năm 2020 để đầu tư hoàn thành giai đoạn 1 khu nghĩa trang tại xã Nguyên Bình: Dự án nghĩa trang nhân dân Khu kinh tế Nghi Sơn (giai đoạn 1) do Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN làm chủ đầu tư đã đầu tư hoàn thành và được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt quyết toán vốn đầu tư tại Quyết định số 2500/QĐ-UBND ngày 11/7/2016; hiện đã bàn giao cho Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển hạ tầng Thanh Hóa và UBND xã Nguyên Bình quản lý.

2.5. Về việc cử tri huyện Tĩnh Gia đề nghị lập quy hoạch chi tiết, lập dự án đầu tư khu nghĩa trang phía Bắc Khu kinh tế Nghi Sơn tại xã Tân Dân, đưa các dự án đầu tư xây dựng khu nghĩa trang vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025: UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN nghiên cứu đề xuất lập các phân khu chức năng trong Khu kinh tế Nghi Sơn; trong đó, đề xuất lập điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chi tiết Khu nghĩa trang Nguyên Bình và lập quy hoạch chi tiết mới Khu nghĩa trang núi Bợm (tại xã Tân Dân) trong năm 2020 để thuận lợi cho công tác quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng.

2.6. Về việc cử tri đề nghị xây dựng cầu cứng qua sông Bưởi, đoạn qua địa bàn hai xã Thạch Cẩm, Thành Vinh, huyện Thạch Thạch: hiện nay, UBND huyện Thạch Thành đã xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh; trong đó đã có dự án xây dựng cầu cứng qua sông Bưởi nêu trên.

2.7. Về việc cử tri đề nghị xây dựng đường dẫn hai đầu cầu Cổ Tế trên Quốc lộ 45 đi qua địa bàn huyện Thạch Thành: đoạn đường dẫn hai đầu cầu thuộc đoạn Km25+400 - Km29+00/QL.45 được Tổng cục ĐBVN phê duyệt tại Quyết định số 5518/QĐ-TCĐBVN ngày 28/12/2018, với tổng mức đầu tư 6,0 tỷ đồng; công trình đã thi công hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 01/2020.

2.8. Về việc cử tri đề nghị đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường tỉnh lộ 516B trên địa bàn huyện Yên Định: do vốn bố trí cho dự án không đáp ứng tiến độ thi công, Chủ tịch UBND tỉnh đã đồng ý gia hạn thời gian hoàn thành và yêu cầu Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo nhà thầu khẩn trương thi công, đảm bảo hoàn thành công trình trước ngày 31/12/2020.

2.9. Về việc cử tri đề nghị làm rãnh thoát nước qua các khu dân cư đường tỉnh lộ 527C, 522B trên địa bàn huyện Hà Trung; mở rộng, nâng cấp ĐT.523 đoạn từ cầu Cừ qua các xã Hà Yên, Hà Tiến huyện Hà Trung, các xã Ngọc Trạo, Thành An, Thành Thọ, huyện Thạch Thành: do nguồn vốn ngân sách tỉnh đang tập trung đầu tư các dự án cấp bách, dự án trọng điểm nên chưa bố trí để đầu tư các dự án nêu trên; tuy nhiên, hàng năm Sở Giao thông Vận tải thường xuyên tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa cục bộ các vị trí hư hỏng nặng, đào vét rãnh để thoát nước mặt đường... Mặt khác, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Giao thông Vận tải đang xây dựng Đề án tăng cường kết cấu hạ tầng giao thông các tuyến đường tỉnh đến năm 2025; theo đó, sẽ xác định các công trình được đầu tư theo thứ tự ưu tiên trên cơ sở tính cấp bách cần đầu tư.

2.10. Về việc cử tri các huyện đề nghị nâng cấp, sửa chữa một số tuyến đường tỉnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa:

- Tuyến ĐT.518B qua địa phận xã Cẩm Yên, Cẩm Thủy; tuyến ĐT.520 (Sim - Thị Trấn Bến Sung - Thanh Tân); tuyến ĐT.510B đoạn từ xã Hoằng Ngọc đến xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa; tuyến ĐT.504 (Quảng Bình - Quảng Yên); tuyến ĐT.530B từ thị trấn Lang Chánh đi xã Tam Văn, xã Lâm Phú, huyện Lang Chánh: để khắc phục các hư hỏng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại an toàn, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải và UBND các huyện thường xuyên thực hiện sửa chữa khắc phục các hư hỏng trên tuyến trong các dự án sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất cấp bách hàng năm và để duy trì khai thác tuyến đường êm thuận, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, đề nghị UBND các huyện chỉ đạo đơn vị quản lý tăng cường công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên trên các tuyến đường này.

- Nâng cấp, sửa chữa tuyến ĐT.521 tại xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa: trong năm 2019, khi các dự án thủy điện đã thi công hoàn thành đưa vào vận hành khai thác, Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn đã thực hiện trách nhiệm hoàn trả, thảm mặt đường bê tông nhựa trên các đoạn tuyến Km0-Km13 và đoạn Km14+500-Km22+800; đối với đoạn tuyến từ Km13-Km14+500, UBND tỉnh đã bố trí kinh phí để sửa chữa nền mặt đường đảm bảo giao thông; đến nay các dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng từ tháng 12/2019.

- Tuyến ĐT.506B đoạn từ xã Thọ Lập đến xã Thọ Minh, huyện Thọ Xuân: trong những năm qua các đoạn đường từ ngã tư Xuân Lai đi Thọ Lập và đoạn từ ngã tư xã Thọ Minh đi Lam Kinh đã được UBND tỉnh nâng cấp, cải tạo; đoạn còn lại từ xã Thọ Lập đi xã Thọ Minh, huyện Thọ Xuân hàng năm đã được sửa chữa định kỳ, đảm bảo giao thông; do đó, để đảm bảo giao thông trên tuyến, đề nghị UBND huyện Thọ Xuân chỉ đạo thường xuyên sửa chữa, khắc phục kịp thời các hư hỏng nền mặt đường,…; chỉ đạo các lực lượng chức năng của địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tải trọng xe ô tô lưu thông trên đường; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định và có phương án hoàn trả khi thi công hoàn thành dự án nâng cấp đê.

2.11. Về việc cử tri đề nghị khẩn trương hoàn thành dự án cầu Thắng Phú, xã Quảng Ngọc, huyện Quảng Xương đi huyện Nông Cống: dự án nêu trên đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 957/QĐ-UBND ngày 18/3/2016 với tổng mức đầu tư 99,956 tỷ đồng, UBND huyện Nông Cống làm Chủ đầu tư, nguồn vốn Ngân sách Trung ương hỗ trợ; đến nay, dự án đã giải ngân đạt 66% tổng mức đầu tư; đã đầu tư xây dựng hoàn thành toàn bộ khối lượng và đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để bàn giao, đưa vào sử dụng.

2.12. Về việc cử tri đề nghị đầu tư lắp đặt đèn tín hiệu giao thông ngã tư Đông Vinh - Quảng Thịnh và điện chiếu sáng vành đai phía Tây: hiện nay, vị trí này đã được cải tạo, mở rộng nút giao, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, sơn gồ giảm tốc, lắp đặt biển báo, đèn cảnh báo giao thông, cơ bản đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến. Đối với việc lắp đặt đèn tín hiệu giao thông, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, đánh giá tình hình giao thông để có phương án báo cáo cấp thẩm quyền xem xét đầu tư lắp đặt đèn tín hiệu giao thông tại nút giao nếu đảm bảo quy định.

2.13. Về việc cử tri đề nghị sớm triển khai giai đoạn 2 dự án đường ngã ba Voi (thành phố Thanh Hóa) đi thành phố Sầm Sơn: dự án nêu trên do Sở Giao thông Vận tải làm Chủ đầu tư, được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3159/QĐ-UBND ngày 17/9/2009; chiều dài tuyến 11,985 km; tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án sau điều chỉnh là 871,7 tỷ đồng. Giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành bàn giao, đưa vào sử dụng đoạn Km0-Km8+500 và đoạn Km8+500 - Km11+985 đã thi công đến điểm dừng kỹ thuật. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn nên Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh dự án; theo đó, cắt giảm toàn bộ giai đoạn 2 của dự án, đầu tư hoàn chỉnh đoạn Km8+500 - Km11+743 theo quy mô giai đoạn 1 đã được phê duyệt; dự kiến dự án sẽ khởi công xây dựng trong quý IV/2020.

2.14. Về việc cử tri đề nghị đẩy nhanh tiến độ một số dự án đường giao thông trong Khu kinh tế Nghi Sơn:

- Dự án đường Đông - Tây 1 kéo dài: tuyến đường có chiều dài 6,88 km; đến nay đã bàn giao mặt bằng 6,15/6,88 km; giải ngân đạt 243,414 tỷ đồng; đã thi công đạt 54% khối lượng công trình; dự kiến sẽ hoàn thành, bàn giao đưa công trình vào sử dụng trước ngày 31/12/2020.

- Dự án đường từ QL.1A đến điểm đầu đường Đông - Tây 4 đi Cảng Nghi Sơn (thuộc tuyến đường từ QL.1A đi Cảng Nghi Sơn - ĐT.513): tuyến đường có chiều dài 7,4 km; mặt bằng đã bàn giao 7,2/7,4 km (bên phải tuyến), bên trái tuyến được một số đoạn; đã giải ngân đạt 881,293 tỷ đồng; đã thi công đạt 40% khối lượng công trình; dự kiến sẽ hoàn thành, bàn giao đưa công trình vào sử dụng trước ngày 31/12/2020.

- Đường Bắc - Nam 2 đi Khu kinh tế Nghi Sơn (đoạn từ nút giao đường tỉnh ĐT1 đến QL.1A tại xã Tùng Lâm): tuyến đường có chiều dài 6,8km; mặt bằng đã bàn giao 6,65/6,8 km; đã giải ngân đạt 499,837 tỷ đồng; đã thi công đạt 81% khối lượng công trình; dự kiến sẽ hoàn thành, bàn giao đưa công trình vào sử dụng trước ngày 31/12/2020.

2.15. Về việc cử tri huyện Thạch Thành đề nghị tăng cường quản lý xe ô tô quá khổ, quá tải: trong năm 2019 và 4 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn huyện Thạch Thành, Sở Giao thông Vận tải đã triển khai hơn 35 kế hoạch, bố trí hơn 140 lượt cán bộ thanh tra viên sử dụng cân tải trọng xách tay để tiến hành thanh tra, kiểm tra kiểm soát tải trọng phương tiện các tuyến đường được giao quản lý trên địa bàn huyện, kết quả đã xử phạt 35 trường hợp, phạt tiền gần 400 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 12 trường hợp. Để tiếp tục tăng cường quản lý xe ô tô quá khổ, quá tải, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Công an tỉnh, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải mở các đợt cao điểm thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm về trật tự an toàn giao thông, nhất là các xe ô tô chở hàng quá tải trọng cho phép trên địa bàn tỉnh.

2.16. Về việc cử tri thành phố Thanh Hóa đề nghị cần tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn nước thô cung cấp sản xuất nước sạch: nguồn nước thô cung cấp cho sản xuất đang được cấp bởi kênh Bắc, hệ thống Bái Thượng là hệ thống kênh hở đi qua địa bàn nhiều huyện do công ty TNHH MTV Sông Chu quản lý nên để đảm bảo nguồn nước thô cung cấp sản xuất nước sạch, thời gian qua Công ty Sông Chu đã triển khai yêu cầu các chi nhánh trực thuộc quản lý tuyến kênh, tuyên truyền cho người dân không đổ thải, xả thải vào kênh; tổ chức cho công nhân thực hiện vớt rác trên kênh và tại Thông báo số 44/TB-UBND ngày 26/3/2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm đã yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền sâu rộng đến các doanh nghiệp, người dân thực hiện sử dụng nước sạch tiết kiệm, hiệu quả; đồng thời, phải có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn vệ sinh nguồn nước từ thượng nguồn và dọc các dòng sông, kênh dẫn nước; xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định. Về lâu dài, để đảm bảo nguồn nước thô sạch, ngày 15/02/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 261/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Xây dựng hệ thống cấp nước thô chuỗi đô thị dọc Quốc lộ 47, thành phố Thanh Hóa và vùng phụ cận, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Hungary; dự kiến sẽ phê duyệt dự án đầu tư trong quý III năm 2020 và lựa chọn được nhà thầu thi công trong quý II năm 2021.

2.17. Về việc cử tri huyện Mường Lát đề nghị sớm thi công hệ thống kênh mương, đường ống dẫn nước đoạn từ cầu cứng Suối Pong đến bản Pom Khuông để cung cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho 17 ha ruộng đang phải bỏ hoang từ đợt mưa lũ năm 2018: UBND tỉnh đã có Công văn số 16350/UBND-NN ngày 27/12/2018, giao Công ty Sông Chu làm chủ đầu tư xây dựng kênh Poom Buôi; UBND huyện Mường Lát đã có chủ trương đầu tư đường ống dẫn nước từ Suối Pong đến bản Pom Khuông tại Công văn số 87/UBND-TCKH ngày 05/02/2020; do đó, đề nghị UBND huyện Mường Lát chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành công trình đáp ứng yêu cầu cấp nước sinh hoạt và sản xuất theo kiến nghị của cử tri.

2.18. Về việc cử tri đề nghị bố trí nguồn vốn hoàn thiện dự án đê sông Càn, đê 4 của huyện Nga Sơn:

- Dự án đê, kè cửa sông Càn đoạn từ cống Mộng Giường đi xã Nga Thái, Nga Tân, huyện Nga Sơn được phê duyệt từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ. Hiện nay, đoạn K0 ÷ K3+142 đã hoàn thiện và phê duyệt quyết toán; đoạn K3+142÷KC đã thi công đến điểm dừng kỹ thuật được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt; để nâng cấp đồng bộ 2 tuyến đê này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất tiếp tục đầu tư dự án từ nguồn ngân sách trung ương trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

- Đê 4, huyện Nga Sơn, có chiều dài 5,3 km, bắt đầu từ cống T4 (K0) đến cống Mộng Giường (K5+300). Trong đó, đoạn từ K0 ÷ K3+600 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, đã thi công hoàn thành theo đồ án thiết kế đoạn từ K0 ÷ K1+200, đoạn từ K1+200 ÷ K3+300 đã thi công đến cao trình +2,0 (cao trình mặt đê thiết kế +4.5m, cao trình tường chắn sóng +5.0m), đoạn còn lại từ K3+300 ÷ K3+600 chưa được thi công; riêng đoạn từ K3+600 ÷ K5+300 do UBND huyện Nga Sơn làm chủ đầu tư, đã thi công hoàn thành dự án đưa vào sử dụng. Dự án đã dừng thi công từ tháng 11/2016 do chưa bố trí được nguồn vốn (vốn còn thiếu khoảng 150 tỷ đồng). UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, báo cáo UBND tỉnh đề nghị Trung ương xem xét, bố trí nguồn vốn để tiếp tục triển khai thi công hoàn thiện.

2.19. Về việc cử tri đề nghị tiếp tục bố trí kinh phí kè 2 bên bờ sông Lò, đoạn qua địa phận khu 2 thị trấn Quan Sơn; hỗ trợ kinh phí cấp bách cho khu vực sạt lở bờ sông Bưởi tại thôn Tiến Thành và thôn La Thạch xã Thạch Định, huyện Thạch Thành: ngày 23/8/2019, UBND tỉnh đã có Công văn số 11042/UBND-NN báo cáo, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét hỗ trợ kinh phí xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển và di dân khẩn cấp tại những khu vực lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; theo đó, 02 dự án nêu trên đã được đề xuất hỗ trợ kinh phí để thực hiện.

2.20. Về việc cử tri đề nghị sửa chữa, nâng cấp mặt đê sông Mã tuyến từ xã Vĩnh Khang đi xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc và Quốc lộ 45: tuyến đê tả sông Mã đoạn từ K11+308 ÷ K13+500 thuộc xã Vĩnh Ninh đã được Tổng cục Phòng, chống thiên tai ban hành Kế hoạch duy tu, bảo dưỡng đê điều tỉnh Thanh Hóa năm 2020 tại Quyết định số 25/QĐ-PCTT-QLĐĐ ngày 20/01/2020; đầu tư từ nguồn sự nghiệp kinh tế thủy lợi năm 2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, dự án sẽ triển khai thực hiện và hoàn thành trong năm 2020; đoạn còn lại Sở Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục đề nghị Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho tu sửa theo quy định.

2.21. Về việc cử tri huyện Thiệu Hóa đề nghị có biện pháp giải quyết ách tắc kênh tiêu úng Đô - Cương: kênh tiêu Đô Cương chảy qua địa phận huyện Thiệu Hóa do công ty TNHH MTV Sông Chu quản lý; năm 2019 toàn bộ tuyến kênh đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp bằng nguồn vốn thực hiện chính sách bảo vệ, phát triển đất trồng lúa và bàn giao đưa vào sử dụng. UBND tỉnh đã giao công ty TNHH MTV Sông Chu kiểm tra rà soát tình hình thực tế; đối với những đoạn ách tắc cục bộ Công ty sẽ nạo vét khơi thông dòng chảy đảm bảo tiêu thoát cho công trình trong mùa mưa lũ năm 2020.

3. Về lĩnh vực tài nguyên, môi trường, bồi thường giải phóng mặt bằng

3.1. Về việc cử tri đề nghị không cấp phép khai thác cát tại xã Phùng Minh và xã Phùng Giáo, huyện Ngọc Lặc cho Công ty Bình Mai Anh: Công ty TNHH Bình Mai Anh được UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản và thuê đất theo Giấy phép số 406/GP-UBND ngày 07/11/2016, thời hạn 03 năm; sau khi giấy phép hết hạn Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 7628/STNMT-TNKS ngày 04/12/2019 yêu cầu Công ty lập hồ sơ đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường theo quy định (không tiếp tục cấp phép); sau khi đơn vị hoàn thành các thủ tục, hồ sơ đóng cửa mỏ, UBND tỉnh sẽ ban hành Quyết định đóng cửa mỏ theo quy định.

3.2. Về việc cử tri đề nghị không cấp phép khai thác tài nguyên trên địa bàn xã Hà Sơn, huyện Hà Trung vì ảnh hưởng đến môi trường và khu du lịch tâm linh đền Hàn Sơn thuộc xã Hà Sơn, huyện Hà Trung: để đảm bảo hài hòa giữa công tác bảo vệ các công trình văn hóa, giữ gìn cảnh quan, môi trường khu vực với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ngày 15/10/2019, UBND tỉnh đã có Thông báo số 211/TB-UBND; theo đó: yêu cầu 03 doanh nghiệp (gồm: Công ty Cổ phần Xăng dầu Nghi Sơn, Công ty Cổ phần Xây dựng GT-TL-WIN và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Minh Tuấn) đã được Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận chủ trương lập hồ sơ cấp phép thăm dò, khai thác sau khi HĐND tỉnh có nghị quyết đồng ý bổ sung quy hoạch, phải thuê đơn vị tư vấn có chức năng lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Bản cam kết bảo vệ môi trường để xin ý kiến chính quyền địa phương và người dân sinh sống quanh khu vực mỏ theo đúng quy định; có cam kết, thống nhất với chính quyền địa phương về tuyến đường vận chuyển thiết bị, khoáng sản ra vào mỏ; đồng thời, thống nhất loại bỏ ra khỏi dự án Điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đối với mỏ đất san lấp mới có chủ trương đưa vào Quy hoạch.

3.3. Về việc cử tri huyện Mường Lát đề nghị xem xét thu hồi một số diện tích đất của Ban Quản lý rừng phòng hộ Mường Lát giao cho các hộ dân sinh sống trong vùng rừng phòng hộ hiện không có đất sản xuất: trên cơ sở phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND huyện Mường Lát khảo sát, hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tổng hợp báo cáo UBND tỉnh thống nhất chủ trương thu hồi 403,49 ha đất rừng sản xuất tại xã Tam Chung, huyện Mường Lát của Ban Quản lý rừng phòng hộ Mường Lát giao cho địa phương quản lý theo quy định.

3.4. Về việc cử tri huyện Bá Thước đề nghị Công ty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc bàn giao 433,482 ha đất tại các xã Ái Thượng, Điền Thượng, Điền Quang cho UBND huyện Bá Thước để huyện xây dựng các khu tái định cư cho 444 hộ có nguy cơ sạt lở và giao đất cho dân nhân còn thiếu đất sản xuất: toàn bộ diện tích đất của Công ty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc đang được xây dựng phương án sắp xếp, đổi mới để kêu gọi thu hút đầu tư theo hướng thành lập Công ty TNHH hai thành viên trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tuy nhiên đến nay Thủ tướng Chính phủ chưa phê duyệt nên không có cơ sở để bàn giao 433,482 ha đất tại các xã Ái Thượng, Điền Thượng, Điền Quang cho UBND huyện Bá Thước. Để giải quyết việc xây dựng các khu tái định cư cho 444 hộ có nguy cơ sạt lở, yêu cầu UBND huyện Bá Thước lập dự án đầu tư và đề xuất chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư dự án theo quy định của pháp luật làm căn cứ thực hiện khu tái định cư đảm bảo an toàn cho các hộ dân có nguy cơ bị sạt lở.

3.5. Về việc cử tri huyện Thạch Thành đề nghị giao đất thuộc các nông, lâm trường, Ban Quản lý rừng phòng hộ cho địa phương quản lý (gồm Nông trường Thạch Quảng 220 hộ, Nông trường Thạch Thành 13 hộ, Nông trường Vân Du 134 hộ, Ban Quản lý rừng phòng hộ 13 hộ): UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp báo cáo UBND tỉnh thống nhất chủ trương thu hồi 31,46 ha đất của Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa và thu hồi đất của Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành giao cho địa phương quản lý.

3.6. Về việc cử tri huyện Hà Trung đề nghị giao lại diện tích đất từ Công ty TNHH Nông Công nghiệp Hà Trung (trước đây là Nông trường quốc doanh Hà Trung) cho xã Hà Long quản lý: Công ty TNHH Nông Công nghiệp Hà Trung đã lập phương án sử dụng đất đảm bảo theo quy định của Thông tư số 01/2015/TT-BTNMT ngày 26/02/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường nên đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4646/QĐ-UBND ngày 22/11/2018 và đã được UBND tỉnh cho thuê đất tại Quyết định số 5144/QĐ-UBND ngày 04/12/2019 với diện tích 15.318.937 m2 (trong đó trên địa bàn xã Hà Long, huyện Hà Trung có diện tích là 10.824.788,1 m2) nên việc đề nghị giao lại diện tích đất từ Công ty TNHH Nông Công nghiệp Hà Trung cho xã Hà Long quản lý là không có cơ sở.

4. Về lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

4.1. Về việc cử tri đề nghị trùng tu, tôn tạo khu di tích lịch sử văn hóa đền thờ Trần Khát Chân, xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn; khu di tích Phủ vạn, trại cò xã Tiến nông, huyện Triệu Sơn; khu di tích lịch sử chiến khu Ba Đình, huyện Nga Sơn; khu di tích lịch sử cấp tỉnh Đình Làng Bài, xã Anh Sơn, huyện Tĩnh Gia; bố trí kinh phí phục vụ việc khai quật, khảo cổ khu di tích chùa Am Các, xã Định Hải, huyện Tĩnh Gia; hỗ trợ kinh phí để khảo sát lập quy hoạch chi tiết xây dựng khu di tích đền thờ Quận công Lê Đình Châu tại xã Ngọc Lĩnh, huyện Tĩnh Gia; tổ chức hội thảo khoa học về khu di tích Kinh đô Vạn Lại Yên Trường xã Xuân Châu, huyện Thọ Xuân: ngày 06/5/2020, UBND tỉnh đã có Công văn số 5571/UBND-VX, giao UBND các huyện Triệu Sơn, Tĩnh Gia, Nga Sơn rà soát tình trạng xuống cấp của các di tích; làm rõ sự cần thiết đầu tư và khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương (huyện, xã) gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp vào Kế hoạch tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp các di tích trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; đồng thời, giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan, trên cơ sở hiện trạng của các di tích để có hướng dẫn cụ thể cho UBND các huyện: Triệu Sơn, Tĩnh Gia, Thọ Xuân và Nga Sơn thực việc cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích trên thực địa (đối với các di tích chưa cắm mốc giới) theo quy định và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích; hướng dẫn trình tự, thủ tục lập, trình duyệt quy hoạch, dự án (báo cáo KTKT) và thi công bảo quản, tu bổ, phục hồi, tôn tạo các di tích đảm bảo đúng quy định tại Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ, Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các quy định hiện hành.

4.2. Về việc cử tri huyện Thọ Xuân đề nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu di tích cách mạnh Yên Trường xã Thọ Lập: dự án nêu trên đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư là: 34,965 tỷ đồng từ nguồn Ngân sách tỉnh, do UBND huyện Thọ Xuân làm chủ đầu tư; đến nay đã hoàn thành được một số hạng mục chính với số tiền đã giải ngân là 22,49 tỷ đồng, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, trong quá trình thi công dự án cho thấy một số hạng mục công trình cần phải chỉnh sửa, điều chỉnh, bổ sung nên hiện nay, Chủ đầu tư đang phối hợp đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ điều chỉnh, bổ sung dự án, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt; dự kiến hoàn thành công trình trước ngày 25/7/2020.

4.3. Về việc cử tri đề nghị trùng tu, tôn tạo di tích đền thờ Nguyễn Nghi, xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn: dự án nêu trên đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư là 52,625 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, vốn ngân sách tỉnh, vốn xã hội hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là chủ đầu tư; thời gian thực hiện dự án, đến năm 2024. Hiện nay, Chủ đầu tư đã phối hợp với Viện Khảo cổ học hoàn thành công tác thám sát, khai quật khảo cổ học di tích và đang lập, hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, dự toán công trình đảm bảo theo quy định.

5. Về lĩnh vực an ninh trật tự và các vấn đề khác

5.1. Về việc cử tri huyện Bá Thước đề nghị cấp kinh phí cho xã Lương Ngoại theo đề án “Xây dựng điểm điển hình giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện nghèo tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 - 2020”: xã Lương Ngoại, huyện Bá Thước là xã điểm thuộc đối tượng thực hiện Đề án nêu trên; trong giai đoạn 2017 - 2020, ngân sách tỉnh đã bố trí thực hiện đề án tại xã Lương Ngoại, huyện Bá Thước là 4.462,668 triệu đồng (năm 2017 là 810,668 triệu đồng, năm 2018 là 1.050 triệu đồng, năm 2019 là 1.402 triệu đồng, năm 2020 là 1.200 triệu đồng) để đầu tư xây dựng 05 công trình giao thông; đến nay, đã có 02 công trình hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng; 02 công trình đang triển khai thực hiện, tiến độ đạt từ (20 - 90%); 01 công trình (nguồn vốn năm 2020) đang chuẩn bị đầu tư.

5.2. Về việc cử tri huyện Thạch Thành đề nghị nâng mức hỗ trợ bò giống cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo lên 15 triệu đồng/con bò/hộ theo Chương trình 135: theo Thông tư số 18/2017/TT-BNNPTNT ngày 09/10/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Nghị quyết số 113/2018/NQ-HĐND ngày 11/7/2018 của HĐND tỉnh, mức hỗ trợ giống trâu, bò cái sinh sản là không quá 10 triệu đồng/hộ nghèo và không thấp hơn 70% mức này (tương đương 07 triệu đồng/hộ nghèo); mức hỗ trợ giống gia súc khác (dê cái hoặc lợn nái...) là không quá 05 triệu đồng/hộ nghèo và không thấp hơn 70% mức này (tương đương 3,5 triệu đồng/hộ nghèo) nên hàng năm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có ban hành hướng dẫn để các huyện triển khai thực hiện.

5.3. Về việc cử tri huyện Như Thanh đề nghị hỗ trợ kinh phí xây dựng các lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại các xã, thị trấn: UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 266/QĐ-UBND ngày 17/01/2020 ban hành định mức hỗ trợ đối với từng loại hạng mục, công trình khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; trong đó, có chính sách hỗ trợ cơ sở giết mổ gia súc gia cầm 60% kinh phí đầu tư và không quá 15 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị trong hàng rào dự án. Ngoài ra, HĐND huyện Như Thanh đã ban hành Nghị quyết số 67/NQ-HĐND ngày 19/11/2019, hỗ trợ 80% kinh phí xây dựng thực tế (không quá 100 triệu/cơ sở, công xuất 05-10 gia súc/ngày đêm; không quá 150 triệu/cơ sở, công xuất 11-20 gia súc/ngày đêm; không quá 300 triệu/cơ sở công xuất trên 20 gia súc/ngày đêm).

5.4. Về việc cử tri huyện Nga Sơn đề nghị ngành điện hoàn trả vốn đầu tư lưới điện trung, hạ áp nông thôn do nhân dân đã đầu tư, nay ban giao cho ngành điện: theo báo cáo của UBND huyện Nga Sơn, hiện nay chỉ có cử tri xã Nga Phú kiến nghị về việc hoàn trả tài sản đầu tư lưới điện mà HTX Nga Phú đã đầu tư ngoài dự án REII. Tuy nhiên, do không đủ thành phần hồ sơ theo quy định tại Khoản 1, Điều 3, Thông tư Liên tịch số 32/2013/TTLT-BCT-BTC nên đã thực hiện bàn giao cho Công ty Điện lực Thanh Hóa theo hình thức tăng giảm vốn (Sở Tài chính đã có Công văn số 3086/STC-ĐT ngày 20/8/2015 gửi UBND huyện Nga Sơn về việc thẩm định hồ sơ hoàn trả lưới điện hạ áp nông thôn huyện Nga Sơn).

5.5. Về việc cử tri đề nghị cung cấp đủ điện cho nhà máy giầy Venus tại huyện Hà Trung: hiện nay, theo báo cáo của Công ty Điện lực Thanh Hóa, Nhà máy giầy Venus đang được cấp điện ổn định từ đường dây 35 kv lộ 372 trạm 110 kv Hà Trung (E9.4) với tổng công suất là 10,1 MVA. Trong thời gian tới, Công ty TNHH Giầy Venus đăng ký bổ sung công suất cho Nhà máy là 1,8 MVA; với lưới điện hiện nay trên địa bàn huyện Hà Trung vẫn đủ để đảm bảo cấp điện cho Nhà máy hoạt động.

Đối với các kiến nghị khác của cử tri gửi đến Kỳ họp Thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVII, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh nghiên cứu, giải quyết theo thẩm quyền.

Trên đây là kết quả thực hiện ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp Thứ 11, Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa XVII, Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    542 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 4.171.630
    Trong năm: 1.345.959
    Trong tháng: 147.617
    Trong tuần: 29.434
    Trong ngày: 2.201
    Online: 106