Tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp Thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVII, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, đơn vị có liên quan tập trung giải quyết những vấn đề cử tri đã kiến nghị, kết quả thực hiện như sau:

1. Về cơ chế chính sách

1.1. Về việc cử tri các huyện đề nghị tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân; cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nhiệp đầu tư vào nông nghiệp, tiêu thụ nông sản, đầu tư tiến bộ khoa học, kỹ thuật: Ngày 07/12/2017, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 81/2017/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích phát triển khoa học và công nghệ trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tiêu thụ, đầu tư tiến bộ khoa học, kỹ thuật như: Hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ sản xuất dược phẩm mới, thực phẩm chức năng từ dược liệu trồng trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ nghiên cứu sản xuất phần mềm ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản hải sản đánh bắt xa bờ; hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong sản xuất lúa gạo chất lượng cao, cam, bưởi, nuôi tôm chân trắng, giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm theo chuỗi giá trị trên quy mô lớn...

1.2. Về việc cử tri đề nghị có chính sách cụ thể trong hỗ trợ các huyện giải quyết hậu quả do thiên tai gây ra; tăng mức hỗ trợ cho các hộ nghèo và cận nghèo từ 25 triệu đồng lên 40 triệu đồng/hộ cho hộ nghèo và cận nghèo vùng thường bị hậu quả thiên tai: Theo quy định tại Chương 3, Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy hoàn toàn do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà không còn nơi ở được xem xét hỗ trợ chi phí làm nhà ở với mức tối đa không quá 20.000.000 đồng/hộ; việc điều chỉnh nâng mức hỗ trợ đột xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn bị thiệt hại nặng nề do thiên tai do Chính phủ quyết định.

1.3. Về việc cử tri đề nghị tiếp tục cấp gạo cho dân vùng biên giới như trước đây tại xã Hiền Kiệt, huyện Quan Hoá: Hiện nay, trên địa bàn xã Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa các hộ nghèo nhận trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng được phê duyệt hỗ trợ 313 tấn gạo trong thời gian chưa tự túc được lương thực giai đoạn 2018-2024 theo quy định tại Quyết định số 1569/QĐ-UBND ngày 03/5/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh; đối với các hộ nghèo không tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng có nhu cầu hỗ trợ gạo trong thời gian chưa tự túc được lương thực thì UBND huyện Quan Hoá rà soát, báo cáo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ hoặc đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ theo chính sách cứu trợ đột xuất

1.4. Về việc cử tri các huyện Triệu Sơn, Đông Sơn, Nga Sơn, Hậu Lộc, Hà Trung, Như Xuân, Ngọc Lặc, Tĩnh Gia, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Yên Định, thành phố Thanh Hóa đề nghị tăng mức phụ cấp cho bí thư chi bộ, thôn trưởng, trưởng ban công tác mặt trận thôn sau khi sáp nhập thôn; quan tâm chế độ cho cán bộ thôn nghỉ làm việc ở thôn sau khi nhất thể hóa; hỗ trợ cho cán bộ bán chuyên trách thôn không đảm nhiệm các chức danh sau sáp nhập: Ngày 24/4/2019, Chính phủ mới bán hành Nghị định số 34/NĐ-CP sử đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố nên hiện nay Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ đang phối hợp hoàn thiện phương án về số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, tổ dân phố và đề xuất chính sách hỗ trợ đối với những người hoạt động không chuyên thôi đảm nhiệm chức vụ do dôi dư sau khi sắp xếp, nhất thể hóa các chức danh để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

1.5. Về việc cử tri huyện Quan Hóa, Bá Thước đề nghị chỉ đạo các Chủ đầu tư các dự án thủy điện Thành Sơn, Hồi Xuân, Bá Thước 1 có chương trình sinh kế cho người dân khu vực tái định cư và người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án: Từ năm 2017 đến nay, mặc dù chưa có quy định hay chính sách cụ thể về chương trình sinh kế, nhưng đối với các dự án thủy điện trong giai đoạn thực hiện đầu tư, Sở Công Thương đã yêu cầu Chủ đầu tư dự án lập phương án sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng. Đến ngày 01/02/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về chính sách đặc thù di dân, tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện; trong đó, đã lồng ghép một số nội dung về sinh kế cho người dân tái định cư các dự án thủy điện; trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các nghành chức năng triển khai thực hiện.

1.6. Về việc cử tri đề nghị ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí cho huyện Tĩnh Gia xử lý rác thải bằng công nghệ lò đốt 50 tấn/ngày: Hiện nay, UBND tỉnh đang giao Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng đơn giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt; dự kiến trình UBND tỉnh phê duyệt trong tháng 5/2019. Sau khi đơn giá được ban hành, UBND các huyện, thị xã, thành phố sẽ triên khai hợp đồng xử lý với các đơn vị quản lý vận hành khu xử lý CTR sinh hoạt tập trung của các huyện.

1.7. Về việc cử tri đề nghị hỗ trợ xây dựng khu tái định cư, hỗ trợ phần chênh lệch giá đất giữa nơi đi và nơi đến cho các hộ phải di dời thực hiện dự án phục hồi, tôn tạo pháp huy giá trị khu di tích lịch sử Lăng Miếu Triệu Tường giai đoạn 2, huyện Hà Trung: Ngày 05/11/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản hướng dẫn UBND huyện Hà Trung giao đất tái định cư dự án bảo tồn, tôn tạo và pháp huy giá trị khu di tích lịch sử Lăng Miếu Triệu Tường, huyện Hà Trung; theo đó, giá đất cụ thể tính thu tiền sử dụng đất nơi tái định cư, giá bán nhà ở tái định cư do UBND huyện quyết định theo ủy quyền của UBND tỉnh; trường hợp người có đất thu hồi được bố trí tái định cư mà tiền bồi thường, hỗ trợ không đủ để mua một suất tái định cư tối thiểu thì được Nhà nước hỗ trợ tiền đủ để mua một suất tái định cư tối thiểu theo Quyết định số 3162/2014/QĐ-UBND ngày 26/9/2014 của UBND tỉnh.

2. Về lĩnh vực đầu tư, quy hoạch, xây dựng

2.1. Về việc cử tri huyện Quảng Xương đề nghị sớm hoàn thiện Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu đô thị du lịch ven biển tại xã Quảng Nham, Quảng Thạch, huyện Quảng Xương: Khu vực nêu trên được UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 3117/QĐ-UBND ngày 17/8/2018; đến nay, Công ty cổ phần ORG đang triển khai lập quy hoạch theo đúng quy định trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện dự án.

2.2. Về việc cử tri huyện Hà Trung đề nghị cho chủ trương triển khai thực hiện các dự án khu đô thị, dân cư phía đông Quốc lộ 1A từ xã Hà Lâm đi xã Hà Dương, huyện Hà Trung: Hiện nay, toàn bộ ranh giới huyện Hà Trung đang được UBND tỉnh đề xuất báo cáo Thủ tướng để lập quy hoạch chung thị xã Bỉm Sơn và vùng phụ cận nên việc phát triển đô thị, các khu dân cư như kiến nghị của cử tri sẽ được thực hiện sau khi quy hoạch chung thị xã Bỉm Sơn và vùng phụ cận (huyện Hà Trung) được duyệt.

2.3. Về việc cử tri huyện Mường Lát đề nghị Quy hoạch mở rộng thị trấn Mường Lát theo hướng sáp nhập một phần xã Tam Chung về thị trấn Mường Lát, một số bản còn lại của xã Tam Chung sáp nhập vào xã Mường Lý và xã Nhi Sơn: Hiện nay, Sở Nội vụ đang báo cáo trình UBND tỉnh phương án sáp nhập xã Tén Tằn vào địa giới hành chính thị trấn Mường Lát nên yêu cầu huyện Mường Lát trên cơ sở phương án sáp nhập đơn vị hành chính trên, xác định quy hoạch chung mở rộng thị trấn Mường Lát, làm căn cứ giải thích các kiến nghị của cử tri trên địa bàn bị ảnh hưởng.

2.4. Về việc cử tri huyện Quan Hóa đề nghị không chấp thuận chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Nam Động 1 và Nam Động 2: Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo dừng xem xét chấp thuận chủ đầu tư dự án Thủy điện Nam Động 1, Nam Động 2 để tiếp tục rà soát kỹ, đánh giá thận trọng, chi tiết tác động ảnh hưởng môi trường - xã hội, thống kê đầy đủ diện tích các loại đất đai, cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng và biện pháp giảm thiểu, khắc phục; đặc biệt, phải lấy ý kiến tham vấn cộng đồng nhân dân và lập phương án sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng; nghiên cứu, xây dựng các phương án sản xuất phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng, giúp hộ dân bị ảnh hưởng lựa chọn mô hình sản xuất bảo đảm thu nhập ổn định lâu dài, cuộc sống tốt hơn khi không có dự án. Trường hợp các dự án có ảnh hưởng, tác động lớn tới môi trường xã hội, không đảm bảo phương án sinh kế cho người dân, không được sự đồng thuận nhất trí của cộng đồng nhân dân vùng dự án thì đề xuất không đầu tư và trình Bộ Công Thương đưa ra ngoài quy hoạch.

2.5. Về việc cử tri huyện Quan Hóa đề nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình bù trả cho huyện do bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện: Trên địa bàn huyện Quan Hóa, còn lại dự án thủy điện Hồi Xuân phải thực hiện các công trình bù trả do thực hiện dự án (gồm 10 công trình: Trường THCS Phú Xuân; điểm Trường Tiểu học: bản Sa Lắng, Phú Lệ, Thanh Xuân; điểm Trường Mầm non: Sa Lắng, Thanh Xuân; trạm Y tế các xã: Phú Lệ, Phú Sơn, Thanh Xuân; Trụ sở UBND xã Thanh Xuân). Đến nay, Chủ đầu tư đã chi trả kinh phí hoàn thành công trình Trường Tiểu học Thanh Xuân; cơ bản hoàn thành khu tái định cư Sa Lắng và tiến hành bốc thăm, phân lô cho 52 hộ dân tái định cư, đã có các hộ bắt đầu xây móng nhà và đang tích cực đàm phán thu xếp nguồn tài chính để đền bù, tri trả cho UBND huyện Quan Hóa xây dựng các công trình còn lại bù trả do bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện Hồi Xuân.

2.6. Về việc cử tri huyện Bá Thước đề nghị đánh giá ảnh hưởng thủy điện Bá Thước 1 và 2 đối với việc ngập lụt trên địa bàn huyện Bá Thước:

Đối với Thủy điện Bá Thước 1; do nằm ở thượng lưu, hồ chứa nhỏ và điều tiết ngày đêm nên hồ chứa thủy điện Bá Thước 1 qua quá trình vận hành các mùa lũ năm 2017, năm 2018 không gây ảnh hưởng ngập lụt nhiều trên địa bàn huyện Bá Thước.

Đối với Thủy điện Bá Thước 2; theo Quy trình vận hành hồ chứa được Bộ Công Thương phê duyệt và Quy trình vận hành liên hồ chứa trên sông Mã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì mực nước dâng bình thường của thủy điện Bá Thước 2 là 41m nên hàng năm vào mùa mưa lũ, tài sản, hoa màu của một số hộ dân bị ngập do nằm dưới mực nước dâng bình thường; đồng thời, trên tuyến đường tỉnh 521B, Quốc lộ 217 có đoạn qua địa bàn huyện có các vị trí thường xuyên bị ngập nên UBND tỉnh đã yêu cầu Công ty Cổ phần thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa có trách nhiệm thực hiện bồi thường các tài sản, hoa màu của nhân dân bị ngập và thi công hoàn trả lại đoạn đường bị ngập. Đặc biệt, đối với các điểm, cơ sở hạ tầng giao thông nằm trên mực nước dâng bình thường của thủy điện Bá Thước 2 nhưng vẫn bị ngập trong mùa mưa lũ (do ảnh hưởng diễn biến nước dâng trong mùa lũ với tần suất quá cao trong những năm qua); Chủ tịch UBND tỉnh đã giao các sở, ngành liên quan và các đơn vị tư vấn chuyên ngành đánh giá cụ thể tác động của việc xả lũ các hồ chứa trên địa bàn tỉnh để có giải pháp tăng cường quản lý việc thực hiện quy trình xả lũ theo quy định nhằm đảm bảo giảm thiểu ảnh hưởng ngập lụt; trong trường hợp cần thiết, kiến nghị cấp thẩm quyền điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa để đảm bảo phù hợp với diễn biến thủy văn thực tế trong giai đoạn vận hành hiện tại và tương lai.

3. Về lĩnh vực giao thông, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường

3.1. Về việc cử tri đề nghị đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới các công trình, dự án giao thông:

- Xây cầu hoặc hạ độ cao dốc suối Đang tỉnh lộ 530B, xã Lâm Phú, huyện Lang Chánh: Hiện nay, vị trí đường đi qua suối Đang có độ dốc dọc đường nối xuống hai đầu tràn lớn (khoảng 15%), gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân trong khu vực nên việc đầu tư xây cầu hoặc hạ độ dốc suối Đang là phù hợp và cần thiết. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn nên hàng năm Sở Giao thông Vận tải chỉ bố trí kinh phí thực hiện bảo dưỡng thường xuyên và tập trung sửa chữa các đoạn bị hư hỏng nặng trên tuyến (năm 2019, sửa chữa nền, mặt đường với kinh phí 1,1 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành quý III/2019) và sẽ phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu, đề xuất triển khai đầu tư dự án khi xác định được nguồn vốn.

- Xây cầu cửa Dụ thuộc tỉnh lộ 519B bắc qua sông Đằn: Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải tham mưu việc đưa dự án đầu tư nâng cấp đường tỉnh 519 B vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2020-2025; trong đó, bao gồm cả cầu Cửa Dụ.

- Xây dựng Cầu Tổ Rồng qua sông Chu, huyện Thường Xuân: Vị trí đề xuất đầu tư xây dựng cầu Tổ Rồng bắc qua sông Chu hiện tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông nên việc đầu tư xây dựng là rất cần thiết. Tuy nhiên, dự án không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và chưa cân đối được nguồn vốn nên đề nghị UBND huyện Thường Xuân cần tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện qua lại trên đò; UBND tỉnh sẽ chỉ đạo triển khai đầu tư khi cân đối được nguồn vốn.

- Đầu tư xây dựng đường từ Quốc lộ 217B đoạn từ Thành Mỹ đi Thành Yên qua khu di tích Quốc gia đặc biệt hang con Moong, huyện Thạch Thành: Hiện nay, UBND tỉnh đang trình HĐND tỉnh xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng mới 16,95km đường giao thông theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn loại A, tổng mức đầu tư khoảng 70 tỷ đồng, nguồn vốn Ngân sách tỉnh; dự kiến thời gian thực hiện không quá 03 năm (2019-2021).

- Hỗ trợ kinh phí để sớm triển khai xây dựng tuyến đường Vành đai 3 và cầu vượt qua sông Mã từ xã Hoằng Đại sang xã Quảng Hưng, thành phố Thanh Hóa: UBND tỉnh đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án nêu trên; Ngày 11/01/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có thông báo giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài Chính, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, cơ quan liên quan tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ khi có chủ trương xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

- Nâng cấp tuyến đường 510B từ cầu Choán cũ đi chợ Vực, từ ngã tư Gòng đi xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa: Trong năm 2018, Sở Giao thông Vận tải đã sửa chữa cục bộ nền, mặt đường, gia cố lề, bổ sung rãnh thoát nước dọc đoạn thuộc địa phận xã Hoằng Lộc, Hoằng Thành với tổng kinh phí là 2,1 tỷ đồng; năm 2019 tiếp tục sửa chữa, bổ sung rãnh thoát nước dọc đoạn Km9+740 - Km10+283 thuộc địa phận xã Hoằng Lộc với kinh phí 3,2 tỷ đồng.

- Mở rộng tuyến đường tỉnh 522B (Bỉm Sơn - Hà Long - Hà Lĩnh); đường tỉnh 523 (Cầu Cừ - Kim Tân - Dốc Trầu - Thạch Quảng): Các tuyến đường nêu trên đã được đầu tư, xây dựng từ lâu, mặt đường nhỏ hẹp..., việc nâng cấp mở rộng là cần thiết nên từ năm 2016, HĐND tỉnh đã có văn bản chấp thuận báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư để xin ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư. Tuy nhiên, do nguồn Ngân sách Trung ương khó khăn nên chưa có kế hoạch đầu tư; trong thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với các Sở, ngành liên quan tiếp tục tham mưu đấu mối Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ vốn đầu tư; đồng thời, tiếp tục tiến hành bảo dưỡng, sử chữa các hư hỏng đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

- Mở rộng tuyến đường tỉnh 527C (Thị trấn Hà Trung - Hà Lan); tuyến đường tỉnh 508 (Hà Ninh - Ngã ba Hạnh): Các tuyến đường được đầu tư nâng cấp đã lâu, qua thời gian khai thác sử dụng đã làm hư hỏng mặt đường nhưng do chưa bố trí được nguồn vốn để nâng cấp, mở rộng nên hàng năm Sở Giao thông Vận tải thường xuyên thực hiện công tác sửa chữa, đảm bảo giao thông trên tuyến; UBND tỉnh sẽ triển khai nâng cấp, mở rộng khi cân đối được nguồn vốn.

- Đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường 506B qua xã Thọ Lập, Xuân Thiên: Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản giao UBND huyện Thọ Xuân (chủ đầu tư tuyến đường 506B qua xã Thọ Lập và xã Xuân Thiên) chỉ đạo nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ thi công; đến nay, theo báo cáo của UBND huyện Thọ Xuân: Đoạn qua xã Thọ Lập (từ Km23-Km25) đến nay khối lượng thi công đạt khoảng 75%, theo cam kết của nhà thầu thi công, công trình dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2019; đoạn qua xã Xuân Thiên (từ Km28-Km31) đến nay phần đường đã thi công xong đưa vào khai thác từ quý I/2018, còn lại đang thi công cầu Đen mới tại Km28+050 khối lượng đạt khoảng 85%, theo cam kết của nhà thầu thi công, công trình dự kiến hoàn thành trong tháng 5/2019.

- Sớm có kế hoạch triển khai xây dựng đường giao thông ven biển đoạn qua huyện Hậu Lộc: UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Tờ trình số 58/TTr-UBDN ngày 12/4/2019 gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị Quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa (trong đó có đoạn qua huyện Hậu Lộc); thời gian thực hiện dự án không quá 05 năm (2019-2023).

3.2. Về việc cử tri đề nghị mở lại tuyến xe buýt số 09 qua xã Xuân Thành, huyện Thọ Xuân: Tuyến xe buýt số 9, có lộ trình TP Thanh Hóa - Thiệu Toán - Thị trấn Thọ Xuân - Đền thờ Lê Hoàn do Công ty cổ phần vận tải ô tô Thanh Hóa khai thác. Tuy nhiên, do đoạn đường từ Ba Chè -Thiệu Toán - Hạnh Phúc đang triển khai thi công dự án cải tạo, nâng cấp, dự kiến hoàn thành tháng 12/2019 nên UBND tỉnh đã có văn bản cho phép tạm dừng hoạt động tuyến xe buýt số 9. Sau khi dự án nêu trên hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, Sở Giao thông Vận tải sẽ báo cáo UBND tinh cho phép tổ chức lại hoạt động của phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.

3.3. Về việc cử tri đề nghị không cho tăng thêm xe điện ở thành phố Sầm Sơn: Ngày 23/11/2018, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản thống nhất tạm thời chưa bổ sung xe điện năm 2019 theo lộ trình tại Quyết định số 06/2018/QĐ-UBND ngày 09/3/2018 (lộ trình bổ sung năm 2019: 50 xe, năm 2020: 50 xe); giao UBND thành phố Sầm Sơn phối hợp với các đơn vị liên quan, tiếp tục theo dõi để có ý kiến tham mưu đề xuất vấn đề bổ sung hay không bổ sung xe ddienj theo lộ trình.

3.4. Về việc cử tri các huyện đề nghị tiếp tục có chính sách khuyến khích phát triển giao thông nông thôn, giao thông nội đồng: HĐND đã ban hành cơ chế khuyến khích phát triển giao thông nông thôn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020 tại Nghị quyết số 150/2015/NQ-HĐND ngày 11/12/2015; UBND tỉnh đã có Quyết định số 2480/2016/QĐ-UBND ngày 08/7/2016 quy định tiêu chí giao kế hoạch vốn thực hiện cơ chế khuyến khích phát triển giao thông nông thôn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020; do đó, cơ chế khuyến khích phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2016 - 2020 vẫn đang còn hiệu lực thực hiện và sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2020.

3.5. Về việc cử tri kiến nghị liên quan  đến lĩnh vực đê điều:

- Cử tri đề nghị sửa chữa tuyến đê biển xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia: UBND tỉnh đã giao cho UBND huyện Tĩnh Gia khẩn trương huy động nguồn lực tại chỗ để sửa chữa các hư hỏng nêu trên, đảm bảo an toàn công trình đê điều và giao thông đi lại của người dân trong khu vực.

- Cử tri đề nghị nâng cấp đê Đông sông Cùng, huyện Hoằng Hóa; nâng cấp đê tả, hữu T2 và T3, thuộc huyện Hà Trung; đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đê 4, tuyến đê 3 từ cống Mộng Giường 2 đi xã Nga Thái, huyện Nga Sơn; cứng hóa mặt đê từ cầu De đi cảng cá Hòa Lộc và đi các xã Hưng Lộc, Đa Lộc, huyện Hậu Lộc: Việc thực hiện các dự án nêu trên là cần thiết, tuy nhiên do chưa bố trí được nguồn vốn để triển khai thực hiện nên trước mắt UBND tỉnh đã yêu cầu UBND các huyện Hà Trung, Hoằng Hóa, Nga Sơn, Hậu Lộc xây dựng phương án phòng chống lụt bão cho công trình đảm bảo an toàn về người và tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão năm 2019; huy động nguồn lực của địa phương đảm bảo điều kiện đi lại cho nhân dân và sẽ đầu tư khi bố trí được nguồn vốn.

- Cử tri đề nghị mở rộng tuyến đê kênh Nam thuộc xã Trung Ý, huyện Nông Cống: Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Công ty TNHH MTV Sông Chu phối hợp với UBND huyện Nông Cống và các xã thuộc vùng tưới kiểm tra, đánh giá sự cần thiết mở rộng bờ kênh phù hợp với chỉ tiêu kỹ thuật của hệ thống kênh Nam, đảm bảo phục vụ giao thông đi lại của nhân dân và không làm ảnh hưởng đến hệ thống công trình kênh.

- Cử tri đề nghị bổ sung vốn đối ứng xử cho Dự án tu bổ, nâng cấp xử lý các trọng điểm xung yếu từ K13+200 - K27+400 đê hữu sông Mã huyện Yên Định: Dự án trên được triển khai từ năm 2011 - 2017, UBND huyện Yên Định chịu trách nhiệm thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng với tổng kinh phí là 12.679.107.000 đồng, đến nay UBND huyện đã chi trả cho các hộ dân 10.008.128.000 đồng, kinh phí còn thiếu 2.670.979.000 đồng; UBND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND huyện Yên Định sớm bố trí kinh phí để chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

- Cử tri đề nghị gia cố mặt đê một số tuyến đê Trung ương trên sông Mã, sông Chu tại các huyện Thiệu Hóa, Vĩnh Lộc; đê tả Lạch Trường, đoạn qua xã Hoằng Cát, đoạn từ cầu Bút Sơn đến cầu Phao cũ, huyện Hoằng Hóa: Các tuyến đê trên cơ bản đã được gia cố mặt đê bằng nhựa và bê tông, đáp ứng yêu cầu phòng chóng lụt bão và giao thông đi lại. Tuy nhiên, đây là tuyến đê đi qua địa bàn có mật độ lưu lượng giao thông lớn, dân cư sinh sống đông đúc dọc 2 bên đê từ lâu đời; mặt đê được đầu tư gia cố từ lâu, qua quá trình sử dụng nhiều tấm bê tông đã bị nứt vỡ, hư hỏng gây khó khăn cho giao thông đi lại và công tác kiểm tra, hộ đê khi có mưa lũ xảy ra. Để đảm bảo phục vụ công tác cứu hộ đê trong mùa mưa, lũ và đáp ứng yêu cầu giao thông đi lại của nhân dân trong khu vực, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Tổng cục Phòng chống thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho đầu tư tu bổ, gia cố lại mặt đê đoạn đang bị hư hỏng trong Kế hoạch duy tu bảo dưỡng đê điều năm 2019.

3.6. Về việc cử tri kiến nghị liên quan  đến lĩnh vực thủy lợi:

- Cử tri đề nghị xây dựng trạm bơm cạnh cống Hón, xã Trung Ý, huyện Nông Cống; xây dựng hệ thống thủy lợi từ kênh Bắc tới hệ thống kênh mương Tổ Rồng để cung cấp nước tưới cho 360ha đất nông nghiệp của xã Thọ Thanh, huyện Thường Xuân; hỗ trợ kinh phí sửa chữa, nạo vét lòng hồ Khánh Châu, xã Xuân Du, hồ Năng Nháp, xã Thanh Tân, hồ Khe Du, xã Xuân Phúc, hồ Khe Sú, xã Mậu Lâm, hồ Ao Sen, xã Yên Lạc thuộc huyện Như Thanh; nạo vét đập Bì Bùng 1, xã Hà Tiến và đập Bến Quân, xã Hà Long, huyện Hà Trung; tu sửa đập Tá Hướng thôn Chiềng Lau, xã Ban Công, huyện Bá Thước: Việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình nêu trên là cần thiết, tuy nhiên hiện nay nguồn vốn ngân sách tỉnh còn khó khăn, chưa có khả năng cân đối, bố trí vốn đầu tư, hỗ trợ cho các địa phương để đầu tư, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lọi  trên, nên UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương có liên quan chủ động khơi thông các kênh tiêu hiện có, sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa trong vùng bằng nguồn kinh phí tự có đảm bảo tưới tiêu thoát nước trong mùa mưa lũ năm 2019. UBND tỉnh sẽ thực hiện đầu tư khi cân đối được nguồn vốn.

- Cử tri đề nghị đầu tư xây dựng đập Đá Mài, xã Thành Tân, huyện Thạch Thành: Công trình đập Đá Mài đã được đầu tư nâng cấp năm 2009 - 2010 bằng nguồn vốn Ngân sách Trung ương; hiện nay, do ảnh hưởng của mưa lũ tháng 10/2017 đất mang tràn bị sạt. Tuy nhiên, đây là hư hỏng nhỏ nên Chủ tịch UBND tỉnh đã giao UBND huyện Thạch Thành huy động nguồn lực địa phương để khắc phục đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa bão năm 2019 và các năm tiếp theo.

- Cử tri đề nghị sửa chữa, nâng cấp kênh tưới b2-16a qua xã Đông Anh, xã Đông Minh, huyện Đông Sơn: Do tuyến kênh được xây dựng từ năm 1995, đến nay đã bị bị hư hỏng, xuống cấp nghiệm trọng nên nước không về đến cuối kênh theo yêu cầu nên để đảm bảo cấp nước tưới phục vụ sản xuất cho khoảng 300ha đất canh tác của thị trấn Rừng Thông và xã Đông Minh, xã Đông Anh UBND tỉnh đã yêu cầu Công ty Sông Chu đưa tuyến kênh trên vào kế hoạch sửa chữa, nâng cấp của Công ty.

- Cử tri đề nghị lắp đặt các biển báo nguy hiểm, hàng rào bảo vệ trên kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã thuộc huyện Ngọc Lặc; xử lý những bất cập của một số hạng mục trên hệ thống tưới Bắc sông Chu - Nam sông Mã ở huyện Yên Định và hệ thống kênh Bắc thuộc huyện Thọ Xuân: UBND tỉnh đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV thủy lợi Nam Sông Mã phối hợp với Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 3, Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, UBND các huyện có tuyến kênh đi qua tổ chức kiểm tra, rà soát các hư hỏng, bất cập trong hệ thống để khắc phục, sửa chữa, bổ sung trong thời gian bảo hành của dự án theo quy định.

- Cử tri đề nghị di dời trạm bơm Hoằng Vinh, huyện Hoằng Hóa: Chủ tịch UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương di dời trạm bơm Hoằng Vinh và giao UBND huyện Hoằng Hóa tổ chức triển khai thực hiện sớm đưa công trình vào sử dụng đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất.

3.7. Về việc cử tri kiến nghị liên quan đến lĩnh vực xây dựng nông thôn mới và phát triển nông thôn:

- Cử tri huyện Hà Trung đề nghị giao bổ sung kế hoạch vốn xây dựng nông thôn mới cho huyện: Đến năm 2019, Trung ương phân bổ cho tỉnh tương ứng 52% vốn theo định mức phân bổ; tuy nhiên, đến nay tỉnh đã phân bổ cho huyện Hà Trung 60,4%, như vậy, đã cao hơn so với bình quân chung của tỉnh.

- Cử tri huyện Yên Định đề nghị hỗ trợ thêm 10 tỷ đồng cho huyện đã hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới: Huyện Yên Định được Thủ tướng Chính phủn công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015 tại Quyết định số 2001/QĐ-TTg ngày 20/10/2016 nên đã được nhận kinh phí thưởng công trình phúc lợi cho các địa phương có thành tích tiêu biểu trong phòng trào thi đua “cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, với số tiền 10 tỷ đồng. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh đã hỗ trợ huyện Yên Định thêm 10 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh theo chính sách khuyến khích xây dựng nông thôn mới của tỉnh năm 2017. Như vậy, huyện Yên Định đã được hỗ trợ 20 tỷ đồng bằng mức hỗ trợ theo cơ chế quy định tại Quyết định số 2716/2016/QĐ-UBND ngày 21/7/2016 của UBND tỉnh.

- Cử tri đề nghị có tiêu chí cụ thể cho xã nông thôn mới kiểu mẫu: Tại Quyết định số 691/QĐ-TTg ngày 05/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành cụ thể tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2020, đây là cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện.

3.8. Về việc cử tri kiến nghị liên quan đến lĩnh vực thủy sản:

- Cử tri đề nghị triển khai Dự án xử lý khẩn cấp nạo vét cửa ra vào cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá Lạch Bạng, huyện Tĩnh Gia: Dự án trên đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình ngày 04/6/2018 với tổng mức đầu tư là 9.977,3 triệu đồng; đến nay, dự án đã thi công hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng ngày 30/01/2019.

- Cử tri đề nghị tiếp tục triển khai Dự án khu neo đậu tránh trú bão tại Quảng Thạch, huyện Quảng Xương: Dự án được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 974/QĐ-UBND ngày 18/3/2016 với tổng mức đầu tư 119,995 tỷ đồng, trong đó: nguồn vốn ngân sách Trung ương bố trí là 100 tỷ đồng; 19,995 tỷ còn lại do ngân sách tỉnh và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác; thời gian thực hiện dự án 4 năm (từ năm 2016 đến năm 2019). Tuy nhiên, do nguồn vốn Trung ương bố trí chậm (mới được 41,85 tỷ đồng), ngân sách tỉnh chưa bố trí đền bù GPMB nên dự án triển khai rất chậm, mới đạt 36,2%; UBND tỉnh sẽ tiếp tục đấu mối đề nghị Trung ương bố trí vốn để thực hiện dự án.

3.9. Về việc cử tri đề nghị thu hồi các dự án vi phạm pháp luật đất đai:

- Đối với Công ty CP Công nông nghiệp Việt Mỹ: UBND tỉnh cho Công ty thuê đất tại Quyết định số 3138/QĐ-UBND ngày 01/10/2003 và Quyết định số 692/QĐ-UBND ngày 15/3/2006 để xây dựng Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, diện tích 10.000 m2; Công ty đã nộp đủ tiền sử dụng đất 1 lần cho nhà nước. Tuy nhiên, do việc sản xuất thức ăn chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, Công ty đã chuyển đổi mô hình sang sản xuất sơ chế hàng nông sản; các công trình xây dựng phù hợp theo Mặt bằng quy hoạch do UBND huyện Yên Định phê duyệt. Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu Công ty lập lại dự án cho phù hợp với việc sản xuất và sử dụng đất hiện nay của Công ty; đến nay, Công ty đang trình cấp thẩm quyền theo quy định.

- Đối với Công ty CP Khai thác chế biến khoáng sản xuất khẩu Thanh Hóa: Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang lập hồ sơ trình UBND tỉnh thu hồi 26.523 m2 đất tại xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh của Công ty sử dụng vào mục đích xây dựng Xưởng tuyển quặng và Văn phòng điều hành. Đồng thời, ngày 06/12/2018, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 3448/ĐCKS-KS về việc yêu cầu Công ty cổ phần Khai thác chế biến khoáng sản xuất khẩu Thanh Hóa nộp hồ sơ đóng cửa mỏ và Đề án đóng cửa mỏ đối với khu A mỏ cromit xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh.

- Đối với Công ty TNHH Crômit Nam Việt: UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản và cho Công ty thuê đất tại Quyết định số 1519/QĐ-UBND ngày 07/5/2010 để khai thác, chế biến quặng cromit làm nguyên liệu sản xuất Ferocrom và thuê đất tại xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh, diện tích 821.000,0 m2, thời hạn 05 năm. Đến nay, giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hạn, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Công ty lập hồ sơ đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường và bàn giao đất đai cho địa phương theo quy định.

- Đối với Công ty CP Phụ gia và khoáng sản Việt Nam: Ngày 09/01/2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 72/QĐ-UBND về việc giao khu đất tại xã Phú Nhuận, xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh cho Công ty CP Ferocrom Việt Nam để Công ty quản lý, bảo vệ, lập dự án đầu tư. Tuy nhiên, đến nay, Công ty chưa thực hiện xây dựng dự án đầu tư theo cam kết nên chưa được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Do đó, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu báo cáo UBND tỉnh để thu hồi lại Quyết định số 72/QĐ-UBND ngày 09/01/2012 và chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư thu hồi lại Giấy Chứng nhận đầu tư đối với dự án trên theo quy định. Đối với khu đất dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Ferocromcacbon cao, diện tích 67,742 ha tại xã Tân Khang, huyện Nông Cống, do Công ty không đưa vào sử dụng, vi phạm điểm i khoản 1 Điều 64 Luật đất đai năm 2013 nên UBND tỉnh đã ban hành quyết định thu hồi đất của Công ty giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa quản lý theo quy định.

4. Về lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

4.1. Về việc cử tri đề nghị không đưa các đối tượng người có công với cách mạng đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế tư nhân: Theo quy định tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ quy định, người có công với cách mạng và thân nhân được Nhà nước hỗ trợ mua thẻ Bảo hiểm y tế; được quyền lựa chọn cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và được thay đổi cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu vào đầu mỗi quý; do đó, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp huyện và UBND các xã, phường, thị trấn hướng dẫn người có công và thân nhân lựa chọn cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu phù hợp với nhu cầu của bản thân và tình hình thực tế tại địa phương nơi cư trú.

4.2. Về việc cử tri huyện Quảng Xương đề nghị xem xét, giải quyết 29 hồ sơ xin được hưởng chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sĩ ở huyện: Qua kiểm tra, rà soát, thì 29 trường hợp nêu trên đã có tên trên danh bia liệt sĩ của địa phương; tuy nhiên, sau khi tra cứu hồ sơ liệt sĩ lưu tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và dữ liệu trên Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ thì 29 trường hợp này chưa được Nhà nước công nhận là liệt sĩ (chưa được cấp Bằng Tổ quốc ghi công) nên chưa có cơ sở để giải quyết chế độ thờ cúng liệt sĩ cho thân nhân các đối tượng. Để đảm bảo thực hiện đầy đủ quyền lợi cho thân nhân các đối tượng, yêu cầu UBND huyện Quảng Xương chỉ đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện hướng dẫn thân nhân các đối tượng thiết lập đầy đủ hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ theo đúng quy định của pháp luật.

4.3. Về việc cử tri đề nghị khôi phục lại di tích Hành cung Vạn Lại, xã Xuân Châu, huyện Thọ Xuân; tu bổ di tích cách mạng Bãi Sậy, xã Hà Tiến; di tích Đình Quan Chiêm, xã Hà Giang và di tích Đình Phúc Điền, xã Hà Vân, huyện Hà Trung; hỗ trợ kinh phí tôn tạo di tích Đền Mỹ Lâm, xã Minh Tiến, huyện Ngọc Lặc: Các di tích trên hiện đang bị xuống cấp nghiêm trọng, việc đầu tư bảo quản, tu bổ phục hồi, chống xuống cấp các di tích là cần thiết. Tuy nhiên, giai đoạn 2019 - 2020, ngân sách tỉnh không còn nguồn kinh phí để bố trí thực hiện các dự án nên trước mắt, UBND tỉnh đã giao UBND huyện Thọ Xuân, Hà Trung chủ động bố trí ngân sách địa phương và huy động các xã hội hóa để tu sửa cấp thiết di tích; giao các ngành đơn vị, chức năng tham mưu để bố trí kinh phí thực hiện dự án đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích nêu trên từ nguồn kinh phí chống xuống cấp di tích giai đoạn 2021 - 2025.

4.4. Về việc cử tri đề nghị tu bổ, nâng cấp các di tích trên địa bàn huyện Yên Định: Hiện nay, trên địa bàn huyện Yên Định có tổng số 49 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 07 di tích Quốc gia; 42 di tích cấp Tỉnh. Từ năm 2012 đến năm 2018, tổng số kinh phí được hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh (nguồn kinh phí chống xuống cấp) là 14.131 triệu đồng cho 15 lượt di tích. Theo Kế hoạch số 184/KH-UBND ngày 12/11/2018 của UBND tỉnh, trong giai đoạn 2019 - 2020, huyện Yên Định được đề xuất hỗ trợ kinh phí là 14.830 triệu đồng cho di tích Đá Bái Lăng, xã Yên Phú; Núi và đền Đồng Cổ, xã Yên Thọ (giai đoạn 2); Điện Thừa Hoa và Từ đường Phúc Quang, xã Định Hòa; Đền thờ Á Vương Đào Cam Mộc, xã Yên Trung; Đền Hổ Bái, xã Yên Bái. Do đó, đề nghị UBND huyện Yên Định tập trung các nguồn lực của địa phương và huy động nguồn xã hội hóa để cùng với nguồn hỗ trợ của tỉnh triển khai, tổ chức thực hiện hoàn thành đầu tư bảo quản, tu bổ, tôn tạo các di tích nêu trên.

4.5. Về việc cử tri đề nghị duy trì việc dạy và học tại Trường Trần Ân Triêm (là trường phải giải thể vào năm 2019) và di chuyển trường xuống khu vực xã Định Hòa, huyện Yên Định: Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với UBND huyện Yên Định triển khai phương án sắp xếp học sinh khi giải thể Trường THPT Trần Ân Chiêm (số học sinh lớp 11, lớp 12 năm học 2019-2020 sẽ được sắp xếp vào Trường THPT Yên Định 1; chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 cho Trường THPT Yên Định 1 đáp ứng nhu cầu học tập theo tỷ lệ theo quy định của tỉnh đối với học sinh thuộc khu vực tuyển của cả hai trường); do đó, việc tiếp tục duy trì Trường THPT Trần Ân Chiêm và chuyển xuống khu vực xã Định Hòa là không phù hợp với tình hình hiện nay.

4.6. Về việc cử tri đề nghị tiếp tục cho thực hiện dự án xây dựng Trường THPT Nguyễn Hoàng trên cơ sở sáp nhập Trường THPT Nguyễn Hoàng và Trường THPT Hoàng Lệ Kha tại địa điểm mới: Sau khi giải thể sắp xếp trường THPT Nguyễn Hoàng vào các trường THPT trên địa bàn huyện (dự kiến vào tháng 8/2019) đất và các tài sản cố định được UBND tỉnh giao cho UBND huyện Hà Trung quản lý; khi đó UBND huyện sẽ xây dựng phương án báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét quyết định chủ trương đầu tư.

4.7. Về việc cử tri đề nghị đầu tư xây dựng các khu bán trú, nội trú cho học sinh mầm non, tiểu học, phổ thông bán trú, trung học cơ sở ở những xã khó khăn huyện Quan Sơn: Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4156/QĐ-UBND ngày 16/10/2015 phê duyệt trong Đề án mở rộng, nâng cấp khu nhà ở nội trú học sinh trường THCS và THPT các huyện miền núi cao tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, nhằm nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục Tiểu học, phổ cập giáo dục Trung học cơ sở, hạn chế hiện tượng học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nâng cao trình độ dân trí, nhận thức của người dân tộc thiểu số. Theo đó, tổng số trường được đầu tư 39 trường THCS, 8 trường THPT; trong đó, huyện Quan Sơn được đầu tư 12 trường THCS, 2 trường THPT, 14/47 trường được đầu tư chiếm tỷ lệ tương đối cao so với bình quân.

4.8. Về việc cử tri đề nghị quan tâm bố trí việc làm cho con em là người dân tộc thiểu số huyện Quan Sơn đi học theo hệ cử tuyển: Hiện nay, trên cơ sở chấp thuận Kế hoạch tuyển dụng viên chức ngành giáo dục và đào tạo huyện Quan Sơn tại Công văn số 11009/UBND-KHTH ngày 12/9/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh; UBND huyện Quan Sơn đã được liên sở Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo thẩm định trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét tuyển dụng đối với 22 trường hợp cử tuyển trên tổng số 50 chỉ tiêu giáo viên mầm non, tiểu học, THCS được tuyển. Trong thời gian tới, đề nghị UBND huyện Quan Sơn rà soát, tổng hợp số con em của huyện đã tốt nghiệp hệ cử tuyển ở các chuyên ngành chưa có việc làm (không riêng với ngành sư phạm) để có kế hoạch tham mưu cho UBND tỉnh xem xét tuyển dụng.

5. Về lĩnh vực quốc phòng, an ninh và các vấn đề khác

5.1. Về việc cử tri đề nghị hoàn trả vốn đầu tư lưới điện hạ áp nông thôn cho HTX dịch vụ điện năng xã Quảng Thắng và Quảng Phú, thành phố Thanh Hóa:

- Đối với xã Quảng Thắng: Ngày 22/6/2018, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã có văn bản báo cáo, đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam xử lý vướng mắc trong tiếp nhận và hoàn trả vốn lưới điện hạ áp nông thôn. Tuy nhiên, đến nay, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn chưa có trả lời; sau khi có ý kiến giải quyết của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Công ty Điện lực Thanh Hóa sẽ hoàn trả vốn đầu tư nêu trên.

- Đối với xã Quảng Phú: Ngày 13/5/2015, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Quyết định số 820/QĐ-UBND phê duyệt giá trị, phương thức hoàn trả vốn đầu tư tài sản lưới điện hạ áp nông thôn tỉnh Thanh Hóa, theo đó lưới điện xã Quảng Phú thực hiện bàn giao cho Công ty Điện lực Thanh Hóa theo hình thức tăng giảm vốn nên không có cơ sở để Công ty Điện lực Thanh Hóa hoàn trả vốn lưới điện hạ áp nông thôn cho HTX dịch vụ điện năng xã Quảng Phú.

5.2. Về việc cử tri đề nghị cấp bổ sung 15 tỷ đồng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng dự án tránh ngập thủy điện Hồi Xuân, huyện Quan Hóa: Theo phương án bồi thường giải phóng mặt bằng dự án thủy điện Hồi Xuân, huyện Quan Hóa được phê duyệt, Chủ đầu tư phải thực hiện bồi thường 10 hạng mục công trình với tổng dự toán bồi thường được phê duyệt: 17,240 tỷ đồng. Đến nay, đã thực hiện hoàn thành 01 công trình với giá trị dự toán 1,313 tỷ đồng; còn lại 15,9 tỷ đồng cho 09 công trình Chủ đầu tư cam kết sẽ giải ngân trong tháng 5 năm 2019.

5.3. Về việc cử tri đề nghị sớm bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng lòng hồ Yên Mỹ, huyện Như Thanh: Ngày 21/12/2018, UBND tỉnh đã có văn bản số 16092/UBND-NN giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh bố trí vốn cho dự án trong năm 2019 và các năm tiếp theo để triển khai thực hiện đảm bảo theo quy định.

5.4. Về việc cử tri thành phố Sầm Sơn đề nghị cho phép UBND xã, phường được chứng thực hợp đồng mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất: Ngày 15/7/2016, Sở Tư pháp Thanh Hóa đã ban hành Công văn số 919/STP-BTTP, thông báo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Hiện tại, các tổ chức công chứng trên địa bàn tỉnh đang từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp, phục vụ kịp thời các yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch của cá nhân, tổ chức và góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh; đáp ứng đúng với tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Đồng thời, do hoạt động chứng thực tại UBND cấp xã cán bộ năng lực yếu, kiêm nhiệm nhiều việc; trình tự thủ tục không tuân thủ theo quy định của pháp luật, phần lớn không lưu trữ được hồ sơ đã chứng thực, tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ phát sinh tranh chấp nên việc cho UBND các xã, phường thành phố thực hiện chứng thực các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là không phù hợp.

Đối với các kiến nghị khác của cử tri gửi đến Kỳ họp Thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVII, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh nghiên cứu, giải quyết theo thẩm quyền./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    367 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.206.906
    Trong năm: 983.699
    Trong tháng: 97.082
    Trong tuần: 25.628
    Trong ngày: 2.147
    Online: 54