Thực hiện Kế hoạch các hoạt động “Về nguồn” chào mừng 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2020), 90 năm thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (29/7/1930-29/7/2020); được Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa tạo điều kiện, từ ngày 5 – 8/2020, Đảng ủy Văn phòng HĐND tỉnh đã tổ chức chuyến đi “Về nguồn” tại các tỉnh Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn để ôn lại truyền thống vẻ vang của Đảng trong hành trình gian nan giành độc lập cho đất nước và giáo dục tình cảm cách mạng cho đảng viên, đoàn viên, hội viên trong cơ quan.

Tại Cao Bằng, Đoàn đã thăm Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Pác Bó tại thuộc xã biên giới Trường Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng).

Trước khi vào tham quan trung tâm Khu di tích Pác Bó, Đoàn đã dâng hương tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền thờ Bác Hồ được xây dựng trên đồi “Pò Tếng Chấy”. Trong đền thờ, đặt trang trọng ở gian chính điện là một bức tượng toàn thân Bác Hồ với dáng ngồi thanh thản, uy nghêm; bên trên là dòng chữ Hồng Nhật Cao Minh (mặt trời đỏ từ trên cao chiếu sáng). Bên trái bức tượng khắc bài thơ tứ tuyệt của Bác:

“Non xa xa, nước xa xa,

Nào phải thênh thang mới gọi là.

Đây suối Lê-nin, kia núi Mác,

Hai tay xây dựng một sơn hà”.

Trên 4 bức tường của đền thờ là những bức phù điêu khắc họa trên đá tái hiện lại toàn bộ các hoạt động cách mạng của Bác từ khi Người trở về nước, đến ngày Người đọc Tuyên ngôn độc lập (ngày 2/9/1945). Trong khói hương thơm ngát, không khí trầm mặc, uy nghiêm, Đoàn đã được nghe giới thiệu về hoạt động của Bác những ngày đầu tiên về Tổ quốc, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước; vô cùng gian khổ, nhưng luôn lạc quan, tin tưởng, như Người đã viết:

 “Sáng ra bờ suối, tối vào hang,

 Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng.

 Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng,

 Cuộc đời cách mạng thật là sang”.

Đoàn dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ trên đồi Pò Tếng Chấy

Sau 30 năm xa Tổ quốc, ngày 28/1/1941 (mùng 2 Tết Nguyên đán năm Tân Tỵ), Bác Hồ qua cột mốc 108 biên giới Việt - Trung trở về Việt Nam. Sự kiện Bác Hồ về nước vào đầu năm 1941 là sự kiện lớn của Đảng và dân tộc Việt Nam, Bác về trực tiếp lãnh đạo đã làm thay đổi tình hình cách mạng trong nước. Đây là mốc lịch sử quan trọng dẫn tới cuộc cách mạng tháng Tám 1945 và Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình. Hình ảnh bước chân đầu tiên trở về đất Mẹ của Người đã được nhà thơ Chế Lan Viên diễn tả bằng những câu thơ đầy xúc động:

“Kìa! Bóng Bác đang hôn lên hòn đất,

Lắng nghe trong màu hồng hình đất nước phôi thai”.

 Bác trở về nước vào đầu Xuân, sau mùa Đông lạnh giá, Xuân đến, với luồng sinh khí mới, đất trời đổi thay, cây lá đâm chồi, nảy lộc. Người về để trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cả thiên nhiên, đất trời cũng reo vui, nhà thơ Tố Hữu viết:

“Ôi sáng Xuân nay, Xuân bốn mốt

 Trắng rừng biên giới nở hoa mơ

Bác về… im lặng. Con chim hót.

Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ…”.

Đoàn đã thăm hang Cốc Bó được Bác Hồ chọn làm nơi ở và làm việc để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Hang Cốc Bó nhỏ bé, ẩm thấp và lạnh lẽo, nằm sâu trong khe núi, còn nguyên bút tích của Người khắc trên vách đá “Nhất cửu tứ nhất niên nhị nguyệt bát nhật” tức là “ngày mồng 8 tháng 2 năm 1941”. Trong hang, tấm ván Người nằm nghỉ, hòn đá Người kê làm bếp nấu cơm vẫn còn đó. Hang đá lạnh, thiếu áo, thiếu chăn; để chống rét, hằng đêm, Người phải đốt lửa để sưởi ấm, ngọn lửa nhỏ bé, bập bùng trong đêm lạnh, nhưng lại thắp lên một ngày mai tươi sáng cho dân tộc Việt Nam, nhà thơ Tố Hữu viết:

“Hang lạnh nhớ tay người đốt củi

Bập bùng lửa cháy suốt đêm thâu

Ai hay ngọn lửa trong hang núi

Mà sáng muôn lòng, vạn kiếp sau!”.

 Hang Cốc Bó, Khuổi Nậm rì rào, suối Lê Nin trong mát hiền hòa, núi Các Mác sừng sững; với tầm nhìn chiến lược của một lãnh tụ thiên tài, Bác Hồ đã phát hiện Cao Bằng là nơi hội đủ cả "thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để xây dựng căn cứ địa cách mạng. Từ đây, Pác Bó trở thành "đại bản doanh” của căn cứ Việt Bắc, trở thành chiếc nôi của cách mạng Việt Nam.

Bàn đá – Suối Lê Nin, nơi Bác Hồ dịch sử Đảng

Sau khi thăm hang Cốc Bó, Đoàn đi thăm Khu di  tích lịch sử Kim Đồng; ngày ấy ở gần hang Cốc Bó, xuôi dòng suối Lê nin, dưới chân núi Thoong Mạ (thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng), năm thiếu niên gồm: Nông Văn Dền (bí danh Kim Đồng), Nông Văn Thàn (Cao Sơn), Lý Văn Tịnh (Thanh Minh), Lý Thị Nì (Thủy Tiên) và Lý Thị Xậu (Thanh Thủy) được cán bộ cách mạng giác ngộ, thử thách, tập hợp để lập thành Đội Nhi đồng cứu quốc. Trong đó, Nông Văn Dền được bầu làm Đội trưởng Đội Nhi đồng cứu quốc với nhiệm vụ giao thông liên lạc, đưa đón, bảo vệ cán bộ, canh gác các cuộc họp của Đảng. Tháng 8/1942, Kim Đồng vinh dự được gặp Bác Hồ tại hang Nộc Én ở trên núi sau làng Nà Mạ. Bác khen ngợi Đội trưởng Kim Đồng mưu trí, nhanh nhẹn, dũng cảm. Bác khuyên Kim Đồng cùng các đội viên hãy giúp đỡ, tích cực bảo vệ cách mạng, vừa hoạt động, vừa học văn hóa, chính trị để sau này nước nhà giành được độc lập, góp phần xây dựng đất nước. 5 giờ sáng 15/2/1943, trong lúc đang làm nhiệm vụ canh gác cuộc họp của cán bộ Việt Minh, khi phát hiện giặc lùng sục đến gần, Kim Đồng đã nhanh trí đánh lạc hướng để bảo vệ cán bộ cách mạng. Địch nổ súng, Kim Đồng bị trúng đạn và đã hy sinh, khi đó anh vừa tròn 14 tuổi. Năm 1997, Kim Đồng được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Khu di tích Kim Đồng được xây dựng ngay trên quê hương anh tại làng Nà Mạ, xã Trường Hà (Hà Quảng). Khu di tích gồm có mộ anh Kim Đồng, mộ mẹ anh và tượng anh với bộ quần áo Nùng và tay nâng cao con chim bồ câu đưa thư tại chân núi đá cao đồ sộ, bên cạnh cây nghiến xanh biếc, luôn tỏa bóng mát.

Đoàn dâng hương và thăm mộ anh hùng lực lượng vũ trang Kim Đồng

Tại Tuyên Quang, Đoàn đi thăm An toàn khu, nơi Trung ương Đảng, Bác Hồ đã ở và làm việc, lãnh đạo cách mạng Việt Nam, là nơi gắn liền với sự kiện trọng đại quyết định vận mệnh của dân tộc - Tổng khởi nghĩa tháng 8. Trong các ngày từ 13 đến 15/8/1945, tại khu rừng Nà Nưa, xã Tân Trào, Hội nghị toàn quốc của Đảng đã quyết định thành lập Ủy ban Khởi nghĩa, ra Quân lệnh số 1 - Lệnh Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc; trong 2 ngày từ 16 đến 17-8-1945, Quốc dân Đại hội Tân Trào họp tại đình Tân Trào, nhất trí tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa, thành lập Uỷ ban giải phóng dân tộc (tức Chính phủ lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, quy định quốc kỳ, quốc ca. Trong kháng chiến chốn thực dân Pháp, một lần nữa Tuyên Quang lại là nơi làm việc của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Chính phủ, là nơi bố trí triển khai các cơ quan Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Việt Minh, Liên Việt; hầu hết các bộ, ban, ngành, cơ quan Đảng và Chính phủ, các cơ sở trọng yếu đặt trụ sở làm việc tại đây.

Đoàn thăm và dâng hương tại lán Nà Nưa. Ngày 21/5/1945, sau 18 ngày đêm xuyên rừng, bất đầu từ Khuổi Nậm - Pác Bó, Cao Bằng, Bác Hồ về tới Tân Trào, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945. Để bảo đảm bí mật và thuận tiện cho công việc, cuối tháng 5 năm 1945, Bác Hồ chuyển ra ở căn lán nhỏ trong khu rừng Nà Nưa, thuộc dãy núi Hồng (lán do Bác trực tiếp đi chọn địa điểm). Lán Nà Nưa nằm kín đáo dưới các tán cây rậm rạp, bảo đảm bí mật và đáp ứng được yêu cầu của Bác đề ra: Gần nước, gần dân, xa quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái. Tại căn lán nhỏ, đơn sơ trong rừng Nà Nưa, Bác Hồ đã ở, làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945. Lán Nà Nưa được dựng theo kiểu nhà sàn của người miền núi, có 6 cột gỗ chôn xuống đất, không có vì kèo, mái lợp lá cọ, chia làm 2 gian nhỏ: Gian ngoài là nơi Bác Hồ làm việc và tiếp khách; gian trong là nơi Bác nghỉ ngơi. Tại đây, ngày 4 tháng 6 năm 1945, Hồ Chí Minh đã triệu tập Hội nghị cán bộ để củng cố căn cứ địa cách mạng, thành lập Khu giải phóng và Quân giải phóng, chuẩn bị Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội.

Đoàn thăm lán Nà Nưa, nơi Bác Hồ đã ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22 tháng 8 năm 1945

Đoàn đến thăm cây đa Tân Trào, dưới gốc đa này, chiều ngày 16 tháng 8 năm 1945, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp đã đọc bản Quân lệnh số 1, ngay sau đó quân Việt Nam Giải phóng đã làm lễ xuất quân tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội trước sự chứng kiến của toàn thể đồng bào các dân tộc Việt Bắc và 60 đại biểu toàn quốc. Từ đó cho đến nay, cây đa Tân Trào đã trở thành một biểu tượng cách mạng của Thủ đô Khu giải phóng Tuyên Quang.

So với cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, ba tháng Người sống và làm việc tại Tân Trào là một khoảng thời gian rất ngắn. Nhưng chính từ căn lán đơn sơ trên khu rừng Nà Nưa (Nà Lừa), với những nhận định đúng đắn, những quyết sách kịp thời, táo bạo về thời cơ cách mạng, Bác Hồ đã chỉ đường cho toàn dân vươn tới một bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử vĩ đại. Từ bước ngoặt đó, dân tộc Việt Nam đã chấm dứt những ngày tháng nô lệ, bước sang kỷ nguyên độc lập, tự do.

Tại Thái Nguyên, Đoàn đã đến thăm ATK- Định Hoá. Với tầm nhìn xa trông rộng của một thiên tài, tháng 10/1946, Bác Hồ cử đồng chí Nguyễn Lương Bằng trở lại Việt Bắc, chọn Định Hóa và một số nơi khác ở tỉnh Thái Nguyên để xây dựng an ATK, căn cứ địa của cách mạng. ATK - Định Hoá, một miền đồi núi hiểm trở có địa thế chiến lược về quân sự “tiến có thể đánh, lui có thể giữ”, đã được chọn làm nơi xây dựng an toàn khu (ATK) là trung tâm lãnh đạo cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược; là nơi ở, làm việc và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954). Ngày 20/5/1947, Bác Hồ về ATK Định Hóa để lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Tại ATK Định Hóa đã diễn ra rất nhiều sự kiện quan trọng, đặc biệt là ngày 6/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì họp Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ và đến ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Đứng ở Nhà tưởng niệm Bác Hồ trên đình đồi lộng gió ở ATK Định Hóa trong những ngày thu tháng 8, trong lòng mọi người bâng khuâng nhớ về Bác, trào dâng cảm xúc về những ngày kháng chiến gian khổ và vinh quang của dân tộc, lại nhớ về những vần thơ của nhà thơ Tố Hữu:

“Vui sao một sáng tháng năm

 Đường về Việt Bác lên thăm Bác Hồ

 Suối dài xanh mướt nương ngô

 Bốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn…”.

Đồng chí Phạm Thanh Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, PCT Thường trực HDND tỉnh Thanh Hóa ghi cảm tưởng tại Đền thờ Bác Hồ - ATK Định Hóa

Rời Cao Bằng, Đoàn đến thăm Lạng Sơn, vùng biên ải, phên dậu của Tổ quốc, đã được nhà thơ Nguyễn Đình Thi khắc họa bằng những vần thơ hào sảng trong Chiến dịch Biên giới năm 1950:

“Lạng Sơn những đồi lộng gió

Những đêm vang tiếng cọp gầm

Sông Kỳ Cùng ào ào súng nổ

Những ngày mải miết quân hành”.

Lạng Sơn là một phần của mặt trận Cao - Bắc - Lạng, chiến dịch Biên Giới năm Thu Đông năm 1950. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã giành thắng lợi to lớn. Chiến thắng này trở thành một sự kiện lịch sử quan trọng, từ đó khai thông biên giới Việt – Trung, giao thương với  Trung Quốc được mở, quan hệ với các nước XHCN được xác lập, đánh dấu bước ngoặt cơ bản, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tiến lên giành thắng lợi quyết định.

Tại Lạng Sơn, Đoàn đã thăm Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị nằm trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc, điểm nối tuyến đường cao tốc Nam Ninh - Hà Nội, là cầu nối quan trọng trong phát triển quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc. Là nơi bắt đầu của Quốc lộ 1A (km 0) hay còn gọi quốc lộ 1, đường 1, đường cái quan, đường thiên lý hay đường xuyên Việt; là tuyến đường giao thông xuyên suốt Việt Nam; bắt đầu tại thị trấn Đồng Đăng thuộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, và kết thúc tại thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau với tổng chiều dài 2360 km. Đây là tuyến đường quan trọng hàng đầu Việt Nam, đi qua trung tâm của một nửa số tỉnh thành Việt Nam, nối liền 4 thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Quốc lộ 1A tại địa phận Lạng Sơn gắn với Ải Chi Lăng, nơi ghi dấu ấn vang dội của những chiến công hiển hách của dân tộc Việt Nam trong bảo vệ Tổ quốc;  Ải Chi Lăng không chỉ mang cái hùng vĩ của đất trời mà ẩn sâu trong đó là sức sống mãnh liệt một thời của hào khí Đông A.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại cột mốc 1116 Cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn

Qua hành trình về nơi cội nguồn cách mạng cho chúng tôi hiểu sâu hơn về những địa danh lịch sử, với truyền thống cách mạng hào hùng, công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam, qua đó vun đắp lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước. Đồng thời nhắc nhở thế hệ hôm nay phải luôn luôn ghi nhớ cội nguồn lịch sử và trân quý, giữ gìn, tiếp nối những giá trị truyền thống tốt đẹp và nỗ lực rèn luyện, học tập, làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    370 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.268.131
    Trong năm: 975.942
    Trong tháng: 88.956
    Trong tuần: 17.970
    Trong ngày: 31
    Online: 37