Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp
ại phiên khai mạc kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khoá XVII sáng 5-12-2020, đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đã trình bày Thông báo công tác Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp. Dưới đây là nội dung thông báo.
Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVII, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, tổng hợp 229 ý kiến kiến nghị của cử tri và Nhân dân trong tỉnh thông qua 28 cuộc tiếp xúc của đại biểu HĐND tỉnh và hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức thành viên. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh báo cáo trước kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVII như sau:
I. MỘT SỐ KẾT QUẢ CÔNG TÁC MẶT TRẬN THAM GIA XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN
Năm 2020, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tham gia góp ý vào 35 dự thảo luật, văn bản của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh; Đặc biệt, hệ thống MTTQ các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã chủ trì tổ chức 587 hội nghị lấy ý kiến Nhân dân tham gia góp ý và phản biện xã hội vào văn kiện Đại hội đảng bộ các cấp và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. MTTQ tỉnh đã biên tập và phát hành 21.750 cuốn Thông tin Công tác Mặt trận, 8.220 cuốn sổ tay tuyên truyền Nghị quyết số 42 của Chính phủ và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ, tuyên truyền đến đội ngũ cán bộ MTTQ các cấp và Nhân dân trong tỉnh.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức 85 cuộc tiếp xúc cử tri theo quy định của pháp luật. MTTQ các cấp đã tiếp 482 lượt công dân, tiếp nhận 706 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, phần lớn các đơn, thư tập trung vào lĩnh vực đất đai; đã chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết 340 đơn thư; hướng dẫn và trả lòi 99 đơn thư; lưu 267 đơn thư do không đủ điều kiện xử lý.
Hoạt động giám sát của MTTQ các cấp được thực hiện bảo đảm theo kế hoạch đề ra và đi vào nền nếp; đã chủ trì thực hiện 1.987 cuộc giám sát, trong đó trọng tâm giám sát công tác chi trả cho các đối tượng theo Nghị quyết 42 của Chính phủ; các Ban thanh tra nhân dân giám sát 1.297 vụ việc, kiến nghị giải quyết 674 vụ việc; Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã tổ chức giám sát được 683 công trình, dự án; qua giám sát đã kiến nghị với chính quyền 187 công trình có những tác động làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của Nhân dân và cộng đồng dân cư.
II. NHỮNG TÂM TƯ, NGUYỆN VỌNG CỦA CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN
Cử tri và Nhân dân tin tưởng, đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sáng tạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, song kinh tế tỉnh ta vẫn tăng trưởng 6,08%, cao nhất các tỉnh Bắc Trung bộ; sản xuất nông, lâm thủy sản tiếp tục phát triển ổn định, giữ vai trò quan trọng cho sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giá trị sản xuất công nghiệp, huy động vốn đầu tư, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả tích cực; Thanh Hóa là tỉnh đầu tiên trong cả nước tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô cấp tỉnh năm 2020 ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ dừng thực hiện giãn cách xã hội với số dự án và số vốn đầu tư lớn nhất từ trước tới nay; công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, đã kiểm soát tốt dịch Covid-19, được xếp vào nhóm các tỉnh có “nguy cơ thấp”; Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực, chính sách an sinh xã hội được đảm bảo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tỉnh đã tổ chức thành công các sự kiện lớn của đất nước, của tỉnh tạo không khí phấn khởi trong các tầng lớp Nhân dân.
Cử tri và Nhân dân trong tỉnh vui mừng, phấn khởi trước sự kiện Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử mở đường cho Thanh Hóa phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Đặc biệt, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 thành công tốt đẹp tạo không khí phấn khởi trong Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Cử tri và Nhân dân trong tỉnh bày tỏ sự trân trọng và đánh giá cao đối với các lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh, nhất là ngành Y tế, lực lượng Quân đội, Công an, Biên phòng, cán bộ cơ sở. Đặc biệt với truyền thống đoàn kết, nhân văn, nhiều nghĩa cử cao đẹp lan tỏa trong các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, người con quê hương trong và ngoài nước, tích cực ủng hộ phòng chống dịch Covid-19, ủng hộ Nhân dân các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Từ diễn đàn này, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trân trọng cảm ơn những tấm lòng của Nhân dân trong và ngoài tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã đồng tâm, hiệp lực, đoàn kết một lòng, tích cực ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 và ủng hộ Nhân dân các tỉnh miền Trung sớm ổn định cuộc sống.
Bên cạnh đó, vẫn có những vấn đề Nhân dân trong tỉnh còn băn khoăn, lo lắng đó là:
Tình hình dịch bệnh Covid -19 mặc dù được kiểm soát, song trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nhiều tổ chức, cá nhân còn chủ quan, chưa thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại rất lớn, gây lo lắng trong Nhân dân; tác động của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp rất nặng nề; tình trạng mất việc làm, giảm thu nhập của người lao động tăng ở một số ngành, lĩnh vực và nhiều doanh nghiệp; công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tại một số địa phương chưa kịp thời, để xảy ra sai sót, tạo dư luận không tốt trong Nhân dân; công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo tại một số địa phương còn hạn chế; an ninh trên các tuyến biên giới, tuyến biển và một số địa bàn trọng điểm vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định; các thông tin giả, thông tin xấu, độc trên mạng xã hội chưa được ngăn chặn hiệu quả.... làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh và đời sống, tư tưởng của Nhân dân trong tỉnh.
III. TỔNG HỢP Ý KIẾN, KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN GỬI ĐẾN KỲ HỌP THỨ 14, HĐND TỈNH, KHÓA XVII
1. Về phát triển sản xuất
Nhân dân trong tỉnh phấn khởi trước kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tuy nhiên, cử tri trong tỉnh vẫn còn băn khoăn về về việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh ta còn chậm; diện tích được tích tụ, tập trung sản xuất hàng hóa quy mô lớn chưa nhiều; việc gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, chưa xây dựng được thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực. Cử tri đề nghị HĐND, UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp xây dựng, triển khai, đẩy nhanh các giải pháp thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; khuyến khích ứng dụng khoa học kỹ thuật, tích tụ ruộng đất, xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP đã được công nhận; đánh giá hiệu quả giá trị kinh tế của cây cao su, cây xoan, cây sắn và một số cây trồng ở các huyện miền núi để có giải pháp thay thế các loại cây trồng khác, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân.
Hiện nay, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở làng nghề, hộ sản xuất kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Cử tri và Nhân dân trong tỉnh tiếp tục đề nghị HĐND, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương có giải pháp đồng bộ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên các lĩnh vực như may mặc, da giày, du lịch, lưu trú, vận tải ... sớm xây dựng và ban hành chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh.
Cử tri và Nhân dân hoan nghênh UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các ngành, các địa phương trong giải ngân vốn đầu tư, góp phần tạo việc làm, duy trì tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân vẫn còn băn khoăn về một số dự án qua nhiều năm vẫn không triển khai thực hiện gây khó khăn cho người dân bị ảnh hưởng bởi quy hoạch như: dự án Khu công nghiệp
Hoàng Long của tập đoàn FLC, dự án Toàn Tích Thiện, Đông Á (Tp. Sầm Sơn); dự án đô thị ven sông Hạc (TP Thanh Hóa)... ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt người dân; đề nghị HĐND, UBND tỉnh quan tâm giải quyết.
Cử tri và Nhân dân trong tỉnh đề nghị UBND tỉnh sớm xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Thanh Hóa, tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững; tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp các tuyến tỉnh lộ; các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh; xây dựng cầu treo dân sinh trên địa bàn các huyện miền núi; chỉ đạo thực hiện quy hoạch và hoàn thiện hạ tầng thiết yếu tại các khu du lịch trọng điểm để thu hút nhiều khách du lịch.
Cử tri và Nhân dân các huyện miền núi đề nghị HĐND, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm rà soát và có lộ trình đầu tư nâng cấp hệ thống các công trình hồ, đập trên địa bàn các huyện miền núi xây dựng từ những năm 70, 80, đến nay đã xuống cấp để phục vụ tưới, sinh hoạt cho Nhân dân, bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ. Tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cấp, chống sạt lở trên các tuyến sông Mã, sông Bưởi, sông Lò, sông Hoạt; kiểm tra, rà soát và nâng cấp các kênh tiêu, các trạm bơm tiêu úng tại địa bàn các huyện.
Cử tri và Nhân dân các huyện ven biển tiếp tục đề nghị HĐND, UBND tỉnh quan tâm, đầu tư khơi thông luồng lạch, mở rộng các cảng cá phục vụ ngư dân. Có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân khai thác hải sản gần bờ; hỗ trợ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình phương tiện tàu, thuyền trong khai thác hải sản; tháo gỡ bất cập trong việc chi trả bảo hiểm thuyền viên (chỉ chi trả theo đúng phương tiện đăng ký) và tiếp cận nguồn vốn trong phát triển và nuôi trồng thủy sản.
Cử tri và Nhân dân trong tỉnh tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt các địa phương trong việc thực hiện bàn giao hệ thống điện sinh hoạt ở các xã, phường, thị trấn về cho ngành điện quản lý; đẩy nhanh tiến độ triển khai cấp điện lưới cho các thôn, bản, cụm dân cư chưa có điện lưới Quốc gia trên địa bàn tỉnh. Sớm quy hoạch và đầu tư xây dựng các chợ an toàn vệ sinh thực phẩm tại các khu công nghiệp có đông công nhân lao động; quan tâm đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và thiết chế văn hoá, xã hội phục vụ cho công nhân lao động có thu nhập thấp và trung bình.
2. Về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường
Trước những diễn biến phức tạp khó lường của thiên tai, biến đổi khí hậu; cử tri đề nghị UBND tỉnh quan tâm tăng cường công tác dự báo, cảnh báo về ảnh hưởng của thiên tai, rà soát, bổ sung quy hoạch các điểm khu dân cư nằm trong vùng có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất; có lộ trình và biện pháp di dời, bố trí nơi ở mới an toàn, ổn định lâu dài cho người dân các huyện miền núi.
Cử tri và Nhân dân trong tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tiếp tục có nhiều giải pháp khắc phục tình trạng sử dụng đất đai kém hiệu quả, xiết chặt việc cấp quyền khai thác khoáng sản như: cát, đá, đất ... kiểm soát chặt tải trọng của các xe vận chuyển vật liệu khai thác lưu thông trên các tuyến đường, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm; tiếp tục phối họp với các bộ, ngành Trung ương giải quyết việc bàn giao đất của Công ty cao su, đất của các nông, lâm trường về cho địa phương quản lý, giải quyết đất sản xuất, canh tác cho người dân; có giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ việc cấp quyền sử dụng đất cho người dân tại các địa phương trong tỉnh.
Cử tri và Nhân dân một số địa phương đề nghị HĐND, UBND tỉnh xem xét điều chỉnh, bổ sung tỷ lệ phân chia nguồn thu tiền sử dụng đất giữa các cấp ngân sách; tăng tỷ lệ từ 30% lên 50% cho các thị trấn; giữ nguyên tỷ lệ % phân chia tiền đấu giá quyền sử dụng đất tại các phường, xã mới sáp nhập về thành phố, thị xã đến hết năm 2025.
Cử tri và Nhân dân trong tỉnh đánh giá cao nỗ lực của HĐND, UBND tỉnh trong việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách kêu gọi doanh nghiệp đầu tư và giải quyết ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, thời gian qua, việc mời gọi các doanh nghiệp đầu tư xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, tình trạng quá tải của các bãi rác như: Đông Nam (Đông Sơn), núi Voi (thị xã Bỉm Sơn), bãi rác tại xã Quảng Minh (TP. Sầm Sơn)... tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra nhiều năm trên các sông Nhà Lê, sông Trà Giang, sông Thống Nhất, sông Lèn, sông Hoàng, sông Gòng... đã và đang ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt và sức khỏe của người dân. Cử tri và Nhân dân đề nghị HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án nhà máy xử lý rác thải và dự án đường ống cấp nước thô, kín từ đập Bái Thượng về Nhà máy nước Mật Sơn.
3. Về văn hóa - xã hội
-Cử tri và Nhân dân trong tỉnh tiếp tục đề nghị HĐND, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm bố trí kinh phí để tôn tạo, phục hồi, bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa gắn phát triển kinh tế du lịch trên địa bàn tỉnh.
-Cử tri và Nhân dân trong tỉnh đề nghị UBND tỉnh đánh giá lại việc thực hiện các đề án, chương trình phát triển giáo dục, nhất là giáo dục tại các huyện miền núi để có giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại trà ở tỉnh ta trong thời gian tới; sớm giải quyết vấn đề thiếu giáo viên cục bộ tại các địa phương; chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng quy định, lạm thu ở các cơ sở giáo dục.. ..tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.
-Cử tri và Nhân dân trong tỉnh đề nghị UBND tỉnh, các ngành chức năng, các địa phương tiếp tục quan tâm nâng cấp các trạm y tế cơ sở, nâng mức cấp thuốc khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho các trạm y tế, nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở đáp ứng nhu cầu phục vụ Nhân dân. Tăng cường quản lý các hoạt động hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn tỉnh. Sớm có chính sách và hướng dẫn cụ thể trong việc giao tự chủ tại các bệnh viện để các cơ sở y tế chủ động trong thực hiện. Tăng cường công tác quản lý, công tác kiểm tra, giám sát về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong thời gian tới.
-Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh, cử tri và Nhân dân trong tỉnh đề nghị HĐND, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm đẩy nhanh việc tự chủ ở các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, gắn với đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo nghề, kêt nối với doanh nghiệp đảm bảo việc làm cho người lao động sau đào tạo.
4. Về cơ chế, chính sách
Cử tri và Nhân dân trong tỉnh tiếp tục đề nghị HĐND, UBND tỉnh xem xét bố trí kinh phí thực hiện công tác vệ sinh an toàn thực phẩm cho cấp huyện, cấp xã và hoạt động tổ giám sát cộng đồng ở thôn, bản trên địa bàn tỉnh. Cử tri các huyện miền núi đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh tiêu chí về lĩnh vực nông, lâm nghiệp và chăn nuôi theo Quyết định số 4145/QĐ-UBND, ngày 10/10/2019 của UBND tỉnh trong thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, cho phù hợp với điều kiện của các địa phương, thực tiễn hiện nay rất khó áp dụng.
Cử tri và Nhân dân đề nghị HĐND, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo UBND các cấp thực hiện nghiêm túc, kịp thời mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, chế độ phụ cấp cho cán bộ cơ sở trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 232/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng quan tâm phối hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện chế độ, chính sách cho dân công hỏa tuyến, việc cấp đổi, cấp lại huân, huy chương, bằng Tổ quốc ghi công, danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho các đối tượng người có công và thân nhân gia đình liệt sĩ; chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố quan tâm hỗ trợ kinh phí làm nhà cho người có công theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
5. Về an ninh - trật tự, an toàn xã hội và một số vấn đề khác
Cử tri và Nhân dân đánh giá cao chủ trương đưa công an chính quy về cấp xã góp phần giữ vững an ninh trật tự ở cơ sở, ghi nhận trong thời gian qua lực lượng công an và các ngành chức năng đã chủ động, tích cực đấu tranh phòng ngừa tội phạm, điều tra, xử lý kịp thời những vụ án, hành vi vi phạm pháp luật gây bức xúc dư luận. Tuy nhiên, tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, tội phạm có tổ chức, giết người dã man, tội phạm ma túy, tín dụng đen, lừa đảo, đánh bạc qua mạng, tội phạm công nghệ cao, xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em... vẫn diễn biến phức tạp. Đề nghị ngành công an, các ngành chức năng có các biện pháp mạnh mẽ trong đấu tranh trấn áp tội phạm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Có chính sách hỗ trợ và khuyến khích, xã hội hóa lắp đặt Camera an ninh tại các khu dân cư và các điểm đen về an toàn giao thông.
III. KIẾN NGHỊ CỦA BAN THƯỜNG TRỰC ỦY BAN MTTQ TỈNH
Tại kỳ họp này, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh kiến nghị một số vấn đề sau:
1. Đề nghị HĐND, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách, biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giải quyết vướng mắc trong thủ tục hành chính; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh. Quan tâm quy hoạch, bố trí, sắp xếp, xây dựng các khu tái định cư, ổn định cuộc sống lâu dài cho Nhân dân những nơi có nguy cơ tiềm ẩn về lũ ống, lũ quét, sạt, lở đất ở các huyện miền núi.
2. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm tăng cường chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng Bảo hiểm xã hội; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về Bảo hiểm xã hội.
3. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, hành vi buôn bán ma túy, lừa đảo, đánh bạc, tội phạm công nghệ cao, các hành vi vi phạm về môi trường, quản lý tài nguyên, buôn bán hàng giả, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; tiếp tục quan tâm giải quyết tình trạng xe quá tải, việc lấn chiếm trái phép lòng đường, hè phố... trên địa bàn tỉnh.
Trên đây là thông báo của Ủy ban MTTQ tỉnh về công tác tham gia xây dựng chính quyền và tổng hợp ý kiến, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân trong tỉnh gửi đến kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVII xem xét, giải quyết.