Cử tri đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT có cơ chế, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, xây dựng thương hiệu nông sản, nhất là đầu tư cho nông nghiệp sạch, công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Đồng thời chuyển mô hình sản xuất nông nghiệp chủ yếu là hộ đơn lẻ sang mô hình sản xuất hộ nông dân liên kết, hợp tác qua mô hình hợp tác xã và liên kết với doanh nghiệp, hình thành các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và sản phẩm nông nghiệp theo thế mạnh của từng vùng, phát huy sức mạnh liên kết 4 nhà.
Ngày 26/10/2021 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Văn bản số 6979/BNN-KH về việc trả lời kiến nghị cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, cụ thể như sau:
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhờ vậy, giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng khu vực nông lâm thủy sản bình quân đạt 2,71%/năm. Năm 2020, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 2,68%; tỷ lệ che phủ rừng 42%, tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 62%, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành 42,54 tỷ USD. Đối với Thanh Hóa, năm 2020, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 5,98%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 28.000 tỷ đồng; số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 66,7%... Liên quan đến nội dung cử tri tỉnh Thanh Hóa quan tâm, Bộ Nông nghiệp và PTNT có ý kiến như sau:
(i) Về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu từ vào nông nghiệp, xây dựng thương hiệu nông sản, đầu tư cho nông nghiệp sạch, công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.
Ngày 17/4/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện, kết quả chưa đạt mục tiêu như mong đợi của các địa phương. Để tháo gỡ một số vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định; hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, nhằm thu hút hơn nữa đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Việc đầu tư, hỗ trợ đầu tư thực hiện theo Luật Công nghệ cao, Quyết định số 575/QĐ TTg ngày 04/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 về nông nghiệp hữu cơ; Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 về chính sách hỗ trợ đối với sản xuất, sơ chế các sản phẩm nông lâm thủy sản áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt và một số chính sách khác... Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập 05 khu nông, lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô 6.851 ha tại 05 tỉnh; cả nước đã công nhận được 12 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 51 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến hết tháng 6/2021, tỷ lệ giá trị sản phẩm trồng trọt được sản xuất theo quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương đạt 7,8%, 463 ngàn ha cây trồng được chứng nhận VietGAP và tương đương; tỷ lệ lợn chăn nuôi theo quy trình VietGAHP đạt 16-18%, gà đạt 31-32%; diện tích nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP và tương đương đạt 16.991 ha.
Đối với xây dựng thương hiệu nông sản: Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm định hướng và hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản. Nhiều thương hiệu nông sản đã được xây dựng như Chè Việt, Bưởi Năm Roi... và thương hiệu sản phẩm gắn với chỉ dẫn địa lý như Chè San tuyết, Thanh long Bình Thuận, Nước mắm Phú Quốc, gạo Tâm xoan Hải Hậu, Hồ tiêu Chư Sê... Bộ cũng đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” tại Quyết định số 706/QĐ-TTg ngày 21/5/2015. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã công nhận 4.847 sản phẩm đạt 3 sao trở lên, với 2.655 chủ thể tham gia. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang phối hợp với các Bộ, ngành địa phương thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại, trong đó có chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản và thực hiện truy suất nguồn gốc sản phẩm.
(ii) Về chuyển mô hình sản xuất nông nghiệp chủ yếu là hộ đơn lẻ sang mô hình sản xuất hộ nông dân liên kết, hợp tác qua mô hình hợp tác xã và liên kết với doanh nghiệp.
Để từng bước đổi mới tổ chức sản xuất, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất quy mô lớn hơn; ngày 05/7/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện Đề án phát triển 15.000 Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 theo Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 27/4/2018, nay là Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Đến nay, cả nước có 78 Liên hiệp Hợp tác xã nông nghiệp; 17.600 Hợp tác xã nông nghiệp, số Hợp tác xã hoạt động hiệu quả đạt 83%; 4.028 Hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Cả nước có 19.667 trang trại; trong đó, 4.325 trang trại trồng trọt, 12.013 trang trại chăn nuôi và 1.267 trang trại nuôi trồng thủy sản. Sự phát triển của Hợp tác xã và trang trại về số lượng và quy mô sản xuất trong thời gian qua là thể hiện rõ nét về chuyển đổi tổ chức sản xuất trong nông nghiệp. Đây cũng là những nhân tố liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp./.