Cử tri kiến nghị Bộ Lao động- thương binh và Xã hội một số nội dung sau:
- Thời gian gần đây, số lượng người lao động tự phát trở về địa phương rất lớn, đa số người dân có hoàn cảnh khó khăn. Kiến nghị cần có quan tâm có giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho các đối tượng này.
- Đề nghị quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động cục bộ tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhằm kịp thời giúp các doanh nghiệp mở lại hoạt động sản xuất, đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy, góp phần phục hồi nhanh nền kinh tế.
- Cử tri kiến nghị tiếp tục quan tâm triển khai các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Ngày 23/12/2021, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã có Văn bản số 4883/BLĐTBXH-VP về việc trả lời kiến nghị cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, cụ thể như sau:
Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và tại Việt Nam vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường và được dự báo là chưa thể kiểm soát hoàn toàn trước năm 2023. Dự báo cuối năm 2021 và đầu năm 2022, các doanh nghiệp cần khoảng 600 ngàn lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động lớn tại các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Tuy nhiên, với sự gia tăng chênh lệch của cung – cầu lao động do 2 làn sóng dịch chuyển từ các tỉnh phía nam về các địa phương đang dư cung lao động cùng với việc thị trường lao động bị chia cắt cục bộ do thực hiện các biện pháp phòng chống dịch đã khiến cho doanh nghiệp có nguy cơ thiếu hụt để phục hồi sản xuất về trạng thái ban đầu. Nếu như không có các giải pháp để hỗ trợ thì nguy cơ thiếu hụt lớn sẽ xảy ra, tập trung ở một số địa phương như Bình Dương (36,9%); Bình Phước (34,4%) và Thành phố Hồ Chí Minh là 31,8% ở một số ngành như điện tử (55,6%) Da giày (51,7%) May (49,2%), sản xuất thiết bị điện (44,5% , Dệt (39,5%)
Theo thống kê từ báo cáo của các địa phương, từ tháng 7- tháng 9 năm 2021, đã có khoảng 1,3 triệu lao động từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trọng điểm phía Nam về các địa phương. Từ ngày 30/9 đến 15/10/2021, nhiều tỉnh, thành phố phía nam bắt đầu nới lỏng giãn cách, theo báo cáo của tỉnh, thành phố đã có tới 436.461 người lao động trở về quê. Nguyên nhân là do người lao động không có nhà ở, mất việc làm thời gian dài, thu nhập không có, không đủ khả năng chi trả các chi phí sinh hoạt tối thiểu.
Trước tình hình đó, triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Chương trình Hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động (Tại Quyết định số 1405/QĐ-LĐTBXH ngày 13/12/2021). Trong đó, có các nhóm giải pháp cụ thể nhằm chia sẻ khó khăn, giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội, tạo việc làm cho người lao động trở về địa phương hoặc thu hút họ quay trở lại nơi làm việc như sau:
(1) Thực hiện các giải pháp hỗ trợ người lao động đảm bảo an sinh xã hội, thu hút người lao động quay trở lại làm việc; tuyên truyền, định hướng thông tin thị trường lao động; hỗ trợ tham gia kết nối cung cầu lao động; hỗ trợ trực tiếp cho người lao động các chi phí để mua nhu yêu phẩm, đi lại, chi trả tiền điện, tiến nước, nhà trọ, test COVID-19.., để người lao động nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động; bổ sung thêm nguồn vốn để hỗ trợ người lao động vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm tự tạo việc làm cho bản thân và cho những người lao động khác, khuyến khích doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ người lao động về thu nhập và các chế độ bảo hiểm, phúc lợi xã hội khác, quan tâm, động viên giữ mối liên hệ với người lao động. Các giải pháp có tính tới các địa bàn trọng điểm thuộc 4 vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương có khu kinh tế lớn, các địa phương có lực lượng lao động lớn.
(2) Hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh tạo việc làm cho người lao động: Tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để giảm tối đa các chi phí đóng góp của doanh nghiệp trong năm 2022-2023 về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, chi phí công đoàn; quy định về thời giờ làm việc thời giờ nghỉ ngơi phù hợp với trạng thái “bình thường mới”; các chính sách hỗ trợ giảm chi phí tuyển dụng lao động (miễn phí chi phí tuyển dụng qua hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm, khuyến khích doanh nghiệp giảm chi phí, hỗ trợ tham gia các phiên giao dịch việc làm,...); có chính sách giảm lãi suất, bổ sung nguồn vốn để hỗ trợ hộ kinh doanh, người lao động phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh,...
(3) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cung lao động cung ứng kịp thời cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh: Các giải pháp tập trung vào đào tạo, bồi dưỡng gấp lao động phục vụ cho doanh nghiệp theo các cấp độ từ đào tạo phổ cập nghề đến đào tạo chất lượng cao, đào tạo đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; tập trung đào tạo trước mắt theo các nghề phục vụ phát triển các ngành kinh tế trọng yếu của đất nước. Đồng thời cũng đưa ra giải pháp để chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp thích ứng với của trạng thái “bình thường mới".
(4) Hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động: Các giải pháp tập trung vào việc hình thành hệ thống thu thập, chia sẻ thông tin về việc làm trống, người tìm việc để phục vụ kết nối, tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm; tổ chức thực hiện các gói hỗ trợ kết nối việc làm thành công để nâng cao hiệu dài, chất lượng tư vấn, giới thiệu việc làm; hiện đại hoá hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và hạ tầng số của hoạt động kết nối cung - cầu lao động./.