Chiều ngày 14/10, Chi bộ Phòng Tổng hợp, Thông tin, Dân nguyện thuộc Đảng ủy Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đã tổ chức về nguồn thăm di tích cách mạng và di tích lịch sử trên địa bàn huyện Đông Sơn nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng vẻ vang của Đảng, giáo dục tinh thần yêu nước, yêu quê hương; tưởng nhớ công ơn của Bác Hồ, các anh hùng, liệt sỹ, các đảng viên kiên trung đã tham gia thành lập Chi bộ Đảng cộng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa.

Khu di tích lịch sử Rừng Thông - nơi lưu dấu chân Bác Hồ

Thành kính dâng nén tâm hương tại khu di tích lịch sử Rừng Thông, Chi bộ bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, tưởng nhớ công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người đã cống hiến, hy sinh trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Giữa bạt ngàn thông xanh, đài tưởng niệm như dấu son đỏ thắm trên dãy Phượng Lĩnh - dãy núi linh thiêng trong truyền thuyết của mảnh đất Đông Sơn. Năm tháng trôi qua, gió núi mây ngàn dường như vẫn còn nhắc nhớ mãi về ngày 20/2/1947 - ngày Thanh Hóa được đón Bác về thăm.

Thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Thanh Hóa diễn ra chỉ hai tháng sau khi Người ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Sự kiện này cho thấy nhãn quan bậc thầy của một vị lãnh tụ cách mạng kiệt xuất. Xứ Thanh, trong suốt dặm dài lịch sử của dân tộc,luôn được xem là vùng đất “căn bản của nước Nam”, nơi khởi phát các vương triều lừng lẫy. Và xứ Thanh, trong bất cứ thời đại nào, bất cứ cuộc chiến tranh giữ nước nào, luôn là hậu phương lớn của toàn dân tộc… Trong chuyến về thăm Thanh Hóa ấy, địa điểm Rừng Thông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh  lựa chọn làm nơi gặp gỡ, làm việc với cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh lúc bấy giờ.

Chi bộ Phòng Tổng hợp, Thông tin, Dân nguyện tham quan tại khu di tích lịch sử Rừng Thông

Trong cuộc gặp, Bác đã nói về đạo đức người cán bộ cách mạng, đường lối cách mạng  và chủ trương kháng  chiến của Đảng. Bác động viên cổ vũ nhân dân Thanh Hóa tích cực tăng gia sản xuất, tiết kiệm để đóng góp sức người sức của phục vụ kháng chiến thành công. Bác gửi gắm niềm tin và sự kỳ vọng lớn lao đối với tỉnh Thanh Hóa: “Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu. Phải làm sao cho mọi mặt: Chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu”.

Trước lúc chia tay, Bác tha thiết gửi lời hẹn ngày trở lại: “Đồng bảo trong tỉnh hãy xắn tay áo làm đi, lần sau về đây tôi sẽ thấy mỗi người là một người kiểu mẫu”. Những lời dạy mang tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Thanh Hóa lần đầu đã soi đường, chỉ lối để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Thanh Hóa thực hiện tốt nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc, xây dựng xứ Thanh thành hậu phương lớn vững mạnh, đóng góp tích vô cùng cực vào sự nghiệp kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ. Để rồi, sau bao gian lao, vất vả, dân tộc ta đã làm nên chiến thắng  Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” , chiến thắng Mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà. Trong hai cuộc kháng chiến ấy, đất và người Đông Sơn đã đóng góp muôn vàn sức người sức của, cùng nhân dân cả nước chống giặc thù.

Thời gian trôi qua, năm tháng đã lùi vào quá vãng, nhưng tình cảm và những lời dạy bảo của Người vẫn luôn hằn in trong trái tim của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đông Sơn nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung; tạo động lực to lớn để đất và người xứ Thanh nỗ lực tiến lên, xây dựng quê hương “trở nên một tỉnh kiểu mẫu” như lời căn dặn và mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Cụm di tích Hàm Hạ - nơi lưu giữ giá trị lịch sử cách mạng

Trong không khí thiêng liêng, Chi bộ đã kính cẩn dâng hương tại nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa tại làng Hàm Hạ, thị trấn Rừng Thông huyện Đông Sơn. Trong bối cảnh phong trào cách mạng dần phát triển lớn mạnh, ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, trở thành chính đảng vĩ đại lãnh đạo nhân dân Việt Nam nói chung, nhân dân Thanh Hóa nói riêng tiến lên trong công cuộc đấu tranh đòi độc lập. Đảng ra đời đã thổi bùng ngọn lửa cách mạng tại xứ Thanh, dẫn đến đến việc ra đời của Chi bộ Đảng đầu tiên - Chi bộ Hàm Hạ,  xã Đông Tiến (nay thuộc thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn).

Nhờ tài kết nối, thuyết phục của đồng chí Nguyễn Doãn Chấp, ngày 25/6/1930, Chi bộ Đảng Hàm Hạ ra đời, đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cách mạng Thanh Hóa. Chi bộ Hàm Hạ - Chi bộ đầu tiên của huyện Đông Sơn, cũng là Chi bộ đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa được thành lập. Sự ra đời của Chi bộ Hàm Hạ đã thúc đẩy phong trào cộng sản xứ Thanh phát triển lên một tầm cao mới. Từ Hàm Hạ, lửa cách mạng dần lan rộng, dẫn đến việc hình thành các Chi bộ Đảng làng Phúc Lộc, xã Thiệu Tiến, huyện Thiệu Hóa và Chi bộ Đảng làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân. Với việc Chi bộ Đảng ra đời, Hàm Hạ trở thành điểm sáng cách mạng, lan tỏa và thổi bùng lên phong trào yêu nước trên khắp dải đất xứ Thanh.

Ngày hôm nay, sau hơn 90 năm lịch sử, cái tên Hàm Hạ vẫn gợi lại bao cảm xúc linh thiêng, tự hào. Các hạng múc nằm trong cụm Di tích đều đã được trùng tu, tôn tạo khang trang, đẹp đẽ, trở thành nơi lưu dấu truyền thống cách mạng của quê hương Đông Sơn; thúc giục cháu con theo bước cha ông trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Tướng quân Thiều Thốn - Vị danh tướng tài cao, đức trọng, một nhân cách lớn cuối triều Trần

Rời cụm di tích lịch sử đình Hàm Hạ, Chi bộ đã tham quan đền thờ Tướng quân Thiều Thốn. Đền thờ và lăng mộ Thiều Thốn trong cụm di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia ở xã Đông Tiến (Đông Sơn) đã được đầu tư tu bổ, tôn tạo xây dựng lại vào năm 2016. Toàn bộ nhà thờ làm bằng gỗ lim mang đậm phong cách kiến trúc truyền thống, diện tích công năng sử dụng phù hợp với việc tế lễ, xứng tầm di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, không những đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của Nhân dân mà còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc.

Tương truyền, Thiều Thốn (1326 - 1380) sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Thọ Sơn, tổng Thanh Khê (nay là thôn Nhuận Thạch, xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn). Khi còn vị thành niên, ông đã được tuyển vào làm võ tướng. Rồi ông được phong ngay chức Phó đô tướng Kim Ngô vệ, quản lĩnh một trong sáu vệ quân bảo vệ kinh thành Thăng Long. Về sau, nhờ anh dũng nhất ba quân, lại lập nhiều chiến công hiển hách với hơn trăm trận và nổi tiếng là tướng trung dũng khắp triều nên ông được Hoàng đế Trần Dụ Tông (1341 - 1369) phong tước “Khai quốc công thần, phụ quốc Thượng tướng công” và được nhà vua yêu mến chọn làm phò mã, hợp hôn cùng công chúa Trần Thị Ngọc Chiêu, nổi tiếng xinh đẹp, nết na. Đây là một trong những “đặc cách” hiếm có của giới quý tộc triều Trần khi để người ngoại tộc được kết hôn với công chúa.

Năm Thuận Phong thứ 14 (1354) triều đình đã cử Thiều Thốn làm Phòng ngự sứ đem quân trấn giữ Lạng Giang (Lạng Sơn ngày nay). Trong thời gian trấn ải biên thùy, Thiều Thốn đã thực hiện chính sách của nhà Trần rất thành công trong việc bảo vệ biên giới. Không những thế, ông còn ra sức giúp dân địa phương an cư lạc nghiệp, tạo ra một vùng biên cương bền vững và được dân chúng khắp vùng quý trọng, tin yêu. Sau khi chết, tướng quân Thiều Thốn được vua sắc phong “Thượng đẳng phúc thần Đại vương”, lại lệnh cho Nhân dân các tổng thuộc phủ Thiệu Hóa lập đền thờ quanh năm hương khói.

Hiện nay, ngoài đền thờ chính ở núi Đào Sơn (thôn Nhuận Thạch, xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn), còn có đền thờ Nghè Tam Tổng (làng Triệu Tiền, xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn) và tại nơi khi xưa ông làm Phòng Ngự sứ (Đông Bình, Lạng Giang), Nhân dân đã lập đền thờ, quanh năm tế lễ.

Di tích lịch sử cấp quốc gia - Đền thờ Phúc khê tướng công Nguyễn Văn Nghi: Chuyện kể về người thầy dạy 2 đời vua Lê

Chi bộ Phòng Tổng hợp, Thông tin, Dân nguyện tham quan thực tế tại đền thời Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi

Điểm đến cuối cùng trong chương trình “Về nguồn” của Chi bộ là đền thờ Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi. Tham quan ngôi đền, Chi bộ đã được nghe hướng dẫn viên giới thiệu về cuộc đời của Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi – một tài năng, nhân cách mẫu mực, đại diện tiêu biểu cho tinh hoa đất và người Đông Sơn.

Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi, tự là Ấp Thành, người làng Kim Bôi, xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn. Ông được giao cho giữ nhiều chức vụ quan trọng dưới 3 triều Vua Lê: Lê Trung tông, Lê Anh tông và Lê Thế tông. Trải qua 3 triều vua, từng kinh qua nhiều chức vụ khác nhau: Hiệu lý Hàn lâm viện, Đông các hiệu thư, Tham chính Nghệ An, Tả thị lang Bộ Lại, nhập thị Kinh diễn kiêm Đông các học sĩ. Ông cũng là người trực tiếp hầu giảng 2 vị vua: Lê Anh tông và Lê Thế tông nên thường được truyền tụng là “người thầy của 2 đời vua”. Sau khi ông mất, nhân dân lập đền thờ; Vua Lê Thế tông gia ân tặng chức Thượng thư bộ Công, tước Thái bảo, ban thụy hiệu là Phúc Khê tướng công, ban cho 30 mẫu ruộng ở quê nhà để nhân dân làm công điền thờ cúng ông. Trăm năm cổ tự Đền thờ Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi được xây dựng vào năm 1617.

Với tổng diện tích khoảng 38.000m2, khu đền thờ - lăng mộ Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi được xây dựng với nhiều hạng mục theo kiểu “nội công ngoại quốc”, gồm 2 vòng thành khép kín: Thành ngoài bằng đất, thành trong bằng đá. Đây là quần thể có kiến trúc rất đặc biệt so với thời bấy giờ và cho đến tận ngày hôm nay. Dạo bước qua những phiến đá nhỏ lát nền dọc theo lối đi, giữa khung cảnh thiên nhiên thanh tịnh, yên bình dẫn vào cổng đền. Ngay từ lần chạm mặt đầu tiên, thiết kế cổng thành khiến bất kỳ ai cũng đều có cảm giác quen thuộc đến kỳ lạ, dễ dàng liên tưởng đến công trình kiến trúc độc đáo - Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ - Thành Tây Đô. Vượt ra khỏi khuôn khổ của một nơi thờ tự tư gia, đền thờ Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi được xem như pho tư liệu quý về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc thế kỷ XVII.

Qua chuyến đi về nguồn, Chi bộ không chỉ được thăm quan những di tích lịch sử, mà còn được nghe những câu chuyện về Bác Hồ, về những năm tháng gian khổ mà hào hùng của thế hệ cha anh đi trước; câu chuyện về bậc đại khoa, nho thần tài đức vẹn toàn được người đời sau ca tụng. Từ đó, Chi bộ có được những trải nghiệm thú vị, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào về đất và người xứ Thanh; đồng thời, tạo động lực thúc đẩy học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh tại cơ quan, đơn vị.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    542 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 4.176.094
    Trong năm: 1.346.593
    Trong tháng: 145.604
    Trong tuần: 29.682
    Trong ngày: 2.291
    Online: 81