Thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các vị đại biểu Quốc hội cho rằng nếu tổ chức đấu thầu trước nhưng hồ sơ mời thầu chưa xong, cấp thẩm quyền chưa cho ý kiến, giá trị xây lắp tăng, giá nhân công tăng… sẽ dẫn tới phát sinh tiêu cực, đội vốn, quy định liên quan đến đấu thầu trước chưa có đủ căn cứ, cơ sở để thực hiện. Do đó đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc không quy định nội dung này trong dự thảo Luật.

SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤU THẦU ĐỦ RÕ, ĐỦ CỤ THỂ ĐỂ LỰA CHỌN NHÀ THẦU CÓ CHẤT LƯỢNG VỚI GIÁ HỢP LÝ

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, dự thảo Luật trình xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã được chỉnh lý 55 điều. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý cơ bản đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo.

Về đấu thầu trước, dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội quy định một số trường hợp cho phép đấu thầu trước khi dự án, dự toán được phê duyệt để rút ngắn thời gian thực hiện trong một số trường hợp. Phó Chủ nhiệm Nguyễn Hữu Toàn cho biết, ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và một số đại biểu Quốc hội đề nghị hạn chế sử dụng hình thức này, tránh tạo kẽ hở trong thực thi Luật. Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách tiếp thu ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và chỉnh lý theo hướng quy định đấu thầu trước chỉ áp dụng đối với dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi, đảm bảo quy định thống nhất với Luật 03/2022/QH15.

Đóng góp ý kiến về đấu thầu trước, đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cho biết, quy định đấu thầu trước khi dự án, dự toán được phê duyệt nhằm rút ngắn thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, quy định này cũng phát sinh những rủi ro khi dự án, dự toán mua sắm không được phê duyệt, có thể phát sinh tiêu cực trong việc thực thi luật. Do đó, đại biểu bày tỏ tán thành với việc chỉ quy định đấu thầu trước đối với dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi như quy định tại Luật số 03/2022/QH15.

Đại biểu Phạm Văn Hoà – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp

Ở chiều hướng khác, đại biểu Phạm Văn Hoà – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nêu thực tế, trong thời gian qua, việc tổ chức đấu thầu trước có nhiều hệ quả tiêu tiêu cực, do đó đề nghị không nên tổ chức đấu thầu trước. Theo đại biểu, nếu tổ chức đấu thầu trước mà hồ sơ phê duyệt mời thầu chưa xong, cấp thẩm quyền chưa cho ý kiến hoặc trong tổ chức đơn vị thi công giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành đã tổ chức đấu thầu. Sau đó mới tiến hành giải phóng mặt bằng nhưng chưa có mặt bằng, rồi giá trị xây lắp tăng lên, giá nhân công lao động cũng tăng sẽ dễ phát sinh tiêu cực và đội vốn.

Từ phân tích trên, đại biểu Phạm Văn Hoà đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cân nhắc không cho phép quy định đấu thầu trước, sau khi các dự án phê duyệt xong hoàn toàn mới tổ chức đấu thầu. Đặc biệt, hiện nay tình trạng giải phóng mặt bằng rất khó khăn, nếu cho đấu thầu trước và giải phóng mặt bằng chưa xong sẽ rất khó thực hiện. Nếu không thực hiện được có thể kéo dài đến 1, 2 năm và dẫn tới đội vốn, đại biểu băn khoăn nếu tình trạng đó xảy ra thì ai chịu trách nhiệm?

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam

Đồng quan điểm, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng quy định liên quan đến đấu thầu trước chưa có đủ căn cứ, cơ sở để thực hiện. Lý giải quan điểm của mình, đại biểu nêu rõ, khi một dự án được hình thành phải có đầy đủ các nội dung căn cứ như căn cứ pháp lý, các giải pháp về kỹ thuật, kinh tế, thậm chí như Luật Đầu tư công quy định phải rõ nguồn thì mới được quyết định. Mặt khác, ví dụ đối với các doanh nghiệp sử dụng vốn của nước ngoài, dự án chưa được sử dụng vốn nước ngoài, lại chưa được ký điều ước quốc tế, thậm chí chưa ký những cam kết thì căn cứ, cơ sở nào để tổ chức đấu thầu trước? Do đó, đại biểu đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần xem xét thêm về vấn đề này.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp ý kiến thảo luận, có báo cáo gửi các vị đại biểu Quốc hội; đồng thời gửi các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo luật. Đề nghị Chính phủ quan tâm cho ý kiến, thể hiện rõ quan điểm khi trình Quốc hội, chuẩn bị đầy đủ các văn bản cần thiết kèm theo. Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội và ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo luật theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới./.

 

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục

 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    542 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 4.181.971
    Trong năm: 1.347.572
    Trong tháng: 142.733
    Trong tuần: 30.761
    Trong ngày: 3.581
    Online: 94