Ngày 02/6/2023, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh giám sát công tác quản lý nhà nước về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018 - 2022 tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đồng chí Đào Xuân Yên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, chủ trì buổi làm việc. Tham gia cùng đoàn giám sát có đại diện lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Hiệp hội Du lịch tỉnh.

Theo báo cáo của Sở VH,TT&DL, giai đoạn 2018 - 2022, Thanh Hóa đón được trên 39,7 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 9,5%/năm; tổng thu du lịch đạt 60.591 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 20,2%/năm. Sự phát triển không ngừng của ngành du lịch Thanh Hoá đã đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tính đến tháng 12/2022, toàn tỉnh có 1.000 khách sạn, nhà nghỉ với 45.000 phòng, hơn 350 căn hộ, biệt thự du lịch; 192 homestay, trong đó có 213 khách sạn 1-5 sao; có trên 1.000 nhà hàng ăn uống du lịch và khoảng 10 trung tâm mua sắm có quy mô lớn.

Trong những năm qua, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và đầu tư phát triển du lịch tiếp tục được triển khai, thực hiện có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển. Tính đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã có 45 quy hoạch phát triển du lịch được phê duyệt, trong đó có 4 quy hoạch do Sở VH,TT&DL làm chủ đầu tư. Về đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, giai đoạn 2018 - 2022, tỉnh đã và đang triển khai hơn 25 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch với tổng mức đầu tư là 5.971 tỷ đồng (ngân sách Trung ương dự kiến hỗ trợ 1.192 tỷ đồng). Trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước tập trung ưu tiên đầu tư các tuyến trung tâm và kết nối đến các khu, điểm du lịch có tiềm năng, làm đòn bẩy thu hút các dự án kinh doanh du lịch, các dự án trọng điểm.

Cũng trong những năm gần đây, các sản phẩm du lịch ở Thanh Hóa được hình thành rõ nét, đặc biệt sản phẩm du lịch biển có nhiều chuyển biến tích cực, được thị trường khách du lịch đón nhận và đánh giá cao; sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng bước đầu có triển vọng phát triển tốt, thu hút ngày càng đông khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế; sản phẩm du lịch đường thủy dần được hoàn thiện và mở rộng quy mô, chất lượng; du lịch văn hóa, lễ hội trở thành điểm nhấn quan trọng của du lịch Thanh Hóa; sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đang từng bước được hình thành, góp phần làm phong phú sản phẩm, tăng thêm sự lựa chọn cho du khách khi tìm hiểu, trải nghiệm kinh tế - xã hội, khám phá vẻ đẹp của quê hương, con người, văn hóa xứ Thanh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của Sở VH,TT&DL và ý kiến phát biểu của các thành viên đoàn giám sát cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: Công tác quy hoạch của tỉnh và các địa phương về du lịch tại các khu, các điểm du lịch còn chậm, chất lượng kém, còn phụ thuộc vào nhà tài trợ kinh phí cho làm quy hoạch dẫn đến phụ thuộc vào nhà đầu tư và phục vụ lợi ích riêng cho nhà đầu tư. Công tác quản lý nhà nước về du lịch của một số địa phương còn yếu, nhiều nơi còn để xảy ra sai phạm trong đầu tư xây dựng các cơ sở du lịch, còn để tình trạng buôn bán tràn lan ra các vỉa hè, lòng lề đường, các bãi biển, tình trang xe điện lộn xộn, một số khu, điểm du lịch nhếch nhác… Hầu hết các dự án chậm tiến độ so với quy định, cá biệt có những dự án kéo dài trong nhiều năm, như: Khu du lịch Tiên Trang, Khu đô thị sinh thái biển Đông Á, Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến, Khu du lịch sinh thái đảo Nghi Sơn... Một số dự án đầu tư trực tiếp được chấp thuận chủ trương đầu tư; song nhà đầu tư chưa có trách nhiệm cao, năng lực tài chính còn hạn chế nên sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư chưa tập trung hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục, máy móc, nhân lực để thi công làm chậm tiến độ triển khai dự án. Hạ tầng du lịch còn hạn chế, đặc biệt là hạ tầng tại các huyện miền núi. Đa số các dự án kinh doanh du lịch lớn trên địa bàn tỉnh đầu tư vào khu vực ven biển, chưa có nhiều dự án đầu tư vào các khu vực trung du và miền núi. Thiếu những sản phẩm du lịch cao cấp phục vụ khách quốc tế và khách có khả năng chi trả cao. Chưa chú trọng đến phát triển các sản phẩm làm quà cho du khách du lịch (nhiều điểm, khu du lịch hầu như không có địa điểm nào bán hàng lưu niệm). Chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch vẫn còn hạn chế về số lượng và năng lực so với yêu cầu đặc biệt là về phong cách phục vụ, trình độ quản trị, trình độ ngoại ngữ...

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Đào Xuân Yên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh nhấn mạnh du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và đã được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Trong giai đoạn 2018 - 2022, ngành du lịch của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đại dịch covid-19, bất ổn chính trị trên thế giới, ngành du lịch đã chịu tác động trực tiếp, ảnh hưởng nặng nề. Mặc dù vậy, ngành du lịch đã nỗ lực, cố gắng, khắc phục khó khăn, tranh thủ thời cơ và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ đặc biệt là việc đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch; không ngừng làm mới và nâng cao chất lượng dịch vụ; công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch triển khai hiệu quả, trong đó phải kể đến việc tham mưu bộ nhận diện thương hiệu du lịch Thanh Hóa với thông điệp “Du lịch Thanh Hóa - hương sắc bốn mùa”; đề xuất được đại sứ du lịch Thanh Hóa, tổ chức thành công nhiều sự kiện, hoạt động quảng bá xúc tiến, liên kết phát triển du lịch trong và ngoài tỉnh. Đồng chí ghi nhận, đánh giá cao sự chủ động, tích cực, sáng tạo trong công tác tham mưu và triển khai thực hiện của Sở VH,TT&DL.

Đối với những hạn chế, tồn tại đã nêu trong báo cáo, qua giám sát thực tế tại các huyện và các ý kiến của các đại biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đề nghị Sở VH,TT&DL nghiên cứu, cụ thể hóa bằng các nhiệm vụ của ngành và những tham mưu, đề xuất với tỉnh cũng như các địa phương để phát huy kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh. Qua đó góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, một trong những trọng điểm du lịch của quốc gia.

Cùng với 5 nhóm giải pháp đã đề ra trong báo cáo, đồng chí Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đề nghị Sở VH,TT&DL cần tập trung triển khai một số nội dung như: Tập trung tham mưu cho tỉnh, phối hợp với các địa phương, sở, ngành liên quan làm tốt công tác quy hoạch nói chung mà đặc biệt là quy hoạch phát triển du lịch tại các khu, điểm du lịch; tập trung nâng cao chất lượng các quy hoạch và quản lý, triển khai tốt các quy hoạch đã được phê duyệt. Tham mưu cho UBND tỉnh và chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về du lịch. Tiếp tục duy trì bảo đảm các điều kiện an toàn điểm đến và an toàn cho du khách; thực hiện tốt công tác hướng dẫn, kiểm tra và công nhận các khu, điểm du lịch, các đơn vị kinh doanh du lịch đảm bảo các tiêu chí theo quy định. Chủ động thích ứng với những diễn biến bất thường của các yếu tố khách quan tác động đến sự phát triển của ngành du lịch. Phối hợp chặt chẽ với các ngành, các địa phương đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch mới, cao cấp, có tính cạnh tranh cao, gắn với xây dựng sản phẩm du lịch mới, đáp ứng được xu hướng mới của thị trường. Đặc biệt chú trọng khai thác giá trị văn hóa, truyền thống vào sản phẩm du lịch. Phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng trong xu thế hội nhập toàn cầu, trong đó tập trung nâng cao về kỹ năng chuyên môn, văn hóa ứng xử, trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ lao động du lịch của tỉnh.Tích cực triển khai Chương trình chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và phát triển du lịch. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch; tập trung quản lý dịch vụ, thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động du lịch, quyết tâm xây dựng môi trường văn hóa, văn minh trong du lịch.

Đối với những kiến nghị, đề xuất của Sở VH,TT&DL, Ban Văn hóa - Xã hội sẽ tổng hợp, báo cáo Thường trực HĐND tỉnh, HĐND tỉnh vào kỳ họp thường lệ giữa năm 2023 và gửi các cấp xem xét giải quyết theo thẩm quyền.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục

 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    542 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 4.178.477
    Trong năm: 1.347.572
    Trong tháng: 142.733
    Trong tuần: 30.761
    Trong ngày: 88
    Online: 61