Việc lấy ý kiến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang bước vào giai đoạn nước rút. Dự kiến tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV sẽ thông qua dự án Luật này. Bày tỏ quan điểm, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa MAI VĂN HẢI cho biết: Không nên bãi bỏ nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai tại các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của một số tỉnh thành...

Cơ chế, chính sách đặc thù là đòn bẩy phát triển cho các địa phương

Có thể thấy, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển của một số địa phương như: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Cần Thơ và Khánh Hòa sẽ là đòn bẩy, tạo nguồn lực cho các địa phương này tháo gỡ các “điểm nghẽn”, phát triển nhanh và bền vững.

Không nên bãi bỏ cơ chế đặc thù về quản lý, sử dụng đất đai -0
ĐBQH Mai Văn Hải phát biểu thảo luận tại hội trường Quốc hội 

Thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5.8.2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thanh Hoá đang phấn đấu trở thành một cực tăng trưởng trong tứ giác phát triển của phía bắc bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và Thanh Hoá, với động lực phát triển khu kinh tế Nghi Sơn. Bởi vậy, Thanh Hóa rất cần các cơ chế, chính sách đặc thù để đạt được mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV, dự kiến sẽ bãi bỏ một số nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai tại các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của một số địa phương, đối với Thanh Hoá đó là Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13.11. 2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa. Mặc dù, dự thảo Luật Đất đai có quy định phân cấp cho HĐND cấp tỉnh quyết định một số nội dung liên quan đến quản lý đất đai và lâm nghiệp nhưng nội dung này không tương tự như cơ chế đặc thù của các tỉnh đã được Quốc hội thông qua.

Cụ thể, các quy định này của Dự thảo Luật Đất đai không áp dụng đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ hoặc Quốc hội quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong khi đó, những cơ chế thí điểm trong các Nghị quyết của Quốc hội đối với các địa phương trên được áp dụng đối với các dự án không thuộc thẩm quyền quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ hoặc Quốc hội. Có thể hiểu những dự án thuộc thẩm quyền quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ thì HĐND cấp tỉnh cũng được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng và chuyển mục đích sử dụng rừng.

Mặt khác, Chủ tịch Quốc hội cũng đã nêu rõ quan điểm: Với 4 địa phương được Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù, Bộ Chính trị đều đã có các Nghị quyết riêng về phát triển các địa phương này trên cơ sở cân nhắc rất kỹ lưỡng các điều kiện, tiềm năng, thế mạnh, đặc thù, yêu cầu phát triển. Do đó, không nên bãi bỏ nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai tại các Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của một số tỉnh kể trên. Việc này chưa chín muồi và có thể đi ngược định hướng và mục tiêu của việc sửa Luật Đất đai là “tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực phát triển”.

Thu hồi đất cho các dự án du lịch quy mô lớn

Bên cạnh đó, nội dung mà đại biểu rất quan tâm đó chính là vấn đề thu hồi đất cho các dự án du lịch quy mô lớn. Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, tác động đến nhiều ngành, có tính chất bao trùm lên toàn xã hội. Vì vậy, rất cần có chính sách riêng biệt, chiến lược phát triển đột phá và một kế hoạch thực hiện cụ thể, phân công bố trí nguồn lực hợp lý, huy động sự hưởng ứng tham gia của các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân quan tâm đến lĩnh vực này nhằm thực hiện thành công Nghị quyết số 08/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Để làm được việc này, theo tôi trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nên điều chỉnh Điều 79 theo 2 hình thức. Một là, quy định chi tiết đối với các trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng như dự thảo. Theo đó, đề nghị bổ sung trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án du lịch quy mô lớn. Hai là, dựa trên các quy định đã có, nghiên cứu bổ sung quy định về nguyên tắc thu hồi đất đối với các dự án quan trọng cấp quốc gia thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội; các dự án quan trọng thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng; các dự án quan trọng thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND, trong đó có thể cho phép kết hợp giữa dự án nhà ở hoặc khu đô thị mới với thương mại, dịch vụ, khu vui chơi giải trí.

Hiện các khái niệm về dự án quan trọng cấp quốc gia, cấp nhà nước, cấp tỉnh đã được quy định về phân cấp dự án nhưng chưa làm rõ điều kiện, tiêu chí liên quan việc sử dụng đất. Do đó, đề nghị nghiên cứu và bổ sung tiêu chí về quy mô diện tích; tổng mức đầu tư; tác động dân số (di dân tái định cư) và tác động đối với phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Báo Đại biểu Nhân dân


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục

 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    518 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 4.070.561
    Trong năm: 1.303.399
    Trong tháng: 151.810
    Trong tuần: 39.447
    Trong ngày: 2.947
    Online: 89