Ngày 10/11, Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh do đồng chí Đào Xuân Yên, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh làm trưởng đoàn, đã làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Thanh Hóa (NHCSXH tỉnh) về công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đối với công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020 - 2022. Mời tham gia cùng Đoàn giám sát có Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh là lãnh đạo các hội đoàn thể: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Tỉnh đoàn Thanh Hóa.
Toàn cảnh buổi giám sát tại Ngân hành Chính sách xã hội tỉnh
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang thực hiện tập trung chủ yếu vào vào 09 nhóm chương trình tín dụng lớn, chiếm gần 99%/tổng dư nợ, gồm: Chương trình cho vay hộ nghèo; chương trình cho vay hộ cận nghèo; chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo; chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; chương trình tín dụng tại vùng khó khăn; chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; chương trình cho vay giải quyết việc làm; các chương trình cho vay hỗ trợ về nhà ở (nhà ở hộ nghèo, nhà ở phòng tránh bão lụt khu vực miền Trung, nhà ở xã hội); các chương trình cho vay dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tổng nguồn vốn tín dụng tính đến 31/12/2022 đạt 12.181,7 tỷ đồng, tăng 1.350,2 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó: Nguồn vốn cân đối chuyển từ Trung ương 8.252,4 tỷ đồng, tăng 1.207,7 tỷ đồng; nguồn vốn huy động trên thị trường đạt 3.505,7 tỷ đồng, tăng 69,7 tỷ đồng; nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 423,6 tỷ đồng, tăng 72,2 tỷ đồng (hoàn thành 160,4% kế hoạch Trung ương giao), chiếm 3,85% tổng nguồn vốn tín dụng chính sách do Ngân hàng CSXH tỉnh đang quản lý.
Bốn tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đã phối hợp quản lý tổng dư nợ ủy thác đạt 12.008,1 tỷ đồng tăng 2.683,7 tỷ đồng so với 01/01/2020, chiếm tỷ lệ 98,9%/tổng dư nợ, trong đó: Hội Phụ nữ dư nợ 4.864,7 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 40,5%; Hội Nông dân dư nợ 4.035,4 tỷ đồng, chiếm 33,6%; Hội Cựu chiến binh dư nợ 1.737,8 tỷ đồng, chiếm 14,5%; Đoàn Thanh niên dư nợ 1.370,2 tỷ đồng, chiếm 11,4%.
Chất lượng tín dụng tiếp tục được củng cố và nâng cao, nợ quá hạn và nợ khoanh toàn hệ thống đến 31/12/2022 là 17,7 tỷ đồng, chiếm 0,15%/tổng dư nợ (giảm 0,03% so với 01/01/2020). Trong đó, nợ quá hạn 9,6 tỷ đồng, chiếm 0,08%/tổng dư nợ, tỷ lệ giảm 0,05% so với 01/01/2020; nợ khoanh 8,1 tỷ đồng, chiếm 0,07%/tổng dư nợ, tỷ lệ tăng 0,02% so với 01/01/2020. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 254 nghìn lượt hộ được vay vốn với số tiền 11.484 tỷ đồng; trong đó hỗ trợ vốn vay để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm mới cho gần 158,6 nghìn hộ vay và người lao động; giúp 2.248 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; 3.940 HSSV được vay vốn để chi phí học tập tiếp tục theo học tại các trường chuyên nghiệp; 4.442 HSSV được vay vốn để mua máy vi tính; xây dựng, cải tạo hơn 82,5 nghìn công trình nước sạch và công trình vệ sinh nông thôn; xây dựng 902 căn nhà ở xã hội; giúp 77 cơ sở giáo dục mầm non được vay vốn được vay vốn.
Tuy nhiên, chính sách tín dụng đối với công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế như: Nguồn vốn ủy thác từ nguồn ngân sách tỉnh và ngân sách cấp huyện mới chỉ chiếm 3,85% tổng nguồn vốn tín dụng chính sách do NHCSXH tỉnh đang quản lý, hiện nay toàn quốc là 13%. Nhu cầu về vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh còn tương đối lớn, đặc biệt là nhu cầu chương trình cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm… trong khi nguồn vốn Trung ương và nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; chưa đưa việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội vào chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên của cấp ủy, chính quyền; chưa kịp thời bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để ưu tiên bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Vai trò của Chủ tịch UBND một số xã (là thành viên Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH cấp huyện) chưa được phát huy tốt. Tỉnh Thanh Hóa chưa xây dựng được Đề án giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động từ ngân sách địa phương theo giai đoạn.
Tại buổi giám sát, các đại biểu đã thảo luận, phân tích, làm rõ thêm kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đề xuất các kiến nghị, giải pháp nhằm phát huy hiệu quả của các chương trình.
Kết luận tại buổi giám sát, đồng chí Đào Xuân Yên, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao các kết quả đạt được của NHCSXH tỉnh, đặc biệt là sự chủ động, tích cực, sáng tạo trong công tác tham mưu và triển khai thực hiện các chính sách tín dụng đối với công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Đồng chí đề nghị NHCSXH tỉnh tiếp tục tham mưu thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”. Phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội, nhất là vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách tín dụng của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác dưới nhiều hình thức. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và các địa phương trong quản lý, nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. Tăng cường củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp, tổ tiết kiệm và vay vốn, hoạt động của điểm giao dịch xã, phường, thị trấn; tích cực cải tiến quy trình, thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ của Ngân hàng Chính sách xã hội. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai cho vay tại cơ sở để tham mưu, đề xuất các giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, đảm bảo 100% người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có nhu cầu, đủ điều kiện đều được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng giao dịch, hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, đảm bảo đúng đối tượng được vay vốn và người vay sử dụng vốn có hiệu quả; thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn vay, tập trung đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn.
Đối với những kiến nghị, đề xuất của NHCSXH tỉnh, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh sẽ tổng hợp, báo cáo Thường trực HĐND tỉnh, HĐND tỉnh vào kỳ họp thường lệ cuối năm 2023 và gửi các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết theo quy định.