Nguồn vốn đầu tư công là nguồn vốn dùng phục vụ cho những dự án nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn vốn đầu tư công đóng vai trò là nguồn “vốn mồi” kích thích nhiều nguồn vốn khác tham gia vào quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần tạo ra tác động lan tỏa cho phát triển bền vững. Các nguồn vốn cho vốn đầu tư công như: Vốn từ ngân sách nhà nước; vốn từ những nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị doanh nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật.

Giải ngân đầu tư công không chỉ tăng về vốn, mà công tác đầu tư cũng đã đi vào thực chất hơn từ khi thực hiện Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 Hà Nội, ngày 13/06/2019 có hiệu lực từ 01/01/2020 (thay thế Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 28/2018/QH14). Các dự án đầu tư công đã mang lại những hiệu quả nhất định, tạo nên sức bật mới cho kinh tế địa phương, vùng và quốc gia, trở thành một động lực để nền kinh tế hồi phục và phát triển.

Nhận thấy rõ tính chất, yêu cầu của nguồn vốn đầu tư công nên hàng năm, HĐND tỉnh Thanh Hoá đều chú trọng đến việc phân bổ nguồn vốn, vừa đảm bảo sớm, vừa đúng trọng tâm, trọng điểm, Thường trực HĐND tỉnh thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo UBND tỉnh khẩn trương xây dựng kế hoạch đầu tư công hàng năm của tất cả các nguồn trung ương hỗ trợ, nguồn ngân sách tỉnh, nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, để kịp trình HĐND vào kỳ họp cuối năm.

Toàn cảnh kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh khóa XVIII (kỳ họp thường lệ cuối năm 2023)

Việc HĐND tỉnh Thanh Hoá sớm phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm đã tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư, địa phương, các đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, cụ thể là: Đã tạo điều kiện thuận lợi để chủ đầu tư, các đơn vị liên quan có thể giải ngân vốn ngay trong những ngày đầu, tháng đầu của năm kế hoạch, nhất là các dự án đã có sẵn khối lượng nghiệm thu, đã chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ, thủ tục, góp phần đưa dòng vốn đi nhanh vào xã hội; bảo đảm nguồn lực tài chính cho chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện dự án theo kế hoạch. Đây cũng là cơ sở để các chủ đầu tư chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết tiến độ thực hiện, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai; không để xảy ra tình trạng “dự án chờ vốn”, đồng thời khắc phục được tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ khối lượng đã hoàn thành do chưa có vốn bố trí của các dự án.

Năm 2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh Thanh Hóa là 14.924,312 tỷ đồng. Số vốn đã được HĐND tỉnh, UBND tỉnh Thanh Hóa phân bổ, giao kế hoạch là 14.894,418 tỷ đồng, bằng 99,8% kế hoạch cho 296 chương trình, nhiệm vụ và dự án. Trong đó, phân bổ cho 93 dự án đã hoàn thành, bao gồm 35 dự án đã hoàn thành có quyết toán và 58 dự án hoàn thành chưa có quyết toán được duyệt; 120 dự án chuyển tiếp; 65 dự án khởi công mới; 18 dự án chuẩn bị đầu tư. 

Hoạt động giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua đã được Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hoá quan tâm và có nhiều biện pháp để thúc đẩy tiến độ giải ngân. Hoạt động giải ngân vốn đầu tư công chịu ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố cả khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, việc giải ngân chậm vốn đầu tư công do  nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do năng lực của các chủ đầu tư và ban quản lý dự án còn hạn chế.

Trong tổng số 94 chủ đầu tư, đơn vị được giao vốn năm 2023, có 73 chủ đầu tư giải ngân đạt trên mức giải ngân trung bình của cả tỉnh (có 38 chủ đầu tư, đơn vị đã giải ngân đạt 100% kế hoạch); 18 chủ đầu tư, đơn vị giải ngân dưới mức giải ngân trung bình của cả tỉnh; 3 chủ đầu tư chưa giải ngân.

Năm 2024, căn cứ Quyết định số 1603/QĐ-TTg ngày 11/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 và tình hình thực tế, HĐND tỉnh và UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt, giao kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2024 đến danh mục và mức vốn từng chương trình, dự án, nhiệm vụ là 12.115 tỷ, bằng 100% kế hoạch. Theo đó, tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2024 của tỉnh Thanh Hóa là 11.785 tỷ đồng, gồm có vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương là 9.189 tỷ đồng, trong đó chi xây dựng cơ bản vốn tập trung trong nước 1.454 tỷ đồng; đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất 7.600 tỷ đồng...

Vốn ngân sách trung ương là 2.595 tỷ, gồm vốn trong nước 2.166 tỷ đồng, trong đó có vốn ngân sách Trung ương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia 1.339 tỷ đồng. Cụ thể, đối Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 366 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 442 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 530 tỷ đồng. Đối với vốn ngân sách trung ương đầu tư theo ngành, lĩnh vực 827 tỷ đồng; vốn nước ngoài 429 tỷ đồng.

Tổng nguồn vốn tiết kiệm chi ngân sách cấp tỉnh năm 2023 của tỉnh này chuyển sang thực hiện năm 2024 đợt 1 là 330 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 15/3, tổng giá trị giải ngân vốn năm 2024 của tỉnh ước đạt gần 1.971 tỷ đồng, bằng 16,2% kế hoạch, cao gần gấp 2 lần bình quân chung cả nước.

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước còn khó khăn, mục tiêu của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt trên 90% kế hoạch Quốc hội giao, Để đạt mục tiêu đề ra, việc bố trí nguồn vốn khoa học, hợp lý, không chỉ thúc đẩy quá trình giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn mà còn góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    370 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.307.593
    Trong năm: 978.470
    Trong tháng: 86.753
    Trong tuần: 21.495
    Trong ngày: 862
    Online: 46