Trên hành trình phấn đấu trở thành “tỉnh kiểu mẫu” như sinh thời cố Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn, tỉnh Thanh Hóa đã và đang không ngừng khai mở và phát triển những thế mạnh riêng. Trong đó, một trong những lĩnh vực không thể bỏ qua chính là ngành Du lịch

Theo số liệu thống kê, tổng số khách du lịch đến Thanh Hóa đạt 12.485.000 lượt khách, tăng 13,1% so với năm 2022, đạt 104 % kế hoạch năm 2023 (trong đó khách du lịch quốc tế đạt: 616.200 lượt khách, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2022, đạt 100,2% kế hoạch 2023); tổng thu du lịch đạt 24.505 tỷ đồng, tăng 22,2% so với năm 2022, đạt 101,3% kế hoạch năm 2023. Trong đó tổng thu từ khách du lịch quốc tế đạt 260.000.000 USD, tăng gấp 3,6 lần so với năm 2022, đạt 110,3% kế hoạch năm 2023. (Nguồn: Báo Tiền Phong)

Định hướng đưa Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Với sự thành công ngoạn mục trong thời điểm phục hồi sau Đại dịch, Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đón tổng khoảng 16 triệu lượt khách. Đồng thời, đầu tư và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh thành.

 

Trên cơ sở đó, trong năm 2024, UBND tỉnh Thanh Hoá xác định các nhiệm vụ trọng tâm phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh như: Rà soát, điều chỉnh những bất cập, chưa thống nhất giữa các loại quy hoạch. Đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, điều chỉnh các loại quy hoạch để phù hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thu hút các dự án đầu tư du lịch trên địa bàn tỉnh...

Tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thu hút, quản lý đầu tư của chính quyền từ cấp tỉnh đến cơ sở. Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi để tăng sức hấp dẫn đầu tư vào du lịch. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào hoạt động các dự án du lịch quy mô lớn đã khởi công nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét về chất lượng sản phẩm du lịch. Rà soát, đề xuất thu hồi chủ trương đầu tư các dự án đầu tư, kinh doanh du lịch vi phạm theo quy định, v.v.

Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đô thị gắn với mua sắm, vui chơi giải trí...Ưu tiên nguồn lực phát triển sản phẩm du lịch mới, góp phần nâng cao sức cạnh tranh thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch có mức chi trả cao. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, như đẩy mạnh quảng bá, khai thác thu hút khách thông qua các trang mạng xã hội phù hợp tại từng thị trường quốc tế, đồng thời tăng cường đẩy mạnh thông tin quảng bá du lịch Thanh Hóa trên các trang điện tử và kênh truyền hình quốc tế.

Chú trọng phát triển nhân lực du lịch; các ngành, địa phương, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp chủ động tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực du lịch chất lượng cao, nhân lực du lịch cộng đồng. Đẩy mạnh xúc tiến khôi phục lại các đường bay tới Đà Nẵng, Cam Ranh, Lâm đồng, Buôn Ma Thuột, Cần Thơ. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; quyết tâm xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện, hấp dẫn.

Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa

Thanh Hóa là vùng đất trầm tích sở hữu các giá trị văn hóa, nổi bật là nền văn hóa Trống đồng Đông Sơn. Đây cũng là một trong những "cái nôi" chứa đựng giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu của người Việt nói chung và đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng với những hình thức đặc sắc về huyền thoại, tục ngữ, ca dao, lễ tục, lễ hội, văn hóa, ẩm thực... ; nơi “địa linh, nhân kiệt” phát tích của nhiều triều đại phong kiến (Tiền Lê, Hậu Lê, Nhà Hồ, Nhà Nguyễn). Những yếu tố đó đã tạo nên truyền thống văn hóa giàu bản sắc của đất và người Thanh Hóa.

Những di vật đặc biệt của văn hoá Đông Sơn tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã có nhiều hoạt động để bảo tồn các di sản như: Hoàn thành khai quật 4 cổng Thành nhà Hồ, in sách “Thành tựu 10 năm khai quật khảo cổ học Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ”, chống mối tường thành phía bắc; công bố tư liệu về Lễ tế Giao, tổ chức Hội thảo khoa học phục hồi lễ tế Nam Giao, huyện Vĩnh Lộc; sưu tầm, phục dựng, gắn chíp 70 hiện vật khảo cổ; tăng cường quản lý vùng lõi Di sản Thành nhà Hồ với 3 bộ phận chính: La Thành, Hoàng Thành, Đàn tế Nam Giao.

Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa)

Hiện tỉnh Thanh Hóa có hơn 1.535 di tích, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và kiểm kê bảo vệ. Trong đó, có 1 di sản thế giới, 5 di tích quốc gia đặc biệt, cùng với hàng trăm lễ hội, lễ tục, trò diễn dân gian ở khắp các vùng miền được lưu giữ, trong đó 15 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục quốc gia. Hệ thống bảo tàng trong toàn tỉnh hiện đang bảo quản và trưng bày hơn 32.855 hiện vật các loại qua các thời kỳ lịch sử, trong đó có khoảng 120 trống đồng thuộc loại quý hiếm và hàng ngàn hiện vật, cổ vật quý có giá trị lịch sử, văn hóa cao.

Với vốn tài nguyên giàu có này, Thanh Hóa hoàn toàn có thể đẩy mạnh du lịch di sản. Đây là loại hình du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của địa phương cũng như mở ra cơ hội cho các giá trị văn hóa lâu đời tiếp cận với thế hệ hậu duệ một cách dễ dàng hơn.

Vùng đất giàu tiềm năng để phát triển du lịch xanh

Bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa)

May mắn thừa hưởng nhiều tài nguyên du lịch đắt giá, du lịch Thanh Hóa trong thời gian sẽ còn đẩy mạnh phát triển theo xu hướng chung: du lịch xanh, du lịch bền vững. Theo đó, Thanh Hóa sở hữu đầy đủ các tài nguyên từ biển (Sầm Sơn, Nghi Sơn,...) đến vùng núi (thác Ma Hao, khu du lịch sinh thái Pù Luông).Có thể thấy, Pù Luông chính là ví dụ tiên phong cho việc triển khai thành công mô hình du lịch xanh tại Thanh Hóa.

Pù Luông (Thanh Hóa)

Trên thực tế, báo cáo Du lịch Bền vững 2023 của Booking.com cho thấy, trên toàn cầu, 80% số người tham gia khảo sát "khẳng định du lịch theo hướng bền vững ngày càng quan trọng với họ". Đối với du khách Việt, có tới 97% số người tham gia khảo sát cho biết họ muốn đi du lịch bền vững hơn trong năm 2023. Bất chấp những khó khăn do kinh tế đưa lại, có tới 75% du khách Việt Nam cho biết họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các lựa chọn du lịch bền vững đã được cấp chứng nhận, như một cách để bảo đảm chắc chắn họ đang tạo ra ảnh hưởng tích cực.

Dựa trên nghiên cứu cũng như những tài nguyên vốn có, Thanh Hóa hoàn toàn có thể đầu tư khai thác mạnh vào du lịch bền vững. Nhờ thu hút nguồn khách du lịch lớn, tỉnh Thanh Hóa không chỉ tạo ra được nguồn doanh thu khổng lồ từ ngành này và thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế toàn tỉnh. Không chỉ vậy, sự phát triển của du lịch cũng góp phần không nhỏ trong việc quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế của tỉnh Thanh Hóa trên khắp cả nước.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    370 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.309.215
    Trong năm: 980.092
    Trong tháng: 86.753
    Trong tuần: 21.495
    Trong ngày: 2.484
    Online: 82