Với việc quyết nghị nhiều cơ chế, chính sách quan trọng, tạo xung lực mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội; đồng thời, tăng cường thảo luận, tìm hướng tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, bất cập phát sinh từ thực tiễn. Đó có thể xem là những dấu ấn thành công của Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh khóa XVIII. Kết quả ấy một lần nữa khẳng định, khi trí tuệ tập thể, tinh thần tập thể, trách nhiệm tập thể được phát huy cao nhất, thì không thách thức nào không thể vượt qua...

Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh khoá XVIII.

Quyết định nhiều vấn đề quan trọng

Kỳ họp thứ 20 diễn ra trong không khí đặc biệt, khi nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội hết sức khả quan trong 6 tháng đầu năm 2024, đã một lần nữa khẳng định “vị thế đang lên” của tỉnh Thanh Hóa trên “biểu đồ tăng trưởng quốc gia”. Bởi vậy, Kỳ họp này không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của HĐND tỉnh, mà sẽ có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới. Với ý nghĩa đó, Kỳ họp thứ 20 đã phát huy cao nhất phương châm đổi mới, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, các đại biểu HĐND tỉnh đã tập trung xem xét, thảo luận và quyết nghị nhiều chính sách quan trọng, liên quan đến nhiều vấn đề lớn thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh

Với tinh thần dân chủ, đoàn kết, thẳng thắn, trách nhiệm, các đại biểu HĐND tỉnh đã tập trung phân tích, đánh giá sâu sắc, toàn diện kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024. Đồng thời, chỉ ra những mặt còn hạn chế, tồn tại và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan trong khâu tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các ngành, địa phương, đơn vị.

Đặc biệt, trên cơ sở phân tích, dự báo tình hình, các đại biểu HĐND tỉnh đã đề xuất nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng và có tính xây dựng, nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, triển khai các dự án trọng điểm, thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước, hay việc triển khai các chính sách an sinh xã hội quan trọng.

Cục trưởng Cục Thuế Thanh Hóa Ngô Đình Hùng phát biểu tại kỳ họp.

Khẳng định tiến độ thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm đạt cao so với dự toán và tăng so với cùng kỳ, sẽ tạo đà cho kinh tế - xã hội phát triển, đại biểu Ngô Đình Hùng, Cục trưởng Cục Thuế Thanh Hóa, cũng đồng thời chỉ rõ: Để hoàn thành mục tiêu thu 20.275 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm, bên cạnh các giải pháp điều hành thu ngân sách và theo dõi chặt chẽ tiến độ thu, càng cần chú trọng đến việc thu hút đầu tư, triển khai hiệu quả các dự án lớn, dự án trọng điểm. Đây được xem là cơ sở để nuôi dưỡng nguồn thu hiệu quả và lâu dài...

Bí thư Huyện ủy Quan Sơn Lương Thị Hạnh phát biểu tại kỳ họp.

Còn theo đại biểu Lương Thị Hạnh, Bí thư Huyện ủy Quan Sơn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiện đang được bao phủ bởi mật độ dày các chính sách phát triển kinh tế - xã hội và một số chính sách đặc thù. Đây cũng chính là điểm tựa để kéo gần khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, dân tộc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là “vùng trũng” phát triển. Do vậy, khu vực này rất cần sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước để vừa thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, vừa ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân, từ đó xây dựng thế trận lòng dân trong bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.

Kỳ họp thứ 20 tiếp tục ghi dấu ấn với việc thông qua 16 nghị quyết có liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội (gồm 6 nghị quyết quy phạm pháp luật; 3 nghị quyết về kế hoạch đầu tư phát triển, phân bổ vốn, thu, chi ngân sách Nhà nước; 3 nghị quyết về chủ trương đầu tư các dự án và 4 nghị quyết về các nội dung quan trọng khác).

Việc thông qua các nghị quyết không chỉ giúp tháo gỡ các nút thắt về thể chế, pháp lý, mà còn giúp “rộng đường” để đưa các chủ trương, chính sách nhanh chóng được hiện thực hóa, tạo đà thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Có thể nói, việc 100% đại biểu thống nhất thông qua các nghị quyết một lần nữa khẳng định tinh thần trách nhiệm và trí tuệ cao của HĐND tỉnh đối với các vấn đề “quốc kế dân sinh” đang đặt ra trong thực tiễn đời sống. Đồng thời, việc quyết nghị cũng cho thấy năng lực phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, bám sát yêu cầu thực tiễn của cơ quan quyền lực Nhà nước tại địa phương.

Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua các nghị quyết.

Các nghị quyết được ban hành dựa trên cơ sở phân tích và đề xuất những nguyên tắc, mục tiêu cũng như đánh giá kỹ càng, thấu đáo khả năng tác động của chính sách. Từ đó, bảo đảm cho các nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua tại Kỳ họp này đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Song, để các nghị quyết sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, vấn đề được đặt ra lúc này là phải tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng chính sách và thực thi chính sách. Nghĩa là các nghị quyết của HĐND tỉnh phải được triển khai nghiêm túc, quyết liệt, nhất quán và kịp thời. Đồng thời, cần coi trọng việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát của HĐND, các Ban của HĐND trong việc thực thi các nghị quyết trong thực tiễn ở từng địa phương, đơn vị. Từ đó, kịp thời tháo gỡ bất cập, lan tỏa những cách làm hay, cũng như rút ra bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành.

Dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm

Để hiện thực hóa phương châm đổi mới, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của HĐND tỉnh, thì công tác giám sát được xác định là một trong những khâu trọng tâm. Bởi, hoạt động giám sát sẽ tạo cơ sở để HĐND tỉnh nghiên cứu và quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương. Theo đó, tại Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh khóa XVIII đã thực hiện chức năng giám sát thông qua việc xem xét, cho ý kiến đối với các báo cáo kết quả hoạt động của HĐND tỉnh, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân và Cục Thi hành án dân sự tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024. Đặc biệt là kết quả giám sát chuyên đề của các Ban HĐND tỉnh liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ năm 2021-2023; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021-2023; việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh - trật tự trên địa bàn tỉnh từ năm 2021-2023; việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh từ năm 2021-2023.

Có thể nói, việc HĐND tỉnh lựa chọn những nội dung giám sát nêu trên, đã cho thấy tinh thần trách nhiệm rất cao của cơ quan dân cử đối với những vấn đề quan trọng, có tác động đến nhiều lĩnh vực cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống Nhân dân. Việc giám sát được tiến hành nghiêm túc, đúng quy định và sát đúng tình hình thực tế, đã được các đại biểu tham dự Kỳ họp đánh giá cao.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thiệu Hóa Nguyễn Văn Biện phát biểu tại kỳ họp.

Đại biểu Nguyễn Văn Biện, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thiệu Hóa, cho rằng công tác giám sát của HĐND, Thường trực HĐND và các Ban của HĐND tỉnh mang lại kết quả, đã góp phần khắc phục những hạn chế và tạo sự chuyển biến tích cực đối với những lĩnh vực, cơ quan, đơn vị còn yếu kém.

Cùng với hoạt động giám sát, hoạt động chất vấn tại nghị trường cũng được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, phản ánh hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh. Đây cũng là nội dung nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri và Nhân dân trong tỉnh. Do đó, một trong những yếu tố quan trọng để tạo nên một phiên chất vấn thành công là lựa chọn vấn đề chất vấn đúng và trúng. Đồng thời, người chất vấn và người trả lời chất vấn phải rất trách nhiệm, công tâm, khách quan và quyết tâm đi đến cùng bản chất vấn đề.

Tại Kỳ họp thứ 20, có 2 vấn đề nóng đã được lựa chọn để đưa ra nghị trường, đó là: (1) việc quản lý, sử dụng, phát huy hiệu quả tài sản công dôi dư, nhất là trong xử lý tài sản công là các cơ sở nhà đất dôi dư sau sáp nhập thôn, xã, các đơn vị sự nghiệp công lập; (2) vấn đề hiệu quả, tính thiết thực của các đề tài, đề án, dự án khoa học và công nghệ sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước. Lý giải về sự lựa chọn này, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đã nhấn mạnh: “Đây là những nội dung rất quan trọng và thiết thực, liên quan đến kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm thực thi công vụ, đang được mà cử tri, Nhân dân và đại biểu quan tâm”.

Đại biểu HĐND tỉnh thực hiện chất vấn tại kỳ họp.

Đại biểu HĐND tỉnh thực hiện chất vấn tại kỳ họp.

Đại biểu HĐND tỉnh thực hiện chất vấn tại kỳ họp.

Có thể nói, việc đưa các vấn đề nóng ra chất vấn công khai tại nghị trường là cách để “mổ xẻ” các “ung nhọt” trên cơ thể nền kinh tế, hay “bắt bệnh” các vấn đề xã hội bất cập hiện nay. Từ đó, tạo không khí đấu tranh nghị trường sôi nổi, tích cực, nhằm phát huy cao nhất trí tuệ và trách nhiệm tập thể, để có những phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, khả thi và hiệu quả.

Xuất phát từ yêu cầu đó, trong quá trình điều hành phiên chất vấn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã rất linh hoạt trong việc điều phối, định hướng, dẫn dắt, nhằm đưa nội dung chất vấn đi đến kết quả cuối cùng. Đó là làm rõ thực trạng và nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm và giải pháp, đặc biệt là làm rõ cam kết của chính quyền các cấp, các ngành trong việc tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt của các vấn đề nóng.

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Tứ trả lời chất vấn.

Chẳng hạn, đối với nội dung chất vấn Giám đốc Sở Tài chính về việc quản lý, sử dụng, phát huy hiệu quả tài sản công dôi dư, bên cạnh câu hỏi chất vấn của các đại biểu, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã gợi mở thêm các nội dung để đại biểu tiếp tục tranh luận trở lại đối với phần trả lời của lãnh đạo ngành. Đồng thời, yêu cầu lãnh đạo một số sở, ngành có liên quan tham gia trả lời chất vấn, nhằm giúp đại biểu và cử tri hiểu rõ hơn vấn đề.

Đặc biệt, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng chỉ rõ những vướng mắc, bất cập trong quản lý, sử dụng tài sản công dôi dư hiện nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song có nguyên nhân xuất phát từ chính nhận thức và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ này. Bởi vì, không thể có cán bộ chuyên trách hay kiêm nhiệm việc theo dõi, thực hiện công tác quản lý tài sản công dôi dư. Do đó, khi được giao đảm nhiệm nhiệm vụ, bản thân cán bộ, công chức phải nhận thức đúng để làm cho tốt, với phương châm: Một người có thể phải làm nhiều việc, hoặc một việc có thể do nhiều người làm, nhưng phải có một người chủ trì.

Đánh giá cao hiệu quả phiên chất vấn khi “các đại biểu đã nêu câu hỏi rất cụ thể, ngắn gọn, rõ ràng và bám sát chủ đề chất vấn, đi thẳng vào vấn đề và tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng, trách nhiệm cao; thể hiện vai trò, trách nhiệm và quyền giám sát của đại biểu HĐND”, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng ghi nhận phần trả lời chất vấn của các lãnh đạo ngành là “đầy đủ, đúng trọng tâm, không né tránh”. Cùng với đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đặt ra yêu cầu cho UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc nghiên cứu, đề xuất và triển khai hiệu quả các giải pháp - cả trước mắt và lâu dài - nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong quản lý, sử dụng tài sản công dôi dư và trong thực hiện các đề tài, đề án, dự án khoa học và công nghệ.

Có thể nói, việc đi đến cùng bản chất vấn đề được chất vấn, một lần nữa cho thấy sự tâm huyết và trách nhiệm của chủ tọa Kỳ họp đối với các vấn đề nóng, vấn đề phát sinh từ cơ sở. Từ đó, đáp ứng được sự kỳ vọng của cử tri và Nhân dân dành cho cơ quan dân cử.

Kỳ vọng lớn hơn, quyết tâm cao hơn

Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh khoá XVIII kết thúc thành công, trước hết là bởi các đại biểu HĐND tỉnh đã phát huy tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, trí tuệ. Đồng thời với đó là công tác chuẩn bị và cách thức tổ chức nghiêm túc, khoa học theo hướng giảm thời gian trình bày báo cáo, dành nhiều thời gian cho thảo luận và hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn; là cách thức điều hành linh hoạt, trách nhiệm, hiệu quả của chủ tọa Kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao đổi với các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp.

Một “dấu ấn đặc biệt” từ Kỳ họp này là được đón đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam dự và chỉ đạo.

Đáng trân trọng hơn, thông qua Kỳ họp này, đồng chí Chủ tịch Quốc hội đã ghi nhận, đánh giá cao vai trò và sự đóng góp của HĐND tỉnh đối với sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa. Đồng chí khẳng định: “Trong thành tích chung của tỉnh Thanh Hóa, có sự đóng góp quan trọng của HĐND tỉnh Thanh Hoá. Hoạt động của HĐND tỉnh Thanh Hoá đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng ngày càng thực chất, chuyên nghiệp, hiệu quả hơn; tăng cường dân chủ, bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình thực tiễn và nghị quyết của Tỉnh ủy, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo luật định. HĐND tỉnh đã lựa chọn, xem xét kịp thời, đúng và trúng nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách, để quyết định, ban hành cơ chế, chính sách, biện pháp thiết thực, khả thi”.

Có thể nói, sự ghi nhận của đồng chí Chủ tịch Quốc hội đã và sẽ tiếp tục cổ vũ, động viên và khơi dậy tâm huyết, trách nhiệm, kinh nghiệm, uy tín, trí tuệ, bản lĩnh của các đại biểu HĐND. Đồng thời, thôi thúc sự tích cực, chủ động, khoa học, bài bản, sát với thực tiễn và “đúng vai, thuộc bài” của Thường trực, các ban và tổ đại biểu HĐND tỉnh. Từ đó, quyết tâm đổi mới hơn, trách nhiệm hơn, chuyên nghiệp hơn và hiệu quả hơn trong mọi hoạt động, để HĐND tỉnh Thanh Hóa luôn xứng đáng là người đại diện cho tiếng nói và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cử tri và Nhân dân trong tỉnh.

-----------

Ảnh trong bài của Minh Hiếu

Báo Thanh Hóa


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    544 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 4.274.137
    Trong năm: 1.390.263
    Trong tháng: 126.713
    Trong tuần: 31.675
    Trong ngày: 3.157
    Online: 104