Ngày 12/8/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Văn bản số 4285/BGDĐT-VP về việc trả lời kiến nghị cử tri gửi đến trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, cụ thể như sau:

 I. Nội dung kiến nghị 1: Đề nghị Chính phủ xem xét có chính sách hỗ trợ (miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh) cho giáo viên và học sinh khu vực miền núi đang gặp khó khăn do mới ra khỏi vùng khó khăn, chậm phát triển kinh tế.

Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo (Nghị định 81) đã quy định chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (miễn giảm học phí cho học sinh khuyết tật, thuộc hộ nghèo, cận nghèo và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn).

Đối với học sinh ở địa bàn không còn thuộc danh sách khu vực đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, Nghị định 81 đã quy định lộ trình miễn học phí cho toàn bộ trẻ em mầm non 5 tuổi và học sinh trung học cơ sở, cụ thể: miễn học phí từ năm học 2024 - 2025 cho trẻ em mầm non 5 tuổi; miễn học phí từ năm học 2025 - 2026 cho học sinh trung học cơ sở. Như vậy, trẻ em mầm non 5 tuổi và học sinh trung học cơ sở có hoàn cảnh khó khăn không còn ở vùng đặc biệt khó khăn sẽ được miễn học phí theo lộ trình nêu trên.

Ngoài ra, hiện nay, Bộ GDĐT đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách. Tại dự thảo Nghị định đã quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách. Dự kiến dự thảo Nghị định sẽ được Chính phủ xem xét, ban hành trong năm 2024.

II. Nội dung kiến nghị 2: Đề nghị sửa đổi Nghị định số 116/2016/NĐ-CP theo hướng mở rộng hơn điều kiện học sinh là đối tượng được hưởng chế độ bán trú từ đó giúp duy trì mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú hoặc mô hình trường phổ thông có học sinh bán trú tạo điều kiện để giáo viên và học sinh ở các trường này yên tâm công tác và học tập, giúp nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Thực hiện Luật Giáo dục 2019 và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ, Bộ GDĐT đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách (thay thế Nghị định số 116/2016/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT). Về cơ bản, các kiến nghị, đề xuất của cử tri tỉnh Thanh Hóa nêu trên đã được Bộ GDĐT nghiên cứu, tiếp thu trong dự thảo Nghị định. Cụ thể là, ngoài các đối tượng học sinh thường trú tại địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn đáp ứng tiêu chí về khoảng cách được hưởng chính sách như quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, dự thảo Nghị định đã bổ sung thêm đối tượng hưởng là học sinh người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo thường trú tại xã khu vực II, khu vực I vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ngày 22/4/2024, Bộ GDĐT đã có Tờ trình số 393/TTr-BGDĐT trình Chính phủ hồ sơ dự thảo Nghị định để Chính phủ xem xét ban hành.

III. Nội dung kiến nghị 3: Đề nghị cần có giải pháp sớm tháo gỡ khó khăn và nhanh chóng bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy các môn học tích hợp một cách khoa học, hiệu quả và phù hợp, do hiện nay phần lớn giáo viên đều được đào tạo đơn môn chuyên ngành.

Thực hiện việc bồi dưỡng giáo viên giảng dạy các môn học tích hợp trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GDĐT đã ban hành Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Tin học và Công nghệ (Quyết định số 2453/QĐ-BGDĐT ngày 21/7/2021); Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên (Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT ngày 21/7/2021); Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Lịch sử và Địa lý (Quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT ngày 21/7/2021) để các địa phương xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cử giáo viên tham gia bồi dưỡng nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 theo lộ trình phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Bên cạnh đó, Bộ GDĐT đã hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (trong đó có môn học tích hợp) qua các văn bản hướng dẫn nhiệm vụ năm học hằng năm. Đặc biệt, năm 2023, Bộ GDĐT đã tổ chức Hội thảo toàn quốc và ban hành Công văn số 5636/BGDĐT-GDTrH ngày 10/10/2023 về việc “Xây dựng kế hoạch dạy học các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp" (Công văn số 5636/BGDĐT- GDTrH) để các địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả trên cơ sở tình hình thực tiễn và số giáo viên hiện có của các cơ sở giáo dục.

Hiện nay, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đang tiếp tục tổ chức các khóa bồi dưỡng giáo viên dạy các môn học tích hợp, đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa có ý kiến để Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các đơn vị chuyên môn xây dựng kế hoạch và phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tổ chức bồi dưỡng giáo viên dạy các môn tích hợp theo lộ trình phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; đồng thời, tổ chức thực hiện tốt việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch dạy học các môn tích hợp theo tinh thần Công văn số 5636/BGDĐT- GDTrH của Bộ GDĐT.

IV. Nội dung kiến nghị 4: Đề nghị sớm có văn bản quy định trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên là đối tượng được thụ hưởng của 03 Chương trình mục tiêu Quốc gia, để có nguồn kinh phí hỗ trợ, đầu tư nâng cấp trang thiết bị, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nghề cho Trung tâm.

Hiện nay, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đã là đối tượng thụ hưởng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (Chương trình). Tại nội dung thành phần số 02 của Chương trình có Nội dung 04: Tiếp tục xây dựng, hoàn chỉnh các công trình cấp xã, cấp huyện đảm bảo đạt chuẩn cơ sở vật chất cho các trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông hoặc trường phổ thông có nhiều cấp học, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên bảo đảm đạt chuẩn theo quy định của Bộ GDĐT. Căn cứ nội dung của Chương trình, các địa phương thực hiện phân bổ nguồn vốn thực hiện Chương trình để đầu tư theo quy định.

Tuy nhiên, trong các chương trình mục tiêu quốc gia: Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025 không có đối tượng thụ hưởng là các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên để hỗ trợ, đầu tư nâng cấp trang thiết bị.

Bộ GDĐT ghi nhận kiến nghị này và sẽ tham mưu bổ sung khi xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn tiếp theo để có thêm nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo cho các trung tâm này bảo đảm đúng đối tượng, không trùng lặp./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục

 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    516 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 4.030.834
    Trong năm: 1.278.311
    Trong tháng: 147.031
    Trong tuần: 25.019
    Trong ngày: 2.688
    Online: 53