Trong nhiều thập kỷ qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, từ một nước có thu nhập thấp trở thành nước có mức thu nhập trung bình. Việt Nam đã hoàn thành sớm ba Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ quan trọng về (i) xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói, (ii) phổ cập giáo dục tiểu học, (iii) tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ. Trong giai đoạn 2010 – 2013, Việt Nam tiếp tục duy trì và nâng cao thành tích trong các lĩnh vực này. Mục tiêu giảm tử vong ở trẻ em và tăng cường sức khỏe bà mẹ có khả năng được hoàn thành đúng thời hạn. Ba mục tiêu còn lại cũng có những bước tiến khả quan.
Kết quả trên là do Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã kiên trì, nhất quán thực hiện tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế vớithực hiện tiến bộ, công bằng xã hội bảo đảm ổn định đời sống nhân dân và phát triển xã hội. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Tác động của suy giảm kinh tế và những bất ổn vĩ mô đã làm giảm các cơ hội việc làm bền vững và thu nhập của người lao động. Hơn nữa, Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp như biến đổi khí hậu, chênh lệch về mức sống gia tăng, nghèo đói của đồng bào dân tộc thiểu số, nghèo đô thị và di cư, chất lượng giáo dục– đào tạo, phát triển văn hóa và bảo đảm công bằng xã hội chưa theo kịp yêu cầu phát triển của đất nước, năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân còn yếu trong điều kiện hội nhập kinh tế sâu rộng.
1. Những thành tựu đạt được qua 30 năm giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, thực hện tiến bộ, công bằng xã hội ở Việt Nam
Qua 30 năm đổi mới đường lối chỉ đạo của Đảng về giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội đã đem lại cho đất nước những thành tựu quan trọng.
Trước hết, là thành tựu đổi mới nhận thức về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Từ tâm lý thụ động, ỷ lại vào Nhà nước và tập thể đã chuyển thành tinh thần năng động, chủ động và tích cực xã hội của tất cả các tầng lớp dân cư. Từ chỗ đề cao quá mức lợi ích của tập thể một cách chung chung, trừu tượng; thi hành chế độ phân phối theo lao động trên danh nghĩa nhưng thực tế là bình quân, cào bằng, đã từng bước thực hiện phân phối chủ yếu theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế, đồng thời phân phối theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác vào sản xuất kinh doanh và thông qua phúc lợi xã hội. Nhờ vậy, công bằng xã hội được thể hiện ngày một rõ hơn. Từ chỗ không đặt đúng tầm quan trọng của chính sách kinh tế đã đi đến thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, xem trình độ phát triển kinh tế là điều kiện vật chất để thực hiện chính sách xã hội, thực hiện tốt chính sách xã hội là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển. Từ chỗ Nhà nước bao cấp toàn bộ trong việc giải quyết việc làm đã dần dần chuyển trọng tâm sang thiết lập cơ chế, chính sách để thúc đẩy, kích thích các thành phần kinh tế và người lao động tham gia tạo việc làm. Từ chỗ không chấp nhận có sự phân hóa giàu - nghèo đã đi đến khuyến khích mọi người làm giàu hợp pháp đi đôi với phát huy trách nhiệm xã hội; tích cực xóa đói, giảm nghèo, coi việc một bộ phận dân cư giàu trước là cần thiết cho sự phát triển. Từ chỗ muốn nhanh chóng xây dựng một cơ cấu xã hội "thuần nhất" chỉ còn giai cấp công nhân, giai cấp nông dân tập thể và tầng lớp trí thức đã đi đến quan niệm về việc xây dựng một cộng đồng xã hội đa dạng, trong đó các giai cấp, các tầng lớp dân cư đều có nghĩa vụ, quyền lợi chính đáng, đoàn kết chặt chẽ, góp phần xây dựng nước Việt Nam hùng cương, giàu mạnh. Đã coi phát triển giáo dục, đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo điều kiện để ai cũng được học hành; thực hiện chính sách bảo hiểm y tế toàn dân, mở rộng đối tượng tham gia BHXH theo nguyên tắc đóng hưởng. Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội là mối quan hệ biện chứng, có sự tác động qua lại lẫn nhau, làm tiền đề và hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển. Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền được bảo đảm an sinh xã hội được hiến định. Chính vì vậy, thực tiễn sinh động của đất nước qua các quan điểm phát triển đã khẳng định chủ trương xuyên suốt của Đảng ta về sự kết hợp chặt chẽ giữa 3 nhiệm vụ: phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt với không ngừng phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với quy luật phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cùng với ưu tiên đổi mới về kinh tế, cần phải tập trung đúng mức vào phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, tạo dựng môi trường tinh thần lành mạnh cho quá trình phát triển kinh tế.
Thứ hai, nhờ đổi mới tư duy về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đã tạo động lực cho kinh tế tăng trưởng khá nhanh và liên tục trong nhiều năm. Thế giới đánh giá rất cao những thành tựu gắn kết tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ở Việt Nam. Một đất nước đã thực hiện sự phát triển kinh tế hướng vào con người, vì con người. Từ một nước có thu nhập thấp trở thành nước có mức thu nhập trung bình, GDP bình quân đầu người đạt 1.960 USD năm 2013, gấp hơn 4 lần so với năm 2000; Việt Nam đã hoàn thành sớm ba Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ quan trọng về (i) xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói, (ii) phổ cập giáo dục tiểu học, (iii) tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ. Trong giai đoạn 2010 – 2013, Việt Nam tiếp tục duy trì và nâng cao thành tích trong các lĩnh vực này. Các mục tiêu còn lại đã có những bước tiến đáng kể. Mục tiêu giảm tử vong ở trẻ em và tăng cường sức khỏe bà mẹ có khả năng được hoàn thành đúng thời hạn. Ba mục tiêu còn lại bao gồm (i) phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các dịch bệnh nguy hiểm khác[1], (ii) đảm bảo bền vững về môi trường, (iii) thiết lập mối quan hệ hợp tác toàn cầu vì phát triển, cũng có những bước tiến khả quan.
Tựu trung, sau 30 năm đổi mới mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ở nước ta đã được giải quyết một cách khá hiệu quả. Các cơ hội phát triển được mở rộng cho mọi thành phần kinh tế, mọi tầng lớp dân cư. Đời sống của đại bộ phận nhân dân được cải thiện rõ rệt. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng và an ninh được giữ vững. Vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên rất nhiều, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp. Những thành tựu đó chứng tỏ đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo, phù hợp thực tiễn Việt Nam.
2. Những tồn tại, thách thức trong quá trình giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội
Báo cáo "Đánh giá nghèo Việt Nam năm 2012" của Ngân hàng Thế giới cho thấy, bất bình đẳng về thu nhập tại Việt Nam đã gia tăng, đối tượng thu nhập thấp tập trung chủ yếu ở nhóm dân tộc thiểu số. Thu nhập của nhóm 20% hộ có thu nhập cao nhất gấp 11,4 lần so với nhóm 20% hộ có thu nhập thấp nhất vào năm 2004 và gấp 17,5 lần vào năm 2010. Tốc độ tăng trưởng thu nhập của 10% hộ nghèo nhất của đồng bào dân tộc thiểu số cư trú tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa chưa bằng một nửa so với tốc độ tăng trưởng thu nhập của 10% hộ giàu nhất trong giai đoạn 2004 - 2010. Lần đầu tiên, hệ số GINI về bất bình đẳng thu nhập ghi nhận bất bình đẳng ở khu vực thành thị và nông thôn hiện đang tương đương nhau. Hệ số GINI tại khu vực nông thôn đã tăng từ 0,365 năm 2004 lên 0,413 năm 2010, trong khi hệ số này tại khu vực thành thị giai đoạn này ổn định ở mức xấp xỉ 0,386. Chúng ta có thể nhìn nhận mối quan hệ này qua một số nhận xét đánh giá từ các số liệu thống kê và khảo sát:
Trước hết, kể từ năm 2006, nền kinh tế biến động theo hướng giảm sút:Theo số liệu thống kê, tốc độ tăng trưởng GDP có xu hướng đi xuống, chỉ đạt 6,1%/năm (so với 7,8%/năm của thời kỳ 4 năm trước). Tốc độ tăng việc làm tương ứng chỉ đạt 2,5% (so với 2,7% giai đoạn 2001-2006). Đặc biệt năm 2009, 2011, 2012 và 2013 là những năm “đáy” (tốc độ tăng GDP chỉ đạt tương ứng qua các năm là 5,32 %, 5,89%, 5,03% và 5,42%; tốc độ tăng việc làm cũng xuống thấp, chỉ đạt khoảng 1,6% đến 2%).
Thứ hai, tăng trưởng đi liền với giảm tỷ lệ hộ nghèo:Theo chuẩn nghèo giai đoạn này, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 15,5% năm 2006 xuống 10,7% vào năm 2010. Theo chuẩn nghèo mới giai đoạn (2010 – 2015), tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống 12,6% năm 2011 và 11.36% năm 2012.
Thu nhập bình quân của hộ nghèo đã tăng 2 lần: Từ 184.300 đồng/người/năm (2006) lên 369.300 đồng/người/năm (2010). Tuy nhiên, tốc độ giảm nghèo có xu hướng chậm lại và không đồng đều: Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2012 giảm 1,76% so với cuối năm 2011, thấp hơn mục tiêu đề ra (2%), là 1 trong số 4 mục tiêu không đạt được của năm 2012 (3 mục tiêu khác: tăng trưởng GDP, tạo việc làm và môi trường).
Thứ ba, bất bình đẳng về thu nhập có xu hướng tăng: Hệ số bất bình đẳng (GINI) tăng từ 0,35 (1998) lên trên 0,413 (2010); thu nhập bình quân/hộ nghèo chỉ bằng 30% mức thu nhập bình quân chung toàn xã hội. Đô thị hóa một mặt mang lại những lợi ích dài hạn nhưng mặt khác lại khiến cho những người bị mất đất trở thành yếu thế do không có khả năng gia nhập thị trường lao động. Người nghèo trở nên đặc biệt yếu thế trong quá trình kinh doanh toàn cầu do có trình độ học vấn thấp và khả năng thích nghi với công nghệ mới còn yếu.
Thứ tư, khoảng cách về tích lũy lại tiếp tục doãng ra sẽ làm gia tăng khoảng cách giàu – nghèo: Tốc độ chi tiêu của người giàu tăng chậm lại trong khi thu nhập của họ tăng nhanh hơn, và ngược lại đối với cán cân thu – chi của hộ nghèo. Cụ thể, trong khi người dân thành thị có thể tích lũy 404.000 VND/tháng thì người dân ở nông thôn chỉ tích lũy được 179.000VND/ tháng. Như vậy, cùng với việc thu nhập tăng với tốc độ cao hơn, thì khả năng tích lũy khác nhau sẽ khiến cho người giàu ngày càng giàu hơn và khoảng cách giàu- nghèo ngày càng nới rộng.
Thứ năm, phân hóa giàu – nghèo: Theo cách đánh giá khác của Ngân hàng thế giới (WB), dựa vào tỷ trọng thu nhập của 40% dân số có thu nhập thấp nhất trong tổng thu nhập của cả nước thì Việt Nam đã dịch chuyển từ nước tương đối bình đẳng về thu nhập (17,98% năm 2002) sang nước có mức bất bình đẳng vừa, và đang có xu hướng gia tăng (15% năm 2010).[2]
Thứ sáu, phân phối thu nhập là một nhân tố có tầm ảnh hưởng đối với tăng trưởng bền vững: Trên thực tế, một bộ phận lớn dân cư thiếu tiếp cận cơ sở hạ tầng vật chất và các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa - thông tin sẽ không thể đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Ngoài ra, bất bình đẳng luôn tạo ra căng thẳng xã hội và cũng là những nhân tố cản trở tăng trưởng. Đặc biệt, qua những chu kỳ thăng trầm kinh tế như bong bóng tín dụng dưới chuẩn, bất động sản và lạm phát - suy thoái thì bộ phận nghèo luôn chịu thiệt và dễ bị tổn thương hơn nhiều, xét ở khía cạnh tỷ lệ tác động tương đối, so với tầng lớp giàu có trong xã hội.
Quá trình Đổi mới, định hướng kinh tế thị trường và hội nhập sâu rộng quốc tế trong 30 năm qua đã mang lại những phát triển lớn về kinh tế, xã hội nhưng cũng có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển xã hội. Đánh giá chung từ thực tế cho thấy việc thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm giải quyết các vấn đề xã hội còn nhiều hạn chế, thách thức. Nhiều chủ trương trong các văn kiện quan trọng của Đảng tuy rất sáng suốt song không được triển khai hoặc triển khai có hiệu quả. Đặc biệt, chưa giải quyết được những vấn đề xã hội bức xúc nảy sinh trong điều kiện mới. Việc hiện thực hóa mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” vẫn còn khoảng cách khá xa so với thực tiễn đời sống.
3. Một số giải pháp cơ bản
Để giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, cần tập trung vào những giải pháp về cơ chế, chính sách cơ bản sau:
Trước hết; phát triển xã hội bền vững đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: Cần phân tích, đánh giá chính xác thực trạng biến đổi cơ cấu xã hội, phân tầng xã hội ở nước ta hiện nay. Xây dựng, thực hiện các chính sách xã hội phù hợp với yêu cầu, lợi ích của từng giai tầng xã hội, từng nhóm dân cư; giải quyết hài hòa lợi ích, phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội. Thực hiện các giải pháp quản lý hiệu quả để giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, phân hóa giàu nghèo, bảo đảm sự ổn định và phát triển xã hội bền vững nhằm khắc phục từng bước sự mất cân đối về cơ cấu giai tầng xã hội, dân cư, ngành nghề, dân tộc, tôn giáo; kiểm soát và xử lý các rủi ro, mâu thuẫn, xung đột xã hội.
Thứ hai; thực hiện tiến bộ công bằng xã hội: Gắn kết chặt chẽ chính sách kinh tế với chính sách xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, bảo đảm để nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của sự nghiệp đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Mọi người dân đều có cơ hội và điều kiện phát triển tự do, toàn diện. Chú trọng thực hiện tốt chính sách chăm sóc người có công trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội kết hợp với nguồn lực của nhà nước.
Thứ ba; giải quyết tốt lao động, việc làm và thu nhập cho người lao động: Tạo cơ hội để mọi người đều có việc làm và thu nhập; bảo đảm tiền lương, thu nhập công bằng, đủ điều kiện tái sản xuất mở rộng sức lao động; huy động tốt nhất nguồn lực lao động để phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Chú trọng giải quyết việc làm cho lao động dôi dư từ khu vực nông nghiệp do việc tích tụ ruộng đất hoặc thu hồi đất phát triển công nghiệp, đô thị và các công trình công cộng. Khuyến khích đầu tư xã hội tạo ra nhiều việc làm. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách về tiền lương, tiền công, khắc phục những bất hợp lý; điều chỉnh chính sách dạy nghề, gắn đào tạo với sử dụng, điều chỉnh chính sách xuất khẩu lao động hợp lý; hoàn thiện và thực hiện chính sách bảo hộ lao động.
Thứ tư; hoàn thiện chính sách phân phối: Chính sách phân phối và phân phối lại phải bảo đảm lợi ích của Nhà nước, người lao động và doanh nghiệp. Chú trọng phân phối lại qua phúc lợi xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế. Mở rộng chính sách phúc lợi xã hội thành hệ thống chính sách an sinh xã hội đa tầng. Đây là một trong những chỉ báo quan trọng của một xã hội công bằng và văn minh.
Thứ năm; đảm bảo tốt an sinh xã hội: Tiếp tục mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống bảo hiểm; tạo điều kiện để trợ giúp có hiệu quả cho tầng lớp yếu thế, dễ tổn thương hoặc những người gặp rủi ro trong cuộc sống. Tổng kết đánh giá kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2011-2015 đồng bộ với các chương trình mục tiêu quốc gia khác làm cơ sở để đổi mới chính sách giảm nghèo theo hướng tập trung, hiệu quả và tiếp cận phương pháp đo lường nghèo đa chiều nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu và tiếp cận các dịch vụ cơ bản. Tổ chức tốt hơn việc cung cấp các dịch vụ cơ bản (nhà ở, nước sạch, y tế, giáo dục, thông tin) nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Tuyên truyền vận động nhân dân làm từ thiện, chia sẻ, giúp đỡ người khó khăn, hoạn nạn.
Cuối cùng; coi trọng chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em: Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, chế độ thai sản, nghỉ dưỡng, khám chữa bệnh, bình đẳng giới; thực hiện tốt chiến lược dân số, gia đình, chương trình hành động vì trẻ em..., đầu tư nâng cao chất lượng dân số, chỉ số phát triển con người, bảo đảm quyền trẻ em. Huy động các nguồn lực, tiếp tục xây dựng, phát triển hệ thống bệnh viện, trạm y tế, phòng khám bệnh; phát triển hệ thống Y tế dự phòng và các dịch vụ y tế hiện đại, tiếp tục đảm bảo công bằng, giảm chênh lệch mới về tiếp cận chính sách chăm sóc sức khỏe nhân dân giữa các địa bàn, các nhóm đối tượng; ngân sách nhà nước dành cho y tế phải được điều chỉnh theo hướng đầu tư tập trung cho các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển và hải đảo nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, nhân lực đảm bảo cơ hội tiếp cận bình đẳng về chăm sóc sức khỏe cho người dân ở các địa bàn này; có lộ trình khắc phục tình trạng quá tải tại các bệnh viện lớn tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Có chính sách hợp lý trong đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển và đãi ngộ xứng đáng đối với đội ngũ cán bộ y tế. Tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển con người, chính sách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Phát triển y học dân tộc; có chính sách khuyến khích thích đáng sản xuất và chữa bệnh bằng thuốc nam. Phát triển thể dục, thể thao toàn dân để góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân đồng thời làm cơ sở để phát triển thể thao thành tích cao.
[1] Trong đó, sốt rét và lao đã được kiểm soát
[2] Nếu tỷ trọng thu nhập của 40% dân số trong tổng thu nhập nhỏ hơn 12% là bất bình đẳng cao; từ 12-17% là bất bình đẳng vừa; lớn hơn 17% là tương đối bình đẳng. Tỷ trọng này của Việt Nam lần lượt là: 17,98% (2002) – 17,4% (2004) – 17,4% (2006) – 16,4% (2008) – 15% (2010).
TS. Bùi Sỹ Lợi
Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội