Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa xin được đăng toàn văn bài phát biểu của đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV tại đây

    Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Trong đại dịch COVID-19, để bảo vệ an toàn cho người dân, an toàn công cộng, thì các tòa án ở nhiều quốc gia khác nhau về cơ bản dừng hoạt động xét xử và các phiên điều trần, xét xử đã bị hủy bỏ. Trước tình hình đó, nhiều quốc gia cũng đã đưa ra hàng loạt biện pháp, trong đó có việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến để thúc đẩy tiến độ tố tụng. 

Qua nghiên cứu pháp luật ở một số quốc gia, cho thấy nhiều nước có các đạo luật quy định về xét xử trực tuyến như Hàn Quốc, Nga, Đức, Ý, Phần Lan, Tây Ban Nha… và cũng đã được áp dụng trước đại dịch, ngay cả khi chúng không được sử dụng thường xuyên.

Một số nước thì cho dù luật của họ đã có quy định về xét xử trực tuyến từ trước như Singapore, Cộng hòa Pháp nhưng trên thực tế, để thực hiện thì các nước này cũng có những điều chỉnh, bổ sung cần thiết để có thể thực hiện các phiên xét xử hoàn toàn trực tuyến bằng Đạo luật Covid-19 hoặc sửa đổi luật tố tụng hình sự. 

Ở một số quốc gia chưa có luật quy định về xét xử trực tuyến thì các tòa án đang tổ chức các phiên tòa trực tuyến trên cơ sở các đạo luật khẩn cấp, như: Hoa Kỳ đã ban hành "Đạo luật Hỗ trợ, Cứu trợ và An ninh Kinh tế trong tình hình dịch Coronavirus mới” năm 2020, hay Vương quốc Anh ban hành Đạo luật Coronavirus 2020.[1] 

Tại Trung Quốc, thì tháng 12 năm 2019, Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (cơ quan có thẩm quyền ban hành luật) đã cho phép thí điểm 2 năm việc xét xử trực tuyến, tạm thời điều chỉnh việc áp dụng một số điều của Luật Tố tụng Dân sự,[2] và ủy quyền cho Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu, xây dựng Quy tắc thực hiện thí điểm. Cùng với đó, năm 2021, Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc ban hành văn bản giải thích việc áp dụng Luật Tố tụng hình sự, theo đó, tại Điều 650 cho phép Tòa án nhân dân có thể thẩm vấn bị cáo, tuyên án, xét xử các trường hợp ân giảm, ân xá,.. và có thể áp dụng các phương pháp trực tuyến tùy theo tình huống.[3] Tháng 3 năm 2021, Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc đã ban hành  Quy tắc tố tụng trực tuyến của Tòa án nhân dân”  để điều chỉnh thêm việc nộp hồ sơ, hòa giải trực tuyến, điều tra và các thủ tục tố tụng khác, v.v.

Tham khảo kinh nghiệm nước ngoài cho thấy, các nước cũng tiến hành rất thận trọng, phù hợp với điều kiện tình hình thực tế của họ. Như vậy, nếu các phiên tòa trực tuyến vẫn tiếp tục được thực hiện sau đại dịch COVID-19 thì về lâu dài, các quốc gia cơ bản sẽ cần có cơ sở pháp lý rõ ràng, đó là sửa đổi, bổ sung các đạo luật tố tụng để thực hiện cho thống nhất.

Theo Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao, các đạo luật về tố tụng tư pháp đã có một số quy định về tố tụng điện tử, tố tụng trực tuyến, tạo cơ sở bước đầu cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến (như nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử, thực hiện việc tống đạt bằng phương tiện điện tử, khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử). Trên thực tế, nhằm hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19, căn cứ các Chỉ thị số 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị số 02 về phòng chống dịch, theo đó, các Tòa án tăng cường xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc bằng phương thức trực tuyến khi có đủ điều kiện. Tôi tán thành và đánh giá cao việc chủ động của Tòa án nhân dân tối cao trong công tác phòng chống dịch, cũng như việc nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng việc tổ chức phiên tòa trực tuyến để báo cáo với Quốc hội.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu các đạo luật tố tụng cho thấy, hiện tại chưa có quy định rõ ràng về phiên tòa xét xử trực tuyến, mà chỉ quy định nguyên tắc xét xử trực tiếp và tại phòng xử án. Theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 3, thì đây là vấn đề liên quan đến Hiến pháp, đến quyền của công dân, quyền con người nên cần nghiên cứu thận trọng, báo cáo cơ quan có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội. Do đó, việc Tòa án nhân dân tối cao trình Quốc hội quyết định việc tổ chức xét xử trực tuyến là đúng thẩm quyền của Quốc hội.

Đây là nội dung mới và xác định có tính chất lâu dài để hướng tới xây dựng Tòa án thông minh, Tòa án điện tử phù hợp với chủ trương của Đảng. Do đó, lần này tôi đề nghị, Quốc hội chỉ nên ban hành Nghị quyết cho phép Tòa án thực hiện thí điểm việc tổ chức phiên tòa trực tuyến (theo quy định tại Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật) để đảm bảo cơ sở pháp lý. Đồng thời, chỉ nên lựa chọn các vụ án hình sự ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng với chứng cứ rõ ràng, những vụ án dân sự, hành chính có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, chứng cứ đầy đủ và chọn một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thực hiện trước, tránh đầu tư dàn trải. Sau thời gian thực hiện, Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan đánh giá, tổng kết việc thực hiện và báo cáo Quốc hội việc sửa đổi, bổ sung các đạo luật tố tụng cho phù hợp.

Về việc giao Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với các cơ quan quy định chi tiết và hướng dẫn tổ chức phiên tòa trực tuyến là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc đảm bảo tuân thủ đúng trình tự, thủ tục tố tụng theo quy định của các luật tố tụng, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của bị cáo, đương sự, cá nhân khi tổ chức phiên tòa trực tuyến là nội dung cần phải được nghiên cứu, đánh giá kỹ.

Ví dụ như: quy định về tạm ngừng phiên tòa trong trường hợp bị các sự cố kỹ thuật tại Điều 15 dự thảo Thông tư kèm theo, vì hiện tại các đạo luật tố tụng chưa có quy định về tạm ngừng phiên tòa trong trường hợp này (Điều 251 Bộ luật TTHS, Điều 259 Bộ luật TTDS, Điều 187 Luật TTHC); thẩm quyền của Viện kiểm sát trong việc đồng ý hoặc không đồng ý mở phiên tòa trực tuyến (các đạo luật tố tụng chưa có quy định thẩm quyền này của Viện kiểm sát, cũng như quy trình kiến nghị, khiếu nại đối với quyết định của Viện kiểm sát trong trường hợp này); quy định việc mở phiên tòa trực tuyến phải có đơn yêu cầu thể hiện sự đồng ý của bị cáo, đương sự thì cũng cần xem xét đã đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19 hay chưa?. Việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết này theo thủ tục rút gọn với lý do để thực hiện các thủ tục tố tụng đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch Covid 19, vì thế cần bổ sung, nếu bị cáo, đương sự không đồng ý với việc xét xử trực tuyến, thì thời gian thực hiện giãn cách hoặc Tòa án không xét xử được do yêu cầu phòng, chống dịch sẽ không được tính vào thời hạn xét xử theo yêu cầu của các luật tố tụng.

Đồng thời, đề nghị làm rõ việc vi phạm các thủ tục trong thông tư này có tương đồng với khái niệm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hay không? Bởi lẽ, tại Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự thì Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là việc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án.

Do đó, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu để đưa các nội dung mà các luật chưa có quy định để tránh việc Thông tư hướng dẫn có nội dung khác với các đạo luật tố tụng, mà thực chất là sửa đổi, bổ sung luật.

Tôi xin hết ý kiến.

Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.

 

[1]  www.congress.gov/116/bills/hr748/BILLS-116hr748enr.pdf

[2]  http://www.court.gov.cn/zixun-xiangqing-213111.html


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    370 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.291.702
    Trong năm: 980.654
    Trong tháng: 90.109
    Trong tuần: 23.519
    Trong ngày: 2.898
    Online: 51