Sau 3 ngày làm việc khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ Tư, Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa XVIII đã thành công tốt đẹp trên nhiều phương diện, đặc biệt là đã thông qua 41 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch đầu tư phát triển và phân bổ vốn; cơ chế, chính sách; chủ trương đầu tư các dự án; nghị quyết thường niên và các nội dung khác. “Đây là những nghị quyết rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh và sự phát triển của tỉnh” - khẳng định của đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng trong phát biểu bế mạc kỳ họp đã gợi mở rất nhiều cho hoạt động của UBND tỉnh trong việc cụ thể hóa và nghiêm túc tổ chức thực hiện để sau khi được ban hành, nội dung các nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống; các Ban của HĐND và các vị đại biểu HĐND tỉnh trong việc giám sát, vận động các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi các nghị quyết.

Toàn cảnh phiên bế mạc Kỳ họp thứ Tư HĐND tỉnh khóa XVIII

Trên cơ sở công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, thành công của Kỳ họp thứ Tư, HĐND tỉnh khóa XVIII trước hết đến từ sự đổi mới trong cách thức tổ chức phòng họp không giấy tờ; sự phối hợp nhịp nhàng của UBND tỉnh, các ban của HĐND tỉnh, các cơ quan tham mưu, phục vụ và các cơ quan có liên quan; sự tham gia của Ủy ban MTTQ; các cơ quan thông tấn báo chí và đặc biệt là sự quan tâm, tin tưởng của cử tri và Nhân dân trong tỉnh.

Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua các Nghị quyết 

Qua việc chủ động nghiên cứu tài liệu, tâm huyết, trí tuệ với tinh thần trách nhiệm cao ở tất cả lĩnh vực, nhất là khi thảo luận về vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua 41 nghị quyết, đó là: 11 nghị quyết thường niên (Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; về Kế hoạch đầu tư công năm 2022; điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch vốn đầu tư công do tỉnh quản lý năm 2021; phê chuẩn quyết toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; quyết toán thu, chi ngân sách địa phương tỉnh Thanh Hóa năm 2020; dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; thu, chi ngân sách địa phương năm 2022; phân bổ dự toán chi ngân sách địa phương năm 2022; phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi; tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách địa phương giai đoạn 2022 - 2025 tỉnh Thanh Hóa; quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022 và ổn định đến năm 2025 tỉnh Thanh Hóa; Kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Thanh Hóa; chấp thuận danh mục các công trình, dự án phải thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ và quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng trên địa bàn tỉnh năm 2022; giao biên chế công chức hành chính; phê duyệt số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập năm 2022 của tỉnh); 12 nghị quyết về chủ trương đầu tư các dự án (điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp, cải tạo đường tỉnh 514 đoạn từ cầu Thiều đi cầu Nhơm, xã Minh Sơn, huyện Triệu Sơn; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án sửa chữa, cải tạo trụ sở làm việc cơ quan Văn phòng HĐND và UBND tỉnh Thanh Hóa; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án phát triển tổng hợp các đô thị động lực - Tiểu dự án đô thị Tĩnh Gia; chủ trương đầu tư Dự án di dân, sắp xếp dân cư, tái định cư một số hộ dân thôn Lâm Quảng, xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn; chủ trương đầu tư Dự án phòng họp không giấy của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đầu tư Dự án đầu tư xây dựng mới Nhà hội trường và cải tạo, sửa chữa các hạng mục công trình thuộc Trụ sở làm việc hợp khối cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa; đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình đường dây 22kV, trạm biến áp 2.000kV22/0,4kV cấp điện dự phòng cho Bệnh viện Ung bướu tỉnh; đầu tư Dự án xây dựng trụ sở làm việc cho Công an xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thuộc Công an tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021 – 2025; đầu tư Dự án xây dựng nhà ăn lưu học sinh Lào - Trường Đại học Hồng Đức; đầu tư Dự án lắp đặt hệ thống cấp nước cho dự án Nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp tại phường Quảng Thành, thành phố Thanh Hóa; đầu tư Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc (Nhóm dự án số 4); đầu tư Dự án xây dựng nhà lớp học 2 tầng 10 phòng Trường THPT Tống Duy Tân, huyện Vĩnh Lộc); 11 nghị quyết về các nội dung khác (điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phòng, chống lũ các tuyến sông có đê trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 (hợp phần sông Mã); Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp số 5, Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa; Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp số 11, Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa; Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp số 17, Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa; bổ sung vào điểm 7.1 và điểm 7.2 khoản 7 Điều 1, Nghị quyết số 328/NQ-HĐND ngày 21/9/2020 của HĐND tỉnh về việc thông qua Dự án điều chỉnh, bổ sung các Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản đã phê duyệt trước ngày 01/01/2019 (bổ sung lần 4); đặt tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa; đặt tên đường, phố trên địa bàn thị trấn Triệu Sơn và thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa; sáp nhập, đổi tên, thành lập thôn tại các xã thuộc huyện Cẩm Thủy và huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa; Chương trình an toàn, vệ sinh lao động tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 – 2025; Nghị quyết kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII; Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII; Nghị quyết về việc xác nhận kết quả bầu bổ sung Phó Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026). Đặc biệt là 06 nghị quyết về cơ chế chính sách, gồm: Khuyến khích phát triển giao thông nông thôn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022 – 2025; phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022 – 2025; khuyến khích đối với học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý Trường THPT Chuyên Lam Sơn và các Trường THPT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa;  thu hút bác sĩ trình độ cao và bác sĩ làm việc tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022 – 2025; chính sách hỗ trợ hoạt động và thu hút đào tạo cán bộ, giảng viên cho Phân hiệu Trường Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa, hướng tới thành lập Trường Đại học Y Thanh Hóa, giai đoạn 2022 – 2026; kéo dài thời gian thực hiện Chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container đi quốc tế qua cảng Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng phát biểu kết luận tại phiên bế mạc

Phát biểu kết luận Kỳ họp, đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng nhận định: Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 – 2025, trong bối cảnh có nhiều thời cơ, thuận lợi, đan xen không ít khó khăn, thách thức. Để đưa tỉnh ta tiếp tục phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, bền vững hơn; các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần tập trung cao nhất cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, triển khai đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp phù hợp với tình hình mới, nhằm thực hiện thắng lợi ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022, trọng tâm là:

Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, có hiệu quả chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” với lộ trình chặt chẽ, khả thi, phù hợp với tình hình thực tế, trong từng thời điểm cụ thể để đạt hiệu quả cao, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không để dịch bùng phát. Chủ động đánh giá, xác định rõ cấp độ dịch COVID-19 và nguy cơ biến thể mới Omicron xâm nhập vào địa bàn để xây dựng và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, với mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết. 

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các địa phương triển khai, tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả 06 chương trình trọng tâm, 03 khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, các nghị quyết, kết luận, cơ chế, chính sách mới ban hành, để nhanh chóng phát huy hiệu quả, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040 và đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, trình duyệt các quy hoạch phân khu chức năng trong Khu kinh tế Nghi Sơn, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chi tiết tại các thành phố, thị xã, khu vực 2 bên các tuyến đường lớn, các tuyến đường mới... làm cơ sở để thu hút đầu tư.

Trước mắt, giao UBND tỉnh chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương xây dựng, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành các văn bản cụ thể hóa Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV, làm cơ sở để tổ chức thực hiện; đồng thời, tập trung xây dựng, sửa đổi, bổ sung các thể chế, cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cho phù hợp với các cơ chế, chính sách đặc thù và các văn bản cụ thể hóa của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, để triển khai thực hiện đồng bộ nhằm phát huy hiệu quả cao nhất, tạo xung lực mới cho sự phát triển của tỉnh.

Để thực hiện thắng lợi 25 chỉ tiêu chủ yếu năm 2022 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đặc biệt là chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 11,5% trở lên; các cấp, các ngành, các địa phương phải triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phục hồi và đẩy mạnh phát triển kinh tế, trọng tâm là tạo chuyển biến mạnh mẽ 4 lĩnh vực: Hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án; phát triển hạ tầng; cơ cấu lại và sử dụng hiệu quả nguồn lao động. Thường xuyên nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh và chủ động, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng doanh nghiệp, nhất là về thủ tục hành chính, mặt bằng sạch, thị trường đầu ra của sản phẩm, nguồn nhân lực, sự tin cậy và thân thiện của cán bộ, công chức và người dân,… nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm đang triển khai và chuẩn bị các điều kiện để khởi công một số dự án quy mô lớn, đặc biệt là các dự án công nghiệp, dịch vụ trong năm 2022.

Tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội và đời sống Nhân dân. Triển khai thực hiện tốt kế hoạch giáo dục - đào tạo trong điều kiện thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, bảo đảm hoàn thành chương trình năm học 2021-2022. Làm tốt công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống Nhân dân; quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định chính sách an sinh xã hội. Chuẩn bị chu đáo các điều kiện để nhân dân đón Tết, vui Xuân Nhâm Dần 2022 trong không khí vui tươi, đầm ấm, tiết kiệm, nghĩa tình.

Tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu, khu vực biên giới để chủ động phòng ngừa dịch COVID-19. Tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự ngay từ cơ sở; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật, đẩy lùi các tai, tệ nạn xã hội.

Tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của chính quyền các cấp theo hướng trọng tâm, trọng điểm, sáng tạo hơn, quyết liệt hơn, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, gắn với tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với những tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, để ngành, địa phương, đơn vị trì trệ, thực hiện nhiệm vụ kém hiệu quả và các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số, xã hội số. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, phấn đấu cải thiện mạnh mẽ các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp và vai trò, trách nhiệm của các đại biểu HĐND trước cử tri và Nhân dân trong tỉnh; tăng cường giữ mối liên hệ chặt chẽ giữa đại biểu dân cử với cử tri, kịp thời nắm bắt, phản ánh và đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết các kiến nghị, đề xuất chính đáng của cử tri; tăng cường hoạt động theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri.

Kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh đã kết thúc thành công tốt đẹp, đông đảo cử tri luôn tin tưởng, kỳ vọng Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động, đưa ra nhiều quyết sách sát, đúng, đưa tỉnh ta ngày càng phát triển, trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    370 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.289.390
    Trong năm: 978.344
    Trong tháng: 90.109
    Trong tuần: 23.519
    Trong ngày: 588
    Online: 47