Đó là ý kiến chỉ đạo, gợi mở của Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng trước phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 7. Bởi, mặc dù bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh trong những tháng đầu năm có nhiều gam màu sáng nhưng đó chỉ mới là kết quả của nửa chặng đường. Những tháng cuối năm là mùa của mưa bão, sạt lở, giá cả nguyên vật liệu còn phức tạp… khó khăn là rất lớn. Do đó, các đại biểu HĐND tỉnh cần nhận diện, phân tích đầy đủ hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Từ đó, đưa ra những giải pháp căn cơ, khả thi để tạo ra bứt phá, thực hiện các chỉ tiêu vượt mục tiêu đề ra, không thỏa mãn, không bằng lòng với hiện tại.

hực hiện đồng bộ giải pháp hỗ trợ, gỡ khó cho doanh nghiệp

Thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu đánh giá, bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm có nhiều gam màu sáng. Điển hình là, kinh tế tăng trưởng cao, tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 13,41%, đứng thứ 3 cả nước. Các lĩnh vực kinh tế tiếp tục có bước phát triển; nhiều chỉ tiêu quan trọng tăng khá cao so với cùng kỳ và kế hoạch cả năm, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 18,3%, dịch vụ tăng 7,8%, thuế sản phẩm tăng 36,06%. Thu ngân sách nhà nước gần đạt dự toán cả năm và tăng cao so với cùng kỳ. Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh cũng đã khởi công xây dựng, hoàn thành đưa vào hoạt động một số dự án quy mô lớn; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt khá so với kế hoạch và cao hơn cùng kỳ, trong nhóm các tỉnh, thành phố giải ngân nhanh nhất cả nước.

Các đại biểu thảo luận tại hội trường

Đại biểu Ngô Đình Hùng, Cục trưởng Cục thuế tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy nền kinh tế của tỉnh phục hồi và tăng trưởng cao. Ngành thuế bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp triển khai nhanh chóng, kịp thời, có hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp của Trung ương, của tỉnh trong thực hiện chính sách giảm các loại thuế để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi vươn lên phát triển. Những tháng còn lại của năm 2022, ngành thuế tiếp tục tập trung thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế; đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý thuế; tăng cường chuyển đổi số, công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế; quản lý và xử lý, thu hồi nợ đọng thuế, nhất là các khoản nợ đọng tiền thuê đất.

Đại biểu Cao Tiến Đoan - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phát biểu thảo luận 

Đại biểu Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đề nghị, HĐND tỉnh xem xét và quyết nghị để UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành quan tâm thực sự đến công tác giải phóng mặt bằng nhằm bảo đảm tiến độ, kịp thời giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư để thực hiện dự án. Bởi, đây là chìa khóa tháo mở để dự án thực hiện đúng tiến độ. Đồng thời, các địa phương có dự án, phải xác định rõ trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh, không để xảy ra tình trạng chậm khâu giải phóng mặt bằng, dẫn đến chậm tiến độ dự án, gây thiệt hại, uy tín cho nhà đầu tư.

Thảo luận tại hội trường, nhiều ý kiến đại biểu HĐND tỉnh cũng đề nghị, UBND tỉnh, các ngành chức năng kịp thời có phương án điều chỉnh giá nguyên vật liệu và thông báo giá định kỳ hàng tháng để doanh nghiệp nắm bắt thực hiện. Trong trường hợp có biến động mạnh, có thể điều chỉnh 2 lần/tháng để tránh rủi ro, thiệt hại cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần sớm có các biện pháp, vận dụng cơ chế, chính sách, kịp thời giải quyết khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

Quan tâm phát triển khu vực miền núi

Theo các đại biểu, tỉnh Thanh Hóa có 11 huyện miền núi, trong đó có 6 huyện thuộc các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, 95 xã và 127/181 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Do đó, tỉnh cần tiếp tục quan tâm ban hành các cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế - xã hội khu vực này. Đại biểu Nguyễn Xuân Hồng, Bí thư Huyện ủy Lang Chánh đề nghị, tỉnh sớm triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đẩy mạnh thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho khu vực miền núi, phát huy tiềm năng, lợi thế về khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng; văn hóa, phong tục tập quán để phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, hình thành và phát triển rừng gỗ lớn, các vùng chuyên canh cây trồng có năng suất, chất lượng cao, tạo ra những sản phẩm đặc trưng vùng miền có giá trị như các tỉnh miền núi phía Bắc.

Đại biểu Hà Văn Ca, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mường Lát đề nghị, HĐND tỉnh, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm đến tình trạng hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn tại các huyện miền núi, nhất là đối với huyện Mường Lát. Bên cạnh đó, từ khi thực hiện Nghị định số 116/2006 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, tỷ lệ học sinh trên địa bàn huyện đi học tăng, học sinh bỏ học giảm rõ rệt, chất lượng học tập được nâng lên. Tuy nhiên, ngày 4.6.2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 861 phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025; ngày 16.9.2021, Ủy ban Dân tộc ban hành ban hành Quyết định 612/QĐ-UBDT về việc phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, phạm vi, đối tượng thụ hưởng chính sách theo Quyết định 861 bị thu hẹp lại. Nếu các địa phương, các ngành không tuyên truyền, động viên tốt, thì dễ dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học, khó khăn trong việc huy động học sinh ra lớp, giảm tỷ lệ chuyên cần… ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục khu vực miền núi.

Quan tâm hơn nữa đến chất lượng giáo dục 

Những năm qua, chất lượng giáo dục mũi nhọn tỉnh Thanh Hóa luôn giữ vững trong tốp đầu cả nước, đặc biệt đã có học sinh tham gia đội tuyển Việt Nam dự Kỳ thi Olympic Toán học Quốc tế. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, thành tích, kết quả đạt được chủ yếu là khu vực đồng bằng; sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các khu vực, vừng miền trên địa bàn đang ngày càng lớn. 

Đại biểu Lê Thị Như Hoa - Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh phát biểu thảo luận 

Đại biểu Lê Thị Như Hoa - Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đề nghị, tỉnh quan tâm triển khai thực hiện đúng tiến độ các mục tiêu, nhiệm vụ trong Kế hoạch số 223/KH-UBND ngày 14.10.2021 về Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2021 - 2025, nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cho đội ngũ giáo viên mầm non, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà trường thực hiện nhiệm vụ, khi ban hành Nghị quyết về mức thu học phí, các khoản thu trong nhà trường, UBND tỉnh sớm chỉ đạo ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thu, chi, kế hoạch năm học, kế hoạch tập huấn chuyên môn, việc thuyên chuyển, điều động, tiếp nhận cán bộ, giáo viên (cấp tỉnh ban hành trong tháng 7, cấp huyện ban hành tháng 8, cấp trường trong tháng 9).

Còn đại biểu Lương Thị Lưu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Bát Mọt (Thường Xuân) cho rằng: Chính quyền các cấp cần tập trung huy động tối đa nguồn lực đầu tư cho công tác giáo dục khu vực đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa; ưu tiên tập trung đầu tư vốn triển khai Chương trình kiến cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên. Đồng thời, xây dựng các chương trình, dự án giáo dục cho vùng khó khăn, dân tộc, miền núi nhằm tăng cường cơ sở vật chất trường học theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, đặc biệt là hệ thống các phòng học chức năng, các phòng học bộ môn, đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học cho các trường. Cùng với đó, tiếp tục có chính sách đào tạo đội ngũ giáo viên là người DTTS có trình độ cả về sư phạm và kiến thức cho từng vùng, từng dân tộc. Xây dựng chế độ đãi ngộ và sử dụng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phù hợp với yêu cầu thực tiễn để họ yên tâm với nghề nghiệp, gắn bó với địa phương. Tiếp tục có chính sách thu hút giáo viên đến công tác tại các trường ở khu vực miền núi, khu vực biên giới, đặc biệt là giáo viên ngoại ngữ, tin học. Đồng thời, tăng quy mô huy động trẻ ra lớp ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bao DTTS, cũng như nghiên cứu phát triển mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh vùng DTTS và miền núi.

Toàn cảnh phiên thảo luận 

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Tiến Lam khẳng định, những ý kiến thảo luận đã bao quát nhiều vấn đề mà cử tri và Nhân dân quan tâm. Theo đó, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND đề nghị các vị đại biểu tiếp tục phát huy tinh thần, trách nhiệm, trí tuệ và tâm huyết của mình để kỳ họp thực sự đáp ứng mong đợi của cử tri.

Báo Đại biểu Nhân dân


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục

 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    370 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.284.557
    Trong năm: 980.430
    Trong tháng: 89.406
    Trong tuần: 21.599
    Trong ngày: 2.969
    Online: 49