Cử tri đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, sớm sửa đổi Luật Giao thông đường bộ; trong đó, bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe 4 bánh có gắn động cơ chạy bằng năng lượng điện; đồng thời, có quy định cụ thể về việc tổ chức lựa chọn đơn vị tham gia khai thác xe điện đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, bổ sung quy định đối với những trường hợp các công trình, dự án do Bộ Giao thông vận tải quản lý nằm trên địa bàn các tỉnh, khi cần phải triển khai đầu tư xây dựng ngay công trình, dự án phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; trong điều kiện các địa phương có thể tự huy động ngân sách và nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện thì cho phép các địa phương được triển khai đầu tư công trình, dự án trên địa bàn tỉnh thuộc trách nhiệm đầu tư của Bộ Giao thông vận tải.
Ngày 26/7/2022, Bộ Giao thông vận tải đã có Văn bản số 7556/BGTVT -PC về việc trả lời kiến nghị cử tri gửi đến trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, cụ thể như sau:
1. Về kiến nghị “Đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, sớm sửa đổi Luật Giao thông đường bộ; trong đó, bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe 4 bánh có gắn động cơ chạy bằng năng lượng điện; đồng thời, có quy định cụ thể về việc tổ chức lựa chọn đơn vị tham gia khai thác xe điện đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch".
Bộ Giao thông vận tải đồng thuận với nội dung kiến nghị của cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa; trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm 35 địa phương, tại Điều 76 dự thảo Luật Đường bộ đã đề xuất bổ sung quy định quản lý hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng xe bốn bánh có gắn động cơ, đồng thời giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể về thời gian, phạm vi hoạt động, trình tự, thủ tục cho phép hoạt động vận tải khách bằng xe bốn bánh có gắn động cơ trên địa bàn địa phương nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế về cơ sở hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông tại địa bàn địa phương, đảm bảo tính công bằng, minh bạch.
2. Về kiến nghị "Bổ sung quy định đổi với những trường hợp các công trình, dự án do Bộ Giao thông vận tải quản lý nằm trên địa bàn các tỉnh, khi cần phải triển khai đầu tư xây dựng ngay công trình, dự án phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; trong điều kiện các địa phương có thể tự huy động ngân sách và nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện thì cho phép các địa phương được triển khai đầu tư công trình, dự án trên địa bàn tỉnh thuộc trách nhiệm đầu tư của Bộ Giao thông vận tải".
Bộ Giao thông vận tải đồng thuận với nội dung kiến nghị của cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (khoản 4 Điều 9) thì việc sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư công trình, dự án thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Giao thông vận tải chưa thực hiện được.
Liên quan đến kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất bổ sung nội dung này vào dự thảo Luật Đường bộ để địa phương có thể chủ động huy động tối đa nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, theo đó quy định ngân sách địa phương được sử dụng để đầu tư, xây dụng, cải tạo, nâng cấp quốc lộ đi qua địa phương để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn giao thông của địa phương (khoản 3 Điều 43).
Trong quá trình xây dựng Luật Đường bộ, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định này để phù hợp với thực tiễn, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác quản lý vận tải, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông./.