Cử tri đề nghị tiếp tục quan tâm, bố trí ngân sách, các nguồn lực đầu tư để đảm bảo việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nhất là công tác phòng, chống xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em; xem xét nâng mức hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng cho nhóm đối tượng trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng, trẻ em khuyết tật, trẻ em bị nhiễm HIV.
Ngày 30/12/2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Văn bản số 5517/BLĐTBXH-VP về việc trả lời kiến nghị cử tri trước kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, cụ thể như sau:
1. Công tác chỉ đạo điều hành và giải quyết các vấn đề liên quan đến phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.
Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban quốc gia về trẻ em và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã ban hành các văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
- Bộ LĐTBXH đã phối hợp với các Bộ ngành, đoàn thể, các tổ chức quốc tế triển khai xây dựng các sản phẩm truyền thông mẫu về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em (PCTNTTTE) với hình thức đa dạng, phù hợp với các đối tượng đặc biệt ưu tiên cho trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em; phối hợp các bộ, ngành triển khai tập huấn, hướng dẫn kỹ năng PCTNTTTE, xây dựng và chuẩn hóa 04 bộ tài liệu dạy bởi an toàn, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước; ban hành tiêu chuẩn tiêu chí: Ngôi nhà an toàn, cộng đồng an toàn, trường học an toàn. Năm 2020, toàn quốc đã triển khai xây dựng đạt 6.000.000 hộ gia đình đạt tiêu chí Ngôi nhà an toàn PCTNTTTE, 26.200 trường học an toàn, 400 cộng đồng đạt tiêu chí cộng đồng an toàn; Nâng cao năng lực hỗ trợ cho cán bộ địa phương. Tăng cường công tác liên ngành, kiểm tra, giám sát và hình thành Mạng lưới phòng, chống đuối nước trẻ em.
2. Quan tâm, bố trí ngân sách, các nguồn lực đầu tư đảm bảo việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nhất là công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.
- Hàng năm, ngân sách nhà nước đã ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện các quyền của trẻ em thông qua các chính sách, chương trình, đề án và bố trí trong chi hoạt động thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương theo lĩnh vực và theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành. Ngân sách trung ương bảo đảm chi các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em do các Bộ, cơ quan trung ương thực hiện, chi thực hiện các chương trình mục tiêu, hỗ trợ có mục tiêu cho một số địa phương ngân sách khó khăn để thực hiện các chính sách, chế độ, đề án, chương trình về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Căn cứ khả năng ngân sách địa phương cùng với nguồn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cung cấp bố trí kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ, đề án, chương trình và hoạt động thường xuyên cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn trong các lĩnh vực sự nghiệp y tế, giáo dục, bảo đảm xã hội, văn hoá, thể thao và sự nghiệp khác.
Trong thời gian qua, Bộ LĐTBXH phối hợp với Bộ Tài chính và bộ, ngành liên quan hướng dẫn, phân bổ ngân sách thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em như sau:
- Trong giai đoạn 2016-2020, ngân sách cơ bản đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em, ngân sách trung ương và địa phương bố trí trung bình khoảng 15 nghìn tỷ/01 năm để chi thực hiện Luật Người khuyết tật, Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ về trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có trẻ em thuộc nhóm đối tượng hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật; phòng, chống tệ nạn mại dâm và phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới; bảo vệ, chăm sóc trẻ em và triển khai Dự án Phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội và triển khai thực hiện các chương trình, đề án về trẻ em. Ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho các tỉnh, thành phố (chưa tự bảo đảm thu - chi ngân sách nhà nước) để thực hiện Dự án Phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020 trên 200 tỷ đồng (tỉnh Thanh Hóa được hỗ trợ khoảng 09 tỷ đồng). Tỉnh Thanh Hóa là 1 trong 12 tỉnh/thành phố được lựa chọn là địa bàn triển khai Chương trình phòng, chống đuối nước trẻ em do Quỹ từ thiện Blommberg hỗ trợ thông qua tổ chức chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá, đơn vị vận động chính sách y tế toàn cầu (CTFK/GHAI); từ năm 2019 đến nay có 5 huyện, 17 xã của tỉnh Thanh Hóa triển khai dự án với tổng kinh phí hỗ trợ là 7,1 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2021-2025: Bên cạnh nguồn ngân sách trung ương bố trí thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ (thay thế Nghị định số 136/2013/NĐ-CP) và thực hiện Luật Người khuyết tật (trong đó có trẻ em khuyết tật), thì nguồn ngân sách trung ương bố trí để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong chương trình mục tiêu không còn; đồng thời ngân sách trung ương hỗ trợ mục tiêu cho các địa phương để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em được lồng ghép thực hiện trong các chương trình mục tiêu quốc gia (chỉ giao tổng kinh phí mà không chi tiết từng nội dung, nhiệm vụ chi; địa phương chủ động căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương để phân bố kinh phí thực hiện các nhiệm vụ được giao trong các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em).
Để tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho một số địa phương, trong thời gian tới, căn cứ ngân sách nhà nước giao thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cùng với nguồn ngân sách vận động thông qua một số tổ chức quốc tế, Bộ LĐTBXH sẽ phối hợp nghiên cứu, rà soát, hỗ trợ kinh phí một số địa phương trong việc triển khai mô hình về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trong đó tập trung mô hình phòng, chống xâm hại trẻ em và phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.
- Việc thực hiện chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng cho nhóm đối tượng trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng, trẻ em khuyết tật, trẻ em bị nhiễm HIV hiện đang thực hiện theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ (thay thế Nghị định số 136/2013/NĐ-CP)./.