Hầu hết các ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội đều khẳng định, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được cơ quan soạn thảo nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp để chỉnh lý, hoàn thiện - Ảnh: VGP/ĐH

Dự án Luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng

Thảo luận tại hội trường, với tâm huyết và tinh thần trách nhiệm, các đại biểu đã trao đổi thẳng thắn, cụ thể vào các điều khoản trong dự thảo Luật, các nội dung lớn mà cơ quan chủ trì soạn thảo xin ý kiến, đặc biệt là nội dung về tính rõ ràng, khả thi của các quy định để thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng về việc quản lý, sử dụng đất; tính đồng bộ, thống nhất với các luật khác; tính phù hợp, khả thi của quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các quy định về cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất; cơ chế xác định giá đất; cơ chế, chính sách tài chính đất đai nhằm đáp ứng yêu cầu giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa người sử dụng đất, Nhà nước và nhà đầu tư…

Hầu hết các ý kiến phát biểu đều khẳng định dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được cơ quan soạn thảo nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp để chỉnh lý, hoàn thiện.

Dự thảo đã thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 18-NQ/TW nhằm phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của tài nguyên đất đai trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai.

"Dự thảo Luật có nhiều điểm mới, đột phá và rất tiến bộ so với Luật Đất đai hiện hành, đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn đặt ra; dự Luật được cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đã tiếp thu tối đa các ý kiến tham gia hợp lý của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, các nhà khoa học, các cơ quan, đơn vị và ý kiến tham gia của các tầng lớp nhân dân.

Dự thảo đã có nhiều chỉnh lý, hoàn thiện hơn nhiều so với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV...", đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) nhận định.

Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến đại biểu, đây là dự án luật lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bao phủ rộng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, liên quan đến nhiều luật khác nhau nên tiếp tục cần nhiều thời gian nghiên cứu, bổ sung hoàn hoàn thiện, bảo đảm tính khả thi khi luật được ban hành và đi vào thực tiễn đời sống xã hội.

Tiếp tục bổ sung các chính sách liên quan đến đời sống người dân bị thu hồi đất

Chính sách thu hồi đất là một nội dung lớn nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội.

Một số ý kiến đánh giá dự thảo Luật lần này có nhiều bổ sung mới hợp lý, tiếp thu nhiều ý kiến tham gia của nhân dân, đại biểu Quốc hội đối với quy định về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Theo đó, Nhà nước xem xét hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất để tạo điều kiện cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản có việc làm, có thu nhập, ổn định đời sống, sản xuất.

Dự thảo Luật cũng quy định rõ khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời phải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi. Khu tái định cư có thể bố trí cho nhiều dự án.

Để chủ trương trên thực sự hiệu quả, khi đi vào cuộc sống, hạn chế thấp nhất việc phát sinh những khó khăn, đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) và một số đại biểu đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể khác, đảm bảo định lượng rõ hơn yếu tố "đảm bảo cuộc sống người dân bằng hoặc tốt hơn" sau khi bồi thường thu hồi đất.Cần tiếp tục quan tâm làm rõ, bổ sung, hoàn thiện các chính sách liên quan đến đời sống sinh kế người dân khi bị thu hồi đất.

Đề cập đến vấn đề về thẩm quyền thu hồi đất, đại biểu Trần Chí Cường đề nghị quy định theo hướng: Thủ tướng Chính phủ quyết định thu hồi đất quốc phòng, an ninh để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên cơ sở đề nghị của UBND cấp tỉnh và văn bản chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an bởi quy định như vậy sẽ đảm bảo tính đồng bộ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, đơn giản hóa việc tổ chức thực hiện.

Đối với quy định về thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An) cho rằng dự thảo Luật chưa có quy định về thu hồi đất do vi phạm pháp luật về môi trường. Do đó đề nghị rà soát, bổ sung quy định về thu hồi đất do vi phạm pháp luật về môi trường nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu bảo vệ môi trường hiện nay.

Đánh giá cao Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã tiếp thu khối lượng lớn ý kiến đóng góp, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) nhấn mạnh Điều 86 về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất có quy định, Nhà nước xem xét hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất để tạo điều kiện cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản có việc làm, có thu nhập, ổn định đời sống, sản xuất.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng để đánh giá cuộc sống tốt hơn không chỉ dựa vào thu nhập mà còn dựa trên nhiều tiêu chí, nên cần nghiên cứu rà soát để quy định một cách toàn diện hơn.

Bên cạnh đó, Điều 91 trong dự thảo luật có quy định về việc bồi thường đất khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Theo đó, có 4 cách bồi thường khi thu hồi đất nông nghiệp, bao gồm bồi thường bằng đất nông nghiệp hoặc bằng tiền, hoặc bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi, hoặc bằng nhà ở. Đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng cần có giải trình rõ hơn lý do bồi thường đất nông nghiệp bằng nhà ở.

Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đề nghị bổ sung các quy định để cụ thể về việc xử lý và biện pháp khắc phục hậu quả khi xảy ra sai phạm trong trường hợp người sử dụng đất vi phạm do cố tình khai báo không trung thực để hưởng chính sách tái định cư hoặc cơ quan thực hiện bồi thường, tái định cư để xảy ra sai phạm trong quá trình thực hiện bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở.

Cần quy định cụ thể, rõ ràng các trường hợp thu hồi đất

Đặc biệt quan tâm đến vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, phục vu mục đích quốc phòng, an ninh, vì lợi ích quốc gia, công cộng, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho đây là vấn đề cần thiết nhưng đề nghị cần tách bạch rõ ràng việc thu hồi đất phục vụ quốc phòng, an ninh, phục vụ an sinh xã hội, công cộng với thu hồi đất các dự án thương mại, khu đô thị mới.

Với các dự án này, nhà đầu tư phải có sự thỏa thuận với người dân sao cho phù hợp. Nhà nước không nên thu hồi đất với các dự án nhà ở thương mại. Đồng thời cần có quy định cụ thể để xác định thật rõ các trường hợp thu hồi đất.

Về bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đại biểu Phạm Văn Hoà đề nghị quy định về tái định cư cần làm rõ hơn là Nhà nước hỗ trợ tái định cư cần có chỗ ở tốt hơn nơi ở cũ, tuy nhiên đại biểu băn khoăn quy định như dự thảo thì “tốt hơn” là như thế nào thì vẫn chưa rõ ràng.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, nơi tái định cư phải bảo đảm hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đồng bộ theo quy hoạch chi tiết và có cấp thẩm quyền phê duyệt.

Đặc biệt, người tái định cư được quyền chọn chỗ ở trong cùng một địa bàn, cấp quận, cấp huyện; trước khi có quyết định phê duyệt thu hồi đất thì cần có khu tái định cư trước để người dân ổn định nơi ở.

Làm rõ hơn các phương pháp định giá đất và các hành vi bị cấm

Nội dung về phương pháp xác định giá đất là vấn đề mà cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chỉ đề cập đúng một câu về nội dung này và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) nêu rõ để dự thảo Luật này đảm bảo tính khả thi và có hiệu lực cao, đề nghị cơ quan soạn thảo nêu rõ các phương pháp định giá và các trường hợp áp dụng cụ thể…

Ngoài ra, về các hành vi bị nghiêm cấm, dự thảo Luật đang quy định hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến 2 chủ thể, gồm cơ quan quản lý Nhà nước và người sử dụng đất. Tuy nhiên, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng trong thực tế, có các chủ thể liên quan đến giao dịch đất đai, ví dụ như người chuyển nhượng đất, người môi giới đặc biệt.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng quy định nghiêm cấm đối với hành vi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đúng quy định pháp luật. Nhận định đây là hành vi mang tính thụ động, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ bày tỏ băn khoăn vậy hành vi chuyển quyền sử dụng đất không đúng quy định của pháp luật, mang tính chủ động thì có bị coi là hành vi vi phạm pháp luật bị nghiêm cấm không, bởi nếu như quy định dự thảo Luật thì trường hợp này không thuộc điều bị nghiêm cấm.

Bổ sung khái niệm về đất có di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh

Ở góc độ khác, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) nhìn nhận các di tích, di sản có giá trị vô cùng quý giá. Đây là những viên ngọc quý trong kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc cần được bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị.

Muốn vậy, việc quản lý và sử dụng đất di tích, di sản phải được thực hiện dựa trên hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất mà trước hết là Luật Đất đai. Tuy nhiên, trong Luật Đất đai hiện hành, loại đất này chưa được định danh, giải nghĩa riêng mà được xếp vào nhóm đất phi nông nghiệp.

Tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cũng không có định nghĩa về loại đất di tích, di sản và cũng không có quy định riêng về quy hoạch, kế hoạch sử dụng loại đất đặc thù này mà mới chỉ đặt ra yêu cầu bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Từ nhận định như trên, đại biểu đề nghị bổ sung vào Điều 3 về giải thích từ ngữ trong dự thảo Luật khái niệm về “đất có di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên”.

Bên cạnh đó, cần có quy định riêng về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với loại đất này. Việc quy hoạch sử dụng đất cần xác định rõ vùng lõi, vùng phụ cận lõi và vùng bao quanh bên ngoài di tích, di sản để có quy định chế độ bảo vệ di tích, di sản tích hợp lồng ghép trong việc quản lý và sử dụng loại đất này.

Ngoài ra, một số đại biểu cho rằng việc quản lý, sử dụng đất các nông, lâm trường; công tác quản lý diện tích đất, thu hồi từ các công ty nông, lâm nghiệp hiện nay còn nhiều bất cập, nhất là tại các vùng có người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần có những quy định cụ thể hơn trong Luật Đất đai (sửa đổi) lần này và các văn bản hướng dẫn để thi hành, có hướng giải quyết căn bản cho vấn đề này./.

Theo VGP News


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    518 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 4.070.558
    Trong năm: 1.303.399
    Trong tháng: 151.810
    Trong tuần: 39.447
    Trong ngày: 2.944
    Online: 88